Sự khác biệt mà Lữ Mai đã làm được để bước ra khỏi cái bóng của thể loại trường ca chính là cách chị xây dựng tuyến nhân vật cho trường ca của mình. Những người lính, người hi sinh trước, người hi sinh sau, và người đang sống, tiếng nói của họ cất lên, song hành, đồng điệu, cho dẫu mỗi người mang một câu chuyện riêng, một giấc mơ riêng
Trái tim người mang nhịp đập khơi xa
NGUYỄN THỊ KIM NHUNG
Sau mỗi chuyến đi đầy hứng khởi đến nhiều vùng đất, Lữ Mai trở về Hà Nội với tâm trạng “nơi nào qua lòng lại chẳng yêu thương”. Những câu chuyện ăm ắp tình đất, tình người nơi ấy luôn được chị thể hiện đầy sinh động và thấm thía qua ngòi bút với một số thể loại như thơ, truyện ngắn, tản văn, bút ký, ghi chép…
Những cảm xúc đã lắng đọng hay vẫn còn tươi ròng mới lạ lại bùng lên qua mỗi câu thơ áng văn. Phải kể đến chuyến chị đi Trường Sa năm 2019. Chuyến đi dài ngày lênh đênh trên biển ấy đã khiến cho một Lữ Mai mộng mơ, đằm thắm và quyết liệt mà tôi vốn biết càng trở nên dày dặn và nội lực hơn.
Mang trong lòng những suy tư lớn về biển cả, Lữ Mai đến với Trường Sa đâu chỉ trong tâm thế của một người viết. Chị mang trong mình khao khát chạm đến thẳm sâu của đại dương, để biết dưới sóng bạc nước xanh kia cất giấu điều gì, “tưởng tượng biển khơi nối bầu trời/ nằm trọn giữa lòng tay nhiệt đới, để hiểu trăng sáng quá cá bơi về cõi khác”, để nhận ra “chẳng cát nào nằm thở mãi đáy sâu”.
Trường ca “Ngang qua bình minh” được chị khởi viết trong nguồn cảm hứng bất tận và sâu xa ấy. Điều ấn tượng là, đây là lần đầu tiên Lữ Mai viết trường ca nhưng chị đã khẳng định mình ở một địa hạt mới cũng như cho thấy sự chuyên nghiệp của một người cầm bút khi dám dấn thân, dám thể nghiệm.
Với mọi người viết, thể loại luôn như một rào cản, có người được chọn ở thể loại này, có người chỉ được chọn ở thể loại kia. Với một Lữ Mai đầy nội lực và quyết liệt, dường như chị không đợi được chọn, mà chị chính là người chọn thể loại cho mình khi cảm thấy cảm xúc, suy tư của mình phù hợp với chiều kích của thể loại đó.
Sinh năm 1988 tại Thanh Hóa, Lữ Mai tốt nghiệp Khóa 10, Khoa Viết văn - Báo chí, Đại học Văn hóa Hà Nội (tiền thân là Trường Viết văn Nguyễn Du). Hiện chị công tác tại Ban Văn hóa - Văn nghệ, Báo Nhân dân. Chị là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, hội viên Hội Nhà báo Việt Nam.
Nhìn lại chặng đường sáng tác, có thể nhận thấy Lữ Mai dường như chưa bao giờ ngưng nghỉ, những cuốn sách ra đời như một sự không thể khác sau mỗi hành trình lao tác, chiêm nghiệm.
Chị đã xuất bản: “Giấc” (Tập thơ, NXB Hội Nhà văn, 2010), “Hà Nội không vội được đâu” (Văn xuôi, NXB Văn học, 2014, tái bản 2019), “Mở mắt rồi mơ” (Tập thơ NXB Hội Nhà văn, 2015), “Thời cách ngắn trống rỗng” (Tập thơ, NXB Hội Nhà văn, 2019), “Linh hồ” (Tập truyện ngắn, NXB Văn học, 2019), “Nơi đầu sóng” (Tản văn, NXB Văn học, 2019), “Mắt trùng khơi” (Tản văn, NXB Văn học, 2019), “Ngang qua bình minh” (Trường ca, NXB Văn học, 2020).
