Gã điên và ngõ Thiên Đường, lại là một Phạm Thanh Khương, ngôn ngữ gồ ghề, giọng tưng tửng, “chua ngoa”, đanh đá song ẩn ý, sâu sắc. Ông lột tuột tấm mạng che “mặt” của xứ “người như thánh hiền, cảnh vật như thần tiên, của cải dào dạt như nước suối”. Một hệ tư tưởng vay mượn, giả dối, cóc cáy và ghẻ lở, một thứ thiên đường tội lỗi và khốn nạn.

 

NHỮNG CẢNH BÁO ĐỔ VỠ

HOÀN NGUYỄN

Cách nay khoảng chục năm, trên VNWeblogs bạn đọc biết đến một Phạm Thanh Khương- Lý Toét, giọng văn “buốt như ong châm” với lối kể bông phèng, giễu cợt, trong những câu chuyện trào lộng cười ra nước mắt. Một Lý Toét mang mình ra tự trào làm vui cho bạn đọc mà xót xa, đau đớn.

Khoảng 4 năm lại đây, bạn đọc facebook lại gặp một Phạm Thanh Khương - Lù Pò - Gã quản lý chợ Vồ, đanh đá cá cày với thứ ngôn ngữ “sắc như dao cau” mà hài hước, thâm sâu. Tất tần tật yếu kém từ nhận thức đến quản lý, điều hành, phát ngôn của “cái gốc công việc” được đưa vào tiếng cười. Vui đấy, cười đấy mà hơn  xát muối.

Gã điên và ngõ Thiên Đường, lại là một Phạm Thanh Khương, ngôn ngữ gồ ghề, giọng tưng tửng, “chua ngoa”, đanh đá song ẩn ý, sâu sắc. Ông lột tuột tấm mạng che “mặt” của xứ “người như thánh hiền, cảnh vật như thần tiên, của cải dào dạt như nước suối”. Một hệ tư tưởng vay mượn, giả dối, cóc cáy và ghẻ lở, một thứ thiên đường tội lỗi và khốn nạn. Không ầm ào, không quyết liệt đến gai người nhưng không kém phần chua chát và đau xót. Ẩn sau con chữ là sự cảnh báo có tính quy luật đổ vỡ của niềm tin trong hệ tư tưởng trước hiện thực xã hội.

Ngoài các tập truyện ngắn, tản văn, thơ đã xuất bản; về tiểu thuyết, sau Kỳ hoa dị thảo, Mật danh AZET, Giáp mặt là Gã điên và ngõ Thiên Đường, tiểu thuyết thứ 4 của ông. Tôi nhớ, mấy năm trước, ông đoạt giải “Cây bút vàng” và mới đây, năm 2020, ông đoạt giải B cuộc thi tiểu thuyết “Vì an ninh Tổ Quốc và bình yên cuộc sống” do Bộ Công an và Hội Nhà văn đồng tổ chức.

Gã điên và ngõ Thiên Đường tưởng dễ đọc mà hóa khó, bởi nó là nó mà không phải là nó, thủ pháp nghệ thuật ẩn dụ trong tác phẩm. Đó là một xã hội “Cả ông, cả tôi, cả ngõ này, xóm này, làng này rồi đất này cũng đang điên đấy. Ông có thấy thế không? Mà có khi điên thật chứ chả cả ngẫn như nó đâu. Ông với tôi chỉ khác nó là biết giấu cái điên đi” (Tr.279). Có thể nói, đó là sự dũng cảm trước vấn đề “nhạy cảm” với người cầm bút hiện nay. Cảnh báo ấy là trách nhiệm của người cầm bút. Biết sao được.

Ngay trang đầu Gã điên và ngõ Thiên Đường có câu đề từ: “Đền thiêng từ người không thiêng bởi đền”. Đây chính là tư tưởng xuyên suốt của cuốn sách. Đền thiêng đến đâu mà không được dân tôn thờ thì cũng chỉ là ngôi đền hoang. Tư tưởng có vĩ đại đến đâu mà không đáp ứng kỳ vọng của dân thì tư tưởng ấy cũng chỉ là thứ hão huyền, không tưởng.

