Hôm nay, 24/4, tang lễ của nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm được Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức trang trọng tại Hà Nội. Khép lại hành trình một thi sĩ 70 năm trên nhân gian, nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm tiếp tục đi vào thương nhớ của nhiều đồng nghiệp, nhiều độc giả.
HOÀNG NHUẬN CẦM MÀ THƠ LÀ NỢ, MÀ TÌNH LÀ ĐAU
LÊ THÀNH NGHỊ
“Mà thơ là nợ, mà tình là đau” là câu thơ Hoàng Nhuận Cầm viết tặng bạn anh, nhà thơ liệt sỹ Vũ Đình Văn. Hoàng Nhuận Cầm, Vũ Đình Văn, Nguyễn Văn Thạc cũng như hàng ngàn sinh viên khoảng mười chín, đôi mươi đang học dở hoặc vừa mới tốt nghiệp Đại học, đúng lúc chiến tranh đang vào hồi quyết liệt. Hậu phương đã dâng “những dòng máu tươi nhất” cho mặt trận. Vũ Đình Văn vào bộ đội tên lửa, rong ruổi dọc miền Trung, rồi quay ra Hà Nội trong những ngày B52 năm 1972, và hy sinh ngay tại mặt trận phía tây thành phố, để lại những câu thơ nhói buốt tận sâu trong tâm can người đương thời.
"Mười ba bậc cầu thang em lên
Chạy một hơi mà không nóng mặt
Thế rồi khi gặp nhau em quên
Không nói được và anh phải nhắc".
( Mười ba bậc cầu thang )
Bài thơ nói về mối tình đầu của cô gái thành phố và chàng lính trẻ trong những ngày chiến tranh. Chiến tranh bao giờ cũng thế, muôn đời chiến tranh đều tồi tệ. Nó cướp đi của loài người những người ưu tú nhất, đang có nhiều hứa hẹn nhất. Nhưng chiến tranh cũng mang trong lòng nó những khoảnh khắc đẹp nhất của con người. Cô gái kia tưởng chạy một hơi lên mười ba bậc cầu thang để nói lời từ biệt người yêu của mình ra mặt trận. Nhưng rồi khi gặp anh, cô quên hết những gì định nói. Và lời định nói đó đã mãi mãi không còn cơ hội nữa. Chiến tranh đã mang đi những hứa hẹn và mối tình đầu của cô. Hoàng Nhuận Cầm thương cảm Vũ Đình Văn hay thương cảm cho mối tình đầu của mình?
"Phương ấy còn ở mãi trong tôi
Ngỡ nâng lấy tay mình, ngỡ như người biết nói
Phương ấy ơi! Suốt đời như dấu hỏi,
Trên hai vai tuổi trẻ - trước chân trời"
( Phương ấy )
Câu thơ dẫu đã phong gói thật kín đáo, nhưng có thể nhận ra ngay “phương ấy” là gì mà day dứt trong tim “suốt đời như dấu hỏi”, mà đè nặng hai vai Hoàng Nhuận Cầm như vậy. Hình như ở đây “tôi” đã lớn dậy so với cái hồi “ vào mặt trận khi mùa ve đang kêu” cho nên “tôi” đã rất băn khoăn trước cuộc đời. Nó như một chút dấu hiệu nói rằng, bên cái tiếng ve sôi kia, cái tiếng lắc cắc xúc xắc kia, thơ Hoàng Nhuận Cầm cũng đã có lúc đăm chiêu “trước chân trời”, chớ đâu phải chỉ một mực “trong veo” như người ta vẫn nói.