Có thể thấy, quãng 2019-2020 là quãng chị ra sách nhiều và liên tục nhất, đó cũng chính là thời gian chị trở về từ Trường Sa, sự viết nhiều ấy như sự khẳng định nguồn cảm hứng lớn lao mà chị có được. Và ngay sau khi tác phẩm ra đời là những giải thưởng.
Trường ca “Ngang qua bình minh” đã đoạt Giải Ba Giải thưởng Văn học đề tài Biên giới, hải đảo, giai đoạn 1975 đến nay của Hội Nhà văn Việt Nam. Tập tản văn “Nơi đầu sóng” đoạt Giải B Giải thưởng Văn học Nghệ thuật, Báo chí giai đoạn 2016 - 2020 của Bộ Tư lệnh Hải quân.
“Tích cổ Điêu Lương chép rằng, mọi người đàn ông đồng rừng, trưởng thành ắt thuộc về biển cả”. Câu thơ ấy của chị khiến tôi trộm liên tưởng, Lữ Mai sinh ra và lớn lên ở vùng đồng rừng Thanh Hoá, và rồi đến một ngày chín muồi với những trang viết về khơi xa. “Ngang qua bình minh” là giấc mơ, là hiện thực của những chàng trai thuộc nhiều thế hệ từ phía đồng rừng đi về biển cả. Hình ảnh này gợi nhiều liên tưởng sâu xa. Trong tâm thức của người Việt, ai cũng nhớ về nguồn cội qua truyền thuyết mẹ Âu Cơ lên rừng, cha Lạc Long Quân xuống biển. Tôi đọc Lữ Mai và thấy thức dậy trong mình cảm thức về sự nối tiếp và xuyên suốt sau những đau thương và bi tráng.
Điêu Lương, cái tên làng thân thuộc mà cũng gợi những xa xôi, nơi khởi đầu cho sự tưởng tượng, nơi bắt đầu cho những nguồn cơn: “đất Điêu Lương xưa giờ vẫn vậy/ người đi người tiễn mịt mùng/ chỉ nước mắt/ nước mắt chẳng quên rơi/ dẫu lần nào cũng một lần khóc mới”. Những câu thơ cho ta hình dung về những chia ly bất tận.
Trên dải đất Việt Nam, suốt mấy nghìn năm qua, có nơi nào là không như thế. Điêu Lương như một cái cớ để nhà thơ khởi lên những thăm thẳm trong lòng. Những tên đất tên làng dẫu nghìn xưa hay hôm nay như đang hiện về, như đang thức dậy… Lữ Mai đã bắt đầu trường ca dài hơi theo cách đầy gợi mở với ăm ắp những ảnh hình, ăm ắp những câu chuyện gắn bó và quen thuộc với rất nhiều tuổi thơ.
Sức mạnh của chị nằm ở ngôn ngữ giàu sự liên tưởng: “tôi lớn giữa đồi hoang/ xóm núi buồn hơn cổ tích/ sớm tối nhập nhoè linh tính chim muông/ măng đắng đội những tầng nghĩa đất”. Nhưng đó chưa phải là tất cả những gì chị làm để cuốn người đọc vào câu chuyện của mình. Bởi bên cạnh sự mê dụ của chữ, thế mạnh của chị lâu nay, thì tôi cũng bị thuyết phục bởi những câu thơ tưởng như đơn giản mà chứa đựng câu chuyện lớn của mọi thời đại: “tôi hỏi cha/ chinh chiến là gì/ là kẻ ở người đi/ có đoàn tụ cũng mấy thì dang dở”.
Trong “Ngang qua bình minh”, chúng ta sẽ thấy điệp trùng những câu chuyện của người lính biển, đan xen quyện hoà hay riêng lẻ. Thú vị hơn, đó không chỉ là câu chuyện của những người đang sống mà còn có rất nhiều câu chuyện của những người lính đã hi sinh, họ vẫn hiện diện trên sóng nước Tổ quốc với những suy tư tâm sự đời thường và cả thiêng liêng: “chung một ấm trà mà cách biệt mấy mươi năm/ chúng ta đã nằm lại nơi này/ mãi tuổi đôi mươi/ mãi chung nhịp đập/ mỗi người còn trồng tỉa giấc mơ riêng”.
