Trường hợp truyện ngắn “Con mèo của Foujita” của Nguyễn Quang Sáng, sau rất nhiều lần đọc và phân vân, tôi tạm gọi đây là truyện ngắn quá khổ hay truyện ngắn mặc áo tiểu thuyết. Với cách kể chuyện hóm hỉnh, có duyên của một bậc thầy về nghệ thuật khẩu ngữ, Nguyễn Quang Sáng “bỏ bùa” bất kỳ độc giả nào khi họ đọc “Con mèo của Foujita”.
Tiểu thuyết "náu mình" trong một truyện ngắn
ĐẶNG NGỌC HÙNG
Cho đến nay, việc phân biệt tiểu thuyết và truyện ngắn nhìn chung là ổn. Tôi nói “nhìn chung” là vì cả tiểu thuyết và truyện ngắn đều là loại tự sự có tên là truyện nhưng dài bao nhiêu trang là truyện dài, truyện vừa hay truyện ngắn? Trên thực tế có những tác phẩm dài hơn cả một số tiểu thuyết nhưng tác giả lại chủ động gọi là truyện.
Chẳng hạn “Trên mảnh đất người đời” dài 130 trang của A.A. Ivanov, “24 giờ trong đời một người đàn bà” dài 110 trang của Stefan Zweig lại được gọi là truyện, nhưng tiểu thuyết “Bay đêm” của Antoine de Saint-Exupérychỉ dài có 110 trang chữ khá lớn. Lại có những truyện ngắn rất dài như “Mùa trái cóc ở miền Nam” (78 trang), “Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành” (83 trang), “Cỏ lau” (86 trang) của Nguyễn Minh Châu.
Nói phân biệt tiểu thuyết và truyện ngắn là khá ổn vì để phân biệt tiểu thuyết và truyện ngắn, giới nghiên cứu đưa ra một số tiêu chí về bút pháp, phương thức tiếp cận và phản ánh đời sống, số lượng đề tài và chủ đề có thể có trong mỗi đơn vị tác phẩm. Về truyện ngắn, nhiều nhà văn và nhà nghiên cứu chỉ ra những đặc điểm và tính chất nổi bật của thể tài này như: Chủ yếu là đi từ điểm đến diện, tức là từ một khoảnh khắc nhìn ra một vùng đời hay cả cuộc đời.
Nhà văn Tô Hoài từng có câu nói đúc kết rất hay và gần gũi: “Truyện ngắn là cách cưa lấy một khúc đời sống”. Cố nhiên là có truyện ngắn nói về một đoạn đời hay thậm chí cả cuộc đời của nhân vật nhưng đây không phải là đặc trưng của thể tài này. Và để “cưa lấy một khúc đời sống” cho ấn tượng và hấp dẫn, người viết truyện ngắn dày công tạo tình huống, tình thế cho thật đắt để mà, nói theo Nguyễn Quang Sáng, “chỉ cần nêu ra vài nét, người ta đã có thể liên tưởng rất nhiều”. Nói theo Pautovxki, đó là “tạo ra một khoảng rộng rãi cho sự tưởng tượng”. Chính Lev Tolxtoy, tác giả của trường thiên tiểu thuyết “Chiến tranh và hòa bình” đã có nhận xét rất đáng lưu ý: “Truyện ngắn là một hình thức nghệ thuật khó khăn bậc nhất”.
Nếu công nhận những điều trên đây là đặc trưng của truyện ngắn thì tiểu thuyết rõ ràng khác truyện ngắn ở sự nhiều mặt (dù trong thực tế tiểu thuyết hiện đại có không ít tác phẩm đi sâu vào thế giới bên trong của nhân vật hơn là mảng miếng thực tại), ngổn ngang hơn về sự kiện và quan hệ, thám hiểm nhiều phạm vi đời sống hơn (đề tài) và đưa dẫn người đọc vào nhiều chiều sâu nhân sinh hơn (chủ đề).
Nhưng, một lần nữa, tôi trở lại với “nhìn chung”: Khi đối diện với một truyện ngắn, có trường hợp người ta lại nghĩ khác. Với tôi, đó là trường hợp truyện ngắn “Con mèo của Foujita” của Nguyễn Quang Sáng. Sau rất nhiều lần đọc và phân vân, tôi tạm gọi đây là truyện ngắn quá khổ hay truyện ngắn mặc áo tiểu thuyết.
