Không thể đi tới kết luận Kiều - Phim giống bao nhiêu phần trăm Kiều –Truyện? Hoặc làm sai lạc, làm méo mó nhân vật này, nhân vật kia ở chỗ nào? Hoặc nắn chỉnh sai, bịa đặt tình tiết này, mâu thuẫn khác so với chỗ nào trong Kiều- Truyện?


BỘ PHIM “KIỀU” VÀ NHỮNG LỜI CHÊ BAI  CHƯA THUYẾT PHỤC

TÔ HOÀNG

Những ý kiến cho rằng phim “ Kiều “ của nữ đạo diễn Mai Thu Huyền nhiều sự nhảm nhí, rẻ tiền nhắm kéo khách tới rạp, khi dẫn ra mấy cảnh “mây mưa “ giữa Kiều và Thúc Sinh, cảnh Hoạn Thư chứng kiến quan hệ gần gụi giữa hai người, hay cảnh Hoạn Thư “ hóa thân “ trong tưởng tượng để hưởng lạc thú với chồng... Xin hãy làm phép tính cộng giản đơn thử xem những cảnh ấy kéo dài bao nhiêu phút so với tỷ lệ 90 phút của cả bộ phim? Mà cũng thật khó hình dung cho chính xác, hai trăm năm trước Kiều, Thúc Sinh, Hoạn Thư đã trải qua những phút giây mặn nồng ấy như thế nào? Vả lại, những cảnh gọi là “nóng ấy trong phim “Kiều của Mai Thu Huyền có gì khác đâu, có gì moder đâu khi có thể nhặt ra những cảnh tương tự hoặc ghê gớm, táo tợn, phô phang hơn trong nhan nhản những bộ phim màn ảnh rộng, phim ảnh truyền hình xuất hiện mấy năm qua?

Theo ý kiến của nữ đạo diễn Mai Thu Huyền, chị đã ấp ủ đề tài đưa lên màn ảnh tác phẩm “ Kiều “ của cụ Nguyễn Du cả chục năm nay. Theo dõi qua báo hình, báo viết  chí ít ra chúng ta cũng ghi nhận đạo diễn Mai Thu Huyền và tác giả kịch bản Phi Tiến Sơn đã bỏ thời gian gần 2 năm trời cho công việc làm phim. Tham khảo  khá kỹ càng ý kiến đóng góp của nhiều chuyên gia am tường tác phẩm “Kiều”,  (các nhà “Kiều học) đóng góp cho kịch bản điện ảnh “Kiều. Khâu lựa lọc diễn viên cũng khá khắt khe, nghiêm túc và công phu. Lại nêu luôn ví dụ về dàn diễn viên: Trong ba  vai chính thì Trinh Mỹ Duyên (Thúy Kiều), Lê Huy Anh (Thúc Sinh) là những tên tuổi còn  hoàn toàn xa lạ. Ngay vai Hoạn Thư được giao cho Cao Thái Hà cũng là một gương mặt mới chỉ gây được người xem cảm tình qua các phim truyện truyền hình. Từ ví dụ này thôi, cũng thấy rõ các nhà làm phim hết sức nâng niu, trân trọng những nhân vật văn học trong nguyên bản truyện “Kiều, tuyệt nhiên không lợi dụng cái gọi là “thế mạnh quen thuộc này để hút khách tới rạp.

Tiếp tới là khâu chọn cảnh. Hầu như các nhà làm phim đã lặn lội đi khắp ba miền đất nước, bỏ rất nhiều thời gian, công sức để tìm cho ra những bối cảnh đẹp, nên thơ, mà in đậm đặc trưng cảnh vật, sông núi Việt Nam mình- chí ít ra như những người làm phim cảm nhận từ nguyên bản gốc “Kiều. Thiết kế bối cảnh, phục trang, vũ đạo đều gặp khó khăn vì chúng ta chưa có bảo tàng nhân chủng học, để có thể tìm được những mẫu hình chính xác hai trăm đổ về trước ra sao? Nhưng những gì hiện ra trong phim “Kiều cũng không gợi lên phản ứng gì nhiều.  Còn phải tính cả tới tới những vất vả, thử thách, âu lo của ê kíp làm phim khi tiến hành bấm máy trước sự đe dọa của đại dịch Covid...

Người xem không hoặc chưa hài lòng phim “Kiều của nữ đạo diễn Mai Thu Huyền ư?

Phải khẳng định, đó là yêu cầu, đòi hỏi chính đáng của họ.

Trước hết, bởi Truyện Kiều của thi hào Nguyễn Du suốt mấy trăm năm nay đã được coi là đỉnh cao sáng tạo nhất trong văn chương Việt Nam, qua mọi biến thiên lịch sử, qua rất nhiều thế hệ công chúng thụ hưởng. “Kiều nguyên bản đã trở thành ngôi đền thiêng, trở thành mẫu mực, đã đi vào tiềm thức của chúng ta như những gì không cần, không được bàn cãi, đụng chạm tới nữa, mà công luận đã coi như là  kích cỡ, như là chuẩn mực, là tấm gương, là thước đo để các tác phẩm các thể loại khác chỉ có thể soi vào, cố gắng để sáp cho gần. Đề cập tới điều này, để nhấn mạnh tới tình yêu, quyết tâm và nhất là sự dũng cảm của êkip đạo diễn Mai Thu Huyền – biên kịch Phi Tiến Sơn khi dám bắt tay đưa kiệt tác này lên màn ảnh chào mừng kỷ niệm 200 ngày sinh của Nguyễn Du.

