Nước Nga dưới thời Xô Viết được mệnh danh là quốc gia đọc nhiều sách nhất trên thế giới. Có một thư viện phong phú ở nhà là điều bắt buộc đối với một gia đình tự coi mình thuộc tầng lớp trí thức. Họ đã không cần sử dụng những thủ thuật gì cũng có thể có được các ấn bản đáng mơ ước.

 Và trong những năm 90, bắt đầu cho phép in mọi thứ mà trước đây bị cấm, nước Nga đã trải qua một thời kỳ bùng nổ sách. Tại sao bây giờ thế mạnh này hóa ra chẳng có ích lợi gì cho ai?

CHÚNG TÔI SẼ TẶNG CHO NHỮNG NGƯỜI NHÂN HẬU 10 KILOGRAM PUSHKIN MIỄN PHÍ

Thư viện gia đình ngày nay giống như một chiếc vali không còn tay cầm: thật tiếc phải vứt đi, mà dùng tiếp cho cuộc sống mới thì rất bất tiện...

Natalya từ Crimea cho biết: “Hiện có 2.500 cuốn sách trong thư viện cá nhân của tôi. Các tác phẩm kinh điển đã được cha mẹ tôi mua với những khoản tiền khá tốn kém. Ví như sách "Thế giới" huyền thoại ( thuộc seri "Thư viện Văn hóa Thế giới", gồm 200 tập.), nhiều cuốn sách sách thuộc seri " Dành cho mọi thời đại." Xưa kia bản thân tôi cũng đã mua rất nhiều truyện khoa học viễn tưởng, truyện trinh thám,  khi đang học ở đại học tôi còn tích lũy thêm loại sách đặc biệt. Tôi theo học ngành sinh hóa mà ! Tôi không chỉ mua sách mới, mà cả sách cổ, cũng như sách cũ từ các thư viện loại bỏ.Con cái sinh sôi và phương trưởng.Bây giờ giữ nguyên các kệ sách thì nhà trở nên chật chội, mà loại bỏ đi thì không nỡ”.  

Olga Zarechnaya, người Moskva cho biết thư viện gia đình bà do ông ngoại, sau đó là bố mẹ của bà gom tích sách.  nhớ bố mẹ  đã đăng ký mua bộ sưu tập 30 tác phẩm của Charles Dickens và nhiều bộ toàn tập các tác giả nước ngoài, của các nhà văn Nga. Thời Xô Viết họ đã phải chi rất nhiều tiền để có được những cuốn sách mới mỗi tháng.Thời Perestroika, rất nhiều tác phẩm xưa kia bị cấm nay thoải mái in. Càng tốn tiền hơn!”   

Bây giờ bà Olga đã có dâu, có rể, có nội, ngoại mà diện tích cư ngụ cũng không cơi nới được bao nhiêu.Câu hỏi đặt ra với bà là phải làm gì với vài ngàn cuốn sách: tiểu thuyết nổi tiếng, các chồng Bách khoa toàn thư, các album ảnh nghệ thuật... 

 Bà Olga buộc phải vứt sách vào thùng rác. “Tất nhiên, tôi đã đưa lên Internet rằng tôi sẽ tặng thư viện miễn phí. Nhưng hóa ra, có cả vài trăm lời chào mời như thế !”. Giọng bà Olga như run lên: “ Mỗi lần ném sách vào sọt rác, tôi không tránh khỏi cảm giác mình như một kẻ phản bội”.

NÓI NƯỚC NGA XỨ SỞ NHIỀU NGƯỜI ĐỌC SÁCH NHẤT THẾ GIỚI LÀ CŨ RỒI !

-Năm 2020, lượng sách ấn hành ở Nga giảm 19% so với năm 2019. Có phải chúng ta đang đọc ít hơn không?

Ông Evgheni Capiov, Tổng Giám đốc một nhà xuất bản lớn nhất tại Nga cho biết:

-Đó là do hậu quả của đại dịch Covid. Nhưng điều này không có nghĩa là mọi người ít đọc sách đi.Chúng tôi thấy cả lượng phát hành và doanh số bán sách đều đang tăng trở lại. Lịch sử cho thấy rằng chính sau các trận đại dịch, các công trình nổi bật đã xuất hiện. Nhớ mùa thu của Pushkin ở Boldino - khi đó dịch tả hoành hành, nhà thơ lui về Boldino để kiểm dịch. Và ở đó những bài thơ thiên tài đã ra đời.