Đúng là Hoàng Nhuận Cầm mang vào thơ đầu những năm bảy mươi của thế kỷ XX cái giọng thơ học trò trong trẻo rất thị thành của mình. Vừa mới xa tuổi trèo me, trèo sấu, vừa mới tận hưởng những ngày vui bỡ ngỡ trên giảng đường Đại học, nơi có nhiều thiếu nữ đẹp mê thơ, vừa mới dấn thân vào cuộc trường chinh cùng hàng vạn những người lính trẻ dọc những ngả đường đất nước, Hoàng Nhuận Cầm mới tinh khôi như bộ quân phục còn thơm mùi hồ. Bài thơ Thư mùa thu của Hoàng Nhuận Cầm không chỉ là thơ mà là một khúc tráng ca bát ngát trên những cánh rừng trùng điệp quân đi. Với sự cố ý nhắc đi nhắc lại điệp khúc Mùa thu này ta hát khắp Trường Sơn, người viết như muốn nói cho đủ, cho tràn, cho khắp, cho thỏa, cho đã… cái lạc quan của những chàng lính trẻ giữa những ngày đi đánh Mỹ. Dù trong bài thơ có cho người đọc biết tác giả đã qua cái thời “chẳng còn bắt ve, chẳng còn thơ bé”, đã Hết thời bím tóc trắng ngủ quên/ Hết thời cầm dao khắc lăng nhăng lên bàn ghế cũ ( Chiếc lá đầu tiên ) nhưng “ai dám bảo trong chiếc ba lô kia không có /một hai ba giọng hát chú ve kim” ( Vào mặt trận khi mùa ve đang kêu ) thì cái thời “bắt ve” và “khắc lăng nhăng” kia đâu đã lấy gì làm xa? “Mùa thu này ta hát khắp Trường Sơn”, câu thơ tràn đầy không khí lãng mạn của thi ca, của tuổi trẻ những ngày đánh Mỹ, bởi vì tác giả chọn “mùa thu”, chọn tiếng hát chứ không phải là những gì khác để bày tỏ niềm lạc quan của lứa tuổi mình:
“Cuối cánh rừng, rơi xuống mấy vì sao
Ngày mai ở đấy sẽ bay lên tiếng hát
Sẽ là nơi tôi hát và đánh giặc”
( Những câu thơ viết đợi mặt trời )
Tuổi ấy, giọng thơ ấy là phải, là hợp. Nó cho thấy Hoàng Nhuận Cầm không hề “ lên gân cốt” gì khi viết những câu thơ, mà có thể người đời sau đọc đến sẽ không thể nào hiểu được, vì sao lại thế?. Chiến tranh gì mà hát tràn cung mây như vậy? Thật khác xa với người xưa: “Bước chân xuống thuyền nước mắt như mưa”! Nhưng đó là sự thật rất kỳ lạ của cuộc chiến tranh chống Mỹ, mà chính kẻ thù cũng đã mù tịt không thể hiểu, cho đến khi đã bại trận rồi, ngồi ngẫm nghĩ lại, hồi ký với hồi tưởng lại, vẫn không lý giải được vì sao lại thế, vì sao những người lính Việt Nam lại yêu thơ, yêu nhạc, yêu ca hát đến vậy, và vì sao lại có thể hát ngay cả trong gian khổ, chết chóc như vậy. Nhưng nói rằng, thế hệ Hoàng Nhuận Cầm ra trận đã hiểu hết vì sao lại thế thì cũng không phải, sợ là nhận vơ. Chiến tranh đâu phải chỉ rộn ràng như một đêm ca nhạc như vậy.
Thì đây, một ngày đón Tết có “một không hai” trong lịch sử:
Lính tráng cởi truồng lội sông đón tết
Còn đây là một phút “đối diện” với chính mình, trong tâm hồn, những tiếng hát đã lặng xuống rất sâu, chỉ còn lại sự nghiệt ngã trần trụi của chiến tranh:
“Vùng chiến trường không khói đạn
Mắt nhìn như súng nhìn ta”
(Những thời vô tội)
Và đây là “mùi vị” của sự thật chiến tranh, mà bất cứ ai cũng có thể trải qua, không thể giấu vào đâu được:
“Ai biết vì sao anh đã khóc
Lá rừng sốt rét xuống trang thơ”
( Xuất ngũ )
Tuy vậy, so với những nhà thơ khác như Phạm Tiến Duật, Nguyễn Đức Mậu, hiện thực “trần trụi” của chiến tranh trong thơ Hoàng Nhuận Cầm không có gì đáng kể. Cơ bản thơ Hoàng Nhuận Cầm vẫn là giọng thơ trữ tình, hát lên từ một tâm hồn trong sáng, một tâm hồn tràn đầy thi ca và âm nhạc trước một thực tế chiến tranh chỉ mới vừa trải qua sự gặp gỡ ban đầu, chứ chưa thật sự đối mặt với sự quyết liệt, một mất một còn dữ dằn của chiến tranh, vì vậy thơ Hoàng Nhuận Cầm chưa có âm điệu dữ dội trên những đau thương tột cùng, thường có của những cuộc chiến tranh giữ nước.
