Nhà báo Lê Huyền Ái Mỹ - cựu Tổng Biên tập báo Phụ Nữ TPHCM, vốn là một cây bút chuyên trách mảng sân khấu, cho rằng: “tai họa giáng xuống cái danh nghệ sĩ bằng hành vi được cho là vô cảm, đành ngoảnh mặt, quên đi những 6 tháng nguồn đóng góp cho bà con nghèo trong cơn thắt ngặt, đói kém thì chẳng có “định mệnh” nào sất”.

 

Sự tổn thương của nghệ sĩ Thành Lộc

LÊ HUYẾN ÁI MỸ

 

Sáng, tự dưng Facebook trôi qua một video nghệ sĩ Thành Lộc nói về “sự bất công, nghịch lý” giữa một bên là nghệ sĩ “đổ mồ hôi mẹ mồ hôi con” để biểu diễn trên sân khấu, phục vụ mấy trăm khán giả trực tiếp; hay một số chuyên gia mang lấy tri thức, kinh nghiệm của mấy mươi năm nghiên cứu để nói chuyện với khán giả truyền hình nhưng có mấy ai mở kênh xem, nghe và khoản thù lao cho họ chỉ mấy trăm ngàn. Và một bên, cũng là nghệ sĩ, sức diễn trung bình nhưng ngồi vào mấy gameshow, làm giám khảo rồi chỉ cần bật cười theo cái sự hết sức “vô duyên” hay vuốt ve nhau “em làm tôi nổi hết cả da gà”, là ẵm luôn mấy chục triệu.

Và điều đó khiến nghệ sĩ Thành Lộc tự cảm thấy “bị tổn thương”.

Nghệ sĩ Thành Lộc không gọi tên nghệ sĩ nào, giám khảo nào hay chương trình gameshow nào (thì ai nấy cũng đủ hiểu). Và chủ đích ông cũng chả phải để làm điều đó. Nhưng sự đau đáu, đau đớn trong con người nghệ sĩ ấy là rất thật. Nó không còn là nỗi hồ nghi, sự hoang mang mà cái thực tế ấy, nó vả vào mặt tất cả những ai còn chút mộng mơ, còn chút lương tri mà khắc khoải, chờ trông thứ ánh sáng còn lại, cuối cùng nơi “thánh đường nghệ thuật”.

Thách thức danh hài, mà “danh hài” là ai?

Là người chuyên chọc cười bằng các động tác kèm từ ngữ thô tục, tôi nhớ một tiểu phẩm hài của T.G trước khán giả nữ, nhân vật tự nhận mình là người yêu cũ của Hồ Ngọc Hà. Anh lấy chiều cao của mình đứng tới… đâu của cô ca sĩ -người mẫu này, rồi cứ thế mà bông đùa, cợt ghẹo.

Là người quăng bắt nhiệt tình với hai nữ nghệ sĩ gạo cội trong một tiểu phẩm hài mà người xem vừa thấy ngượng cho cái danh từ “nghệ sĩ” vừa tức giận bởi trò lố, thô thiển khi cả ba cùng thản nhiên “bụm”, “thảy” theo điệu nhảy của Michael Jackson. Một nghệ sĩ hỏi, ông Mai cồ còn có thứ để bụm, chơ bà có gì để bụm mà làm quá vậy? Nghệ sĩ kia đáp: tui đâu bụm mà nhảy quá tui sợ rớt nên… hứng! Thế là ngặt nghẽo, bỡn trò với nhau.

Rõ là họ có tài, rất có tài nữa là đằng khác, ở những mảng miếng, sàn diễn khác.

Cụ Nguyễn Du đã nhắn “Có tài mà cậy chi tài. Chữ tài liền với chữ tai một vần”. Là cụ nói phận Kiều. Chữ tai kia, là tai họa đổ xuống chữ tài của đời Kiều như số mệnh. Mà tai họa ấy, lại xuất phát từ hành động đứng ra bán mình để chuộc cha, đành phụ tình đặng báo hiếu.

Chứ tai họa giáng xuống cái danh nghệ sĩ bằng hành vi được cho là vô cảm, đành ngoảnh mặt, quên đi những 6 tháng nguồn đóng góp cho bà con nghèo trong cơn thắt ngặt, đói kém thì chẳng có “định mệnh” nào sất. Nó là hành vi, hành vi ấy tạo nghiệp lực, có xây hàng trăm gian thờ, đúc hàng ngàn tượng Phật mà làm ngơ trên nỗi đau của chúng sinh thì cái tưởng cầu phúc lại chính là gieo họa.

Cho nên, trong cơn cuồn cuộn ba đào vừa trải, cũng chí ít để chính người trong cuộc, từ nghệ sĩ đến khán giả một lần nữa gạn đục mà khơi trong, để phần nào công bằng hơn, thuận lý hơn với những người nghệ sĩ như Thành Lộc. Để cuối cùng, là ai thì cũng bớt làm tổn thương nhau bởi những trò hề rẻ tiền hay những tiếng chửi bạt vía.

 

Nguồn: Facebook Lê Huyền Ái Mỹ