Có thể có nhà thơ mỉm cười: một kẻ không viết nổi một câu thơ mà dám cao đàm khoát luận về trường ca kể cũng liều thật. Nhưng tôi là người yêu trường ca, yêu thơ, yêu những khúc ngâm, truyện Nôm tuyền thống, yêu những kịch thơ lãng mạn.

 

TẢN MẠN VỀ TRƯỜNG CA

 

TRẦN ĐÌNH SỬ

 

Thể loại trường ca ở Việt Nam đã có một vị trí trong đời sống văn học cũng như lịch sử văn học, vì thế nảy sinh nhu cầu suy nghĩ, bàn bạc về thể loại, một vấn đề thiết nghĩ chưa phải là đã được nhất trí. Do chưa có điều kiện bàn bạc hệ thống, cho nên trong bài này tôi tạm dùng hai chữ “tản mạn”.

Theo từ điển Bách khoa văn học Nga (1987), “trường ca là một tác phẩm thơ có quy mô với cốt truyện tự sự hay trữ tình”, “vô danh hoặc hữu danh” (tr. 294). Khái niệm trường ca rộng như thế người ta đã dùng để gọi các tác phẩm sử thi (anh hùng ca – epos, epopei) như Iliad, Odyssee của Homer, Ramayana, Mahabrahata của Vanmiki của Ấn Độ, Thần khúc của Dante, Bài ca Roland ở Pháp, Thiên đường đã mất của Milton ở Anh... Với cách hiểu thuật ngữ như thế các thể loại truyện Nôm, ngâm khúc, lịch sử diễn ca của Việt Nam nhà Việt Nam học N. I. Nikulin trong sách của ông đều dịch là “poema”(trường ca). Sử thi Đăm xăn trước đây cũng từng được dịch là “trường ca”do hồi ấy, những năm 60, những người dịch không dám gọi là sử thi hay anh hùng ca vì thấy Đăm xăn chưa “xứng” với tên gọi thể loại của Iliad . Theo tôi, với khái niệm như thế, Theo chân Bác, Nước non ngàn dặm của Tố Hữu là trường ca, các kịch thơ của Phạm Huy Thông, của Nguyễn Bính... đều có thể gọi là trường ca. Về sau khái niệm trường ca phân biệt với sử thi ở nội dung mang sự kiện dân tộc, cộng đồng. Trường ca với tư cách “bài thơ dài”) phân biệt với sử thi. Một bài thơ ngắn như Nam quốc sơn hà khuyết danh hay bài thơ Người con gái Việt Nam của Tố Hữu, xét theo nội dung, cũng có tính chất sử thi, có thể gọi là thơ sử thi, nhưng không phải trường ca. Đăm xăn gọi là sử thi đúng hơn là trường ca. Trường ca (poema) với tụng ca (Oda) khác nhau về bản chất, bất cứ sự nhập nhằng nào đều sẽ phương hại đến sự phát triển của trường ca. Trường ca còn được tác giả lấy làm tên gọi của tác phẩm văn xuôi tự sự của mình như Những linh hồn chết của Gogol hay bài tản văn của Xuân Diệu; một đằng muốn nhấn mạnh tính chất “sử thi” viết về chủ đề dân tộc, một đằng muốn nhấn mạnh chất thơ và độ dài.

Người Trung Quốc hình như không có thuật ngữ “trường ca”. Đối với “Poema” họ dịch thành “trường thi”, sử thi, hoặc dịch thành “tự sự thi”( thơ tự sự). Trường thi hầu như đã thành thuật ngữ thông dụng. Các bài trường ca của Điền Gian, Lí Quý, Văn Tiệp, Quách Tiểu Xuyên, Hạ Kính Chi… đều nhất loạt gọi là trường thi. “Tự sự thi” ở đây là một thuật ngữ không đạt, biến trường ca thành câu chuyện được kể bằng thơ.

Tiểu loại của trường ca theo một số nhà nghiên cứu là hết sức đa dạng. Xét về nội dung cảm hứng, nó bao gồm: trường ca sử thi, trường ca giáo huấn, trường ca châm biếm, trường ca hài hước, trường ca bi hài; xét về hình thức có trường ca có cốt truyện, trường ca kịch – tự sự, trường ca trữ tình.

