NXB Phụ nữ vừa ấn hành tiểu thuyết lịch sử "Nữ sĩ thời gió bụi" - cuốn tiểu thuyết dã sử đầu tay của nhà văn Lê Phương Liên. Đây là cuốn tiểu thuyết được lấy cảm hứng từ cuộc đời đặc biệt của nữ sĩ Đoàn Thị Điểm - người phụ nữ được coi là "kỳ nhân" hiếm hoi trong lịch sử trung đại Việt Nam để lại dấu ấn cuộc đời qua văn chương và nhân cách sống. Mất 3 năm để hoàn thiện cuốn tiểu thuyết này, nhà văn Lê Phương Liên dường như đã  giải mã cuộc đời của "kỳ nữ" Đoàn Thị Điểm theo cách của riêng mình…

 

Tiểu thuyết "Nữ sĩ thời gió bụi": Giải mã cuộc đời "kỳ nữ" Đoàn Thị Điểm

 

NGUYỆT HÀ

 

Giải mã cuộc đời "kỳ nữ" Đoàn Thị Điểm bằng văn chương

Cuốn tiểu thuyết nhỏ gọn chỉ với 5 chương (Con nuôi quan thượng thư; Tùng tàn, trúc gãy, chỉ còn mai xanh; Duyên phận kỳ nữ; Phu nhân Nguyễn Kiều; Thi nhân trong mưa biển) nhưng đã thâu tóm được toàn bộ cuộc đời đầy biến động của một thiếu nữ rồi trở thành nhà giáo, thầy thuốc, một nữ tác gia có tư tưởng, chính kiến và tấm lòng nhân ái được lưu truyền trong hậu thế. 

Nhờ những trang viết của nhà văn Lê Phương Liên, người đọc dễ dàng hình dung về một Đoàn Thị Điểm tài sắc vẹn toàn nhưng không chỉ là cầm kì thi họa mà lại còn có tài… võ nghệ: trong một lần một mình về quê, khi gặp cướp, với tài võ nghệ của mình, bà đã làm cho tên cướp hồn bay phách lạc; hay như những lần bà múa bài "Hoa mai quyền" dưới trăng cùng anh trai Đoàn Doãn Luân khiến bao người trầm trồ thán phục..

Nhà văn Lê Phương Liên đã rất dụng công khi cài cắm các chi tiết làm cầu nối cho các nhân vật có dịp xuất hiện một cách tự nhiên như: trong khi Đoàn Thị Điểm làm con nuôi Thượng thư Lê Anh Tuấn, bà đã có dịp được gặp gỡ và trò chuyện với Tiến sĩ Nguyễn Kiều - người mà sau này trở thành chồng bà; tên cướp Đoàn Thị Điểm gặp trên đường về sau trở thành học trò của Hồng Hà nữ sĩ; cậu Chiêu Bảy Lê Hữu Trác từng ở với gia đình Đoàn Thị Điểm trước khi tòng quân và bà đã gặp lại cậu em thân thiết này khi tiễn chồng đi sứ... 

Tài năng hiếm có và tấm lòng nhân hậu của bà đã cảm hóa và gây ấn tượng mạnh với tất cả những người có cơ hội được gặp gỡ với bà - từ Thượng thư Lê Anh Tuấn, Tiến sĩ Nguyễn Kiều, cậu Chiêu Bảy Lê Hữu Trác, Đặng Trần Côn, Nguyễn Nghiễm (cha đẻ của Đại thi hào Nguyễn Du) đến các học trò, người dân làng quê bà cũng như quê chồng khi bà cùng dân làng chữa trị bệnh cho các thương binh trong chiến trận… 

Đan cài vào diễn biến cuộc đời của Đoàn Thị Điểm, tác giả cũng khéo léo bàn về tài năng văn chương thiên phú, khả năng đồng cảm và chiêm nghiệm sâu sắc của nữ sĩ. Tác giả đã xây dựng những tình huống để nàng ứng tác thơ văn, sáng tác truyện kì ảo và dịch Nôm tác phẩm "Chinh phụ ngâm" của Đặng Trần Côn một cách thần tình.

Chính nhờ những chi tiết nhỏ như thế mà "Nữ sĩ thời gió bụi" của nhà văn Lê Phương Liên đã có "lối đi" vào lòng người qua cách khắc họa chân dung Đoàn Thị Điểm rất sinh động và gần gũi. Tác giả Lê Phương Liên đã tái hiện nhân vật Đoàn Thị Điểm là một phụ nữ tài danh, đa tình, đa cảm, khát khao bày tỏ nữ tính của mình nhưng cũng đầy khát vọng đóng góp, cống hiến cho dân tộc. Tâm hồn nữ sĩ, tính cách đoan chính đã khiến phu nhân Nguyễn Kiều làm chủ được tình cảm nội tâm phong phú của mình. 

Nhà văn Lê Phương Liên chia sẻ: "Trong tiểu thuyết "Nữ sĩ thời gió bụi", một trong những phân cảnh ấn tượng, hấp dẫn nhất chính là cuộc “dạ du” trên Hồ Tây của phu nhân Nguyễn Kiều cùng Đặng Trần Côn và Lê Hữu Trác, tôi đã cố gắng để diễn đạt được tâm trạng đặc biệt phức tạp nhất trong toàn bộ diễn biến tâm lý của nhân vật chính - nữ sĩ Đoàn Thị Điểm!".

