Nguyễn Một, Nguyễn Trí, Nguyễn Hiệp, ba nhà văn ba gốc gác khác nhau: Tuổi tác, quê quán, công việc, cá tính và con đường đến với văn chương mỗi người một kiểu. Chỉ có chung một Miền Đông (của Nam bộ) cùng là nơi neo đậu của mưu sinh và của một phần vốn liếng văn chương.

 

Ở MIỀN ĐÔNG CÓ 3 NHÀ VĂN HỌ NGUYỄN

LƯƠNG NGỌC AN

 

Miền Đông là tên một “dự án văn chương” của 3 nhà văn “hườm hườm tuổi xế” (chữ của Nguyễn Hiệp) trong một buổi thăng hoa, nhân có đôi ba điểm giống nhau giữa đời thường, đã nghĩ ra và cùng “quyết” thực hiện. Với một nhà văn đã từng sở hữu, ít thì dăm bảy, nhiều thì vài chục đầu sách, việc chọn ra mỗi người 9 truyện ngắn để in chung thành một tập hoàn toàn không phải là chuyện khó khăn gì. Song chung mà không lẫn, mà vẫn rạch ròi cá tính; Riêng mà vẫn nhịp nhàng hòa hợp, ấy mới là khó, mới là duyên

Nguyễn Một, Nguyễn Trí, Nguyễn Hiệp, ba nhà văn ba gốc gác khác nhau: Tuổi tác, quê quán, công việc, cá tính và con đường đến với văn chương mỗi người một kiểu. Chỉ có chung một Miền Đông (của Nam bộ) cùng là nơi neo đậu của mưu sinh và của một phần vốn liếng văn chương. Vậy nên đọc Miền Đông của họ, cảm giác về một “đề bài” chung được “giải” bằng những phương pháp, những từng trải, những lịch duyệt khác nhau, để vừa cùng đi đến một đáp số chung, lại vừa bổ khuyết, vừa làm đầy đặn thêm cho nhau hiện ra rất rõ, vừa đồng điệu, vừa riêng tư…

Là người quê xứ Quảng, Nguyễn Một từng có những trang viết hết sức cảm động và ấn tượng về quê hương, với những hoài niệm da diết về tuổi thơ, về gia đình, về những trầm luân của người dân quê hương ông trong cuộc chiến tranh đã đi qua… Đến Miền Đông, Nguyễn Một chủ yếu trong vai một người lưu lạc nhiều khi đến ngơ ngác trước những vùng đất mới. Ngay từ những tên truyện của Nguyễn Một cũng đã thể hiện điều này: Miền Đông, Trước mặt là dòng sông, Xứ người, Viễn xứ, Chim bay về núi…

Nguyễn Một thích chơi lan. Chẳng biết có phải vậy không mà văn của ông cũng có chút gì đó mong manh, trau chuốt và khơi gợi. Đặc biệt khi tiếp cận đến những vấn đề nhân sinh: “Một dòng máu nóng, nôn nao cuồn cuộn trong người. Hương khẽ rên và tôi biết một sinh linh đã được hình thành trên vùng đất đỏ bazan màu mỡ này” (Miền Đông). Những triết lý của Nguyễn Một cũng hết sức “miền đông” ngay cả khi nó thể hiện quan ngôn ngữ của nhân vật: “Thầy Mây bảo: “Nghề dạy học là nghề có nhiều ảo tưởng, các thầy cô giáo thường lấy mình ra làm chuẩn mực để đo người khác, nhiều lúc quên mất mình cũng là con người...” và khi chuyển mạch cũng rất hoạt: “Khi câu chuyện Thiên Sứ được thay bằng chuyện giá cả xe máy Trung Quốc trong sự bàn tán hàng ngày của người dân thị trấn, chị ra thăm mộ gã. Chị quỳ bên mộ đọc thơ, lần đầu chị đọc thơ ngoài bục giảng, một bài thơ ngắn của Thiên Sứ…” (Như là cổ tích)

Nếu như Nguyễn Một mang đến Miền Đông một âm hưởng của sự tha hương thì Nguyễn Hiệp lại hoàn toàn ngược lại. Miền Đông là quê gốc của ông, vùng đất núi Tà Cú “chỉ có đá là đặc sản” đã biến Nguyễn Hiệp thành một người “chơi đá” vào diện “lão làng”, và đá đã tạo cho Hiệp một sự xù xì, thô nhám, song lại cũng rất điềm đạm, thâm trầm, cả trong tính cách lẫn dáng vẻ… Đến khi viết văn, thì “văn mới đúng với tính cách gồ ghề và phong trần của Hiệp” – Nhà văn Tô Hoài đã nhận định về “tác giả trẻ” này như vậy từ một phần tư thế kỷ trước…

Không có cái ngơ ngác dè dặt tươi mới theo kiểu Xứ người như Nguyễn Một, Miền Đông của Nguyễn Hiệp là những chiêm nghiệm từ những giản đơn quen thuộc, từ những trầm tích của cuộc sống thăng trầm, như những hàm ngôn của đá. Tên truyện của Hiệp: T & P, Chỗ trống dưới ngón tay Phật, Hai mặt, Giải thuật, Một trang sử làng, Gai sen… Nghe qua đã hình dung ra phần chìm của những tảng băng

