Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm vừa đột ngột qua đời ở tuổi 69 vào chiều nay 20/4 tại nhà riêng ở Hà Nội,  khiến đồng nghiệp và công chúng ngỡ ngàng thương tiếc. Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm cũng là tác giả kịch bản của nhiều bộ phim nổi tiếng.

 

Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm có vóc dáng nhỏ bé, nhưng nhanh nhẹn và hoạt bát. Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm không chỉ đóng góp cho thi ca, mà còn là tác giả kịch bản của nhiều bộ phim nổi tiếng như “Đêm hội Long Trì”, “Hà Nội mùa đông 1946”, “Nhà tiên tri”, “Mùi cỏ cháy”…

Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm ngày hôm qua còn phát biểu rất nồng nhiệt tại một cuộc hội thảo về kịch bản phim. Và chiều nay, theo kế hoạch, nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm làm khách mời của một chương trình phát thanh nhưng ông không có mặt. Khi mọi người tìm đến nhà riêng của nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm thì phát hiện ông đã qua đời. Theo xác định ban đầu, nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm bị đột quỵ và ra đi khoảng 3 giờ chiều.

Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm sinh ngày 7/2/1952 tại Hà Nội. Ông là con trai của nhạc sĩ Hoàng Giác. Năm 1971, khi đang là sinh viên khoa Văn của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, chàng trai Hoàng Nhuận Cầm đã xung phong nhập ngũ vào binh chủng Phòng Không - Không Quân và chiến đấu tại chiến trường Bình Trị Thiên.

Nơi khói lửa, phẩm chất thi sĩ đã bộc lộ đầy đủ ở nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm. Những bài thơ đầu tiên của Hoàng Nhuận Cầm đã làm nao nức giới trẻ với “nghe chim kể chuyện trên đồi chốt” hoặc “hoa súng tím vào trong mắt lắm mê say”.

Năm 1976, Hoàng Nhuận Cầm giải ngũ, về lại giảng đường, rồi làm biên kịch ở Hãng phim truyện Việt Nam và Đài truyền hình Việt Nam.

Sau tập thơ “Những câu thơ viết đợi mặt trời” in năm 1983, nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm có tập thơ “Xúc xắc mùa thu” đoạt giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 1993. Đến năm 2007, nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm tập hợp những tác phẩm tâm đắc của mình để in tập thơ “Hò hẹn mãi, cuối cùng em cũng đến”.

Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm bộc bạch về đời mình: “Mê thơ đến muốn chết và say điện ảnh đến phát mệt, cả hai tạo thành tình yêu cuộc sống, có lẽ đó là tất cả quá trình cống hiến văn học của tôi. Về sáng tác, tôi cố gắng không giống ai và không lặp lại mình, điều này được gửi gắm trong hai câu cuối của bài thơ Sông Thương tóc dài: Mây trôi một chiều - Chim kêu một giọng, Anh một mình náo động một mình anh”.

Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm hào hoa nhưng lận đận. Qua nhiều lần hôn nhân đổ vỡ, thơ ông buồn hơn và sâu hơn. Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm hiểu ra “Thơ gõ cửa run run chùm chìa khóa/ Ai vu vơ tấy xóa mãi chân trời”, nên ông quyết liệt với từng dòng số phận: “Tất cả chúng ta thật lòng nói dối/ Tất cả chúng ta áo đẫm mồ hôi/ Tất cả chúng ta căn nhà chật chội/ Giữa cõi vô cùng vô tận mà thôi/ Tất cả chúng ta đều bị theo dõi/ Tất cả chúng ta sắp bị bắt rồi/ Tất cả chúng ta như bầy chó đói/ Ngửa mặt lên trời hóng bóng trăng rơi/ Tất cả chúng ta đều không vô tội/ Mỗi đêm một tờ giấy trắng mồ côi.

Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm được trao Giải thưởng Nhà nước năm 2012. Nhắc đến ông, người yêu thơ luôn nhớ những vần điệu mượt mà: “Mai đành xa sông Thương tóc dài/ Vạn Kiếp tình yêu xin gửi lại/ Xuân ơi xuân… lẽ nào im lặng mãi/ Hạ chưa về nhưng nắng đã Côn Sơn.

Bây giờ, nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm lặng lẽ bay theo mây trắng nghìn trùng, thật nhẹ nhàng như thơ ông từng viết: “Một mai chết hết ăn năn/ Tôi nằm xuống đất không cần thở than”.

                                           TUY HÒA