Nhưng trước khi tìm hiểu nhưng sắc thái khác trong thơ Hoàng Nhuận Cầm, chúng ta hãy nói về những gì “dễ thấy” nhất trong thơ anh. Thơ Hoàng Nhuận Cầm trẻ trung và dịu ngọt. Giọng thơ học trò dịu ngọt của Hoàng Nhuận Cầm rất dễ làm những thiếu nữ áo trắng thổn thức. Không ít trong những trang sổ tay của họ, những bài thơ của Hoàng Nhuận Cầm được chép lại, như thể để ghi dấu một thời rưng rưng những kỷ niệm:
“Thôi xin chào mười năm học phổ thông
Cánh hoa phượng cuối cùng thương mến nhất
Một chấm đỏ rưng rưng trên lòng đất
Tuổi khăn quàng, phấn trắng, nắng vô tâm”
( Chào sao mai )
Rồi những câu thơ đọc lên thấy “nguyên khôi” tình tứ như một lời thầm lặng, chẳng ra nhắn nhủ ai, chẳng ra dụ khị ai, nhưng sao thấy cứ vấn vương, mời gọi vô cớ:
“Ta pha mực tím yêu thương lại
Vở trắng vô cùng chưa hết trang”
( Nhớ lại ngày đầu gặp Huế )
Hoặc:
“Chuồn kim ơi! Thân dài cánh nhỏ
Em khâu gì trên tấm áo của sườn non”
( Bức tranh dọc đường hành quân )
Hoặc:
“Chùm phượng xòa trên áo trắng ca dao”
( Dàn đồng ca tuổi trẻ )
Hoặc:
“Tiếng ve còn kêu cháy đáy ba lô”
(Trong tình em – Hà Nội)
Những “mảng miếng” của Hoàng Nhuận Cầm không mấy lạ. Anh biết người đọc thơ, đặc biệt là những người mới lớn thường ưa “của ngọt”, cho nên thơ anh, cũng như thơ Lưu Quang Vũ thời kỳ đầu ngọt lịm như “trái cây mùa hạ”. Hoàng Nhuận Cầm chưa dùng đến chữ “ngọt” mà thơ anh đã rất ngọt:
“Mai đành xa sông Thương thật thương
Mắt nhớ một người, nước in một bóng
Mây trôi một chiều, chim kêu một giọng
Một mình anh – náo động –một mình anh”
(Sông Thương tóc dài)
Tất cả đều chỉ “một”, vậy mà đủ để buổi chiều náo động. Cái “náo động” này chính là náo động trong tâm hồn người viết. Nó cho thấy Hoàng Nhuận Cầm đang mượn thơ để nói lên điều mình muốn nhắn gửi gì đó với “một người” nào đó.
Hoàng Nhuận Cầm cố ý đưa vào thơ rất nhiều những từ biểu cảm mà khi đọc lên sức lan tỏa của chúng được kích ứng trong tâm tư người đọc. Chẳng hạn: Cây tương tư khốn khổ trổ thêm cành; Tháng ba hoa nức nở quay về (Tháng ba quay lại); Bạn đi hết, mình tôi trên cỏ vắng/ Những ngày xuân thân ái cũng qua rồi (Xứ sở chim); Tháng Ba đến bánh xe lăn tội nghiệp/ Anh lang thang ra đợi ngã tư đường (Tháng Ba quay lại); Còn sót lại trên bàn bông cúc tím/ Bốn cánh tàn, ba cánh sắp sửa rơi (Hò hẹn mãi cuối cùng em cũng đến)…vv Nào là tương tư, khốn khổ, nức nở, nào là đi hết, cỏ vắng, nào là tội nghiệp, lang thang, nào là cúc tím, cánh tàn…Đây là thứ ngôn từ “gây nghiện” – nghiện từ người viết nghiện sang người đọc, lay thức rất sâu, rất kín trong tâm hồn những ai đọc tới. Nhìn chung, người đọc, nhất là những người trẻ tuổi rất dễ bị Hoàng Nhuận Cầm “thôi miên”. Tôi cho rằng, đó là anh đang trả “món nợ” vay từ thơ và nhạc lãng mạn “tiền chiến” của thế hệ trước. Cũng may là Hoàng Nhuận Cầm chưa đến nỗi dắt họ quá chân vào đầm lầy “sướt mướt” sặc sỡ những đóa anh túc ngôn từ mời gọi kia. Người ta chỉ mới rưng rưng cố gọi tên những gì sâu kín đang diễn ra trong tâm hồn, chứ chưa đến mức “gục đầu vào dĩ vãng” như thơ của rất nhiều thi sỹ thời lãng mạn.
