Bài thơ ‘Mẹ tôi chửi kẻ trộm’ gây ra tranh luận xôn xao trên các diễn đàn, chứng tỏ công chúng đang có những đòi hỏi đa dạng về thẩm mỹ thi ca. Cái hay, cái đẹp của thơ không thể phân tích kiểu “chẻ tư sợi tóc”, nhưng để tôn vinh một bài thơ thì không thể dựa vào lý lẽ khá mông lung là sự nhân hậu.

 

 

Cuộc thi thơ báo Văn Nghệ 2019-2020 vừa tổng kết và trao giải, lập tức tạo được sự khen chê khá ồn ào. Không có giải A, vị trí cao nhất chia đều cho hai tác giả giải B là Tòng Văn Hân và Nguyễn Văn Song. Hai tác giả đều là tên tuổi khá mới, ít nhiều cho thấy thiện chí mong muốn phát hiện nhân tố trẻ cho đời sống thi ca.

Chùm thơ “Từ ngày lên phố”, “Gọng vó đầu làng” và “Từ ngày cha mất” của Nguyễn Văn Song là những bài lục bát nhẹ nhàng và du dương, không khiến nhiều người bận tâm. Mọi sự chú ý đều dồn vào tác giả Tòng Văn Hân với chùm thơ "Mẹ tôi chửi kẻ trộm", "Làm rể" và "Nhà dưới nhà trên".

Trưởng ban chung khảo là nhà thơ Hữu Thỉnh cho rằng bài thơ “Mẹ tôi chửi kẻ trộm” là tác phẩm khá nhất của Tòng Văn Hân và khiến ông có thiện cảm nhất trong cuộc thi về sự nhân hậu của con người. Cái hay, cái đẹp của thơ không thể phân tích kiểu “chẻ tư sợi tóc”, nhưng để tôn vinh một bài thơ thì không thể dựa vào lý lẽ khá mông lung là sự nhân hậu.

Nguyên văn bài thơ "Mẹ tôi chửi kẻ trộm" của Tòng Văn Hân:

"Những lần gà nhà tôi bị mất

Mẹ tôi chửi:

-Cái đứa trộm gà ơi

Ta cầu mong cho ngươi

Nuôi được gà đầy đàn

Lứa này tiếp lứa khác

Có nhiều gà nhất bản

Có nhiều gà nhất mường!

Những lần lợn con nhà tôi bị mất

Mẹ tôi chửi:

-Đứa nào trộm lợn nhà tôi

Thì hãy có nhiều lợn

Đàn tiếp đàn núc ních

Lứa tiếp lứa không ngừng

Bán được nhiều tiền nhé!

Từ thuở bé đến giờ

Hễ nhà mình mất gà mất lợn

Tôi đều nghe thấy mẹ tôi chửi như thế

Cầu mong cho kẻ trộm kia khá giả

Không bao giờ đến nhà tôi ăn trộm nữa

Tôi là đứa con gái dưới mức bình thường

Nhan sắc không bằng đám bạn

Khéo léo không bằng người ta

Thế mà có hẳn bốn nhà

Muốn được tôi làm con dâu của họ”.

Tác giả Tòng Văn Hân là người dân tộc Thái ở Điện Biên. Đội ngũ những người làm thơ dân tộc thiểu số vốn ít ỏi, có thêm được gương mặt nào thì đáng mừng gương mặt ấy. Tuy nhiên, tinh thần khích lệ và động viên không thể lấy làm cơ sở để vinh danh tác phẩm. Bởi lẽ, có những nhà thơ dân tộc thiểu số với cách nói, cách nghĩ độc đáo đã có được chỗ đứng riêng biệt trong lòng người yêu thơ như Y Phương, Inrasara, Pờ Sào Mìn, Lò Ngân Sủn…

Bài thơ “Mẹ tôi chửi kẻ trộm”, nếu không nằm trong chùm thơ được giải B thì cũng chẳng khiến dư luận bận tâm. Hơn nữa, cái tựa đề cũng khiến độc giả hơi giật mình khi liên tưởng đến những bài chửi có vần có điệu vẫn được lưu truyền trong dân gian.

Người chê “Mẹ tôi chửi kẻ trộm” vì ngôn ngữ kém chất thi ca. Người khen “Mẹ tôi chửi kẻ trộm” vì có ý tưởng thú vị. Cầu mong cho kẻ trộm khá giả để khỏi đi ăn trộm nữa, có thể là kiểu ứng xử bao dung hồn nhiên của người vùng cao, nhưng cũng cho thấy được tấm lòng một người mẹ có ảnh hưởng đến hậu vận con cái.

Có thể tác giả Tòng Văn Hân viết nôm na lại bài thơ “Mẹ tôi chửi kẻ trộm” từ câu chuyện nghe được ở làng quê mình. Thế nhưng, nếu khẳng định đó là một sự sáng tạo, thì e không phải. Trong “Cổ học tinh hoa” đã có tích “Tưới dưa cho người”. Tích rằng, người Sở và người Lương sống cạnh nhau, và cùng trồng dưa. Khi thấy dưa của người Lương tươi tốt, người Sở đã rình rập quấy phá. Đáp lại, người Lương không lặng lẽ hằng đêm đi tưới dưa dùm người Sở, để dưa của người Sở cũng có thành quả như dưa của người Lương. Nhờ vậy, người Sở và người Lương gắn bó thương yêu nhau.

Khi bàn về tích “Tưới dưa cho người”, các văn bản xưa thường nhắc đến hai câu “nhân họa nhi vi phúc” (từ tai họa của mình mà đi gieo phúc lành cho người khác) và “báo oán dĩ đức” (đem cái đức để hóa giải cái oán).

Làn sóng khen chê xung quanh bài thơ “Mẹ tôi chửi kẻ trộm” là những phản ứng đáng mừng, cho thấy công chúng vẫn còn ưa chuộng thi ca và vẫn còn đòi hỏi những giá trị thực sự từ các cuộc thi thơ./.   

                                                            LÊ THIẾU NHƠN