Cụ thể ở đây là ngôi đền Phúc Đẳng Thần Kim Thiên Đường, ngôi đền thờ cụ tổ, thành hoàng, người mong muốn dân làng giàu sang, ấm no, hạnh phúc nhưng chưa kịp thịnh đã suy. Suy từ chính các thế hệ kế tiếp của cụ. Ngôi đền không đưa người dân đến cõi thiên đường mà thành nơi cho chuột làm tổ, làm tình; cho cú về kiếm ăn đêm, trú ngụ, chỉ mang họa đến người dân. Mảnh đất đền “có hình giống như người đàn bà chửa sắp đến ngày đẻ” thành nơi tranh cướp của những người có thế lực, cấu kết với những kẻ có tiền để chiếm đoạt, làm giàu; là nơi cho lớp người đào tường khoét ngạch, trộm cắp; là nơi ra giá cho các cuộc làm tình. Từ ngôi đền trên mảnh đất có dáng người đàn bà chửa đã đẻ ra một lớp người với những âm mưu, thủ đoạn từ trong tư tưởng cho đến hành động trộm cắp, đĩ điếm, giết người được bộc lộ. Bộ mặt của tư tưởng nhơ nhớp cho đến hành vi bỉ ổi, khốn nạn được lột trần; ước mơ “xứ thiên đường”, một thứ tôn giáo được lột bỏ trần trụi, nguyên hình. “Chính trị là cô gái điếm được phủ bên ngoài lớp son phấn mỹ miều quyến rũ. Kinh tế lại như cô gái điếm đã lột bỏ bộ xiêm y để trần nằm dài trên giường chờ đợi” (Tr.129).

Nhân vật là bà lão thành, ông nhà văn, ông mất cà, bà hừ hứ, ông ưỡn bụng, lão thợ đóng gạch, bà bô lô ba la, bà bếu, cô sập gụ đời Minh, gã điên và đám trẻ choai choai thích xe phân khối lớn. Một lớp người có phận mà không có tên trên chính mảnh đất đang sống. Một nhóm cư dân lạc loài sống trên mảnh đất lạc loài cùng tư tưởng tham vọng lạc loài trong cái ngõ tự huyễn hoặc, cái ngõ bước vào ngôi đền thiêng thiên đường. Một triết lý: Sống trong huyễn hoặc thì thất vọng; yêu trong huyễn hoặc thì đau khổ; tư tưởng huyễn hoặc thì chán chường, quẫn bách, không lối thoát.

Bà lão thành, một thế hệ chỉ biết hy sinh cho “ngôi đền thiêng” với khát khao “xây dựng xứ thiên đường”. Vì lý tưởng, bà cũng là một trong những người cùng thế hệ phá bỏ cái “gốc văn hóa” đã tồn tại, đã khẳng định bản sắc của mảnh đất mình sống. Bà bồi dưỡng, xây dựng một đội ngũ kế tiếp với mong muốn thực hiện ước mơ ấy để cuối đời, trở thành người bất lực khi thế hệ kế tiếp chỉ nghĩ đến lợi ích vật chất và dục vọng, tự đốt ngôi đền thiêng hướng vọng. Ngôi đền sập xuống cũng là lúc bà lão thành hộc máu ra chết. Chết úp mặt xuống đất mà không thể ngửa lên nhìn trời. Quy luật nhân quả của những lầm lẫn, hoang tưởng.

Là ông mất cà, người lính trở về từ chiến tranh. Vì chiến tranh, ông mất khả năng “nối dõi”, đánh nhau để “được” chết. Trở về, thương cha mẹ, ông lấy vợ. Thương vợ ông cho vợ “đi kiếm con”. Nhưng lòng tốt, tình thương và sự cao thượng ấy đã làm khổ bao người và cho chính mình. Ông yêu nước đến cạn lòng, đến mức thái quá vì lý tưởng theo đuổi bao năm. Khi thấy lý tưởng ấy bị phá hủy, huyễn hoặc, sống trong vinh quang quá khứ, ông trở thành kẻ bất cần, công thần trong ngõ. Là ông nhà văn, người lính cũng từng tham chiến trên biên giới phía Bắc. Một người có chữ nhất trong ngõ. Khi xã hội biến chất, ông thu mình lại, bàng quang trước mỗi phận người. Là vợ chồng lão thợ đóng gạch và bà bô lô ba la cùng cô con gái ế, có dáng người “phẳng như sập gụ”. Đây là một gia đình đầy đủ trong ngõ Thiên Đường. Họ là những người lao động và luôn bằng lòng với cuộc sống, dường như yên phận với cái đã có. Tất cả những con người ấy, sống thất vọng trong tư tưởng, cùng quẫn trong tư tưởng và cuối cùng bế tắc trong tư tưởng hão huyền không lối thoát.

Là một gã điên mà thực ra không điên, cả ngẫn, ngô ngọng. Gã con trai của người đàn bà bỏ quê theo người đàn ông bán thuốc Bắc; sau chín trăm ba tám ngày quay trở lại quê và rồi chết cháy trong chiếc khuôn đúc gang của làng nghề. Chết mà chưa hết khổ, vẫn bị đào lên. Người đàn bà chết đi, đứa con thành vô gia cư, vô thừa nhận, cuộc sống như cỏ rác, trú trong ngôi đền Phúc Đẳng Thần Kim Thiên Đường. Một kẻ sống “từ nhặt thức ăn thừa trong đống rác, thùng nước gạo”, sống nhờ lòng thương của mọi người. Và gã có được mối tình từ dục vọng bản năng với cô “sập gụ”.