Nhưng cho dù nhiều người thừa nhận trong thơ Hoàng Nhuận Cầm tràn đầy trong sáng, lạc quan…nghĩa là nhận ra phần rất sáng trong thơ anh, tôi vẫn muốn bạn đọc nhìn sâu hơn một chút cái “khoảng tối dưới chân đèn”, mà nếu bỏ qua sẽ chưa hiểu hết Hoàng Nhuận Cầm. Cũng như Lưu Quang Vũ, Hoàng Nhuận Cầm cũng có một tuổi thơ không mấy thanh thản. Nhà chật, đông con, mẹ chỉ lo nội trợ, người bố chỉ dạy ghi ta nuôi sống cả nhà, Hoàng Nhuận Cầm không thiếu những ngày bắt ve, trèo sấu, “lang thang ra đợi ngã tư đường”. Năm mười sáu ngây thơ tình cúc dại/ Cột đèn xưa hôm nay anh gặp lại/ cái thằng trai khờ dại đón mưa về (Nến sắp tắt). Bố anh, nhạc sỹ Hoàng Giác làm nhạc nhưng không có chung ngôn ngữ thơ với Hoàng Nhuận Cầm. Với lại, khi biết con làm thơ, bố anh không hẳn “chống” nhưng cũng không hẳn vui. Một nhà có hai người đàn ông, như hai cây cột cái, mà cả hai đều vất vưởng thơ với nhạc, hỏi sống làm sao trong cái thời bao cấp thiếu từng xu dầu kia. Mà thiếu dầu, không lẽ đút hai tay vào bếp thay dầu, chưa nói đến những thứ khác khó kiếm hơn dầu! Rồi cái căn gác phố Hàng Bạc cũng đã đến lúc phải bán đi, cả nhà tìm một chỗ khác ít tiện nghi hơn, để dành tiền trang trải khi mọi thứ trở nên gắt gao hơn bao giờ hết. Trong một hoàn cảnh “cái khó bó cái khôn” như vậy, rất cần một Hoàng Nhuận Cầm đứng ra cáng đáng. Nhưng chỉ vì mê thơ từ bé, mọi “tinh hoa” dồn cho thơ từ bé, lớn lên Hoàng Nhuận Cầm như bị thơ “lấy mất hồn”. Anh trở nên tơ lơ mơ trước cuộc đời, vụng về trước những điều đáng lẽ với “tư cách một người anh cả trong nhà” anh phải giỏi giang, thông thạo. Hoàng Nhuận Cầm “bị” thơ hành như một nghiệp kiếp: Bắt đầu từ đây xách làn đi chợ/ Tôi làm sao mua được…một củ hành ??? ( Một hy sinh nho nhỏ ). Xin bạn đọc lưu ý, sau động từ “mua” là ba chấm (…) rất mênh mông, và sau danh từ “củ hành” là ba dấu hỏi ( ??? ) rất gắt gao. Chỉ một câu thơ thôi cho thấy sự lóng ngóng của một nhà thơ vốn không chuộng lắm trong thơ mình cái “ chủ nghĩa hiện thực sát đất bắt buộc” mà anh đang lâm vào, chí ít là trong phiên chợ trước mặt khi đã sắp hết ngày, và xa hơn là phiên “chợ đời” còn đang dang dở kia.
