Bài viết trên báo Văn Nghệ TPHCM số 640 ra ngày 29/4/2021, cho rằng: “Sự vĩ đại trong tư tưởng của Nguyễn Quang Thiều là thấy được khó khăn của quá trình cải tạo xã hội từ xả rác đến dọn rác. Quá trình đó khó khăn vô cùng.

 

CỌNG RÁC CỦA NGUYỄN QUANG THIỀU

Chúng tôi hy vọng và tin tưởng vào sự chuyển mình của Văn học Việt Nam qua lời của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều – tân Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam: Ném cọng rác xuống chỉ mất một giây nhưng nhặt cọng rác lên phải mất một thế kỷ – một trăm năm (Chuyện tác quyền của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Facebook Lethieunhon).

Đó là một ý tưởng vĩ đại. Như thế là tân Chủ tịch Hội Nhà văn đã nắm được tinh túy của chủ nghĩa Mác – Lênin – Tư tưởng Hồ Chí Minh: Chủ nghĩa cộng sản nhằm xây dựng một xã hội sạch. Không còn người tùy tiện và vụ lợi xả rác vào cộng đồng và toàn nhân loại, ai ai cũng có ý thức nhặt rác. Nếu trong vòng trăm năm mà xây dựng được một xã hội sạch, mọi người đều tự giác nhặt rác thì quả là bước Đại nhảy vọt, Đại cách mạng của nhân loại. Có lẽ nhà thơ Nguyễn Quang Thiều quá lạc quan chăng? Chúng tôi thì hy vọng sự nghiệp đó là phải hàng ngàn năm. Nhưng không sao, những niềm tin có cơ sở thì sớm muộn thể nào cũng tới đích, dù phải vượt qua muôn trùng sóng gió.

Sự vĩ đại trong tư tưởng của Nguyễn Quang Thiều là thấy được khó khăn của quá trình cải tạo xã hội từ xả rác đến dọn rác. Quá trình đó khó khăn vô cùng. Phải vượt qua tỷ lệ 1 giây / 100 năm = 1 / 31.536.000. Đó là một tỷ lệ khổng lồ, một tỷ lệ vũ trụ. Nhưng không sao. Nước chảy đá mòn. Kiến tha lâu đầy tổ. Có công mài sắt có ngày nên kim.

Tư tưởng trên là tiền đề cho mọi hoạt động xã hội hướng tới mục tiêu cuối cùng: Một xã hội sạch. Đặc biệt là nhiệm vụ của văn học – nghệ thuật và khoa học xã hội nói chung. Đặc trưng của con người là có ý thức, có tư duy. Tư duy đưa đến tư tưởng. Tư tưởng đưa đến hành động. Hành động sẽ làm thay đổi thế giới, thay đổi xã hội.

Nhiệm vụ của văn học ở đây, như Chủ tịch Hội Nhà văn đã chỉ ra, là nhặt rác, là chuyển biến, cải tạo tư tưởng và hành động xả rác thành tư tưởng và hành động nhặt rác. Thức nhận, phản ánh, cảnh báo, lên án Rác nạn đương nhiên là cần. Là bước đi đầu tiên. Tiếp đó và đồng thời là phải nhặt rác, dọn rác. Chỉ phản ánh Rác nạn một cách sắc sảo, dù đi đến tận cùng Bãi rác vẫn chưa giải quyết được Rác nạn. Vì Bãi rác vẫn còn đấy! Phải xem trong toàn bộ lịch sử nhân loại có ý tưởng nhặt rác và hành động nhặt rác hay không. Phải xem trong hiện thực hiện tại ngay trên mảnh đất này, xã hội này có tư tưởng, đường hướng và hành động dọn rác để xây dựng một xã hội sạch hay không. Nếu có ý tưởng đó, hành động đó thì phải hoan nghênh, trân trọng, biểu dương, tuyên truyền sâu rộng cho toàn thể xã hội, để quần chúng noi theo. Để mọi người thấy cái hại của Rác nạn, cái lợi của Nhặt rác. Để mọi thành viên tự giác nhặt rác. Như thế sự nghiệp trừ bỏ Rác nạn, xây dựng một xã hội sạch là một sự nghiệp nhân văn nhân đạo vĩ đại. Là sự nghiệp con người tự cải tạo mình từ tha hóa đến hài hòa, tự do chân chính. Văn học – nghệ thuật có vai trò rất to lớn trong sự nghiệp đó. Vì nó trực tiếp tác động vào tư tưởng, tình cảm của con người trong sự nghiệp dọn rác, xây dựng một xã hội sạch, xã hội Đại đồng (Khổng Tử).

