Nhà văn Phạm Hoa đã qua đời lúc 18h ngày 22/5/2021 tại Hà Nội, hưởng thọ 70 tuổi. Tiếc thương đồng nghiệp “Phạm Hoa là đại tá nhưng lương hàm cấp tướng”, nhà văn Trung Trung Đỉnh chia sẻ bài viết “Lính cậu mà không cậu” nhiều tâm tư của một thời và về một thời.

   

LÍNH CẬU MÀ KHÔNG CẬU

 .

TRUNG TRUNG ĐỈNH

 

Đã nhiều năm nay, tôi "nuôi" trong lòng cái ý định viết một cuốn sách lấy tên là “LÍNH CẬU" với thể loại truyện phi hư cấu, kể về một số bạn nhà văn nhà báo cùng thời trong và sau cuộc chiến có một số phận chả giống ai, lính chả ra lính, dân chả ra dân, cán bộ chả ra cán bộ, tất nhiên là thời ấy còn trẻ.

Thế thì các anh là gì? Chúng tôi nói đùa với nhau là NGƯỜI hậu chiến, vậy thôi. Các cụ ta dạy, làm trai chí ở cho bền. Nhưng tôi tự nhận thấy cái chí của thằng tôi thì ngắn mà máu mê bươn chải thì nhiều. Làm nghề văn nghề báo có nhiều cơ hội được đi đây đi đó và cả được tự do đi, tôi lại có máu ham bạn ham bè ham chơi ham rượu ham cả vinh dự tự hào, thành thử mỗi chặng đường đi, mỗi bước chân đi, bây giờ đến cái tuổi bẩy chục xưa nay hiếm mà còn sống được cũng là may rồi. Nhiều lúc thấy nhanh ghê, lại có lúc thấy sao nó dài đằng đẵng, rốt cục là thế nào? Cũng chả thế nào cả. Giờ nghĩ lại, cái lúc ấy, cái thời điểm ấy, bước chân được đến đấy, làm được những việc ấy, coi như cũng trả được một phần cái “nợ” với cõi đời, với cái sự đời.

Cái sự đời, xét đi xét lại thấy ông Giời là ông ấy lạnh lùng sòng phẳng nhất. Có vay, có trả, có được, có mất, chả ai được hết cả, chả ai mất hết cả. Thế cho nên cứ bình tâm mà sống, mà nhớ lại. Cái thời đoạn mà bước chân liêu xiêu về đến cái nơi được gọi là "Trại viết" để chuẩn bị nhập học trường viết văn Nguyễn Du khóa I, nghe nó mới phiêu du làm sao. Cũng chả biết rồi đây nó, tức là cái thân mình cũng thế, sẽ thế nào. Thôi thì đi đến đâu coi như về đến đó. Trong xã hội có trại tù, trại cải tạo, trại an dưỡng, nghỉ dưỡng, trại vân vân trại, mình đi “trại viết” tức là trại tập trung một số thành phần “viết” lại để ngồi viết. Viết văn làm thơ, viết kịch, viết tấu viết ca dao hò vè, viết báo, viết câu chuyện truyền thanh, câu chuyện truyền hình đều là viết cả. Có thầy dạy, có thầy đọc góp ý, phê phán, lăng xê, lại cũng có thầy bảo viết văn ai dạy được ai, đến đây gặp gỡ nhau tán phét, chém gió, hồi ấy không có gọi là “chém gió” như bây giờ mà gọi là “bốc thơm,” bốc phét” đủ các thứ “bốc” chứ còn rốt cuộc việc ai nấy làm. Kể cũng hay cũng lạ và cũng hấp dẫn. Để gom được một “mớ” nhà văn vốn là lính trên khắp các vùng miền chiến thuật của quân đội nhập về để lập một cái “trại viết” thật tốn công tốn của lắm đó. Cũng phải mất vài tháng, thậm chí cả năm trời đi đi về về đón đón đợi đợi. Nước sông công lính, đã có câu như thế, đừng lo.

