Nhà báo Nguyễn Đức Hiển - Phó Tổng Biên tập báo Pháp Luật TPHCM phân tích scandal từ thiện của danh hài Hoài Linh: “Bỏ qua những quy kết ác ý, thì cần thấy rằng lỗi này đầu tiên và chủ yếu do Hoài Linh, và rất khó để bênh vực. Dư luận có quyền đòi hỏi Hoài Linh nghiêm túc xin lỗi về trải nghiệm không đáng có này”.

 

HOÀI LINH: KHÔNG ĂN CHẶN THÌ CŨNG RẤT SAI

 

NGUYỄN ĐỨC HIỂN

 

Số tiền lớn hàng chục tỷ đồng và sự nổi tiếng của Hoài Linh đã đặt anh vào sự giám sát đặc biệt của công chúng. Hoài Linh phải ý thức rõ điều đó!

Bỏ qua những quy kết ác ý, thì cần thấy rằng lỗi này đầu tiên và chủ yếu do Hoài Linh và rất khó để bênh vực. Dư luận có quyền đòi hỏi Hoài Linh nghiêm túc xin lỗi về trải nghiệm không đáng có này.

 

Hoài Linh có “vô ý vì quá tự tin”?

Hoài Linh có gây thiệt hại không, khi mà tổng số tiền huy động đã được anh công khai; trong video clip gần nhất, thậm chí anh còn thông báo số tiền thực tế lớn hơn số tiền công bố trước đó?

Thiệt hại vật chất tính bằng tiền, có thể là không. Tuy nhiên thiệt hại do giảm hiệu quả, ý nghĩa trợ giúp thì rõ. Hoài Linh đưa ra lời kêu gọi vào tối 20/10/2020 trong đó cho biết anh nhận quyên góp thông qua tài khoản cá nhân. Nội dung: "Cần lắm những bàn tay góp sức miền Trung lúc ngặt này. Tôi kêu gọi anh, chị, em quen thân mỗi người góp một tay. Tôi chỉ xin lúc ngặt chứ không xin lúc nghèo. Quý vị nào ủng hộ thì gửi vào tài khoản Linh nhé. Vui lòng ghi ủng hộ miền Trung".

Với thông báo “chỉ xin lúc ngặt”, với tình hình thiếu thốn màn trời chiếu đất của bà con miền Trung khi đó, Hoài Linh chắc chắn hiểu và khiến dư luận hiểu đây không phải trợ giúp người nghèo bình thường, mà là cứu trợ khẩn cấp cho đồng bào vừa bị thiên tai. Sự nổi tiếng của anh cộng với tình cảm đùm bọc đã khiến những nhà hảo tâm và người hâm mộ gửi tiền về. Không tổ chức cứu trợ ngay là đã vi phạm cam kết.

Việc không báo lại ngay sau đó, là coi thường tình cảm và tiền bạc của người khác. Còn nếu anh nghĩ miễn mình không biển thủ số tiền này, thì mình có quyền cứ trao khi nào tiện, thì anh đang ngạo mạn. Bất luận thế nào, điều này hoàn toàn không chấp nhận được.

Trong thuật ngữ pháp lý, có loại lỗi “vô ý vì quá tự tin’. Thế nhưng có những tình huống pháp lý mà mọi sai phạm luôn luôn là lỗi cố ý. Ở đây Hoài Linh chủ động kêu gọi, chủ động cam kết và lại vi phạm, rất khó để nói rằng anh đã vô ý.

Lòng trắc ẩn cũng cần tỉnh táo

Tài năng diễn xuất của một nghệ sĩ là điều tiên quyết để nghệ sĩ có công chúng. Trong quyên góp từ thiện, uy tín xã hội có được từ tài năng và sự nổi tiếng sẽ là một ưu thế. Cũng vì điều này nhiều người đã gửi tiền từ thiện cho người nổi tiếng một cách dễ dàng mà thiếu đi những đòi hỏi, giám sát.

Về phía Hoài Linh, anh đã không hề đưa ra một lộ trình tiền trạm, khảo sát, kế hoạch đi trao quà cứu trợ (loại hàng hóa, địa phương, số lượng, đối tượng…). Chính điều này khiến Hoài Linh không lường trước được những phức tạp của việc quản lý sử dụng tiền từ thiện với số lượng lớn. Anh có thể đã lúng túng, chần chừ để thời điểm ngặt nhất, cần nhất qua đi. Đó là cái sai thứ nhất.

