Nửa năm, sau khi Vũ Từ Trang rời xa cõi tạm, cuốn tuyển tập Chân dung văn học (tập 1, 2) và cuốn Thơ (tuyển) của anh đã in xong và nộp lưu chiểu quý I năm 2021. Sách in khổ 14,5 x 20,5cm. Mỗi cuốn dày 464 trang.

 

KHÁT VỌNG SỐNG VÀ SỰ VĨNH HẰNG

NGUYỄN THỊ LAN

 

1.

Nhà văn, nhà thơ Kinh Bắc Vũ Từ Trang (1948-2020) đã mãi mãi đi xa. Sinh thời, cuốn tiểu thuyết Và khép rồi lại mở (Nxb Phụ nữ 2020, Giải C cuộc thi Tiểu thuyết lần thứ Năm, 2016-2019 của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2020) là “đứa con tinh thần” cuối cùng trước khi ông ra đi. Trong gia tài sáng tác của Vũ Từ Trang, nếu Thơ là cái “nghiệp” chính, thì Chân dung văn học lại là thế mạnh của ông. Nhà văn đã cho ra đời 6 tập thơ và 5 tập Chân dung văn học, cùng nhiều tác phẩm khác. Tuy nhiên những tuyển tập của mình thì chưa kịp.

Đến nay, gia đình và bạn bè (đặc biệt nhà văn Huy Thắng) đã thay anh thực hiện những dự định còn dang dở. Nửa năm, sau khi Vũ Từ Trang rời xa cõi tạm, cuốn tuyển tập Chân dung văn học (tập 1, 2) và cuốn Thơ (tuyển) của anh đã in xong và nộp lưu chiểu quý I năm 2021. Sách in khổ 14,5 x 20,5cm. Mỗi cuốn dày 464 trang. Sách in đẹp, trang nhã, bìa cứng. Cả ba cuốn được đặt trong một hộp bìa cứng rất trang trọng.

Hai tuyển tập đều có bố cục giống nhau, sau chân dung và sơ lược tiểu sử tác giả là hai phần chính. Phần một: tác phẩm, phần hai: Tri âm, nhận định, chia sẻ của bạn bè đồng nghiệp.

 

2.

“Vũ Từ Trang là một tài hoa toàn diện của quê hương Kinh Bắc” (Nguyễn Thế Khoa). Là một cây bút đa năng, anh viết nhiều thể loại, ở thể loại nào anh cũng để lại những dấu ấn đáng ghi nhận. Phần giới thiệu tác giả: “Vũ Từ Trang (1948-2020), ta được biết Vũ Từ Trang đã xuất bản 6 tập thơ, 5 tập chân dung văn học, 2 cuốn tiểu thuyết, 1 truyện dài, 3 cuốn khảo cứu. Vũ Từ Trang cũng đã được tặng nhiều giải thưởng quý của Báo Nhân dân, Hội Văn Nghệ Hà Nội, Hội Văn Nghệ Hải Phòng, Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam, Hội Nhà văn Việt Nam.

 

3. 

Hai tập Chân dung văn học

3.1. Phần một: Tác phẩm

Mặc dù, không đề ngoài bìa sách là “Tuyển tập” nhưng về nộ dung và cấu trúc thì hai tập sách này đúng nghĩa là “Tuyển tập”. Sinh thời, Vũ Từ Trang đã cho ra mắt bạn đọc năm tập chân dung văn học với khoảng 130 nhân vật văn chương nghệ thuật, chưa kể còn nhiều chân dung khác đã được anh công bố trên các báo chí nhưng chưa kịp tập hợp và in sách. Trong tuyển tập Chân dung văn học này, tác giả Vũ Từ Trang chỉ tuyển 72 chân dung các văn nghệ sỹ. Đó là các nhà văn, nhà thơ, dịch giả văn học  thuộc thế hệ trước như: Hoàng Trung Thông, Anh Thơ, Thợ rèn, Nguyễn Địch Dũng, Quang Dũng, Trần Lê Văn, Ngô Quân Miện, Yến Lan, Nguyễn Xuân Khánh, Nguyễn Bản, Phan Xuân Hạt, Dương Tất Từ, Mã Giang Lân, Tạ Hữu Yên… Những nhà văn, nhà thơ hơn tuổi anh ít nhiều hoặc cùng trang lứa: Lưu Quang Vũ, Vũ Quần Phương, Lê Minh Khuê, Hoài Anh, Thanh Tùng, Tạ Vũ, Nghiêm Đa Văn, Tô Hà, Trần Ninh Hồ, Nguyễn Phan Hách, Tô Hải Vân, Anh Vũ, Nguyễn Đức Mậu, Võ Văn Trực, Phạm Đình Ân, Hoàng Trung Thông… Và cả những người đam mê thơ phú, từng nổi danh một thời nhưng không may mắn có được số phận bình yên, ngược lại đầy trắc trở như Tuân Nguyễn, Phương Thúy… Đặc biệt, còn có cả những người mà chưa mấy ai biết đến tác phẩm, tên tuổi họ như Nguyễn Ngọc Ly, Nguyễn Thị Hoài Thanh, Nguyễn Thị Phụng (vợ nhà thơ Anh Vũ)…

