Cái nết nhậu của Trung Trung Đỉnh trên đời chắc chỉ có độ vài người. Từ sáng tới trưa chỉ nói dăm bảy câu chẳng đâu vào đâu. Dẫn đi đâu, ông anh cũng không thắc mắc. Ngày ấy, tôi hay dắt các ông anh về nhậu tận Như Quỳnh, xuống chợ Đường Cái, vào Lạc Hồng quê vợ có khu Vườn Hồng vừa câu cá, vừa tán gái vừa nhậu.


ANH ĐỈNH

PHÙNG VĂN KHAI

Xin phép được gọi nhà văn Trung Trung Đỉnh như vậy mặc dù thời kỳ đầu, từ năm 1995 tôi đã gọi nhà văn là “bố”, song ông cứ “mày - tao” tới tận bây giờ. Tôi bèn theo gợi ý của nhà văn Đào Bá Đoàn, gọi “bố” bằng anh.

Cơ mà Trung Trung Đỉnh để ý quái gì sự xưng hô. Ngày đầu gặp đã vậy. Đó là một buổi chiều muộn, tôi khi ấy binh nhì khoác ba lô về Văn nghệ quân đội làm thủ tục đi trại viết Đồ Sơn, việc xong xuôi đang ngơ ngác tìm đường ra bến xe Long Biên về Như Quỳnh bỗng một ông trung tuổi râu ria tóc tai lờm chờm ăn mặc hơi luộm thuộm đặt tay lên vai tôi hất hàm bảo: “Lên xe tao đèo ra bến!” Tôi không nói không rằng đoán là xe ôm bắt khách lập tức quăng ba lô lên bảo cộc lốc hai chữ: “Long Biên!”. Ngồi sau xe mới thấy có khi mình bị hố không mặc cả trước vì cánh xe ôm Long Biên, Đồng Xuân vốn nổi tiếng bắt chẹt khách, có khi bị móc trắng túi nhưng cũng chưa biết xử trí ra sao thì ngài xe ôm phanh két cái không nhìn khách nói cộc lốc: “Xuống!” Tôi ngơ ngác chưa biết đầu cua tai nheo tiền bạc ra sao, gã xe ôm đã phóng vèo đi. Tôi lẩm bẩm “Đồ điên!” rồi lập tức tìm xe về quê ở Như Quỳnh - Văn Lâm - Hưng Yên.

Ba hôm sau, tôi mới biết đó là nhà văn Trung Trung Đỉnh.

Trại viết ấy, tôi được gặp toàn “khủng long”: Lê Lựu, Chu Lai, Khuất Quang Thụy, Vương Trọng, Nguyễn Đức Mậu, Nguyễn Trí Huân, Nguyễn Bảo, Lê Thành Nghị… Trại viết do nhà văn Lê Lựu làm trại trưởng suốt ngày chỉ ưa thích đọc văn của Trần Thanh Hà, Như Bình xinh đẹp còn cỡ Sương Nguyệt Minh, Nguyễn Hữu Quý, Đỗ Quý Bông lìu tìu không ai để mắt đến, huống hồ binh nhất Phùng Văn Khai viết câu văn chưa sạch chính tả? Lê Lựu mắng: “Cậu đi chỗ khác chơi, còn trẻ viết sau, văn chương gì”. Tôi tuy ấm ức nhưng thân phận thấp kém lại không có nhan sắc chỉ biết nhẫn nhịn cho xong. Quả nhiên sau này, các anh chị kia viết văn tới tấp, giải thưởng lớn nhỏ, lên mặt báo nói năng hoạt bát đâu đấy, còn tôi cặm cụi mãi cũng thành nhà văn.

Công này một phần nhờ Trung Trung Đỉnh.

Tôi chưa một lần được anh Đỉnh giảng dạy phải viết thế này, thế kia. Chỉ bảo mày nhậu được đấy! Đi nhậu với tao! Cứ như thế, mỗi lần tôi khi ấy là phóng viên Truyền hình Quân đội tí tởn sang Văn nghệ quân đội lấy bản thảo về giới thiệu trên truyền hình, anh Đỉnh, anh Minh lại rủ đi nhậu. Các ông anh toàn bàn chuyện trai gái tịnh không bao giờ nhắc đến viết lách gì. Thi thoảng tôi gửi truyện mấy tuần sau các ông anh vứt toạch cuốn tạp chí trước mặt bảo “in rồi!” tuyệt không bàn hay dở được mất gì. Tôi cũng mặc kệ nghĩ chắc mình viết hay hơn hai ông anh chăng, bởi có thấy các ngài ấy in ấn trên tạp chí đâu? Kể cả đến khi tôi được giải thưởng, các ông anh cũng nói gọn lỏn “mày được giải” rồi lại đi nhậu, lại bàn chuyện trai gái chứ tuyệt không nhắc gì tới văn chương.