Thế nên những ai đến trước, thời gian chờ đợi dài thì cũng không vấn đề. Đây là dịp tốt cho các văn nghệ sĩ mặc áo lính nhập cuộc với đời thường. Đời sinh viên, đời viên chức, rồi yêu đương, rồi kiếm công ăn việc làm, lo lập thân lập nghiệp. Mỗi anh ở một binh chủng, một vùng chiến thuật, mang theo dấu ấn của vùng đất cà lối sống dân tình và của lính tráng binh chủng mà anh gắn bó...

Trong số những câu chuyện về những người bạn lính, bạn văn, bạn đời thuở hàn vi bao cấp đói kém mà tự nguyện hào hứng mọi bề ấy, mỗi anh một cuộc “vào đời” cũng đa dạng đa chiều lắm. Rất ít người là con em sống ở đô thành như Hà Nội hay Sài Gòn. Đa số đều xuất thân nông dân, ở nông thôn, dân nhà quê chân đất mắt toét, văn hóa ruộng vườn, văn hóa lính. Đời lính thì tất nhiên ai rồi cũng phải qua đủ thứ trầm trầy trầm trật, lên voi xuống chó, trên răng dưới cát tút cả. Bây giờ về đây, các anh đều có nhiều vốn sống. Nhà văn cần nhất là vốn sống. các ông anh nhà văn lớp trước đều một mực nói thế! Có vốn sống nhiều, các chú cứ việc ngồi viết ra cái vốn sống thật ấy đã là hay, là quá đủ, việc gì phải tưởng tượng! Ta đang sống trong một xã hội tốt đẹp. Anh nào cũng leo từ binh nhất binh nhì leo lên. Từng trải đầy mình. Vốn sống đầy mình. Viết, viết và viết. Đa phần là hạ sĩ quan. Lẹt đẹt vài mống leo tới cấp úy, cao lắm đến thượng văn úy, hai gạch ba sao oách xà lánh lắm rồi.

Lắm lúc tôi ngồi tôi nghĩ, đời lính như chúng tôi, xét cho cùng cũng chả khác mấy với ba cái anh giang hồ tứ chiếng bụi đời. Sau ngày hòa bình lập lại, đánh bạn, chơi với các tay lung tung tứ chiếng ngoài đời, tôi kể các cú lên rừng xuống biển, vào sống ra chết, bươn chải của mình, mấy cha cũng phục sát đất. Chiến trận, bom đạn, sống chết quá liêu xiêu nhưng cũng quá hoành tráng ly kỳ. Kiếm ăn thời bình, lúc “đánh quả” thắng hàng trăm triệu là chuyện thường mà về “mo” cũng lắm. Hai tay trắng giê rô cũng nâu vấn đề. Các bạn ấy của tôi bảo, ôi thế thì bác quá giang hồ, liều hơn bọn em, chỉ khác cái từ người ta gọi các bác là anh hùng dũng sĩ, dũng cảm, còn chúng em là…liều lĩnh táo tợn vô chính phủ thôi. Chúng em cứ tưởng đời lính các bác thì kỷ luật sắt, nghiêm minh, ai ngờ lại cũng có loại lính như các bác! Tôi phải thú thực, ấy là “cái số” cuộc đời mỗi một con người ta nó thế, không chọn được.

Thế mới gọi là mỗi cây mỗi hoa, mỗi thằng mỗi cảnh chứ, Phạm Hoa, một tay quái xế đường Trường Sơn nhỉ!?

                          Phạm Hoa qua nét vẽ của Trần Nhương


Hồi ấy chúng tôi đều chưa vợ, chưa cả người yêu, thằng nào cũng mê đọc sách, mê rượu và ham chơi ham viết văn. Sau 1975 tôi được về trại viết Quân khu V có nhiều sách, nhiều nhà văn đàn anh, họ sành nghề chỉ cho nên đọc cuốn này nên đọc cuốn kia, được mở mang kiến thức và tự thấy, nếu không có mấy năm về đó đọc sách, chắc không vỡ vạc ra được. Tôi bảo Phạm hoa, mới về dự trại nên tìm đọc sách này, nên tìm đọc sách kia, mà tôi có một tủ sách vài trăm cuốn văn học thế giới cổ điển mang từ miền Nam ra. Nhưng Hoa đọc kiểu của Hoa, tôi không thể chỉ dẫn làm hoa tiêu cho nó được.

