Trong tình yêu, người này có người kia, người này thuộc về người kia, người này là nữ, người kia là nam, luôn là điều quan trọng nhất. Đấy là theo cách nói thông thường. Còn trong thơ, chắc chắn sẽ có hoặc cần có một cách nói khác, nếu không là thơ và không  thuộc về thơ. Đối với Đỗ Mai Hòa, đó là sự “neo” nhau.  

                             

ĐỘNG TỪ YÊU CHIA KHÔNG CÙNG THÌ

(Đọc “Thương nhớ vốc đầy tay” của Đỗ Mai Hòa, NXB Hội Nhà văn)

                                            ĐẶNG HUY GIANG

     Từ xa xưa cho đến nay, tình yêu luôn là một đề tài thu hút sự chú ý của nhiều  nhà thơ. Không ít nhà thơ coi phạm trù tình yêu là đề tài thường trực, là sở trường  của mình. Xa xưa, ở Việt Nam ta, Nguyễn Công Trứ từng có bài “Vịnh chữ tình” thật tài tình. Chỉ bằng hai câu mở trong “Vịnh chữ tình” thôi, ta đã thấy tình yêu được quán chiếu sâu sắc và chí lý đến nhường nào:

Cái tình là cái chi chi

Dẫu chi chi cũng chi chi với tình!

     Ở đây, câu đầu là một câu hỏi, câu sau là lời khẳng định. Tình yêu là cái gì nhỉ mà ta chưa hiểu hết? Và dẫu có là gì đi nữa thì ta cũng hết lòng (hết mình) với nó. Hai từ “chi chi” được sử dụng thật quyền biến và đa nghĩa.

     Đến thời hiện đại, trong “Lại nói về em nữa”, Nadim Hikmet - nhà thơ Thổ Nhĩ Kỳ có những câu thơ đạt tới cái tất yếu, cái vĩnh cửu, cái không cùng của tình yêu, đọc lên ta không khỏi ngạc nhiên và sửng sốt:                   

Em là nỗi ràng buộc và niềm tự do của ta

Khi ta đạt tới em

thì ta biết em là nơi không tới được bao giờ.

     Ở đây, nỗi ràng buộc và niềm tự do như không còn mâu thuẫn với nhau, đối lập nhau. Và em, không ai khác, chính là sự mới mẻ vô tận của tình yêu. Sự mới mẻ vô tận ấy cũng như chân trời vậy, rất cần sự khám phá, phát hiện như cách nói của một nhà thơ: Vừa qua một chân trời/ Đã một chân trời khác.

   Trong “Thương nhớ vốc đầy tay”, Đỗ Mai Hòa quan niệm tình yêu là tưởng tượng nhưng là “tưởng tượng tinh tú” để tự mình đặt ra câu hỏi: Tinh tú có cùng anh bay vào vũ trụ em? (“Thế mà không giữ được anh”). Chị coi tình yêu là ký ức, muốn đối thoại với ký ức để bật ra thành câu hỏi: Sao không dừng đối diện với ta đây? Và nếu quay ngược được cỗ máy thời gian, chắc hẳn người tình của chị sẽ hiểu được sự thẳm sâu và kín đáo của một tình yêu không dễ phôi phai cùng năm tháng: Ngân tiếng ngày xưa trong nâu trầm/ Cà phê phố cổ…/ anh không thể thấy đâu/ những giọt nước mắt/ em kín đáo giấu sau cánh cửa/ quệt ngang chiều (“Cà phê phố cổ”).

