Điểm khác biệt ở anh là niềm kiêu hãnh được “làm người”. Anh tìm thấy niềm vui, niềm hạnh phúc lớn lao của đời người trong hoạt động “sáng tạo và giao lưu”. Bằng hoạt động “sáng tạo và giao lưu” trong thế giới văn hóa, anh tự vẽ cho mình một bức chân dung tinh thần rất riêng.
PHẠM VĨNH CƯ VÀ NIỀM KIÊU HÃNH “LÀM NGƯỜI”
(Bài viết cho Tọa đàm về nhà giáo, nhà nghiên cứu, dịch giả Phạm Vĩnh Cư)
LÃ NGUYÊN
Phạm Vĩnh Cư hơn tôi năm tuổi: anh Nhâm Ngọ, tôi Đinh Hợi. Chẳng phải “tam hợp”, “lục hợp” gì, dẫu không được càn khôn định sẵn cái “duyên”, vậy mà tôi và anh gặp nhau là thành thân thiết. Trong lời đề tặng những cuốn sách dành cho tôi, anh thường gọi tôi là “người bạn rất quý”. Tôi xem anh là người bạn lớn và yêu mến, kính trọng anh như bậc huynh trưởng.
Thực ra, tôi biết anh Phạm Vĩnh Cư khá muộn, thoạt đầu chỉ là nghe tiếng, là “văn kỳ thanh”. Ngoảnh đi ngoảnh lại, thế mà đã ngót bốn thập niên. Hồi ấy cả nước vẫn nhẫn nại nhai bo bo, nhưng không mấy ai còn mặn mà với “làm chủ tập thể”, đâu đâu cũng râm ran chuyện “đổi mới”, náo nức đòi “cởi trói”. Nơi bàn chuyện “cởi trói” sôi nổi nhất lúc bấy giờ là tờ “Văn nghệ”. Khi ấy nhà phê bình Thiếu Mai phụ trách mục “Lí luận, phê bình” của tờ báo. Một thời gian dài, chị Thiếu Mai mời anh Trần Đình Sử cộng tác, giúp sức. Sau, anh Sử qua Nga làm thực tập sinh cao cấp, chị gọi anh Lại Nguyên Ân và tôi gánh thay phần việc anh Sử để lại.
Tôi nguyên là học trò Đại học sư phạm Vinh, học xong ở lại trường, năm 1972 chuyển ra Sư phạm Hà Nội, nhưng dạy ở Khoa đào tạo giáo viên cấp 2 nằm tít dưới Phủ Lý, năm 1977 đi nghiên cứu sinh, mãi 1982 mới về nước. Thành thử, giới cầm bút ở Hà Nội hoàn toàn toàn xa lạ với tôi. Tôi biết được đôi chút về người này người kia phần nhiều là nhờ trò chuyện cùng anh Lại Nguyên Ân. Còn nhớ, một lần bàn về giới “Nga học”, anh Ân nhắc tới cái tên Phạm Vĩnh Cư và nói đó là người giỏi tiếng Nga và am hiểu đời sống văn hóa Nga bậc nhất ở Việt Nam. Tôi nghe thế và tin chắc ngay thế, vì nghĩ bụng anh Cư phải giỏi thế nào thì thầy Hoàng Ngọc Hiến của tôi mới mời về cùng phụ trách Trường viết văn Nguyễn Du.
Phải đến năm 1995, tôi mới có dịp làm quen với Phạm Vĩnh Cư. Ấy là dịp bốn đơn vị – Khoa văn đại học Sư phạm, Khoa Văn Đại học Tổng hợp, Trường viết văn Nguyễn Du và Tạp chí Văn nghệ quân đội – phối hợp với nhau tổ chức Hội thảo quốc gia về “50 năm văn học Cách mạng sau 1945”, Kỷ yếu hội thảo sau in thành một cuốn sách dày dặn. Bốn người thay mặt bốn đơn vị họp phiên đầu bàn về nội dung Hội thảo là Phạm Vĩnh Cư, Phạm Quang Long, Lê Thành Nghị và tôi. Cuộc họp bàn bạc những gì, tôi đã quên sạch, giờ chỉ còn nhớ ấn tượng đậm nét mà Phạm Vĩnh Cư để lại trong ký ức của tôi. Tôi thấy trước mặt mình hình như có một Đức ông, một bá tước, hay nam tước nào đó vừa bước ra từ trang sách của các tác gia cổ điển Nga. Từ gương mặt, giọng nói, phong thái cho tới trang phục của vị Đức ông ấy toát lên một vẻ đẹp sang trọng, quý phái, ẩn giấu niềm kiêu hãnh kín đáo đầy trí tuệ.