Phạm Hoa độ này suốt đêm ngày ôm bàn viết. Nó ngồi trong xó, đánh trần, mặc cái quần đùi bộ đội, khăn mặt vắt vai, lưng còng, thỉnh thoảng nằm dài thượt trên cái giường một, mắt nhìn trân trân lên trần nhà, đầy nghiêm trọng. Thằng này đúng là kể cả ngủ nó cũng nghiêm trọng! Đang ngủ, thỉnh thoảng lại bật dậy ngồi "cày" như trâu. Đúng là viết văn khó nhọc thế thì bố cháu cũng xin vái các cụ. Nhưng cái tính nó khổ sở thế thì biết làm sao? Được cái nết hiền lành xởi lởi, viết xong đến đâu đưa cho tôi đọc "tươi" đến đó.

Các truyện ngắn của Phạm Hoa truyện nào cũng lý thú, cũng rất đặc sắc và sinh động. Nó thực sự làm tôi ngạc nhiên quá mức tôi tưởng! Hoa viết về lính không chân chất thật thà, không khoa trương màu mè, không ba hoa tâng bốc, không nói năng như chính trị viên, như chính cái miệng nó nói ra hàng ngày. Mà các nhân vật lính của Hoa rất bình thường, tự nhiên, không lên gân lên cốt, đóng vai nhà quê hay lên mặt trí thức. Nó hồn nhiên như nhiên. Nó xuất hiện trên trang viết nhẹ như tự nó phải như thế, mà vì thế nó đặc sắc chất lính rất “Trường Sơn”, đặc sắc kiểu của chị em Thanh niên xung phong thời bom đạn. Kỳ tình cho đến lúc ấy tôi chưa thấy tay bút nào viết được hồn nhiên trong trêo và ấm áp đến thế.

Tôi mừng cho bạn, đem đánh máy truyện của Hoa ra mấy bản đưa cho các bạn đồng nghiệp, có vài người khen, có vài người mải lo viết không để ý. Năm thứ hai học trường viết văn Nguyễn Du, báo Văn Nghệ in một lèo trong năm, 5 truyện ngắn của y, cùng một đề tài mà truyện nào cũng khác truyện nào. Truyện nào cũng hay, làm cho giới sáng tác trẻ chúng tôi sôi sục mừng. Truyện ngắn của Phạm Hoa hớp được hồn độc giả ở cái không khí tươi trẻ hồn nhiên trong sáng, mà văn thì giản dị, tinh tế, rất khác xa tính cách sống thường ngày úi xùi như "ông cụ non" của y. Mặt mũi y lúc nào thấy cũng nhầu nhĩ, suốt ngày gãi đầu gãi tai kêu chán kêu buồn mà chả biết buồn gì. Khi ngồi vào bàn một mình, sống cùng ký ức, cuộc sống thời trai trẻ trở về và cái chất nghệ sĩ chiếm lĩnh choán hết cả cái sự lo âu thường nhật. Phạm Hoa viết tinh tế đến nao lòng.

Nói thật, tôi cũng có đọc một số các anh nhà văn quân đội đồng trang lứa, nhưng tôi thấy văn của Phạm Hoa khác hẳn. Các truyện ngắn của Phạm Hoa tự nó tránh được lối tư duy ồn ào, cách viết sáo rỗng mà không ít người lâm vào! Đấy là đoạn đầu viết văn của Phạm Hoa. Nó làm nên tên tuổi nhà văn Phạm Hoa một cách không ồn ào, không gây sự nổi trội trên văn đàn, nhưng những người viết truyện ngắn hồi đó, theo tôi được biết, đều mến phục. Có lần tôi đưa cho nhà văn Nguyễn Thành Long mấy truyện của Hoa mà tôi đánh máy thành tập cho ông xem. Ông nhà văn đàn anh đọc xong bảo tôi: “Cậu Hoa viết truyện ngắn rất nghệ sĩ. Chất nghệ sĩ này hiếm lắm, bộc lộ một tài năng đáng nể đấy, Đỉnh ạ”

Vâng. Tôi cũng thấy thế và vì chơi với hoa, gần Hoa nên tôi cứ luôn bị tiếc. Chả biết tiếc gì! Có lần tôi bảo với Nguyễn Trí Huân, người ta "đôn" thằng Hoa đi làm cán bộ quản lý thì chúng ta mất một nhà văn tài năng và được một tay cán bộ dở, nhưng mẫn cán và tốt bụng! Nguyễn Trí Huân nhìn tôi cười cười không nói gì!