Sau khi việc “giúp ngặt” đã không còn cơ hội, Hoài Linh nói định sử dụng số tiền đó để hỗ trợ bình ổn. Cái sai thứ hai bắt đầu từ đây, khi anh không hề thông báo việc thay đổi mục đích sử dụng tiền từ thiện.

Và suốt 7 tháng, dân chúng cũng không hề thắc mắc điều này. Sự dễ dãi ấy góp phần làm cho Hoài Linh thêm dễ dãi với bản thân. Và hệ quả của nó tới giờ, thực sự là anh đã coi thường tình cảm và tài sản của họ.

Phải thấy rằng lời kêu gọi của Hoài Linh với nội dung “giúp ngặt chứ không giúp nghèo”, trong bối cảnh lũ lụt hoành hành, đã khiến dư luận hiểu rằng đây là một lời kêu gọi với mục đích cứu trợ khẩn cấp. Điều đó theo luật dân sự là đã xác lập một cam kết.

Đồng bào miền Trung cần trợ giúp, nhưng để hỗ trợ đồng bào, Hoài Linh cũng cần trợ giúp nếu anh không tự mình tổ chức nổi các đợt cứu trợ khẩn cấp. Thế nhưng anh đã không làm, dẫn đến vi phạm cam kết.

Nên kêu gọi và đóng góp từ thiện như thế nào?

Khi một trong hai bên không tôn trọng những cam kết, nó sẽ ảnh hưởng niềm tin của xã hội và gây khó khăn cho những cuộc kêu gọi tương trợ khác. Vì thế cả hai phía vận động và tham gia đóng góp, nên rõ ràng, minh bạch

• Về phía người vận động, quyên góp:

-​Nêu rõ ràng hoàn cảnh, lý do vận động; Chịu trách nhiệm cá nhân về việc sử dụng tiền, hiện vật quyên góp được đúng đối tượng, thời gian, mục đích.

-​Công khai tiến độ, số lượng, tên và số tiền đóng góp của từng người, liệt kê đầy đủ, với những người không muốn nêu tên thì có thể giấu tên, nhưng phải minh bạch số tiền.

-​Nêu phương án sử dụng tiền quyên góp ngay khi kêu gọi để những nhà hảo tâm có thể chọn lựa đồng ý đóng góp hay không

-​Dự trù số tiền cần quyên góp và thời gian vận động và dừng lại khi đã đạt mục tiêu hỗ trợ

-​Không sử dụng tiền hỗ trợ cho các chi phí hậu cần phục vụ di chuyển, khảo sát, trao quà trừ trường hợp có thoả thuận trước với người đóng góp hoặc được tài trợ chi phí

-​Phản hồi về hiệu quả của sự giúp đỡ. Ví dụ: bệnh nhân đã được chữa trị; người bị sập nhà đã được xây

- Cám ơn những người đã đóng góp: Trong mọi trường hợp, cần nhớ rằng mình chịu trách nhiệm và nợ ân tình của những người đóng góp. Vì chính họ đã giúp mình có điều kiện giúp đỡ người khác.

• Về phía người đóng góp từ thiện

-​Suy nghĩ thật kỹ về mục tiêu đóng góp, không vì thấy tội nghiệp, thấy thương một cách cảm tính mà gửi tiền số lượng lớn

-​Chỉ gửi tiền khi biết rõ thông tin về người kêu gọi và cách thức, thời gian hỗ trợ và đồng ý với điều đó.

-​Hãy kiểm tra để chắc chắn rằng tiền của bạn đã được gửi đến nơi cần nó

-​Có thể góp ý về kế hoạch, cách thức hỗ trợ

-​Đề nghị người kêu gọi từ thiện phản hồi về hiệu quả của sự hỗ trợ

Trong mọi trường hợp, nhớ rằng việc kêu gọi từ thiện là một cam kết. Và bạn có quyền yêu cầu người kêu gọi thực hiện đúng những điều đã cam kêt.

 

 

Nguồn: Facebook Nguyễn Đức Hiển