Sau này, khi đã thân thiết, tôi thường tới thăm Phạm Vĩnh Cư. Nhà anh tọa lạc trong một ngõ phố nhỏ, tĩnh lặng, hình như nắng gió ít khi lọt vào, mặt tiền lùi về phía sau một chút tạo nên sự khác biệt so với hàng xóm. Anh đặt thư viện trên tầng chót của ngôi nhà. Thư viện của anh đầy ắp những sách quý và hiếm. Tôi biết nhiều bộ sách anh bày trên giá, ngay bên Nga, chẳng phải ai cũng có, không ít cuốn trong số đó chắc chắn phải mua ở “chợ đen” theo kiểu “trao tay”. Ở Việt Nam, tôi tin chỉ trong thư viện của Phạm Vĩnh cư mới có Tuyển tập M.M. Bakhtin bằng tiếng Nga trọn bộ cả 7 tập. Mà sao bọn “Nga ngố” làm sách đẹp thế kia chứ: những cuốn đóng bìa cứng, nhìn vào đã muốn đọc, lại muốn ngắm, khiến người ta mê mẩn.
Thư viện sách của Phạm Vĩnh Cư thực sự là một gia tài cực lớn hiểu theo cả nghĩa bóng lẫn nghĩa đen. Để có được ngần ấy sách, tiền của và công sức chủ nhân phải bỏ ra hẳn không phải là ít. Nhìn vào thư viện của anh, ta có thể hình dung đại quát diện mạo của lịch sử văn học Nga, của văn hóa Nga và châu Âu và một phần của văn hóa, văn học Việt Nam nữa.
Vào những dịp tết nhất, lễ lạt, gặp buổi đẹp trời, tôi hay rủ Nguyễn Đức Mậu và Đỗ Lai Thúy tới chơi nhà Phạm Vĩnh Cư, biến phòng khách của anh thành một thứ “salon văn chương”. Không gì khoái hơn là được ngồi trong cái “salon văn chương” nho nhỏ ấy vừa nhâm nhi ly rượu vang với loại phomai hảo hạng, vừa đàm đạo đủ mọi thứ trên đời. Tôi luôn ngạc nhiên trước sức đọc của chủ nhà. Anh đọc nhiều, đọc rộng và đọc rất kỹ lưỡng. Những ai chưa một lần trò chuyện với Phạm Vĩnh Cư, cứ xem cách anh giới thiệu các nhà văn hóa Nga là đã có thể phần nào hình dung được sức đọc của tác giả.
Phạm Vĩnh Cư là nhà Nga học hàng đầu ở nước ta. Ngoài nghiên cứu và dịch thuật, anh từng làm Hiệu phó và trực tiếp giảng dạy nhiều khóa ở Trường viết văn Nguyễn Du. Tôi cũng làm nghề dạy học, dịch thuật và nghiên cứu văn học, lại cũng được đào tạo ở Nga. Cho nên có những việc tôi và anh đã có thể làm chung, cộng tác với nhau. Ví như có lần Viện văn học mời anh và tôi cùng nói chuyện về M.M. Bakhtin cho lớp trẻ.
Vào dịp kỷ niệm 100 năm ngày mất của L.N. Tolstoi, với sự cộng tác của Nguyễn Thị Kim Hiền, Vũ Thế Khôi, Từ Thị Loan và tôi, Phạm Vĩnh Cư đã chủ trì thực hiện một công trình đồ sộ: dịch sang tiếng Việt phần lớn các áng văn chính luận của đại văn hào này. Bản dịch in thành sách dày tới 1180 trang. Sách in nghìn cuốn, vừa ra phát hành, đã bán hết ngay và được tái bản. Chính Phạm Vĩnh Cư đã bay sang tận Nga, sục vào thư viện để lựa chọn văn bản. Anh dịch phần lớn, viết lời giới thiệu và phần chú giải cho cuốn sách. Phải tham gia dịch thuật như thế, tôi mới biết Phạm Vĩnh Cư giỏi tiếng Nga tới mức nào.
Khi viết luận án về lịch sử phê bình văn học Nga thế kỷ XIX, tôi gặp muôn vàn khó khăn vì húc phải hàng rào ngôn ngữ đã lùi xa vào quá khứ hàng trăm năm. Thế mà Phạm Vĩnh Cư không chỉ chiếm lĩnh hoàn hảo tiếng Nga hiện đại. Ở Việt Nam, có lẽ Phạm Vĩnh Cư là người duy nhất đọc được tiếng Nga cổ. Anh có thể sử dụng tiếng Nga thời cổ xưa đủ để tiếp xúc với nền văn học và văn hóa Nga từ thế kỷ XVII trở về trước. Nhờ thế, anh không chỉ thông thuộc văn học Nga, mà còn am hiểu rất nhiều lĩnh vực tri thức, nhất là triết học và mĩ học. Cho nên, từ đấy, khi có chuyện gì đó mình chưa biết, hoặc không biết, tôi thường tìm đến Phạm Vĩnh Cư như tìm tới người thầy đáng tin cậy nhất để hỏi han, tham vấn.