Tuyển chọn để đưa vào hai tập tuyển tập chỉ khoảng non nửa số nhân vật mà mình đã viết và in, nhà văn Vũ Từ Trang trong Lời đầu sách đã viết: “Nay xin tuyển chọn lại thành tập “Chân dung văn học”. Có những người tôi rất yêu quý, đã viết bài và công bố trên báo, nhưng lại vắng mặt trong tuyển chọn này, vì lý do riêng, hoặc sự ngẫu nhiên nào đấy để chọn tròn số bài, âu cũng là điều đáng tiếc. Có gì khiếm khuyết, xin bạn đọc lượng thứ”

3.2. Phần hai: Tri âm, nhận định chân dung văn học.

Phần này gồm 16 bài viết của 15 tác giả về hai tập Chân dung văn học. Đó là các tác giả: Phan Quế, Trần Bảo Hưng, Đặng Huy Giang, Vũ Quần Phương, Huy Thắng, Nguyễn Thiết, Trần Chiến, Lê Thiếu Nhơn, Vũ Nho, Kim Nhung, Phạm Đình Ân, Đặng Hiển, Quang Hưng, Nguyễn Thị Lan, Đoàn Minh Tâm.

Nhìn chung, trong những lời tri âm, nhận định, các tác giả đều cho rằng: Vũ Từ Trang là nhà văn của “những mảnh đời khuất lấp” người nghiêng về những thân phận cô lẻ, “người cùng phong trần với đồng nghiệp”. Vũ Từ Trang “có con mắt liên tài của một nhà văn”. Về văn tài của Vũ Từ Trang, nhiều tác giả cho rằng Vũ Từ Trang có trí nhớ tốt, viết kỹ, nhiều chi tiết, ý kiến khá chính xác, đủ tinh tế. Một số đoạn có thể bóc tách làm nên những tản văn, chuyện làng văn nghệ. Lời bình của Vũ Từ Trang khá tinh tế, thuyết phục. Cuốn sách giàu chất văn chương và nhân văn.

Đặc biệt, về giá trị của những cuốn chân dung văn học của Vũ Từ Trang, nhà thơ Vũ Quần Phương đánh giá “Nó là kho hiện vật, kho tư liệu tâm hồn, làm chứng tích cho một thời gian khổ, thiếu thốn, chật hẹp đủ điều nhưng ước vọng tinh thần và ý chí sáng tạo của con người văn chương thật đẹp, đủ sức giúp họ đứng vững và tạo nên một điều kỳ diệu của cuộc đời này: Ấy là nghệ thuật ấy là văn chương”. Còn tác giả Phạm Đình Ân cho rằng: “Bộ sách của Vũ Từ Trang còn có giá trị vừa về tinh thần, vừa về vật chất khi chúng đóng góp vào tài sản Bảo tàng Văn học Việt Nam”. Đó là những lời “Tri âm, nhận định” thật đáng quý.

 

4. 

Tập Thơ

4.1. Phần một: Tác phẩm

Thơ là mảng văn chương Vũ Từ Trang dành nhiều tâm huyết, là cái “nghiệp” của anh. Tập sách đầu tiên trong văn nghiệp của anh cũng là thơ. Tuyển tập Thơ này gồm toàn bộ những bài trong 6 tập thơ Vũ Từ Trang đã xuất bản. Nắng lên cao (1977), Thời trai trẻ (1996), Ngược dốc (1999), Lẻ và không lẻ (2002). Những vòng tròn không đồng tâm (2011), Cây chuyển mùa (2016), và 5 bài “Thơ chưa vào lập” (1970-1974), tổng cộng gồm 208 bài. Như vậy, 4 năm trước khi ra đi Vũ Từ Trang chưa in thêm tập thơ nào. Có thể anh tập trung thời gian, trí lực cho mảng văn xuôi, và cũng có thể như anh nói với tác giả bài viết này: “Anh sợ lặp lại chính mình”.