Khoảng đầu những năm tám mươi (1980) trong một chuyến đi thực tế, một đoàn văn công có tăng cường những nhà thơ lên vùng núi phía bắc phục vụ các chiến sỹ trên các điểm tựa. Hoàng Nhuận Cầm lóng ngóng ở đâu không biết, nhưng trước công chúng yêu thơ, anh náo hoạt như một “bà cốt” lên đồng. Anh làm chủ mọi cuộc chơi, cho dù chỉ ít vài chục người đến đông cả ngàn người. Không chỉ thuộc thơ mình, trình diến thơ mình với một giọng “nam cao” gào hết cỡ như “cô nàng tam thể” vào mùa, mà còn thuộc vanh vách thơ người khác, kể cả những bài thơ quá dài, quá khó nhớ, anh cũng thuộc và đọc “như bị trời hành”, trong khi có thể tác giả của bài thơ nọ cũng chưa chắc đã thuộc như anh. Hoàng Nhuận Cầm rất có duyên với sân khấu, đặc biệt là sân khấu hài. Thiểu não, tội nghiệp, “như một gã phê chính hiệu”, Hoàng Nhuận Cầm cho dù trong vai diễn nào, cũng không giấu được cái chất “cà lơ thất thểu” đặc hiệu của mình. Ấy vậy mà bao nhiêu cô gái đã “như mê đi” cái giọng thơ khàn khàn kia. Ấy vậy mà bao nhiêu khán giả đã cười đổ cười nghiêng khi anh diễn hài, còn anh thì cứ tỉnh bơ như sáo. Và cái lần lên vùng núi phía bắc năm nào, một cô gái đẹp vốn là vũ công, có đôi “mắt bò” to và nâu kia đã mê và cùng anh “dấn thân” vào đời. Cô gái xuất phát từ yêu thơ, yêu và thương, thương là chính, thương luôn cả cái lơ ngơ, vụng về của chàng thi sỹ, bỏ ra ngoài túi xách cả cái “leng keng” của một người mê thơ đến mức dại khờ trong hồn vía chàng và quả quyết cùng anh “sóng đôi” vào “cõi mơ” có tên là cuộc đời.
Nhưng rồi hai cá tính mạnh đã không tránh khỏi những xô đẩy của cuộc đời. Họ ly hôn khi đã có một cháu bé. Và thật là kỳ lạ, chỉ Việt Nam mới có, cho những cặp vợ chồng ly thân như Hoàng Nhuận Cầm. Vì không có chỗ riêng biệt, dù ly thân họ vẫn phải sống trong một “nhà”. Nhà chỉ một phòng, phòng chỉ một cửa ra vào, họ đành ngăn đôi căn phòng bằng vách cót. Cháu bé ba tuổi không hề nhận ra sự cố gì giữa bố mẹ, cứ hồn nhiên qua lại, tỏ ra thích thú chơi trò trốn tìm với cả bố lẫn mẹ nữa. Và ngay cả khi đã nồi niêu riêng biệt, ông bố nhà thơ đã nhịn đói nhiều hôm kia, cứ “tự nhiên như nhiên” lục nồi của hai mẹ con, kệ, “như chưa hề có cuộc chia ly”. Mỗi lần đi làm về, chị biết nhưng cũng kệ, vì thương.
Và không phải chỉ một lần. Ba lần như vậy, “ba tập” mỗi tập một cháu bé, Hoàng Nhuận Cầm cứ loay hoay như vậy cho đến tận hôm nay. Lỗi tại ai có lẽ không cần thiết phải biết kỹ, chỉ nên nhớ một lưu ý nhỏ này thôi, nếu không phải vì thơ “ám”, đến mức lúc nào cũng như ngơ ngẩn như thế, và nếu không phải việc gì cũng tỏ ra lớ ngớ kiểu “trói gà không chặt” như thế, có lẽ Hoàng Nhuận Cầm không phải phiêu linh như vậy chăng? Vậy thì đích thị là lỗi tại thơ rồi! “Nến sắp tắt, gió đã rình trước cửa/ Quán cà phê chim mách kẻ xin tiền” (Nến sắp tắt), “nến tắt”, “gió rình”, “chim mách” như một ám thị “lành ít dữ nhiều” trong thơ anh thời kỳ này.