Trường ca trên quy mô thế giới có ba giai đoạn phát triển. Giai đoạn một gồm sử thi cổ sơ có tính dân gian như Đẻ đất đẻ nước(thuật ngữ của Phan Đăng Nhật), sử thi cổ điển, có bàn tay nhuận sắc của văn nhân, ví dụ như Iliad của Homere. Giai đoạn hai gắn với phong trào sáng tác của chủ nghĩa lãng mạn, rồi chủ nghĩa hiện thực thể kỉ XVIII đầu thế kỉ XIX, gắn liền với xúc cảm trữ tình có tính chất xã hội, triết lí, tượng trưng. Đó là trường ca Cuộc phiêu du của Childe Harold và Manfred của Byron, Hi Lạp của Shelley, Kị sĩ đồng, Digan của Pushkin, Ai được sống sung sướng ở nước Nga của Nekrasov... Giai đoạn ba của trường ca là thế kỉ XX khi cảm xúc lắng sâu của nhà thơ gắn liến với các sự kiện lịch sử trọng đại của thế kỉ. Chẳng hạn trường ca của V. Mayakovski, của P. Nêruda, T. S. Eliot, S.-J. Pers, P. Eluard...(theo từ điển nói trên). Trường ca hiện đại đòi hỏi phải có tư tưởng quy mô, tầm vóc lớn, sự trăn trở day dứt triền miên mà các hình thức thơ ngắn không thể biểu hiện được. Trường ca đòi hỏi hình thức kết cấu phức điệu, dàn hợp xướng nhiều bè, nhiều giọng điệu, kết cấu nhiều tầng bậc, sự trùng điệp luôn luôn biến đổi như từng đợt sóng đập vào tâm trí người đọc. Ngôn ngữ truờng ca kết hợp miêu tả, trần thuật, đối thoại có tính thơ và nhiều biểu tượng, chất triết lí.

Trường ca xô viết trong thế kỉ XX được các nhà nghiên cứu gọi là “hình thức trữ tình bằng tự sự”, cũng có khi gọi là “sử thi trữ tình” thống nhất các yếu tố trữ tình, tự sự, kịch. Nhân vật trữ tình đóng vai trò thống nhất của tác phẩm trường ca, trong quá trình trữ tình người đọc thấy được sự vận động, phát triển của tính cách nhân vật trữ tình, sự thể hiện chỗ đứng của nhà thơ, hệ thống đánh giá của anh ta cùng lí tưởng thẩm mĩ. Trường ca hiện đại rất đa dạng không dễ dàng quy loại, phân loại, nhưng trong quỹ đạo của “sử thi trữ tình” thì có hai loại chính. Một là trường ca độc thoại với nhiều biến hoá, và trường ca xâu chuỗi, thống nhất các phiến đoạn thơ, bài thơ theo tuyến cốt truyện hay chủ đề hay hình tượng nhân vật trữ tình.

Sáng tác trường ca cũng như lí luận trường ca của Việt Nam theo sự quan sát chưa đầy đủ của tôi, cho đến nay chủ yếu vẫn nằm trong khuôn khổ của truyền thống xô viết, thuộc phương pháp sáng tác hiện thực xã hội chủ nghĩa. Trường ca gắn với sự kiện trọng đại của lịch sử cách mạng đất nước với hình thức độc thoại hoặc xâu chuỗi các chủ đề. Thuật ngữ nhân vật trữ tình là đặc sản của lí luận Nga thế kỉ XX ra đời từ năm 1923. Mặc dù các nhà thơ Việt Nam đã kiên trì chiếm lĩnh trận địa trường ca, luôn tìm tòi, sau đợt trường ca những năm 70 - 80 với các tên tuổi Thu Bồn, Nguyễn Khoa Điềm, Thanh Thảo, Hữu Thỉnh, Nguyến Đức Mậu...đầu thế kỉ XXI lại xuất hiện những tên tuổi mới như Thi Hoàng, Hoàng Trần Cương và gần đây nhất nổi bật lên tập Trường ca của Trần Anh Thái, Nguyễn Linh Khiếu, nhưng nhìn chung trường ca của chúng ta vẫn còn khá đơn điệu trong hình thức sử thi độc thoại và xâu chuỗi. Tính cách nhân vật trữ tình nội dung cũng đơn điệu, thường là người lính, người chứng kiến chiến tranh, đau thương, mất mát, người yêu Tổ Quốc, tư tưởng nhìn chung vẫn tin tưởng, ngợi ca, lạc quan, ít có gì gây ấn tượng mới mẻ.