Nhưng sức hấp dẫn lớn nhất ở Phạm Vĩnh Cư không hẳn là sự đọc và kho tri thức uyên thâm của anh. Tôi mê Phạm Vĩnh Cư chủ yếu ở cách sống của anh ở đời. Ai rồi cũng bị thời đại và xã hội nhào nặn. Nhưng không phải ai cũng ngoan ngoãn chấp nhận làm con rối của hoàn cảnh. Trong “Diễn từ” tại lễ trao giải văn hóa Phan Châu Trinh năm 2010, Phạm Vĩnh Cư kể rằng “từ khi biết suy nghĩ”, anh luôn băn khoăn tìm lời giải đáp cho câu hỏi về “ý nghĩa của sự tồn tại con người và thế giới”. Tôi tin Phạm Vĩnh Cư đã tìm ra lời giải đáp ấy. Anh thuộc số ít những trí thức mà tôi biết có khả năng thấu tỏ ý nghĩa tồn tại của mình trong đời sống, với tư cách một cá nhân, chứ không phải như một con người công cụ.
Tôi đinh ninh như thế vì biết anh là “hạt giống đỏ” được lựa chọn để đào tạo thành cán bộ nhà nước, thành người của hệ thống, đứng dưới lá cờ vẻ vang của Đảng ta. Chẳng phải sau khi học thành tài, từ Liên Xô trở về, anh được đặt ngay vào Bộ ngoại giao làm phiên dịch đó sao? Nhưng với anh thì hình như sự ưu ái ấy chẳng phải là điều vẻ vang gì, nếu không phải là nỗi bất hạnh. Cho nên khi có cơ hội, anh lập tức rời bỏ cái nghề và vị trí làm việc không do mình lựa chọn, dù đó có thể là nơi đáng mơ ước của nhiều người. Người trao cơ hội ấy cho anh là nhà giáo Hoàng Ngọc Hiến.
Đã hơn hai chục năm trôi qua, tôi vẫn chưa quên những lời anh nói về sự kiện này trong buổi tọa đàm mừng thầy Hiến thượng thọ bát tuần do Khoa Viết văn và báo chí Đại học Văn hóa tổ chức. Anh tỏ lòng biết ơn vị trưởng thượng Trường viết văn Nguyễn Du vì ông đã đưa anh về đây. Anh giải thích, trước, anh chỉ làm “cái lưỡi cho kẻ khác”, nay thành ông giáo, nhờ Hoàng Ngọc Hiến, anh “được làm người”.
“Làm người” là lựa chọn tự do của Phạm Vĩnh Cư. Đó là sự lựa chọn một tư thế sống đầy kiêu hãnh của con người có nhân cách ở đời. Toàn bộ ý nghĩa “làm người” ở anh dường như đều kết tụ vào hai hoạt động “GIAO LƯU” và “SÁNG TẠO”. Không phải ngẫu nhiên, chính anh đã chọn tiêu đề SÁNG TẠO VÀ GIÁO LƯU để đặt tên cho tập “tiểu luận, nghiên cứu và phê bình văn học” do Nhà xuất bản Giáo dục ấn hành năm 2007.
Anh viết hàng loạt bài về tiến trình giao lưu văn hóa giữa Việt Nam và Nga, giữa Việt Nam và thế giới (Mấy suy nghĩ về giao lưu văn hóa Việt Nam – Nga, Giao lưu văn hóa Việt Nam – Nga – Đông Âu dưới góc độ giá trị, Đôi nét cơ bản về giao lưu văn học Việt Nam – thế giới từ sau Cách mạng tháng Tám). Anh dịch sách để chia sẻ, giao lưu với độc giả, đồng thời giúp độc giả giao lưu với thế giới văn hóa.
Trong bài “Diễn từ” đọc tại lễ trao giải thưởng văn hóa Phan Châu Trinh vừa nhắc tới ở trên, anh viết: “Mười năm trước đây, khi tôi bắt đầu dịch Solovich ra tiếng Việt, tôi không thể ngờ rằng một ngày nào đó công việc của tôi sẽ được công luận nước ta thừa nhận và đánh giá cao đến thế. Hồi ấy tôi chỉ nghe theo một thôi thúc nội tâm không thể cưỡng lại: chia sẻ với bạn bè và đồng nghiệp một thu hoạch tinh thần lớn nhất, sâu sắc nhất của mình trong thập kỷ vừa qua, nó cũng là thập kỷ cuối cùng của thế kỷ XX đầy những biến động long trời lở đất trong lịch sử dân tộc và nhân loại. Thu hoạch lớn ấy chính là triết học Soloviev <…> Tiếp thụ triết học Soloviev và cảm thấy mình được khải ngộ, thoát khỏi ngõ cụt tinh thần, tôi thấy cần giới thiệu Soloviev với đồng bào của mình, trước hết với những bạn bè thân tín, với mong muốn vừa trợ giúp cho những tìm kiếm tinh thần nơi họ, vừa kiểm định lại những nhận thức và định hướng mới của mình”.