Không chỉ ám thị, Hoàng Nhuận Cầm trở nên yếu đuối. Tận sâu trong tâm khảm, nhà thơ nào cũng có chỗ yếu đuối. Mạnh mẽ ồ ồ thác đổ như Thu Bồn mà nhiều lúc cũng “bưng mặt khóc giữa hai tay”, nói chi đến “giọng ve kim” mỏng mảnh Hoàng Nhuận Cầm:
“Sáng nay
như rất nhiều buổi sáng
chuyến xe điện vắng teo
lăn bánh qua bản nhạc cuối cùng
có một người cởi áo lính
khóc rưng rưng”
(Nến sắp tắt)
Tôi rất chú ý bài thơ này của Hoàng Nhuận Cầm, từ cái “tít đề” đến hơi thơ, tưởng đâu như nói chuyện cô ca sỹ Khánh Ly, kỳ thực không giấu được tâm trạng của Hoàng Nhuận Cầm: hoang hoải và mỏi mệt, cô đơn, bất lực và yếu đuối khi những khát vọng của thời dĩ vãng đã một đi không trở lại:
“Chuyến xe điện vắng teo
lăn bánh qua bản nhạc cuối cùng…
Thưa em mùa Thu toàn khoan dung…”
(Nến sắp tắt)
Khi những gì trong hiện tại đã trở nên lầm lụi:
“Rồi một chiều không một chấm sao lên
trời sẫm lại, đầu Đông nghe sợ quá”.
(Nến sắp tắt)
Tất cả những thứ cảm giác này làm nên một “gam” rất buồn trong thơ Hoàng Nhuận Cầm thời kỳ này. Nó đã ở xa lắm cái ngày anh dong duổi hành quân trong tiếng nhạc la, trong mùa ve kêu, một ngày mùa thu hát khắp Trường Sơn…Nó nói rằng cuộc đời không chỉ là bài thơ ngọt ngào, mà là vẫn như xưa cũ, cuộc đời là một vở bi hài đầy tai ương.
Điều gì, cơ sự nào đã đưa anh đến tâm trạng này? Có thể là sự bất hạnh, mà mỗi con người trên thế gian này không ai tránh được. Cái cầm trên tay, tưởng chắc chắn hóa ra rất có thể là phù vân. Cái đạt được, tưởng như đã hết sức mình, hóa ra vẫn làm day dứt lương tâm không cách gì thoát nổi. Vào một ngày khá tồi tệ, Hoàng Nhuận Cầm thấy những đôi mắt nhìn anh như họng súng (Viên xúc xắc mùa thu), rồi vùng chiến trường không khói đạn/ Mắt nhìn như súng nhìn ta (Những thời vô tội). Bây giờ mới ló dạng đấy thôi, chứ tận xa xôi ngày trước anh cũng đã “tiên lượng” hết những gì sẽ gặp trên đường:
- Viên xúc xắc mùa thu trong cỏ
Mắt anh nhìn sáu mặt bão mưa giăng
- Viên xúc xắc quay tròn trong gió xé
Sáu mặt đời lắc cắc tiếng thơ anh
(Viên xúc xắc mùa thu)
Đúng là “cõi nhân gian bé tý” như viên xúc xắc có sáu mặt và hơn thế có muôn mặt “quay tròn trong gió xé”, trong “bão mưa giăng”, những mặt vô hình không ai biết trước được.
Những tích tụ đắng đót:
Ai biết vì sao anh đã khóc
Lá rừng sốt rét xuống trong thơ
Đâu những căn hầm, đâu nấm mộ…
(Xuất ngũ)
Những ký ức vỡ vụn:
Nắng đã vỡ trên từng mái phố
(Vé trở về)
Những ngày chán chường:
Người đã ngồi ở đó
Trong căn nhà thật buồn
Đốt trên đầu điếu thuốc
Những tháng ngày buồn nôn
(Trong căn nhà thật buồn)
Những lúc tuyệt vọng:
Thơ nằm như trúng đạn
Ta ngồi tay xuôi xuôi
(Trong căn nhà thật buồn)
Những khi bức bí:
“Ta đã chán lời vu vơ, giả dối
Hót lên! Dù đau xót một lần thôi”
(Hò hẹn mãi cuối cùng em cũng đến).