 Có lẽ chỉ có trường ca của Trần Anh Thái là mới chớm có tình cảm lo âu, bối rối, buồn rầu, thất vọng, mặc dù vẫn giữ niềm tin vào sự sống con người. Có lẽ đó là lần đầu xuất hiện tư tưởng buồn rầu, thất vọng, tự giễu mình trong một nền thơ tràn trề niềm tin và hy vọng chắc nịch. Tư tưởng của không ít nhà thơ chưa có được mạch nối sâu sắc với tâm tư tình cảm, suy nghĩ của đông đảo người đọc hôm nay. Một số trường ca có thêm vài cuộc đối thoại, có thêm “lời của sóng”, “lời của đảo”, “lời của biển” (Trường ca Biển của Hữu Thỉnh) thì cũng chỉ là sự phân thân giản đơn của cái tôi trữ tình đơn điệu của tác giả. Nếu được ai đó viết lại, lời của biển, của đảo sau năm 1988, sau bao người ngã xuống ở Gạc Ma, hôm nay chắc sẽ có nhiều tiếng thét, tiếng gầm, chứ đâu phải tiếng thiết tha ngọt ngào. Tôi chán ghét cái ngọt ngào giả tạo.

Trường ca hôm nay muốn đổi mới, đa dạng thiết nghĩ cần phải đột phá mô hình trường ca xô viết, đột phá hình thức trường ca sử thi, mà nhân vật trữ tình thuờng là một người trong hàng ngũ nhân dân, một chiến sĩ nói về cảm nhận lịch sử. Chúng ta cần tham khảo nhiều nguồn trường ca trên thế giới, bao gồm trường ca tiền xô viết hoặc của các nước phương Tây. Đa dạng hoá không phải là phủ nhận trường ca sử thi mà muốn có nhiều khuynh hướng mới. Chẳng lẽ các nhà thơ Việt Nam hiện đại cứ tự muốn cầm tù mình trong một hình thức trường ca đã trở nên quá ư quen thuộc. Trường ca phải được đông đảo bạn đọc đón nhận thưởng thức chứ không chỉ viết cho một số bạn văn và nhà phê bình phạm vi hẹp. Con đường đến với độc giả rộng rãi chính là con đường đa dạng hoá trường ca, con đường đi gần với nhiều truyền thống nghệ thuật trên thế giới để vượt lên chính mình.

Trường ca Việt Nam phải trở về với đời thường, với những số phận con người của thời hiện tại. Chủ thể trữ tình của trường ca không nên là nhà tuyên truyền, nhà đạo đức hay là nhà cách mạng. Anh hãy cứ là con người của đời thường, thông tục, thế tục. Cuộc sống thời hội nhập, mở cửa đang làm cho xã hội phân hoá sâu sắc, đã nảy sinh biết bao người ảo tưởng, người chụp giựt, kẻ hãnh tiến, người phản nghịch, người biết nhìn lại con đường của mình, người tự phủ định, người tự giễu mình, người đi tìm đường với biết bao bi kịch hài kịch. 