Với cách kể chuyện hóm hỉnh, có duyên của một bậc thầy về nghệ thuật khẩu ngữ, Nguyễn Quang Sáng “bỏ bùa” bất kỳ độc giả nào khi họ đọc “Con mèo của Foujita”.
Truyện được kể ở ngôi thứ nhất xưng tôi. Bắt đầu từ cuộc săn lùng bức tranh con mèo của danh họa người Nhật Foujita và mọi nỗ lực của giới săn tranh cả thế giới đều như “mò kim đáy biển”. Giữa lúc đó, nhân vật Nam xuất hiện. Nam là Nguyễn Thành Nam, bạn của tôi. Với cách kể chuyện của Nguyễn Quang Sáng, thì một thế kỷ ngắn bằng một ngày: Bức tranh con mèo đang nằm trong tay Nam. Chỉ với hai câu đối thoại. Và tôi tin ngay lời Nam, vì tôi quá biết tính cách của Nam. Nam nói với tôi rằng Nam sở hữu được bức tranh “trong chuyến đi Hà Nội vừa rồi”.
Nhưng một người như Nam thì có cách đi Hà Nội phải khác người. Vì Nam khác người. Vì vậy mạch truyện rẽ qua một hướng khác nhờ thủ pháp đồng hiện. Nam là người thế nào, quan hệ với tôi ra sao?
Tôi kể tôi gặp Nam hồi năm 1948 trong rừng U Minh. Cả hai đều đi bộ đội. Nhưng lúc bấy giờ Nam mới 16 tuổi. Nhận ra cái nhìn thiếu tin tưởng của tôi, Nam cho tôi biết Nam tuy không mang nổi cây súng nhưng làm một nhiệm vụ còn hơn cầm súng là “truyền tin của chỉ huy, làm liên lạc” và đã học xéc-ti-fi-ca (certificat, tiểu học).
Thời gian nghệ thuật của truyện xuôi ngược như ngựa bất kham. Thoắt cái, Nam kể chuyện đi Hà Nội để lùng bức tranh. Nam suy luận, trước khi Nhật đổ quân vào Đông Dương thì đã có người đi trước rồi, đó là tình báo gián điệp và giới… văn hoá, trong số đó có nhà danh họa Foujita, và khi đến Hà Nội, Foujita phải chơi với một vài họa sĩ Hà Nội.
Thoắt cái, tôi trở lại với Nam. Tôi kể chuyện gặp lại Nam sau 21 năm xa cách. Nghĩa là Nam không đi tập kết như tôi. 21 năm, người nào cũng nghĩ người kia chết rồi. Nam kể cho tôi chuyện không đi tập kết được với lý do rất “Nam”. Rồi chuyện về thân phận của những người kháng chiến cũ ở Sài Gòn hồi ấy. Chuyện bị vợ bỏ. Những chuyện buồn vui của người Sài Gòn gốc tỉnh lẻ mới nhập cư. Cả chuyện đến “bây giờ” (tức 1975), Nam vẫn độc thân. Nhưng hay nhất vẫn là chuyện trả thù đời, trả thù Sài Gòn bằng cách trở nên giàu. Phải giàu!
Nhưng Nam tìm đến tôi để làm gì? Nam rất từng trải, và Nam cũng thật như đếm: Đến để nhờ tôi xác nhận Nam từng đi kháng chiến để mấy ông phường, khóm khỏi dòm ngó và quy Nam là “ngụy” vì Nam quá giàu.
Bỗng chốc câu chuyện lại “lạc” qua chuyến đi Hà Nội của Nam bằng xe hơi tự lái. Vi vu khắp chốn miền Bắc. Thích lắm. Nhưng Nam là Nam. Thành ra câu chuyện đi đến tình tiết Nam ghé vào một trụ sở để hỏi đường, thấy ba cái bình thời Khang Hy. Bằng một cách rất Nam, Nam đã đổi chiếc xe hơi có máy lạnh để lấy ba cái bình. Mừng đến rúm cả người. Bên được chiếc xe hơi cũng mừng tê cả người. Ba cái bình có giá trị bằng năm chiếc xe hơi. Nam tự hào nói với tôi là Nam là chuyên gia về đồ cổ. Mà Nam học chuyên môn này ở đâu? Ở trong cuộc đời. Trong tù.