Những năm sau này số phận chọn Hoa hay Hoa chọn con đường cho mình, mà theo cách nhìn của tôi, là thật phí phạm. Mặc dù Hoa đi làm cán bộ lên tới cấp Cục. Cục to thì to thật, sao gạch bề bề thật, nhưng với tôi chả to chả oai tí nào so với một nhà văn tài hoa như Hoa. Tôi thậm chí còn cáu với bạn vì thấy cái mặt y lúc nào cũng nghiêm trang, nói năng có vẻ nghiêm trọng, lúc nào cũng quân phục, lon ngù đỏ chói. Trời ơi, thằng bạn thời lính xế Trường Sơn của tôi đâu rồi? Nghệ sĩ Phạm Hoa của tôi đâu rồi?

Có lần tôi tạt vào phòng hắn, thấy trên bàn giấy tờ xếp nghêm chỉnh, ngăn nắp, một tệp gì đó hắn đang viết, tôi tò mò lật xem qua một bản thảo dầy đặc toàn chữ, gạch xóa, viết thêm, ngoắc ra ngoắc vào rất kỹ. Tôi bật đèn bàn, tưởng lâu nay hắn giả vờ nghiêm chỉnh nhưng thực ra làm thế để có cớ ngồi viết văn. Nhưng tôi hoàn toàn thất vọng! Hắn làm "quan" thật! Tôi thấy tệp bản thảo nghiêm chỉnh là một bài diễn văn hay đại loại bài phát biểu gì đó to tát lắm, long trọng lắm cho một vị tướng, vị quan chức cấp cao nào đó. Tự nhiên tôi cáu sườn thò ngón tay trỏ vào lọ mực của hắn, viết một chữ “L…đủ 4 từ và dấu huyền ghép lại” rõ to, rõ đểu, rõ đàng hoàng rồi biến!

Sau này nhắc lại chuyện ấy, hắn tròn miệng phát âm rất chuẩn cái chữ to tổ bố mà tôi đã viết tặng hắn một cách nghiêm văn chỉnh, long văn trọng và để tặng cho hắn để hắn nhớ đời!

Cuộc sống thời hậu chiến của cánh lính như bọn tôi là loại lính may mắn, có tí văn chương gà què nên được cấp trên tuyển chọn cho về "trại viết" ở tập trung, viết gì tùy ý, tuy lương lậu đều thấp xì, cao thì có anh trung úy, thấp bé nhẹ cân như tôi và Hoa cỡ trung sĩ thượng sĩ, phiếu thực phẩm hạng bét, mỗi tháng mấy lạng thịt. Ở rừng thời chiến đã đói, hòa bình rồi đói vẫn hoàn đói. Gia cảnh thì nhà nào cũng rối tinh rối mù, cũng đói kém. Thời thế thì ngăn sông cấm chợ, lúc nào cũng toàn nghĩ đến miếng ăn.

 Tôi có bà chị cả ở quê phải đi kinh tế mới tận Tân Trào- Tuyên Quang, vì là đảng viên nên phải gương mẫu cùng ông chồng nhà quê làm ruộng cuốn cả lũ năm sáu đứa con lóc nhóc lên rừng khai khẩn. Nhà nước cho đâu mấy chục cân gạo, vài ba đồng bạc, xe đưa lên cờ xúy biểu ngữ khẩu hiệu vang trời. Cán bộ chỉ cho mỗi nhà một quả đồi, tự mà cắm cọc mốc, thế là tự bới đất lên mà kiếm ăn.

Tôi lên thăm chị, xót ruột quá về kể với Hoa. Hoa bảo tao và mày làm một chuyến lên thăm chị, mang theo hai ba lô, huy động toàn bộ vốn liếng mua được mấy bộ xích líp xe đạp Tầu, về quê huy động được mấy cân thuốc lào và mấy cái phich nước, thu gom được mấy chục cân phiếu gạo đút túi, mỗi thằng một xe đạp, không cờ đèn kèn trống, nhằm hướng Việt bắc, tiến!