Trường ca Viêt Nam cũng cần đi qua nhiều vùng miền Tổ Quốc, nhìn lại tính đa dạng và tính trọn vẹn của nó trong không gian và thời gian. Trường ca Việt Nam cần đi qua nhiều nước trong khu vực và trên thế giới. Tôi nghĩ tới trường ca Digan của Pushkin, được viết trong thời gian bốn năm bị lưu đày tại miền Nam nước Nga. Nhân vật chính là Alêko, một thanh niên xuất thân qúy tộc, chán ghét tầng lớp mình, đã rời bỏ nó và gia nhập vào đội ngũ những người Digan phiêu bạt. Chàng tôn thờ tự do cá nhân, rồi phạm tội và kết thúc bi kịch. Nhà thơ ngợi ca khát vọng tự do của Alekô, nhưng cũng châm biếm ảo tưởng của chàng. Qua các bức tranh đời sống của người Digan nhà thơ cho thấy đó là một thứ tự do bất hạnh. Tôi nghĩ đến trường ca Ai được sống sung sướng ở nước Nga của Nekrasov, một sử thi về đời sống khốn khổ của người nông dân Nga dưới chế độ Nga hoàng. Trường ca miêu tả bảy người nông dân tranh cãi nhau về vấn đề nêu ra trong nhan đề bài thơ, và họ đi tìm xem ai là người sống sung sướng ở nước Nga. Họ đi qua biết bao thành phố, nông thôn, nhiều vùng đất xa xôi của nước Nga mênh mông, cuối cùng không tìm được một ai sống sung sướng ở nước Nga cả. Không chỉ nông dân bán sức lao động rẻ mạt để duy trì sự sống, mà ngay giới quý tộc sống trong nhung lụa, dâm dật, tâm hồn trống rỗng, bạc nhược cũng không ai sung sướng. Chỉ khi nào nhân dân được thực sự giải phóng, lật đổ ách thống trị đen tối, nâng cao phẩm chất nguời thì mới mong có ngày sung sướng. Chúng ta cũng đã từng ước mơ như thế, từng chiến đấu hi sinh cho mục tiêu tương tự như thế nhưng vẫn chưa được sống sung sướng, câu trả lời ngày nay cần được các nhà thơ chúng ta quan tâm.

Tôi nghĩ đến trường ca Cuộc phiêu du của Childe Harold của Byron. Nhà nghiên cứu văn học Đan Mạch Brandes cho rằng Manred là hình ảnh của bản thân Byron. Nhà thơ để nhân vật Manfred phiêu du qua các nước Tây Ban nha, Bồ Đào Nha, Thuỵ Sĩ, Hy Lạp, Anbani, Italia, đã kể lại những điều trông thấy, biểu hiện nỗi u uất, chán chường của mình trước thực tại, đồng thời ngợi ca các cuộc đấu tranh của nhân dân vì tự do giải phóng. Trường ca Trên đường của Trần Anh Thái đã đi qua từ Yên Tử đến Ba Bể, qua New York, Tokyo rồi trở về. Nếu có nhân vật trữ tình của ai đó đi qua Thái Lan, Malaysia, Singapore, Philippines rồi trở về Tổ Quốc chắc sẽ có dòng cảm xúc mới tuôn chảy.

 Tôi nghĩ đến Manfred của Byron, trường ca – kịch thơ ba màn đối thoại, một trường ca hoang đường, trừu tượng, khó hiểu. Nhân vật gồm người, linh hồn của đất, của nước, của không khí và ma quỷ. Nhân vật chính là một nhà ảo thuật bị hối hận giày vò, vì điều gì thì không rõ, chỉ biết trong cơn điên cuồng chàng làm phép triệu các linh hồn, ma quỷ về chất vấn, nhưng không tìm được một câu trả lời rõ ràng, mản ý để kết thúc đau khổ, cuối cùng người hầu tìm thấy ông chủ mình chết trong căn gác mà ông ta vẫn miệt mài làm việc. Trường ca của Byron đã có ảnh hưởng sinh thành đối với trường ca của các nhà thơ Nga như Pushkin, Lermontov, Nekrasov. Chúng ta cần đi trở lại các nguồn đã gợi sinh cho những tác giả trường ca lớn trên thế giới, mới mong có lúc làm được cái gì sánh được với họ. Cứ uống mãi một nguồn nước đã được chế biến, tinh lọc đến mất cả khoáng chất cần cho sự sống thì khó mà có thể chất cường tráng tự nhiên. M. Gorki đã phân tích phê phán gay gắt nhân vật Manfred trong bài tiểu luận Sự sụp đổ của cá tính, coi đó là một Promethé bị thoái hoá, của thế kỉ XIX. Ngày nay có lẽ chúng ta sẽ có cách nhìn khác so với Gorki khuynh cộng một thời.