Cái nết nhậu của Trung Trung Đỉnh trên đời chắc chỉ có độ vài người. Từ sáng tới trưa chỉ nói dăm bảy câu chẳng đâu vào đâu. Dẫn đi đâu, ông anh cũng không thắc mắc. Ngày ấy, tôi hay dắt các ông anh về nhậu tận Như Quỳnh, xuống chợ Đường Cái, vào Lạc Hồng quê vợ có khu Vườn Hồng vừa câu cá, vừa tán gái vừa nhậu. Lại có anh Bôn làm giám đốc rất mê văn chương sẵn sàng hầu hạ cả ngày. Khi có họa sĩ Văn Sáng với biệt tài câu cá giật lên con nào anh Đỉnh bảo anh Bôn sai nữ nhân viên rán ngay đánh nhắm. Có hôm mưa không buồn về lại kéo nhau lên nhà sàn qua đêm. Cũng chẳng bao giờ bàn tới chuyện văn chương.

Một hôm, tôi dẫn nhà văn Lê Lựu cùng hai ông anh Trung Trung Đỉnh, Sương Nguyệt Minh về phỏng vấn Chủ tịch thị trấn Như Quỳnh Đào Văn Chiến. Bốn ông lính chiến quần nhau suốt buổi sáng. Lê Lựu khi đó vừa khởi hành Trung tâm Văn hóa Doanh nhân Việt Nam, đi đâu toàn bàn chuyện kinh tế cứ như dựng xây đất nước xong đến nơi khoát tay chỉ mênh mông ra đồng bảo chỗ này cho doanh nghiệp ô tô, chỗ kia doanh nghiệp thép, chỗ xa kia bọn bao bì, phải ưu tiên bọn LG… Tôi thấy anh Minh, anh Đỉnh trợn tròn mắt phục họ Lê quá chừng. Lạ cái, Chủ tịch Đào Văn Chiến luôn bảo “đúng, đúng!” Sau đúng thật mới kinh! Các tập đoàn lớn như thép Hòa Phát, điện tử LG, Điện cơ, Bao bì… trên ba mươi công ty lớn nhỏ về đứng chân trên mảnh đất lành Như Quỳnh thu nộp ngân sách luôn đứng đầu tỉnh, quan chức đến ầm ầm. Quả Lê Lựu có tài tiên tri còn biết kích cầu doanh nghiệp. Cỡ như tôi, Tết đến không hiểu sao cũng có doanh nghiệp xách túi quà biếu thập thò nơi cổng oai oách lắm.

Còn Trung Trung Đỉnh thì sao?

Ông anh vẫn phải cày cuốc nuôi thân, vừa viết tiểu thuyết vừa viết phim còn suốt ngày đi nhậu những trận kinh thiên động địa với “thuồng luồng” Phạm Ngọc Tiến, “Xuân tóc đỏ” Quốc Trọng, “lão quái” Trần Ninh Hồ… và các nàng đủ mọi lứa tuổi, ngành nghề xuyên ngày đêm năm tháng.

Dạo này, ông anh đã rời khỏi Văn nghệ quân đội sang đương chức Phó tổng Biên tập báo Văn nghệ thì cánh Nguyễn Chí Hoan, Lương Ngọc An suốt ngày áp tải trên bến dưới thuyền. Tôi chưa thấy anh Đỉnh làm việc bao giờ nhưng dạo ấy báo Văn nghệ có vẻ phất lên, có lẽ nào do sự thoáng đãng mời gọi của ông anh mà nên cơ ngũ? Mãi sau, có lúc báo bị sụt, có vẻ nhiều người lại nhắc tới ông anh, còn tôi biết chắc sự lên xuống của báo chẳng có gì liên quan tới ông anh cả.

Đến đận Trung Trung Đỉnh về làm giám đốc Nhà xuất bản Hội Nhà văn mới thực sự sát sườn với cơm áo gạo tiền của cơ quan. Tức là ông giám đốc phải lo lương bổng cho cán bộ nhân viên. Ông anh làm việc cật lực, quần quật cũng như uống rượu vậy. Suốt ngày hơi men. Mặt lúc nào cũng đỏ. Mắt lúc nào cũng sáng rực. Mồm mép thao thao bất tuyệt hơn trước nhiều bởi còn phải lôi kéo các nhà sách tới liên kết để mưu sinh. Khi ấy, tôi vừa thành lập Nhà sách Như Quỳnh in ấn bạt mạng, tháng nào cũng ngót chục đầu sách nhất nhất đưa sang ông anh xin giấy phép. Mãi sau, sách in chất đống, tồn kho cả tỷ đồng phải đem cho khắp nơi, nhìn bề ngoài ai cũng đánh giá tôi chắc là giàu có, hào sảng lắm! Nào mấy ai biết tới nông nỗi bên trong? Điều này ông anh Trung Trung Đỉnh càng không bao giờ biết.