Trong tù. Thế là câu chuyện trở lại với Sài Gòn trước 1975. Nghĩa là Nam bị bắt. Theo một cái cách không thể hiểu nổi. Vì Nam từng đi kháng chiến. Mà Nam để người ta bắt cũng theo cái cách rất “Nam” - Nam nói với tay mật thám bắt mình: “Nè, thằng nào kêu tắc xi, thằng đó trả tiền nghe”. Nam đó, đừng quên tình tiết này.
Trong tù, Nam học chữ Nho từ một ông thầy, bằng cách liếm ngón tay viết xuống nền xi măng, gần hết chữ của ông thầy thì ra tù. Ra tù, Nam đọc chữ Nho trên đồ cổ, tiểu thuyết Quỳnh Dao, Kim Dung, kinh doanh xuất bản và… buôn tranh. Xung quanh chi tiết buôn tranh của Nam có một tình tiết cực hay: Nam mua hết tranh trong phòng trước sự trố mắt của ông chủ ở Chợ Lớn. Nam chơi ngông chăng? Tôi sẽ trở lại chuyện này. Chỉ biết rằng Nam đã trúng quả đậm.
Cái cách Nam sở hữu bức tranh con mèo của Foujita cho thấy Nam là tay lọc lõi, thao lược, có phần thủ đoạn. Nam biết nhiều về Foujita không thua gì một nhà lịch sử hội họa. Nam còn biết tại sao Foujita vẽ mèo, một con vật rất xoàng. Chưa hết, Nam còn phân tích được cái thần, sự độc đáo của bức tranh con mèo như một nhà phê bình hội họa thứ thiệt. Nói chung, Nam biết nó là một kiệt tác.
Cuối cùng, người ta cũng biết Nam đang sở hữu bức tranh con mèo của Foujita. Nhưng một nhà buôn “quỷ quyệt” như Nam đã không bán bức tranh. Tuyệt đối không phải vì chuyện giá cả. Đơn giản vì Nam giữ nó làm của riêng!
Chỉ hơn 5.800 từ một chút mà “Con mèo của Foijita” đã đưa người đọc vào nhiều vùng hiện thực. Chuyện những người kháng chiến cũ ở miền Nam sau 1954, xã hội Sài Gòn trước 1975, chuyện miền Bắc ngơ ngác do ngủ lâu trong thời bao cấp, chuyện mua bán, bối cảnh đời sống cả nước khó cực những năm đầu sau thống nhất, chuyện về giới mua tranh, những câu chuyện nghệ thuật, về Foujita, về bao nhiêu chuyện được nhắc qua khác nữa trên cái nền là số phận nhân vật Nam. Đó là cả một lịch sử. Chẳng hạn, Nam mua hết tranh trong phòng tranh vì Nam biết người Mỹ sắp rút, tiền Sài Gòn để trong nhà làm gì? Sau này, những bức tranh kia trở nên quý hiếm đến kỳ lạ. Nam nói: “(…) làm kinh tế không tách rời chính trị”.
Chừng ấy chữ mà “Con mèo của Foujita” dềnh dàng như một cuốn tiểu thuyết. Tôi cảm nhận truyện ngắn này là một cuốn tiểu thuyết nhưng không phải là một cuốn tiểu thuyết được giản lược. Nó là nó, một truyện ngắn có “thể chất” của cuốn tiểu thuyết mà chỉ có “người cha” “trường vốn” như Nguyễn Quang Sáng mới có thể sinh thành. Chỉ một phần nước cốt của nó cũng có thể được đem đổ vào cấu tứ của một truyện ngắn. Một suy nghĩ khác, chỉ cần thêm ghi chú về không gian, thời gian, khung cảnh, lời thoại diễn xuất, phân cảnh, nó sẽ là kịch bản của một bộ phim rất hậu hiện đại. Tại sao không?
Nguồn: Văn Nghệ Công An