Nhiều nơi, nhiều ngành, nhiều nghề cũng cần/phải lên tiếng lắm! Vậy mà vẫn lặng thinh. Thì lạ gì khi một Hoài Linh im tiếng. Cả một đám đông bị lừa. Một bộ phận trong “hệ thống” cũng bị lừa. Bị lừa, lừa nhau ( dù không cố tình, chủ động). Và rồi im lặng. Câm nín. Vậy thôi.

 

Sự im lặng của nghệ sĩ Hoài Linh

 

LÊ HUYỀN ÁI MỸ

 

Chuyện doanh nhân “Nguyễn Phương Hằng tôi” đả kích nghệ sĩ hài Hoài Linh và một số ca sĩ, nghệ sĩ, tôi đọc thấy nhiều người yêu cầu nghệ sĩ Hoài Linh lên tiếng. Không ít người cho rằng, sự im lặng của ông là không nên, không xứng với danh xưng mà cũng từ nó, ông từng xuất hiện, lên tiếng, đồng hành trong một số vụ việc với “thần y” Võ Hoàng Yên.

Tôi phần nào thể tất cho sự im lặng, cho đến thời điểm này của nghệ sĩ Hoài Linh.

Bởi, nếu nhìn thẳng vào lõi của vụ việc và cuộc “lật mặt” Võ Hoàng Yên, đến thời điểm này, xung quanh những “làn sóng” đẩy Võ Hoàng Yên thành “thần y”, đã mấy ai, có ai chịu lên tiếng để nhận trách nhiệm rằng đã nhầm, lầm to? Mà có khi, nếu biết sơ sơ, biết một phần đã hùa theo thì là nhầm; còn đằng này, chỉ nghe nói, nghe kể lại, coi qua mấy clip cũng tin mà phát tán lòng tin ấy thì có phải chỉ nhầm? Nghe nhầm, như kiểu “trái tim lầm chỗ đặt trên đầu”, một kiểu nhẹ dạ, đáng thương hơn đáng trách, nên bỏ qua, bỏ hết người này qua người kia, đến mình, ta tự bỏ qua cho chính ta.

Không ít thì nhiều, mình -cũng đã từng nhầm, cũng tự xí xóa mà im lặng, lờ đi cái chưa đúng, cái sai trái của chính mình. Đâu chỉ mỗi chuyện này.

Vợ chồng doanh nhân Nguyễn Phương Hằng - Huỳnh Uy Dũng cũng đã nhầm. Nghệ sĩ Hoài Linh có khác gì hơn. Ngoài mấy cú đập nắn vai, vỗ lưng bệnh nhân kia, rồi ông “thần yên” dí sát micro hỏi, bệnh nhân lí nhí nói, kèm động tác đưa hai tay lên, là coi như xác nhận “đã chữa khỏi”, nghệ sĩ Hoài Linh cũng cười tươi, “cảm ơn nhe”đến bệnh nhân. Hẳn ông cũng tin rằng mình đã phụ, hoặc đã học được chút ít chữa bệnh liệt từ ông “thầy”!

Từ năm 2011 -2015, ông Yên chữa bệnh ở nhiều địa phương trên cả nước khi chưa có chứng chỉ hành nghề. Vậy ai chịu trách nhiệm cho hành vi sai trái diễn ra công khai này? Và những người “chịu trách nhiệm” tại từng địa phương ấy đã một lần lên tiếng hay vẫn im lặng?

Tháng 10/2015, Sở y tế Hà Tĩnh cấp phép mở trung tâm phục hồi chức năng, dưỡng sinh để khám chữa bệnh, được tỉnh ủy cấp cho hơn 2 hecta đất để mở trung tâm. Giờ thì ngoài tình trạng bỏ hoang (từ năm 2016), ngoài lý giải đường đi của hơn nửa tỷ đồng từng được giải ngân qua Hội Đông y tỉnh kèm lời thừa nhận “trung tâm của ông Yên hoạt động, về khoa học không đánh giá được hiệu quả, mà chỉ người bệnh đánh giá bằng cảm tính là bệnh có bớt” (Theo Tuổi trẻ), thì lãnh đạo địa phương -người có quyền ký cấp đất cho ông Yên có lên tiếng hay cứ im lặng?

Và còn nhiều nơi, nhiều ngành, nhiều nghề cũng cần/phải lên tiếng lắm! Vậy mà vẫn lặng thinh. Thì lạ gì khi một Hoài Linh im tiếng.

Cả một đám đông bị lừa. Một bộ phận trong “hệ thống” cũng bị lừa. Bị lừa, lừa nhau ( dù không cố tình, chủ động). Và rồi im lặng. Câm nín.

Vậy thôi.

Còn nói sức ảnh hưởng xã hội của nghệ sĩ Hoài Linh. Có đấy, có nhiều nữa là đằng khác. Nhưng, từ ảnh hưởng và chịu để ảnh hưởng là luật tương tác qua lại, hai chiều. Trong cái đám đông chấp nhận im lặng để bị lừa cùng nhau ấy, xét cho tận, cũng “công bằng”, phỏng!

Tôi nhìn thêm ở một khía cạnh “nghệ sĩ” khác: cũng ham vui lắm, cũng dễ ngươi mà “mua vui” lắm! Ít khi chịu tìm cho thấy, hiểu cho tới, tường minh mọi nhẽ rồi hẳn. Mà đòi hỏi vậy, thì có khi mình đã “nghệ sĩ” cho rồi, còn lấy ai diễn hài, ca hát cho mà nghe!

Ngay như cụm từ “đền thờ Tổ”, “Nhà thờ Tổ” gắn với cái tên Hoài Linh là đủ để thấy một định danh theo cá nhân. Ông theo nghề, thành danh nên biết ơn Tổ, có đất, cất cái nơi thờ cúng Tổ của riêng ông, cho ông. Bạn bè, em út theo ông, mỗi năm đến ngày giỗ Tổ, họ kéo nhau tới đó, cúng Tổ. Vậy thôi.

Nhiều nghệ sĩ cũng cúng Tổ tại nhà riêng. Tổ - với họ còn là những người thầy đã và đang truyền nghề, dạy nghề cho mình.

Các đoàn hát cúng tổ tại rạp của đoàn. Ngày ấy, nghệ sĩ tề tựu, có người về được, có người bôn ba, nhưng heo, trái cây, hoa thì tới tấp đặt cúng Tổ. Nhiều năm, tôi tới, thấy trên những con heo quay giòn nằm la liệt trên khu vực thờ cúng, gắn không thiếu tên nghệ sĩ nào…

Và dĩ nhiên, nghệ sĩ hầu như đều đến Nhà thờ Tổ chính thống (với tên gọi Nhà truyền thống sân khấu) ở Cô Bắc.

Xưa, đó là nơi ra đời của Hội Nghệ sĩ ái hữu tương tế, từ năm 1948 của các bậc nghệ sĩ tiền bối, nhằm bảo vệ quyền lợi cho công nhân sân khấu, soạn giả, giúp nghệ sĩ già yếu, neo đơn. Đó cũng là nơi hoạt động công khai hợp pháp cho cơ sở cách mạng tại nội thành Sài Gòn.

Nay, cũng lòng thành trước Tổ, tôi cực tin vào điều này ở họ nhưng còn mấy ai hiểu và dám “mua vui, bán buồn” cùng vận mệnh nước non qua tác phẩm, bằng tác phẩm như bao bậc tiền bối …

 

 

Nguồn: Facebook Lê Huyền Ái Mỹ