Và sau cùng là lời thú nhận:
“Trải qua khá nhiều đau đớn
Bây giờ tôi ước bình yên”
(Những thời vô tội)
Đấy là ao ước giản dị của nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm và cũng là của số đông chúng ta. Nó khác và không “lớn” bằng ao ước khác thường của Lermontov ký thác vào “Cánh buồm”: Nhưng buồm dấy động đòi giông bão/ Dường như trong bão mới yên vui (Cánh buồm). Với Hoàng Nhuận Cầm, đâu rồi Tuổi khăn quàng phấn trắng, nắng vô tâm; đâu rồi những ngày xuân thân ái; đâu rồi những ngày bạn có nhớ trường, nhớ lớp, nhớ tên tôi. Hoàng Nhuận Cầm đã lớn dậy cùng nỗi đau của mình, khi anh biết “không có nỗi đau nào của riêng ai”:
“Ôi hạnh phúc – cái vòng tròn khổ tủi
Đã trôi qua số phận biết bao người
(Tháng Ba quay lại)
Khi anh biết thời gian đã không chờ đợi một ai:
“Tờ lịch hát một câu lặng lẽ
Ta buông tay mắc tội với thơ mình”
(Tháng Ba quay lại)
Khi anh biết kìm nén nghĩ về con:
“Có một nốt không bao giờ con biết tới
Là nốt buồn cha đã nuốt thay con”
Dù anh biết:
“Ta đã thực vào đời bằng nước mắt
Để con ta mơ mộng ngủ bên đàn…
Đường cha bước đúng ngày hoa đỏ thắm
Rơi như mưa, như máu đổ bên đường”
(Nhớ ngày mai)
Và anh không còn là có một người cởi áo lính/ Khóc rưng rưng nữa, mà là một người cha người rắn rỏi:
“Cha khao khát sau này
Thích gì con hát thế
Dù cha thành
Xác pháo
Để mừng con”
(Nhớ ngày mai)
Thơ Hoàng Nhuận Cầm là nơi chứa một phần “lịch sử” tâm hồn anh, tính cách anh và quá trình chuyển đổi trong cuộc đời anh. Lâu lắm anh không làm thơ nữa, vì thời gian hình như dành để làm những công việc “mưu sinh” thì phải. Nhưng những gì Hoàng Nhuận Cầm đã có cũng đủ làm nên một nét để nhận biết thơ ca Việt một thời.
Trở lại với bài thơ Nhớ Vũ Đình Văn trên kia: Văn đi sao quá nhẹ tênh/ Mà thơ là nợ, mà tình là đau. Giờ thì chúng ta có thể cảm nhận được hai câu này không chỉ nói về Vũ Đình Văn. Chính Hoàng Nhuận Cầm cũng đã cảm thấy thế mỗi lần lên “mười ba bậc cầu thang” thăm nhà Văn:
“Nhớ Văn mỗi lúc đến thăm
Mỗi bậc thang mỗi vết bầm vào tim”
(Nhớ Vũ Đình Văn)
Chẳng hay, vì mất quá sớm nên không biết với Vũ Đình Văn thơ có là “nợ” không, nhưng với Hoàng Nhuận Cầm thì quá rõ. Anh bị thơ lấy mất phần “linh hồn” đến nỗi dù có làm bao nhiêu thứ việc khác, cũng không ai nhớ anh đang làm gì ngoài thơ. Còn với thơ, anh đến và thắp lên ngôi đền thiêng một ngọn nến trong trẻo, xanh lam và mỏng mảnh đến mức mọi người chỉ nhận ra cái “giọng ve kim” trong thơ anh, mà quên mất rằng, dưới chân ngọn bạch lạp đó có một Hoàng Nhuận Cầm khác đã đau, gánh trên vai mình những nỗi nhọc nhằn, bị đè nặng trong tim mình bởi những vết xước “nỗi buồn khi tuổi lớn"./.