Là ông ưỡn bụng, kẻ ham sắc dục, tráo trở, bất nhân, bất nghĩa, bất tình, người có chức sắc trong ngõ rồi thành nhà lãnh đạo. Là bà hừ hứ, doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, nhờ da thịt tỏa ra mùi hương để quyến rũ xác thịt. Sự cấu kết giữa ông ưỡn bụng, kẻ có chức quyền với kẻ “tư bản thân hữu” vì xác thịt, những cuộc truy hoan là âm mưu, thủ đoạn với chiêu bài dự án “tôn tạo”, “phục dựng” để lấy bằng được mảnh đất đền Phúc Đẳng Thần Kim Thiên Đường cho một kẻ “xủng xoảng” ngoại bang. Để có thể đạt được ý muốn, những kẻ đó không từ bất cứ thủ đoạn nào, sẵn sàng giết người, kể cả tự đốt đền mà lâu nay như “một tấm giáp, ánh hào quang” dẫn dụ mọi người. Là đám thanh niên choai choai thích xe phân khối lớn, chỉ thích ăn chơi, không quan tâm đến bất cứ điều gì ngoài tiền. Có tiền, chúng sẵn sàng trở thành kẻ đào tường, khoét ngạch.

Câu chuyện xoay quanh phận người trong cái ngõ có số là ba mươi với ước mơ cuộc sống thiên đường nên gọi ngõ Thiên Đường theo ý nguyện chủ quan của con người. Một quá khứ đau đớn, một hiện tại ê chề, một tương lai mờ mịt. Một tầng lớp ngô ngọng, tham lam, vong ân bội nghĩa, thất tín, thất đức, tha hóa, cố kết trong lợi ích nhóm, núp dưới “ngôi đền thiêng” của sự giả dối, lừa lọc và lươn lẹo. Ngôi đền ấy có cải tạo, thay thế hay tu chỉnh đến đâu khi vẫn còn những lớp người như thế núp bóng, tất yếu sẽ sụp đổ.

 Gã điên và ngõ Thiên Đường là cái nhìn vượt ra khỏi những gì của đời thường đã, đang xảy ra. Là cái nhìn có tính dự báo từ những dư luận xã hội đương thời: Có hay không mối quan hệ “sân sau”, sự “cài cắm”, “cấy người từ những người đàn bà” để từng bước đưa người vào ngay ngôi đền mà bấy nay vẫn tôn thờ? Có hay không một hình thức “xâm lược” biến tướng và “bán nước” biến tướng từ những dự án? Liệu có không thủ đoạn “con tằm ăn lá dâu” xảy ra? Ngõ Thiên Đường của bước đi ban đầu, của chặng đường đầu, bước vào cửa thiên đường liệu còn là nơi người dân hướng đến? Những câu hỏi từ cuộc sống hiện tại với những gì đã có, đang xảy ra khi lý tưởng bị tha hóa, niềm tin bị đánh cắp, cuộc sống bất an; một quá khứ huy hoàng, một hiện tại tan vỡ và một tương lai mờ mịt. Một sự cùng quẫn, bế tắc không chỉ trong tư tưởng, ước nguyện mà ngay trong đời sống hiện thực về một xứ thiên đường lầm lạc.

Ta sẽ giật mình “ngộ ra” bởi thực tế; “Tội lỗi được phủ lấp bởi những khó khăn. Vô tâm được che đậy bởi lỗi mưu sinh. Sự sáo rỗng được che lấp bởi những ngôn từ mĩ miều, có cánh. Trong cuộc đời có gì dễ đánh cắp bằng niềm tin” (Tr.203), khi “Thời này, nhóm tư bản mới nổi cấu kết với một vài người có chức có quyền, dân gọi là tầng lớp lưu manh” (Tr.288). Đó là quy luật tất yếu của xã hội thịnh, suy: “Mất nước à? Đất nước chẳng bao giờ có thể mất được. Có chăng chỉ thay đổi thể chế này bằng một thể chế khác. Mà sự thay thế khác, biết đâu lại mang đến cho người dân, cho xã hội một sự phát triển mới, tốt hơn thì sao” (Tr.233).

Chợt nhớ. Nhà văn có chức năng của cánh chim báo bão và tôi đã thấy dấu hiệu của cơn bão đang hình thành. Cơn bão về sự đổ vỡ niềm tin của nền tảng tư tưởng, nếu vẫn dung dưỡng cho sự giả dối, ngô ngọng, tráo trở, lợi ích nhóm như hiện nay.

 

Nguồn: Văn Nghệ