4.2. Phần hai: Chia sẻ của bạn bè đồng nghiệp với thơ Vũ Từ Trang.

Phần này gồm 28 bài viết của 23 tác giả: Vũ Quần Phương (2 bài), Nguyễn Thiết (2 bài), Mã Giang Lân (2 bài), Trúc Thông (2 bài), Hoàng Việt Hằng (2 bài), Phạm Đình Ân, Anh Vũ, Ngô Vĩnh Bình, Lữ Giang, Hoàng Xuân Tuyền, Nguyễn Trác, Phạm Hồ Thu, Nguyễn Việt Chiến, Hoài Anh, Lê Thiếu Nhơn, Huy Thắng, Bùi Đức Ba, Vũ Bình Lục, Phạm Ngọc Luật, Đặng Hiển, Vũ Nho, Lê Huy Hòa, Hoàng Kim Dung. 28 bài viết đã được đăng trên các báo, tạp chí. 28 cảm nhận khác nhau về vẻ đẹp của thơ Vũ Từ Trang, về tâm hồn tình cảm của người viết. Mỗi bài đều mang lại cho độc giả những cảm xúc thẩm mỹ.

Thông thường, mỗi tập thơ của nhà thơ Vũ Từ Trang đều có 2-3 bài viết của các tác giả, mỗi bài đều nêu những nét đặc sắc về nội dung và nghệ thuật của tập thơ. Ví dụ: về tập Ngược dốc, nhà thơ Anh Vũ viết: “Đọc Ngược dốc như đọc một lý lịch trích ngang của Vũ Từ Trang, một bản trần thuật chân thành và đầy cảm xúc”. Còn nhà thơ Trúc Thông viết: “Những câu thơ hay và thật hay”. Những câu thơ hay nhất lại là những câu buồn. Buồn thật lòng, tận đáy. Có lúc tan nát, thất vọng”. Về tập Những vòng tròn đồng tâm, nhà thơ Vũ Quần Phương viết: “Tập thơ này có những nét khác so với các tập trước của Vũ Từ Trang. Không hướng thơ ra hiện thực ngoài đời mà lại quay lại những kỷ niệm, những chiêm nghiệm của lòng mình. Thơ nhỏ giọng như lời tâm sự, thì thầm đứt nối, vừa nói vừa lắng nghe lòng mình”. “Hai mảng cảm xúc bao trùm: hoài niệm và chiêm nghiệm”. “Không gian chủ yếu của tập thơ này là không gian hoài niệm, không gian ảo”…

Có thể nói, ở tuyển tập thơ này, Vũ Từ Trang lại gặp những người bạn “Tri âm”.

 

5.

Lời cuối:

Trong tuyển tập Thơ, ở bài viết Vấn vương giữa hiện thực và xa xăm tác giả Nguyễn Thiết cho rằng: Vui buồn không giới hạn, tất cả bắt nguồn từ tình yêu thương đến khôn cùng sự sống với giá trị chân thiện mỹ của nó. Đó cũng là khát vọng sống của nhà thơ, và sự vĩnh hằng của thơ”. Cần nói thêm rằng: “Tình yêu thương con người đến khôn cùng, cũng là khát vọng của nhà văn Vũ Từ Trang trong tuyển tập Chân dung văn học.

Về nhà thơ Nguyễn Phan Hách, Vũ Từ Trang viết: “Đời người cầm bút, có được tác phẩm để đời như anh, hạnh phúc biết nhường nào. Vậy thì, cái chết có phải là kết thúc đâu phải không anh”. Câu nói đó, có thể nói về chính nhà văn, nhà thơ Vũ Từ Trang. Với anh “Thác là thể xác, còn là tinh anh”. Cùng với gia tài văn chương phong phú của mình, tuyển tập Chân dung văn học, Thơ là món quà quý Vũ Từ Trang gửi lại. Với những di sản quý giá đó, anh sẽ “sống” mãi trong tâm tưởng, trong tình yêu nỗi nhớ, trong sự quý trọng của người thân, bè bạn và độc giả. Với anh, một hành trình “sống” mới lại bắt đầu.

Hãy yên lòng nhé, anh Vũ Từ Trang!

 

Nguồn: Văn Nghệ