Trường ca của Thanh Thảo đã đi khá sớm trong việc khai thác các đề tài mới lạ của trường ca như Đêm trên cát viết về Cao Bá Quát, Trẻ em ở Sơn Mĩ, ở trường ca Những ngọn sóng mặt trời viết về nông dân đồng bằng sông Cửu Long. Gần đây có Metrô, Đám mây hình người thợ săn và con chó, Dạ, tôi là sáu Dân, Người khiêng võng. Thanh Thảo có lẽ cũng là người đi đầu trong việc đổi thay diễn ngôn của trường ca, diễn ngôn sử thi được thay thế bằng diễn ngôn đời thường. Còn biết bao nhân vật lịch sử mà số phận cá nhân gắn liền với số phận đất nước trong những thời khắc định mệnh là đề tài hào hứng cho trường ca: Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Nguyễn Đình Chiểu, Phan Thanh Giản, Phan Châu Trinh, Phan Bội Châu, Hồ Chí Minh. Rồi sẽ có những trường ca về Hồ Chí Minh khác với trường ca kiểu của Tố Hữu...

Trường ca có lẽ không nên bỏ qua các nhân vật truyền thuyết, cổ tích của dân tộc. Tôi ước mơ đọc một trường ca nói lời hạnh phúc của Tiên Dung trong cuộc gặp gỡ định mệnh với Chữ Đồng Tử trên bãi sông, muốn nghe lời của nàng từ biệt cha, đối thoại với cha để đi tìm con đường khác, tạo lập cuộc sống khác cho chính mình. Tôi cũng mong muốn đọc trường ca về chàng Hà Ô Lôi trước những ham muốn tự nhiên và những lời đối thoại của chàng với biết bao đấng mũ cao áo dài lên án chàng gay gắt. Tôi muốn nghe trường ca về chú Cuội suốt một đời nói dối đối với mọi người ruột thịt và triết lí nói dối có sách của chú. Tôi muốn có trường ca châm biếm, hài hước, giễu nhại chứ không phải chỉ một mực trữ tình trang trọng, nghiêm chỉnh.

Chúng ta nên xem lại kinh nghiệm trường ca dưới hình thức kịch thơ, thơ kịch của các nhà thơ lãng mạn trước 1945. Cái tôi trữ tình ở đây tồn tại kín đáo hơn nhưng vẫn có.

Chúng ta nên hiểu trường ca theo nghĩa rộng như đã nêu ở đầu bài có sức dung chứa đa dạng. Tính trữ tình của trường ca là chủ đạo, nhưng nhân vật trữ tình của nó cần phải có điểm tựa là những nhân vật cụ thể, có số phận tính cách thì tiếng nói trữ tình mới có sinh khí và đa dạng. Nhiều người bây giờ rất thích nói về tính phi cốt truyện, phi nhân vật của tiểu thuyết, trường ca. Chủ thể trữ tình hay nhân vật trữ tình, nếu thiếu những điểm tựa vào nhân vật cụ thể, thân phận, số phận cụ thể sẽ trở nên khó nắm bắt và sẽ làm giảm sút sức gợi cảm đối với người đọc.

Có thể có nhà thơ mỉm cười: một kẻ không viết nổi một câu thơ mà dám cao đàm khoát luận về trường ca kể cũng liều thật. Nhưng tôi là người yêu trường ca, yêu thơ, yêu những khúc ngâm, truyện Nôm tuyền thống, yêu những kịch thơ lãng mạn. Xin hãy lắng nghe ở đây niềm khát khao trường ca của một người đọc, những ước mơ có khi ấu trĩ nhưng tha thiết về trường ca hiện đại Việt Nam.

 

Nguồn: Facebook Trần Đình Sử