Nhưng ý kiến cho rằng Nga là quốc gia đọc sách nhiều nhất trên thế giới đã lỗi thời. Chúng tôi đã bị các nước Scandinavia bỏ qua. Trung Quốc đã đạt được nhiều tiến bộ trong vấn đề này. Nếu trước đó đã có những trước tác của Mao Trạch Đông được in với ấn bản khổng lồ, thì bây giờ nhà nước đã bắt đầu kiên trì phát triển khoa học viễn tưởng. CHND Trung Hoa luôn được coi là một công xưởng khổng lồ của việc sao chép, làm hàng nhái.  

Họ đã phân tích điều này và nhận ra rằng dân tộc họ thiếu sự sáng tạo. Theo ý kiến ​​của họ, một trong những lý do giải thích là nước họ thiếu vắng khoa học viễn với tư cách là một thể loại văn học. Bây giờ các nhà văn khoa học viễn tưởng Trung Quốc đã được biết đến trên toàn thế giới. Thêm vào đó, người Trung Quốc cũng đã bay vào vũ trụ. Một bước đột phá mạnh mẽ đã diễn ra,và đặc biệt là nhờ văn học. Vì vậy một tỷ lệ lớn người dân đọc sách là một điểm cộng rất lớn cho xứ sở. Theo thống kê, ở nước Nga chúng tôi những người đọc ít nhất một cuốn sách mỗi năm chiếm 40% dân số.Nếu nhà nước đặt mục tiêu phổ cập đọc sách, con số này có thể đạt 100%.

AI SẼ “ NHẬN NUÔI” TOLSTOI VÀ TURGHENEV ĐÂY ?

-Có vẻ như lối thoát hiệu quả nhất biến thư viện gia đình trở thành không thư viện công cộng? Nhưng liệu ai đó có vui vì một món quà như vậy không?

Ở Lipetsk, quỹ thư viện thành phố được hình thành bởi ngân sách, nhưng không phải lúc nào ngân sách cũng cấp đủ tiền. Người dân bình thường phải trợ giúp thêm. Nếu là sách mới ( xuất bản trong ba năm gần đây nhất) hoặc sách cổ điển, mà sách còn tốt, thì bất kỳ thư viện nào cũng nhận.

- Có một dạo người ta mang đến cho chúng tôi cả những thư viện gia đình-Bà  Barteneva Tatiana Dvurechenskaya, Phó Giám đốc thư viện mang tên danh nhân Barchenev nói- Có những người không cần tới sách nữa. Nhưng vẫn có những người khác yêu thương, trìu mến chúng. Sách hệt như những sinh linh có hồn. Quẳng vào sọt rác, lòng sao tránh được day dứt, xót xa?  

Nhân tiện nói luôn, mạng “Bookcrossing.ru “ ra đời vào năm 2004; đến cuối năm 2020, 45 nghìn người đã đăng ký trên đó. Họ đã “nhận nuôi120 nghìn cuốn sách trên những chiếc kệ an toàn.  

Ở Crimea, sách có thể được chấp nhận như một món quà tại các bệnh viện lão khoa, bệnh viện thần kinh và một số trường nội trú dành cho trẻ em. Thông thường những hoạt động như vậy được tổ chức bởi các tình nguyện viên và họ đảm nhận việc thu thập và giao sách. Theo Natalia Martynets- người đồng sáng lập tổ chức “Việc thiện nguyện- những người tình nguyện ở Crimea thì những khoản phí như vậy được thông báo thường xuyên. Các vật phẩm thu thập được sẽ phân phối cho các thư viện nông thôn.

Các thư viện chấp nhận sách cũ như một món quà - Giám đốc Thư viện Trẻ em Cộng hòa Crimea Orlova Natalia Anosova cho biết. - Nhưng họ chỉ nhận những cuốn sách  đang có nhu cầu từ độc giả. Nếu những cuốn sách ấy viết về các em thì sự lựa chọn luôn nghiêng về những cuốn sách mới, in trên giấy trắng dày, với nhiều hình minh họa nhiều màu sắc. Tuy nhiên, các thư viện nông thôn không phải lúc nào cũng có quyền lựa chọn, vì vậy các ấn phẩm của những năm trước sẽ rất “đắc địa. Một số thư viện nông thôn có khi một, hai năm đã không nhận được tiền cung cấp từ các cơ quan cấp huyện hoặc tỉnh để mua sách văn học

Giám đốc thư viện Crimea đồng ý với đồng nghiệp từ Lipetsk: “trong mọi trường hợp, bạn không nên mang những cuốn sách không cần thiết đến thùng rác gần nhất.Tốt hơn cả là hãy mang đến thư viện gần nhất. Và thậm chí còn tốt hơn nữa, hãy mang tới những nơi họ sẽ tìm ra cách giúp sách nương náu”. 

