Trong bài “Ngày tôi 16 tuổi” in trên báo Mực Tím số ra ngày 24/7/1990, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn thổ lộ: “Trên tất cả mọi nụ cười, dưới sâu thẳm mọi niềm vui, tôi chỉ là một kẻ bi quan. Một thứ người ngợm bi quan trẻ tuổi”.

 

NGÀY TÔI 16 TUỔI

TRỊNH CÔNG SƠN

Ba tôi mất năm tôi mười sáu tuổi. Tôi còn nhớ rõ cái đêm hôm ấy và cả những ngày tháng buồn thảm tiếp theo.

Chỗ nằm cuối cùng của ba tôi ở núi Ngự Bình, Huế. Sau đám tang tôi và má tôi thay nhau tụng kinh suốt ngày đêm bên bàn thờ. Trong gia đình đang vui nhộn bỗng không còn những tiếng cười nói hồn nhiên. Cả bầy em còn nhỏ, đi đứng trong nhà, cũng cố gắng không gây thêm tiếng động.

Có lẽ biến cố lớn nhất trong đời người, khi vừa lớn lên, là cái chết của một người thân. Nhất là một cái chết đột ngột, không dự báo.

Vào thời gian đó, tất cả thành viên của gia đình tôi còn quá trẻ. Người mất đi chỉ vừa mới bốn mươi tuổi. Cả một khối nguyên vẹn bỗng như muốn rã tan.

Mười sáu tuổi, tôi buộc phải làm quen với một bài học nặng nề nhất của một đời người: cái chết. Chính vào lúc đó tôi đã tự dẫn mình vào con đường gồ ghề của những suy tưởng triết học. Do không được hướng dẫn một cách bình thường, tôi đã mình tìm đọc bất kể loại sách nào đề cập đến con người và số phận của nó.

Với nỗi buồn đang có, tôi cố tìm quên trong rừng chữ phức tạp và khó hiểu đó bằng một nỗi đam mê mù mịt. Tôi nghiền ngẫm như một kẻ mù, cả những cuốn sách dày cộm ngoài khả năng mình như L’être et Le Tempe” (Heidegger) hoặc L’être et le Neant” (Sartre). Bên cạnh đời sống sách vở đó, trong những thời gian rảnh rỗi, như để tìm một thứ cân bằng đối lập, tôi tập tạ, Vovinam, Boxing... và dĩ nhiên tôi cũng không quên đàn hát.

Không hiểu có sự khác biệt nào ở tuổi mười sáu của thế hệ tôi với tuổi mười sáu ở cuối thế kỉ này?

Sau những tháng hè tang tóc đó, tôi trở lại Sài Gòn. Mười sáu tuổi, không hiểu để chạy trốn nỗi ám ảnh sầu buồn kia hay vì một động cơ nào khác, tôi đã tự thu xếp một cuộc sống xa gia đình. Má tôi bằng lòng vì nghĩ rằng xa nhà tôi sẽ có dịp quên bớt đi cái không khí phiền muộn nặng trĩu trên đời sống tinh thần và tình cảm của tôi.



Mười sáu tuổi, tôi đã tự lo lấy nơi ăn chốn ở của mình. Tự quyết định lấy công việc học hành, thi cử. Gia đình chỉ có việc chu cấp tiền hàng tháng và đó cũng là việc duy nhất mà bản thân mình chưa tự lo được.

Một thân một mình đi vào cuộc sống nhưng dường như tôi không lo âu. Trong tôi thường trực có mặt một thứ gần như tôn giáo để định hướng cuộc sống: đó là những giá trị tinh thần gần như tuyệt đối.

Với những người bạn cùng tuổi, tôi có vẻ gần gũi với nỗi cô đơn hơn. Một thứ cô đơn bẩm sinh hoặc bất nguồn từ một thứ ý chí yếu đuối, tôi cũng không rõ. Chỉ biết rằng sau cái chết của ba tôi, xu hướng nghiêng về nỗi buồn, sự bất hạnh chiếm ưu thế trong những suy nghĩ của tôi về thân phận con người. Trên tất cả mọi nụ cười, dưới sâu thẳm mọi niềm vui, tôi chỉ là một kẻ bi quan. Một thứ người ngợm bi quan trẻ tuổi.

Tuổi mười sáu, tôi chưa hề biết và cũng chưa dám yêu. Nếu có bâng khuâng đôi khi thì đó chắc cũng chỉ là những nỗi nhớ nhung vụng trộm trước những nhan sắc của đời hoặc những rung động đầy tôn kính trước những vẻ đẹp của một thế giới hồng nhan mộng mị còn quá xa vời mà thôi. Hình như cũng đã bắt chước có một vài lá thư vụng về, những cơn địa chấn tình cảm không đi về đâu, không đến đâu. Đã xa rồi, tôi không còn nhớ. Tôi không nuối tiếc cũng không tự dày vò bởi tôi nhớ rõ vào tuổi ấy, không hiểu từ đâu, có một nhà luân lý học luôn luôn có mặt ở trong tôi và nhắc nhở canh chừng tôi.

Từ cái điểm khởi đầu như thế, tôi đã dấn thân vào những cuộc phiêu lưu đơn độc, khi thì ở rừng này, khi thì ở một thị trấn hoang vu nọ. Tôi đã đi qua hết thời tuổi trẻ của mình như một Don Quichotte đạo hạnh nhưng đầy bi quan yếm thế với lưỡi kiếm “giá trị tinh thần” trên tay và ngọn lửa “bất hạnh” trong tim. Một tuổi trẻ mang tinh thần của Schopenhauer và của Dostoievsky.

Chỉ là một thời phiêu lãng hồn nhiên. Một thứ tuổi mười sáu không bao giờ còn có lại và đầy thương mến.

Có một điều cho đến bây giờ vẫn không thay đổi trong tôi: Tôi vẫn chờ cái ngày rực rỡ phi thường của những giá trị tinh thần được khôi phục lại với đầy đủ uy thế của nó giữa dòng đời tục lụy này".

Tháng 7 – 1990.

 

 

Nguồn: Báo Mực Tím số 22, ra ngày 24/7/1990.