Xe đạp cà tàng, đường sá tuyền đường đất gập ghềnh, lên dốc, xuống khe, qua sông qua suối kẽo kẹt cả tuần lễ, ăn bờ nằm bụi thế mà cũng mò được lên đến nơi. Đúng là xứ sở của khỉ ho chó ngáp, rừng sâu núi thẳm, nhìn thấy ông anh rể và bà chị gái gầy đét với đàn cháu nheo nhóc mà mặt mày không tươi lên được. Mừng có hai cậu lên thăm, anh chị tôi ôm các em khóc, rồi cũng huy động đàn con đứng vào cái cối giã gạo, giã được một mẻ. Hoa ngậm ngùi bảo tôi, nom chúng nó như một cái dây treo quần áo rách. Ông anh rể bắt được một con gà to nhất, thịt đãi hai cậu. Bữa ấy hai cậu chỉ dám ăn cái cánh với bát cơm độn sắn. Nhưng bù lại, đêm ấy ngủ một giấc rõ sâu tít vì đi đường mệt.

Sáng ra chúng tôi rủ nhau ra đồi xem dân chúng sống thế nào. Ở đây nhà nào cũng đói cũng rách nát. Hoa bảo tôi, anh em mình phải chuồn về thôi, ở lại anh chị khổ thêm. Thế là hai thằng vào bản đồng bào dân tộc tính bán số xích líp và phích nước đem theo định "đánh một quả", tính lấy tiền cho chị. Nhưng vào đấy họ cũng đói, còn đói hơn dân kinh tế mới nữa, đành đem ra bàn với ông anh rể cách "đẩy" hàng đi. Anh rể tôi bảo ở đây có nhà chú Tút chuyên mua hàng dưới xuôi bán lại cho bà con, để anh sang hỏi xem chú ấy có nhận mua cho không. May quá, bán được liền, giá thì rõ ràng là không có một xu lời, nhưng dứt khoát không thể không bán….

Giờ đây chúng tôi đều đã già nua cóc cáy, về vườn cả rồi. Tôi vẫn chứng nào tật nấy, cứ sơ sẩy cái là tếch đi chơi đó đây cùng chúng bạn. Còn Phạm Hoa , chủ yếu vẫn trụ ở nhà với o vợ chưa thể nói là già, một thời xuân sắc, một thời đã đưa hắn lên đỉnh của cuộc đời trai trẻ, làm cho hắn biết thế nào là cuộc sống thường ngày của một trang nam nhi. Và bây giờ hàng ngày o chăm chỉ đi tập pháp luân công, cùng chăm lo ba bốn bữa cho hắn, nhà văn Phạm Hoa.

Hắn thì vẫn thuốc lá thuốc lào, vẫn rượu cuốc lủi nâng lên đặt xuống đều đều, mặc dù tim đã phải gắn ten. Rất khó chịu nhưng phải chấp nhận thôi, đến nay hắn vẫn không internet, không công nghệ, không Mail, không Phây, vẫn ngồi gù lưng viết bút, suốt ngày đọc hàng đống bản thảo các nhà văn bạn bè nhờ đọc.

Phạm Hoa là đại tá nhưng lương hàm cấp tướng đấy bạn ạ. Tôi thấy y vẫn mặc quân phục thỉnh thoảng có đi đâu đó, hỏi ra đích thị là lại đi họp. Họp khi "hội" này, khi "hội" kia, mặt mũi vẫn nghiêm trọng, nói năng vẫn chừng mực. Tôi bảo bạn buông bỏ bớt các thứ họp ấy đi, tuổi của mình giờ thì chẳng có gì nghiêm trọng nữa, ngoài "ông" sức khỏe. Hắn gãi đầu gãi tai, nói một câu rõ tục với tôi rồi xìa li rượu vào mặt bạn, nhắc:

- Uống! Uống đi, đồ sợ chết!

Sau khi hắn "ực" một phát hết li cuốc lủi (loại mới gọi là votca) rồi không quên nhắc cái chữ rõ to, rõ tục và rõ "đểu" mà tôi gắn thẻ tặng cho hắn năm nào, giữa trang bản thảo bài diễn văn của "cụ" to nào đó để chọc bạn. He he … Hết!