Trên tờ Khởi Hành tháng 5/1969, Trịnh Công Sơn viết: Có đôi lúc muốn chọn nhà tù làm nơi ẩn thân cho đời mình. Nhưng như thế chỉ làm thêm một điều bội bạc. Bội phản bè bạn chung quanh. Cho nên vẫn còn ngồi đâu lưng với bạn bè trong nỗi bất lực. Bất lực mà biết được là bất lực.

 

Nghiêng tai nghe lại cuộc đời

TRỊNH CÔNG SƠN

Viết về Huế là cái đề tựa Viên Linh nói ra tình cờ ở một quán nước buổi chiều tôi từ Huế trở lại nơi này. Không hiểu phải bắt đầu bằng điều gì về Huế. Tất cả Húê đã như một giòng máu vô thủy vô chung chảy theo nhịp điệu ôn hòa nuôi nấng nên tôi. Nói về Huế như thế chỉ là một lần nghiêng tai nghe lại chính mình.

Thử khởi đầu bằng tháng hai năm một ngàn chín trăm sáu chín. Mùa Xuân vào tháng hai này tôi có ba mươi tủôi. Ba mươi tủôi chưa làm nên trò trống gì ngoài chút bình thản khi nghe tin người yêu đang nép mình dưới một bóng mát khác. Yêu là phủ lọng cho nhau. Được làm người yêu là được làm kẻ yếu đuối. Kẻ có con tim cực mạnh thì chỉ có nô lệ chứ không có người yêu. Những người yêu tôi thường bỏ đi êm thắm nhung tàn nhẫn. Như một nhát dao bén cắt xuống thật ngọt tình cờ. Không có dấu hiệu. Ngôn ngữ sẽ biến mất vì không có dấu hiệu. Nên chút bình thản còn lại có lúc đã quỵ ngã. Ta cuốn tròn ta trong chiếc ghế bành như một loài sâu âm thầm. Ngoài kia là lá xanh non của mùa Xuân nhưng không còn thèm muốn. Ở mỗi đỉnh nhỏ trên đời sống hao mòn đi một chút. Mất sự bén nhậy bình thường. Cũng có lúc nghe mình nhẹ hẫng như sau phút búng máu trào ra, chiếc bụng xẹp xuống của người bệnh lao.

Căn nhà tôi trở về, nằm bên cạnh một giòng sông và chiếc cầu. Chiếc cầu bị phá từ năm ngoái đã được sửa lại. Vẫn còn rất nhiều những căn nhà nằm trơ gạch đá hoang tàn. Mỗi lần trở về là mỗi lần mang theo cùng một thân thể xanh xao ốm để bồi bổ lại. Không phải về Huế vì thói quen nhưng về vì thèm muốn. Ở đây không có đời sống chen chân, hấp tấp. Mọi sự đều thong thả, nhẹ nhàng. Về lại Huế cũng có thể là về lại bên sau những con đập, những biên thùy. Con đập che chở những giá trị còn sót lại của truyền thống. Đó phải chăng là đóm lửa còn thắp sáng trong lòng những người mang trích lục nơi đây. Huế đã mỏi mòn, rời rạc sau những cơn chấn động dữ dội của chiến tranh, của thiên tai, của thù hận. Đã có lúc mặt đối mặt. Những con mắt căng ra nhìn rõ. Con tim nằm trong ngày nhật thực. Những xung đột từ một xã hội cổ kính, câu nệ, đã đứng lên sừng sững, dàn rộng ra trên đấu trường. Tiếng nổ như thoát đi từ miệng hoả diệm sơn. Phún thạch trôi đi não nề đốt cháy cây cỏ, nung chết sức sống của đất đai. Trôi đi như thể máu trôi đi từ những mồ chôn tập thể. Nước mắt từ những con mắt mở ra buồn thảm kinh hoàng.



Buổi trưa tâm hồn lặng thinh. Nắng cháy trên đầu những viên đá xanh. Nỗi tịch an trong đời có khi cũng làm cơn sóng dữ. Nhưng rồi sự tê liệt cũng muốn tê mất. Tiếng khóc gào theo những đoàn xe GMC chở đầy những chiếc hòm sắp thẳng hàng. Tiểu đội kèn thổi lên điệu bi ai. Như vẫn thổi mỗi sớm mai trước căn nhà vĩnh biệt của bệnh viện.

Đó là điều đã thấy đã nghe nhưng không hiểu. Đời người quá nhỏ bé để phải chứa đầy từng ấy đau thương. Nỗi bất an có mặt trong từng bữa ăn, giấc ngủ. Thành phố rồi cũng trở lại với nhịp cũ. Nhưng những cánh tay bằng hữu đã níu lại nhau chật vật hơn. Mỗi cử động nhỏ trong đời sống bây giờ là một cố gắng. Cỏ cố gắng mọc. Lúa cố gắng nhoi lên khỏi đất khô.