Sự khác biệt mà Lữ Mai đã làm được để bước ra khỏi cái bóng của thể loại trường ca chính là cách chị xây dựng tuyến nhân vật cho trường ca của mình. Những người lính, người hi sinh trước, người hi sinh sau, và người đang sống, tiếng nói của họ cất lên, song hành, đồng điệu, cho dẫu mỗi người mang một câu chuyện riêng, một giấc mơ riêng nhưng họ đều đến đây vì lý tưởng, lý tưởng ấy bắt nguồn từ trong tiềm thức.
Tiếng nói ấy làm đầy lên những trang trường ca mê dụ, kiêu hùng và bi tráng của một nữ thi sĩ: “còn bao nhiêu đảo nổi đảo chìm/ bao giấc tỉnh mê/ kể suốt nghìn năm vẫn lẻ/ khoảnh khắc này biển của ta đẹp thế/ luồng sáng uy nghi trên muôn cánh bồ đề”.
Lữ Mai không chỉ đem đến một quan điểm, một cách nhìn khác về trường ca, hay nói cách khác, chị đã vượt qua được những thách thức và sự gò bó của thể loại. Và cũng trong cách thế đầy bứt phá của riêng mình, chị đã đem đến/thay đổi những quan niệm: “bi tráng nhiều khi không cứ gì đổ máu/ giây phút so kè giữa muôn nỗi lặng thinh/ bóng đen tàu lạ kề bên mình lừng lững/ đêm đến rực lên chớp lửa thiên thời”.
Đó là tầm nhìn của một thế hệ mới, họ bi tráng ngay trong tâm thế của chính mình. Đó là tâm thế của những con người bám sâu vào nguồn cội để ngẩng cao đầu hướng tới tương lai: “mặc máu chảy chỉ cần ta còn thở/ sẽ trổ giấc mơ lên thân sóng gầm gào”. Những con sóng bạc như vẽ lên giấc mơ của người lính biển. Những câu thơ mang đầy thi ảnh của Lữ Mai đã góp phần làm mềm hơn và sâu thêm cho đề tài vốn được xem quá khó để làm mới này.
Thực vậy, trong trường ca này, Lữ Mai đã dành cho biển nhiều hình ảnh được tạo tác nên từ tận cùng cảm xúc và sáng tạo. Nhờ vậy, chúng ta gặp ở đây những câu thơ có thể nói là góp phần làm đầy lên tài nguyên của tưởng tượng, của hình dung khi ta nghĩ về biển: mỗi loài hoa nơi đầu sóng tàn đi/ là nghi lễ không hề bi luỵ; ai đã gặp những bàn tay trắng mọc lên từ lòng biển/ trắng như khi ta hướng lên trời tuyên thệ/ trắng như ngày bão bùng bám chặt sợi dây/ trắng như ngày hẹn hò em mường tượng. Tôi nghĩ, sự đóng góp này là sự đáng kể đến mà một nhà thơ trẻ như Lữ Mai đã làm được.
Trong “Ngang qua bình minh”, Lữ Mai cũng không hề có ý kể một câu chuyện có đề tài lớn lao để thu hút số đông. Chị đang viết những điều làm lay thức thẳm sâu của mỗi người. Đề tài lớn lao dễ làm ta hoặc bị choáng ngợp, hoặc bị chìm lấp. Lữ Mai đã neo vào chính cảm xúc và tưởng tượng của mình để bước đi một cách đầy lôi cuốn và chắc chắn. Chị đã nói một tiếng nói riêng và kể một câu chuyện khác để không bị lẫn bị ẩn đi trong rất nhiều tiếng nói, rất nhiều câu chuyện có chung một chủ đề mà chúng ta gặp hôm nay.
Lửa bùng lên sẽ mặc nhiên tro tàn/ phía sau tro tàn vẫn tình yêu thuần khiết/ vẫn đoàn người hành quân từ miền khác/ không về quê mình mà tới biển mênh mông. Trong trái tim mỗi chúng ta luôn có một phần dành cho biển, cho dẫu có những người chưa từng đặt chân tới biển. “Ngang qua bình minh” như là sự thấu suốt sâu xa ấy.
Nguồn: Văn Nghệ Công An