Hiệp viết: “Một người ra đi mà nhà có biết bao chỗ thành trống vắng? Chỗ trống trong phòng sách của tôi chắc giờ đã phủ bụi, những André Gide, những Jean Paul Sartre, những Rimbaud, Valery… Ôi! Những cơn run rẩy tuyệt đối, những sa đọa của ý thức… phê phán ấy giờ có nghĩa gì đâu. Lời lời không đầu không cuối. Lời lời dở dang khi tiếng súng vang lên, khi máu đang đổ ra từng ngày, từng giờ, từng phút giây ứ đầy đất mẹ. Tôi sẽ về! Sẽ ngồi vào chỗ trống cạnh kệ sách để đọc và lắng nghe những gì có nghĩa, có tình của nhân loại này. Tôi sẽ về với tất cả mọi người, với nồng nàn, âu yếm, với bước lang thang đường quê trưa hè, với giấc mộng chung hực sáng buổi mai. Tôi sẽ về để đọc cho nhàu nhĩ, đọc cho thấm thía Mùa Địa Ngục của Rimbaud…” (Chỗ trống dưới ngón tay Phật). Chỉ một hình ảnh chỗ trống mà bao nhiêu triết lý, bao nhiêu dằn vặt, bao nhiêu xương máu, bao nhiêu cuộc đời đã qua, đang qua và chưa qua…

Cũng tương tự như vậy, với người trồng sen thì có thể không có gì đặc biệt, nhưng với người đọc nói chung, có lẽ khái niệm “gai sen” không chỉ là mới mà còn gợi, bởi người ta đã quá quen với tất cả những cao cả thông thường về sen. Nguyễn Hiệp viết về gai sen: “có lần tôi đã phản ứng dữ dội khi nàng từ bàu sen vào, thân thể bết nhèm bùn máu, tôi biết nàng vừa ăn nằm với đám gai sen... Tôi biết loại lửa gì đang đốt cháy cơ thể nàng, nhưng không thể làm gì được…” (Gai sen)

“Không - thể - làm - gì - được…”. Vâng! Rất khó để có thể làm được gì, nhất là trong thời buổi này. Nhưng có lẽ chỉ cần chỉ ra để ngẫm ngợi, để chiêm nghiệm, để tạo nên một cảm xúc lạ lẫm, mới mẻ ngay từ những giản đơn quen thuộc, đó cũng có thể xem là đóng góp của nhà văn.

Nếu như cả Nguyễn Một và Nguyễn Hiệp đều có điểm giống nhau là sự chỉn chu, kỹ lưỡng, trau chuốt trong câu chữ thì ngược lại, sự ào ạt, xô bồ, cuồn cuộn đầy bất chấp lại là thế mạnh của Nguyễn Trí. Chẳng ai đi tìm những hàm ngôn ở nhà văn khá nhiều điểm đặc biệt này… Nếu như trong các cuộc vui, Nguyễn Trí bao giờ cũng là tâm điểm bởi sự hoạt náo đầy hấp dẫn, mà qua đó người ta nhận thấy ngay sự từng trải đến mức thành một thứ “bản năng sinh tồn” của con người cô độc giữa những khuất lấp của cuộc sống, thì trong văn chương; và ngay cả sự xuất hiện của ông trong văn chương cũng vậy; gai góc, ào ạt, ồn ã, bề bộn, đơn giản mà ấn tượng chẳng giống ai…

Có thể nói truyện của Nguyễn Trí cũng giống như những câu chuyện không đầu không cuối trong bàn nhậu cuộc đời, từng lát, từng lát mà càng nghe càng thấy cuốn hút, càng thấy không đủ. Bức tranh cuộc sống cứ hiện dần, hiện dần qua từng mảnh ghép, nhỏ nhưng đậm và gay gắt. Thậm chỉ cả tên truyện cũng đầy gây gổ: Tết lao cải, Lưu manh, Đêm mai anh đến nhé!, Cũng dám lắm, Vinh Liều, Sinh nghề tử nghiệp… “Ngồi cùng chiếu” với Nguyễn Một, Nguyễn Hiệp. sự góp mặt của Nguyễn Trí khiến cho Miền Đông đa diện hơn, đủ đầy hơn. Song Nguyễn Trí không phải chỉ có thế. “Ném” những chất liệu xô bồ, thô mộc vào truyện giống như họa sỹ vẽ tranh trừu tượng vẩy những mảng màu tưởng như vô nghĩa lên toan, đằng sau đó, bức tranh cuộc sống sẽ hiện lên từ chính sự lắng lại của người đọc, bời chỉ đến lúc ấy người ta mới có đủ khoảng cách và sự bình tĩnh để mà ngẫm ngợi

Cũng có thể sẽ có những người bị cuốn theo tốc độ và sự ồn ào của câu chuyện mà nhà văn đang kể, suốt bữa tiệc này đến bữa tiệc khác, bởi Nguyễn Trí kể chuyện với vài người trong cuộc. Và đó lại là một góc khác của nhà văn bụi bặm, đến trần trụi này

Thật khó có thể dẫn ra những câu văn điển hình của Nguyễn Trí, bởi ông với tất cả những vốn sống, sự lăn lộn, và cái duyên hóm hỉnh của mình, đã chọn một cách viết khó trích dẫn. Triết lý trong truyện ngắn Nguyễn Trí, như đã nói ở trên, là sự tự thức của người đọc sau khi đã thoát ra được sự dẫn dụ ồn ào tự tin của một kẻ giàu có như ông. Còn nếu cần trích dẫn, thì xin hãy ngẫm nghĩ từ những cái tên truyện vậy…