Đêm nay ở đầu cầu có người lính trẻ đứng gác cạnh những bao cát chất cao. Có những tiếng súng nổ vu vơ xuống một cánh bèo trên giòng sông tối. Đôi lúc nhìn lại con trăng rằm. Không hiểu nó có những đổi thay nào cùng với đất đai này từ bao nhiêu năm nay - mắt bạn bè giờ này cũng chong sáng trên những đỉnh núi cao, trong những hóc xa hút của rừng. Tuổi trẻ được căng ra bằng tất cả thanh xuân của mình. Có những tiếng cười vẫn còn nhọn nhưng giọng nói đã ôn hòa như của người già cả. Giọng nói đó nghe lại mỗi lần có tin một thằng bạn vừa chết. Khi đôi mắt thật bình thản cúi xuống một ly rượu đầy. Những người lớn tuổi đã phải bất động trước tủôi trẻ hôm nay. Đứa con đã thừa đủ gian nguy, thừa đủ đau xót hơn cha mẹ nó.

Trong một thành phố quá nhỏ đủ để mọi người ít lắm cũng có một lần chào nhau. Những khuôn mặt đến từ những chỗ ngồi quen thuộc ở một quán cà phê, đã thưa dần đi. Sống bây giờ cũng là chờ đợi nghe ngóng tử thi. Bao lần khuất mặt đó không phải đếm bằng đầu những đốt tay mà bằng tóc người. Bằng tất cả tóc của những đứa còn ngồi lại. Đếm không xuể. Đếm hụt hơi. Bài ca quá dài, sức người không vói tới. Những âm thanh quá trầm. Những âm thanh quá cao. Có những âm thanh chưa có tên gọi. Mới mẻ và ở ngoài thiên tài. Có thể gọi được chưa thời đại này là thịnh thời của những kẻ sát nhân. Một tên sát nhân ngu dốt chỉ giết có một người. Một tên sát nhân thiên tài là nguồn ngạnh của điêu linh. Hỡi những viện bảo tàng quốc tế, Việt nam đã dựng xong một viện bảo tàng vĩ đại nhất. Tác phẩm mỗi ngày một nhiều hơn. Kẻ sát nhân làm nên định mệnh. Ta còn có quyền gì về ta. Ra đời vì dục tình. Chết vì sự ngu dốt và vì tham vọng ảo tưởng. Mỗi ngày chúng ta trôi đi trong guồng máy lớn guồng máy nhỏ. Cứ mãi là nạn nhân của những tranh chấp hão huyền, vô duyên. Bạn bè và ta có khi là những viên sỏi bị mài mòn nhẵn nhưng phải cố vuốt nhọn mãi đời mình. Vì sợ hãi vì âu lo. Còn có ích gì khi ta không cất nổi tiếng cười sảng khoái mỗi sớm mai hay đêm khuya khoắt. Ta đâu còn được ca hát đời ta. Có phải như thế gọi là bi quan tiêu cực không. Con người không được quyền ta thán nữa hay sao. Mắt người đã nhìn thấy rõ. Không còn điều bí ẩn nữa. Nên cũng không có một thứ giáp sắt nào chống đỡ nổi cho những nỗ lực. Loài người chỉ có thất bại chứ không có thành công. Hãy tin điều đó như lời sấm. Những ngôn từ huy hoàng chỉ là bề mặt của sự điêu ngoa. Con người đã thực sự khởi hành. Đi nhưng không bao giờ đến. Trên nét mặt trầm tư bao la của trời đất này ta là quái gì. Xin làm kẻ lữ hành ôn hòa nhất để còn nhìn mãi nhân loại chung quanh. Không nhanh chân vượt trước. Cũng không chậm quá về sau. Nhưng không bao giờ mang ảo tưởng về đi và đến. Nhân loại cũng sẽ tha thứ cho kẻ không biết đến lòng khoan dung. Bước tới là còn đi trên nẻo của giáo điều. Bên cạnh giáo điều ta luôn luôn muốn làm kẻ ngu dốt.

Có đôi lúc muốn chọn nhà tù làm nơi ẩn thân cho đời mình. Nhưng như thế chỉ làm thêm một điều bội bạc. Bội phản bè bạn chung quanh. Cho nên vẫn còn ngồi đâu lưng với bạn bè trong nỗi bất lực. Bất lực mà biết được là bất lực. Như thế là đã có hành trình. Một thứ hành trình không lớn lao nhưng cũng không hèn mọn. Một sự kiện hiển nhiên mà thôi. Cứ dửng dưng. Như đã dửng dưng với người tình phụ.

Xin cúi đầu trước hạnh phúc của những kẻ u mê.

(Khởi Hành số 4, ngày 22-5-1969)

 

 

Nguồn: Mượn Dấu Thời Gian