Do tự nhận mình đã không đủ mạnh mẽ, nhưng lại thừa nhậy cảm nên Đỗ Mai Hòa tự giới hạn mình và nhận thấy rất rõ khoảng cách của tình yêu. Khoảng cách ấy càng lớn thêm nếu đằng sau bức tường/ chỉ là những bức tường, nếu phía sau bức tường là những bức tường màu khác. Ý này được nhấn nháy hai lần ở “Viết trong ngày Valentine” và “Viết cho mình ngày Valen tine” và chỉ khi nào “nếu đằng sau bức tường là cánh cửa”, thì tình yêu mới thực sự lên tiếng. Theo tôi, cánh cửa ấy chính là lối vào của tình yêu. Trong tâm trạng rối bời, có lúc, chị từng bật ra lời than thở xa xót đầy thất vọng trong “Không đề tặng anh”: Gặp làm gì để đắng chát chia ly, nhưng chắc chắn trong sâu xa tâm tưởng, lại không hẳn là thế. Có thể sự “bật ra” ấy chỉ là hiện tượng, còn “trong sâu xa tâm tưởng” mới là bản chất: Cầu Ô Thước bắc qua miền ẩn ức/ Nối hai bờ thương nhớ của ngày xa.  Cho dù ở trong tình trạng: Cháy hết em còn vẹn nguyên cô đơn; Sao vẫn thấy cô đơn/ ngay cả khi đang tan chảy trong anh; Cứ cho đi mà chẳng biết có nhận về và có lúc đẩy lên thành sự “năm ăn năm thua”: Đây là chuyến buôn cuối/ Cá cược cả cuộc đời/ Lỗ - lãi cũng thế thôi/ Trắng tay niềm hy vọng nhưng Đỗ Mai Hòa vẫn không mong muốn một mình, chấp nhận muốn một mình và cũng có thể vẫn chưa đủ sức sống một mình. “Không mong muốn một mình”, “không chấp nhận muốn một mình”, chị không sống trong cõi ảo, không quá coi trọng thế giới ảo, không coi cõi ảo là tất cả. Giống như mọi chuyến bay, dù bay cao đến đâu và bay xa đến thế nào, vẫn phải trở về mặt đất, hạ cánh xuống mặt đất. Đó là điều tất nhiên và đó cũng là hiện thực. Chính vì thế mà nhân vật em vẫn cần nhân vật anh để nhắc đến mình ai cũng bảo lứa đôi như nhà thơ Pháp A-ra-gông từng nói đến trong thơ. Trong  “Hư danh” và trong “Không đề tặng anh”, Đỗ Mai Hòa nhắc đến “là thật” và “đời thực”. Như vậy rõ ràng “là thực” và “đời thực” cũng là đòi hỏi tất yếu của tình yêu, của đời sống tình yêu.

     Đây là sự trở về lần thứ nhất đầy khát vọng:

Chỉ có anh là thật

một ánh mắt

một vòng tay xiết chặt

một chiều đông vô danh ấm áp…

     Còn đây là sự trở về lần thứ hai đầy tự tin:

Sao không đến tìm em trong đời thực

Phật ở trong ta

Phật ở giữa cuộc đời!

    Trong tình yêu, người này có người kia, người này thuộc về người kia, người này là nữ, người kia là nam, luôn là điều quan trọng nhất. Đấy là theo cách nói thông thường. Còn trong thơ, chắc chắn sẽ có hoặc cần có một cách nói khác, nếu không là thơ và không  thuộc về thơ. Đối với Đỗ Mai Hòa, đó là sự “neo” nhau. Và trong tập thơ này, chí ít có hai lần, tác giả sử dụng từ “neo’ thật đắt, lần thứ nhất  trong “Cảm tác bức tranh phong cảnh”: Có một ánh nhìn/ theo dấu nhớ/ neo em và lần thứ hai trong “Cà phê sáng”: Thứ bảy bồng bềnh trôi trên mặt đường/ sao ta lại không neo nhau? Riêng động từ yêu chia không cùng thì trong “Viết cho vợ người tình” là một câu thơ mới mẻ, hay cả về nội dung lẫn hình thức. Phải chăng đó cũng là bi kịch của tình yêu muôn thuở? Và Đỗ Mai Hòa đã gọi sự vật với đúng tên gọi của nó.

     “Thương nhớ vốc đầy tay” là một tập thơ tình của một người khao khát tình yêu đích thực, nhiều tâm tư với những khoảnh khắc tâm trạng khác nhau. Đó cũng là con đường của tình yêu suốt đời không đi hết hoặc suốt đời đi chưa tới. Xét cho cùng, “suốt đời không đi hết” hoặc “suốt đời đi chưa tới” là hành trình đến đích. Chính hành trình chứ không phải đích đến đã làm nên lực hấp dẫn của tình yêu.