Một bước đi cao quý nhưng đòi hỏi công sức, thời gian và tiền bạc. Đó là gửi sách đến các thư viện tỉnh ở các vùng xa vùng sâu. Một số trang web và nhóm mạng xã hội đã lên tiếng về sự trợ giúp như vậy. Ví dụ, lời kêu gọi trên mạng “Vkontakte: Hãy viện trợ sách cho các thư viện nông thôn miền Bắc nước Nga. Nhóm này đã tạo ra một danh sách những người có nhu cầu đọc sách với địa chỉ chính xác. Ví như tại làng Krasnoshchelye (vùng Murmansk) là nơi sinh sống của 400 người, chủ yếu là các gia đình chăn nuôi tuần lộc. Họ hay ghé thăm thư viện thường xuyên, trừ tháng 8 và tháng 9, khi đang mùa hái nấm ở đây,không ai có thời gian dành cho tiểu thuyết.

Cũng cần nói thêm, ngày nay nhiều thư viện không nhận sách của mọi người hiến tặng, trong khi ở Krasnoshchelye thì ngược lại, họ không từ chối.

LÀM GÌ THÊM ĐỂ “ CỨU “ SÁCH ĐÂY?

Đây là biện pháp dễ thứ hai sau khi chở sách đến thùng rác công cộng. Nếu bạn tặng các tập sách như là giấy vụn, bạn sẽ được trả với mức giá từ 8 đến 10 rúp mỗi kg; hoặc 3-4 nghìn rúp mỗi tấn. Cho dù đó là Pushkin hay Gogol. Nếu bạn chăm chỉ hơn rút ruột sách ra khỏi bìa, thì bạn sẽ có thêm một vài rúp mỗi kg. Giá như vậy được áp dụng, ví dụ, ở Moscow.

Than ôi, cái thời mà các cửa hàng sách cũ sẵn lòng lấy sách để bán cũng đã qua rồi. Ngày nay sự lựa chọn này chỉ phù hợp với những cuốn sách hiếm. Ấn phẩm phải trên 50 năm tuổi và trong tình trạng sách còn tốt.Nếu cuốn sách có từ thế kỷ 19 hoặc đầu thế kỷ 20, thì nó sẽ được chấp nhận, nhưng giá cả có thể không làm bạn hài lòng.

Hiện cũng có những họa sỹ thiết kế chuyên nghiệp biết dùng những cuốn sách để làm vật trang trí hay chi tiết nội thất. Ví dụ, ghế đẩu, đầu giường, giá đỡ cho đèn sàn được làm từ sách cũ.

Trong trường hợp này, những cuốn sách được sử dụng hoàn toàn - chúng có thể được dán và đánh vecni.

Có một hướng thiết kế nữa, sách được gửi tới “dưới lưỡi dao”. Nó được gọi là bookcarving (dịch từ tiếng Anh - "khắc trên sách"). Cũng giống như một nhà điêu khắc chạm khắc từ gỗ hoặc đá, các bức phù điêu, chân dung và tranh ba chiều được chạm khắc từ một mảng các trang sách. Đối với những người yêu sách quả là thật dã man khi ta ngồi hoặc nằm trên những cuốn sách hoặc sắp xếp các tác phẩm điêu khắc được chạm khắc xung quanh nhà. Có một sự thay thế của các ý nghĩa thiêng liêng bằng những gì tiện dụng, có phần tầm  thường.

Nhưng cũng có nhiều lựa chọn nhân văn hơn. Người đứng đầu tổ chức công cộng "Christian Good Deed" ở Moskva, ông Muscovite Sergei Fedorov, với những người cùng chí hướng, mới năm ngoái đây thôi đã xây dựng một thư viện cho một viện dưỡng lão ở vùng Voronezh.

Ông Sergei nói:

“Chúng tôi đã kêu gọi trên các mạng xã hội và giữa những người bạn rằng chúng tôi đang sưu tầm tài liệu lịch sử và tâm linh cho người cao tuổi. Tôi biết rằng mọi người thỉnh thoảng có ý muốn “giải tánthư viện gia đình của mình. Kết quả là trong một thời gian ngắn chúng tôi đã gom được 500 cuốn sách rất hay. 

Sách cũng đang được chờ đợi ở khoa nhi của các bệnh viện. Thật là kỳ lạ - nhưng quả là nhiều trẻ em đã rất vui thích khi được thoát khỏi các bức tường của bệnh viện để đến với thế giới sách. Cũng nói luôn, không thể cấm các bệnh viên nhỏ tuổi mang những cuốn sách yêu thích về nhà, vì vậy các thư viện bệnh viện trẻ em cần được bổ sung sách thường xuyên.

 

TÔ HOÀNG chọn và dịch

( Theo báo Nga “ Nhân chứng và Sự kiện ”)