"Định mệnh" chắp bút về Hồng Hà nữ sĩ

Khi được hỏi, căn nguyên nào khiến nhà văn Lê Phương Liên dành nhiều thời gian tìm hiểu và hoàn thành cuốn tiểu thuyết dã sử đặc biệt về Hồng Hà nữ sĩ Đoàn Thị Điểm khi đã ở độ tuổi 70, nhà văn chia sẻ: "Dường như có một định mệnh khiến tôi trở thành người chắp bút viết tiểu thuyết về cuộc đời của bà Đoàn Thị Điểm. Năm 2018, thật tình cờ khi tôi đang đi dự Ngày thơ ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám, tôi nhận được lời mời đến dự hội làng Phú Xá của nhà báo Văn Hậu rằng: " Chúng tôi muốn mời cô lên viếng mộ Hồng Hà nữ sĩ Đoàn Thị Điểm, hiện đang ở làng chúng tôi. Thực lòng chúng tôi muốn cô viết một cuốn sách về bà Đoàn Thị Điểm". Và thế là tôi đã cùng nhà báo Văn Hậu đi viếng mộ Hồng Hà nữ sĩ Đoàn Thị Điểm cùng mộ Tiến sĩ Nguyễn Kiều - người chồng yêu quý của bà. 

Ý định viết cuốn sách về nữ sĩ Đoàn Thị Điểm bắt đầu nảy nở trong tâm trí tôi, nhưng phải đến khi được chị Khúc Thị Hoa Phượng - Giám đốc, Tổng biên tập NXB Phụ nữ và được tặng bộ sách "Phụ nữ tùng thư", trong đó có cuốn "Một Điểm tinh hoa" tập hợp các sáng tác văn thơ của nữ sĩ Đoàn Thị Điểm do PGS.TS Trần Thị Băng Thanh sưu tập và giới thiệu đã khiến tôi thực sự đam mê, phấn chấn và quyết tâm. Tôi hăng hái ngồi vào bàn, viết đêm viết ngày như có ai nhập vai mình, như có một nguồn lực siêu nhiên nào đó thôi thúc tôi vượt qua khó khăn lớn nhất là không biết chữ Hán, chữ Nôm để hoàn thành cuốn tiểu thuyết này...".

Tại buổi giao lưu, ra mắt cuốn sách "Nữ sĩ thời gió bụi" được tổ chức tại Thư viện Quốc gia Việt Nam nhân Ngày sách Việt Nam 21-4 đã thu hút sự quan tâm của đông đảo độc giả. Điều đó đã cho thấy sức hấp dẫn của cuốn sách cũng như tên tuổi của kỳ nữ Đoàn Thị Điểm và nhu cầu được đọc, tìm hiểu về các nhân vật lịch sử có ảnh hưởng trong văn hóa Việt là một tín hiệu thực sự đáng mừng. 

Tại buổi ra mắt sách, bà Khúc Thị Hoa Phượng - Giám đốc, Tổng biên tập NXB Phụ nữ đã cho biết, cuốn sách đã được in nối bản chỉ sau 1 tháng phát hành: "Thực sự rất mừng sau hai tuần phát hành cuốn sách đã được bạn đọc yêu thích và có quyết định nối bản ngay. Cuốn tiểu thuyết này dưới dạng một câu chuyện được tiểu thuyết hóa, nhưng cũng xây dựng trên rất nhiều những sự thực và những giai thoại rất hay, rất hấp dẫn về cuộc đời của bà Đoàn Thị Điểm. Nhân vật Đoàn Thị Điểm là hình tượng "nữ học" tiêu biểu cho Việt Nam thời đó. Biểu tượng đó còn nguyên giá trị trong thời đại hôm nay. Qua tác phẩm, chúng tôi muốn gửi gắm đến thế hệ phụ nữ hiện đại không chỉ "độc thiện kỳ thân" - làm việc tốt cho riêng mình, mà còn phải đóng góp cho xã hội”.

Còn theo nhà văn Nguyễn Trương Quý, độc giả Việt cần có một cách nhìn khác, cách đọc khác với tiểu thuyết lịch sử Việt, bởi đó là phần mà nhà văn nhìn và mượn những nhân vật lịch sử để triển khai những ý tưởng của tác giả, của thế hệ hiện tại để nhìn vào quá khứ: "Câu chuyện của nhà văn Lê Phương Liên cho thấy một cách làm việc rất công phu. Tác giả đã xâu chuỗi tất cả các nhân vật có thật trong lịch sử trong mối quan hệ phức tạp của một giai đoạn mà thật ra ngay cả chính sử hay những tác phẩm hồi đấy cũng bảy phần thực ba phần hư. Giai thoại và những sự chồng lấn của dữ kiện dân gian, dữ kiện chính thống xoắn vào nhau rất khó tách biệt. Vậy mà tác giả của "Nữ sĩ thời gió bụi" làm được sự lớp lang, trình tự, tạo hệ thống, cảm giác là nhân vật có da có thịt và có chuyển động hiện đại hơn so với nhiều tiểu thuyết lịch sử trước đây...".

Xưa nay, viết về một nhân vật lịch sử có tầm vóc là điều không hề dễ dàng. Viết về một người phụ nữ ba trăm năm trước trong một bối cảnh lịch sử khá phức tạp, hỗn loạn, nặng nề lễ giáo phong kiến hà khắc nhưng đã mang đầy tư tưởng nữ quyền lại càng là một thử thách lớn. Nhưng nhà văn Lê Phương Liên ở "khúc cua văn chương" của mình đã tìm ra một cách tiếp cận nhân vật dân dã mà đầy thuyết phục. Trong "Nữ sĩ thời gió bụi", nhà văn đã đưa người đọc vào chuyến phiêu lưu, trải nghiệm đầy đủ nhân tình thế thái của một nữ sĩ trong những năm tháng đầy gió bụi của lịch sử một cách xúc động, nhân văn.

 

 

Nguồn: Văn Nghệ Công An