Để có một xã hội sạch thì phải dọn rác. Phản ánh, nghiền ngẫm, phẫn nộ lên án… mới chỉ là thông báo, thông tin, thông điệp về Rác nạn. Chưa phản ánh, nghiền ngẫm về sự nghiệp Dọn rác thì mới chỉ thấy được một phía, một mặt của cuộc sống. Trên tinh thần đó chúng tôi rất tán thành nhà văn Đoàn Minh Tâm rằng, nếu xem văn học trước Đổi Mới chỉ là minh họa là một sai lầm. Mà xem văn học hiện nay không còn minh họa cũng là một sai lầm (Xem trang Lethieunhon. 19.4.2021 – Văn học minh họa). Chúng tôi muốn mở rộng ra là văn học sau Đổi Mới vẫn đang là minh họa. Đang minh họa những ý tưởng, tư tưởng và hiện thực ở mặt trái, mặt tiêu cực của cuộc sống. Đang loanh quanh ở bãi rác cuộc sống, dù là đi đến tận cùng với bút pháp sắc lạnh… Chưa có hay hiếm có những tác phẩm có những suy tư lớn về Bãi rác nhân loại Bãi rác quốc gia trong tính lịch sử của nó. Càng chưa có tác phẩm nào phản ánh con người Việt Nam trong quá trình nhận thức, tìm đường và tổ chức hành động trong công cuộc dọn dẹp bãi rác ở đất nước mình mà lịch sử để lại. Mặc dù trong thực tế, ý tưởng đó, đường hướng (học thuyết, lý luận, đường lối) đó và thực tiễn tổ chức hành động trên phạm vi toàn dân tộc đã diễn ra sôi nổi và có những thành tựu hết sức quan trọng. Sự nghiệp đó do Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức lãnh đạo được toàn dân đồng tình ủng hộ. Đó là xây dựng một nước Việt Nam theo định hướng Dân giàu Nước mạnh Xã hội công bằng Dân chủ và Văn minh.

Nếu nhìn vào thực tiễn văn học, qua các tác giả và tác phẩm được đánh giá cao như Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Khải, Lê Lựu, Ma Văn Kháng, Nguyễn Khắc Trường, Dương Hướng hay các tác giả của Nỗi buồn chiến tranh, Tướng về hưu, Cánh đồng bất tận v.v… đều mới chỉ là những trăn trở, nghiền ngẫm hay phơi bày ở những khía cạnh, những mức độ khác nhau về Rác nạn nói chung. Nói lên được thực trạng cuộc sống dù sao vẫn quý hơn là không nói gì, vô cảm, mũ ni che tai (Trương Chính. Bút pháp Nguyễn Huy Thiệp. Trang mạng Lethieunhon). Nhưng quan trọng hơn, đáng quý hơn, đáng trân trọng hơn là, như Chủ tịch Hội Nhà văn đã nói: Hãy cúi xuống nhặt nhạnh rác rưởi… Ý tưởng đó, hành vi đó, sự nghiệp đó dù khó gấp nhiều triệu lần sự xả rác, dù phải kéo dài trăm năm ngàn năm… vẫn phải làm, kiên trì làm, tuyên truyền vận động giáo dục, tổ chức thành sự nghiệp của toàn dân, toàn xã hội. Vì một người, một nhóm người, một số người, có tài thánh cũng không thay đổi được cục diện chung. Phải thấy sự nghiệp dọn rác mới là hiện thực cơ bản của nhân loại cũng như dân tộc trong trường kỳ lịch sử. Sự nghiệp đó đang tiếp tục, chưa phải đã hoàn thành. Công việc chưa xong mà muốn hưởng ngay kết quả thì chỉ có thể được một kết quả sống sít. Đáng tiếc là tâm trạng chung của nhiều văn nghệ sĩ đều muốn hưởng quả mà không muốn trồng cây hay không chờ đợi được quá trình từ trồng cây đến hái quả. Vì thế sinh ra tâm trạng bi phẫn. Rồi một số nhà lý luận – phê bình, một số bạn đọc cùng tâm trạng, hết lời đề cao tư tưởng và sáng tác theo hướng nghiền ngẫm rác nạn.

Giáo sư sử học T.Q.V vào năm 1991, than phiền người dân chưa thực sự được tự do hạnh phúc (Văn nghệ TP.HCM, số 635). Một Giáo sư văn học vào năm 2021 cũng lặp lại suy nghĩ đó. Đọc xong trường ca Ai được sống sung sướng ở nước Nga của Nekrasov hồi còn Nga hoàng thế kỷ XIX thì liên tưởng: Chỉ khi nào nhân dân được thực sự giải phóng, lật đổ ách thống trị đen tối, nâng cao phẩm chất người thì mới mong có ngày sung sướng. Chúng ta cũng đã từng ước mơ như thế, từng chiến đấu hy sinh cho mục tiêu tương tự như thế nhưng vẫn chưa được sống sung sướng, câu trả lời ngày nay cần được các nhà thơ chúng ta quan tâm (Tản mạn về trường ca. Trần Đình Sử. Trang Lethieunhon – 20.4.2021).

Đây là tâm trạng chung của nhiều văn nghệ sĩ. Là cái nhìn siêu hình, phiến diện, một chiều một phía vào cuộc sống. Rất mong các Giáo sư, các nhà văn nghệ sĩ hãy nhìn và suy ngẫm về quá trình trồng cây nhiều hơn là quá trình hái quả. Tư duy đó, Chủ tịch Hội Nhà văn đã thấy ra rồi. Vui mừng và tin tưởng xiết bao!

Hà Nội, tháng 4-2021

 

THIỀU QUANG

 

Nguồn: Báo Văn Nghệ TPHCM  số 640 ra ngày 29/4/2021