Rồi đột ngột Trung Trung Đỉnh tuyên bố bỏ rượu. Ông anh lâm trọng bệnh. Mặt mũi lúc nào cũng ngơ ngác như thằng mất của. Bọn tôi biết ông anh nhớ rượu, thèm đàn em nên hễ có thời gian là tay xách nách mang rượu ngon, đồ nhắm vào thẳng phòng ông anh ngồi lai rai bàn thế sự.

Quả là ở hiền gặp lành, ông anh được ông trời ưu ái. Sau ca đại phẫu thay thận bỗng khỏe mạnh hồng hào trở lại, đồng thời tính nết y sì như trước. Buông bỏ chức giám đốc dễ như vứt đi chiếc chìa khóa hỏng, ông anh lại ít nói như xưa, mắt lúc nào cũng hết gườm gườm lại thờ thẫn. Có tý chút sức lực ai rủ đi đâu cũng đi, đám ma đám cưới chăm chỉ lắm, lại còn ra sách nhịp nhàng, viết văn như voi ăn chuối, buổi ra mắt sách nào các nàng xanh đỏ cũng vây lấy cứ như sắp đoạt giải Nobel đến nơi. Hỏi gì cũng bảo hỏi Đào Bá Đoàn. Cũng may có họ Đào tháp tùng hầu hạ. Ông trời cũng có mắt chăng?

Thấm thoắt một phần tư thế kỷ tôi được gần gũi ông anh mới thấy mình đã học nghề từ anh tự lúc nào. Cái sự cần cù chịu thương chịu khó thì rõ rồi. Cái sự nhậu thâu đêm suốt sáng cũng đã đuổi kịp ông anh từ lâu. Nếu phải chạy đua bằng đầu sách cũng không hề thua kém phải không anh? Còn như sự nổi tiếng, em cứ nhận rằng năm mươi năm mươi cho khiêm tốn kẻo lại bảo trẻ bắt nạt già anh nhỉ?

Cơ mà trong sâu thẳm tôi biết ông anh vẫn dõi theo từng bước chân tôi dù không nói một lời. Chưa bao giờ tôi thấy ông anh chê bai gì như ngày xưa Lê Lựu chê tôi. Khen lại càng không mặc dù Lê Lựu từng lên mặt báo khen tôi ríu rít. Tôi còn biết chuyện lạ đời rằng Lê Lựu bắt nhân viên đọc văn của tôi cho ông nghe trước khi đi ngủ. Cứ tưởng Lựu ta nhắm mắt ngủ rồi vì đã ngáy ò ò, song cô bé xinh đẹp chỉ hơi dừng, Lựu lại mở mắt thao láo bảo “đọc tiếp, đọc tiếp”. Sau Lê Lựu còn định thâu vào băng cát-sét để nghe cho thỏa thích đêm hôm. Tất nhiên, đó là cuốn sách trên một trăm trang tôi viết về Lê Lựu.

Còn anh Đỉnh dạo này ra sao?

Ông anh không chỉ khỏe ra mà còn tung tăng hơn trước. Hôm rồi, khi nhà thơ Nguyễn Thị Hồng Ngát mời tới dự ra mắt sách của chị cứ tưởng mình đến sớm nửa tiếng, hớn hở vác lẵng hoa to tướng lên tặng đã thấy ông anh lừng khừng ở đó rồi. Mấy anh chị em chụp chung cái ảnh mà Đỉnh ta có vẻ khoái khi chụp chung với phụ nữ, vẻ mặt hất lên, tay chống nạnh như thứ trưởng, bộ trưởng vừa ký kết ở đâu về.

Anh Đỉnh, quả tình cánh nhà văn đàn em chúng tôi, nhất là mấy anh em ở Văn nghệ quân đội không một cuộc nhậu nào không nhắc tới anh, bàn về anh, noi gương anh từ viết lách tới cung cách sống. Chúng tôi biết anh đã đạt đạo theo cách của riêng mình. Đó chính là đạo lý làm người có trên có dưới, có trước có sau, biết sống ẩn nhẫn thiệt thòi mà làm nên sự nghiệp. Anh như con trâu kéo cày, cả đời chăm chỉ không biết mệt mỏi, ngay cả lúc lên bàn mổ anh vẫn an nhiên. Rồi anh rời bàn mổ lại nguyên sừng nhập vào cuộc đời sôi động theo cách của riêng mình.