Cần nói ngay, bản thân mảng văn học dịch đã thể hiện rõ tinh thần sáng tạo của Phạm Vĩnh Cư. Anh chỉ chọn dịch những tác gia, tác phẩm ưu tú nhất của nền văn hóa Nga để chuyển tới người đọc. Nhờ thế, trong vòng mấy chục năm qua, độc giả Việt Nam được làm quen với thơ trữ tình của thiên tài thi ca Marina Tsvetaeva, với triết học và mĩ học của Vladimir Soloviev, với lí luận văn học học và thi pháp học của M.M. Bakhtin, với văn thư chính luận của L.N. Tolstoi, và gần đây, với tác phẩm tuyệt vời của Nikita Moiseev: Tồn tại hay không tồn tại … nhân loại?
Tinh thần sáng tạo của Phạm Vĩnh Cư thấm sâu vào cách dịch các thuật ngữ triết học và mĩ học từ tiếng Nga sang tiếng Việt. Ví như anh chọn chữ “NGÔN LỜI”, chứ dút khoát không dùng chữ “NGÔN TỪ” để dịch chữ “СЛОВО”. Hoặc anh không dùng “trào phúng” mà dùng “trào tiếu”: “tiếng cười trào tiếu của văn hóa dân gian”. Cho nên, khi đọc các bản dịch của Phạm Vĩnh Cư, bắt gặp các chữ “trào tiếu”, “phồn tạp”, “ngôn lời”…, ta biết ngay đó là những thuật ngữ của riêng anh, mang dấu ấn sáng tạo của anh. Dĩ nhiên, tinh thần sáng tạo của Phạm Vĩnh Cư thể hiện rõ nhất ở các công trình nghiên cứu, phê bình, tiểu luận của anh.
Tôi mê nhiều tiểu luận của Phạm Vĩnh Cư về văn học Việt Nam, nhất là các bài Thơ “hành lạc” của Nguyễn Công Trứ với dòng thơ hành lạc thế giới, Văn chương và hội họa Việt Nam, hay Thể loại bi kịch trong văn học Việt Nam thế kỷ XX. Các bài anh viết về Dostoievski, Gogol, về Tiuchev, Chekhov, đặc biệt các bài dành cho lý thuyết tiểu thuyết M.M. Bakhtin, hay về Vladimir Soloviev và triết học của ông đều là những công trình nghiên cứu xuất sắc. Nhìn chung, dù viết về văn học Việt Nam, hay các hiện tượng văn hóa nước ngoài, bao giờ Phạm Vĩnh Cư cũng đưa cách kiến giải riêng, với những phát hiện độc đáo, mới mẻ. Vì thế tiếng nói của anh luôn là tiếng nói được lắng nghe, được chờ đợi.
Tôi nhớ, trong cuốn Phạm vi của sự đọc (Круг чтения), L. Tolstoi chia người có học thành ba loại: học giả (“учённый”), trí giả (“образованный”) và thức giả (“просвещённый”). Ông gọi “học giả” là người đọc nhiều sách, “trí giả” là người hiểu nhiều tri thức của thời đại, “thức giả” là người biết rõ ý nghĩa của đời mình. Như mọi nhà giáo, nhà nghiên cứu văn học, Phạm Vĩnh Cư trước hết là một “học giả”, một “trí giả”. Đồng thời anh còn là một “thức giả” vượt lên trên thói thường, không chịu để bị biến thành công cụ.
Điểm khác biệt ở anh là niềm kiêu hãnh được “làm người”. Anh tìm thấy niềm vui, niềm hạnh phúc lớn lao của đời người trong hoạt động “sáng tạo và giao lưu”. Bằng hoạt động “sáng tạo và giao lưu” trong thế giới văn hóa, anh tự vẽ cho mình một bức chân dung tinh thần rất riêng. Tôi nghĩ đấy chính là nguồn cội để Phạm Vĩnh Cư được đồng nghiệp, bạn hữu và nhiều thế hệ học trò lắng nghe, yêu quý và kính trọng.
Đồng Bát, tháng 5/2021
Nguồn: Facebook La Khắc Hòa