Liệu ngay trong quá trình soạn thảo kịch bản Mai Thu Huyền- Phi Tiến Sơn có lường trước được sự nghiệt ngã, những đòi hỏi cao của người xem khi phim “Kiều ra mắt không? Trong nhiều cuộc giao lưu, trò chuyện với người xem phim “Kiều trong tương lai, hai tác giả đã khẳng định với lòng kiên định chắc nịch: “Chúng ta cứ sợ mãi như thế này, chả lẽ truyện Kiều của thi hào mãi mãi không bao giờ có được cuộc sống màn ảnh hay sao?”

Chúng tôi muốn trở về với những ý kiến cho rằng Kiều- phim  không giống, giống ít hay làm sai lạc , hay “phản lại  Kiều –truyện...

Xin được nói ngay, chỗ “gợn nhất của Kiều –phim so với Truyện Kiều là sự hiểu chưa chuẩn về nhân vật Đạm Tiên. Hình như trong phim, liều “ma của Đạm Tiên được nhấn nhá, tô đậm hơi quá. Đạm Tiên trong Kiều –phim như một sự nạt nộ, đe nẹt thậm chí hù dọa Thúy Kiều. Đặc biệt khó chịu khi Đạm Tiên lại trao con dao để như ngầm bảo Thúy Kiều giết Thúc Sinh . Ở Truyện Kiều, như dư luận đã nhất trí, Đạm Tiên là tiền kiếp của Thúy Kiều; là nỗi day dứt, trắc ẩn, niềm đau đớn tận cùng của chính thi sĩ Nguyễn Du khi thấy mình bất lực, không tìm cách gì để cứu với được những thân phận nàng Kiều trong đời; không làm sao giải được bài toán “tài mệnh tương đố.

Cái bi kịch lớn nhất, theo chúng tôi mà hiện nay Kiều – Phim đang trải qua không nằm ở phương diện bị la ó hay cả ở phương diện doanh chưa cao, mà nằm ở một phương diện khác: Những ai thực sự am hiểu, đánh giá hết cái hay cái đẹp của Kiều –Truyện lại không hề có ý muốn bước chân tới rạp coi Kiều - Phim. Bởi lẽ những chuyên gia Kiều - Truyện (hay những nhà Kiều học ấy) đoan chắc một nỗi nghi ngờ rằng, không thể có loại hình nghệ thuật nào khác, ví như phim ảnh, truyền hình, kịch nói, cải lương, hát bội… mà có thể chuyển tải được hết tinh túy, cái hay, cái đẹp của Kiều –Truyện.

Đặc biệt khi bi kịch của nàng Kiều lại được biểu hiện bằng những vần thơ giàu màu sắc ca dao, tục ngữ.  Những chuyên gia Kiều- Truyện ấy có cái lý của họ. Và đây quả là một nỗi oan uổng khác cho Kiều - Phim. Từ đây, bỗng lại nghĩ những ai quá bạo miệng, hay ác ý tới tấp ném gạch đá vào Kiều –Phim liệu có đủ bình tĩnh và can đảm tự hỏi mình đã hiểu đầy đủ, ngọn ngành cái hay, cái đẹp của Kiều- Chữ chưa?  

Trên thế giới, những tác phẩm văn chương đã trở thành kinh điển thường trải qua một vài lần tái sinh qua những loại hình nghệ thuật gần gụi. Những vở kịch của W. Shakespeare, B. Brech, A. Miller...được dàn dựng trên sân khấu, chuyển thể lên màn ảnh bởi nhiều đạo diễn khác nhau. Với tiểu thuyết “Chiến tranh và Hòa bình của L.Tolstoi, “Phía tây không có gì lạ” của E. M Remarque, “Chuông nguyện hồn ai của E. Hemingway… cũng vậy. Trong những trường hợp này, người xem và giới phê bình ít lưu tâm tìm câu trả lời những lần dàn dựng hay chuyển thể ấy giống ít hay giống nhiều (tỷ lệ giống là bao nhiêu?) so với nguyên bản. Dư luận thường quan tâm xem lần dựng kia, lần chuyển thể nọ các tác giả xử dụng từ chất liệu của nguyên tác để và nhắm chiếu dọi những vấn đề nóng gì của đương đại. Và cũng đã từ lâu, tự dưng nhà phê bình, người xem và cả tác giả nữa (nếu còn sống)cùng gặp nhau ở một  giao lộ: tác phẩm nguyên bản bằng chữ và các tác phẩm biến thiên bằng hình, bằng lời thoại, hoặc bằng âm thanh dù có cùng huyết thống vẫn là những diện mạo, những hình hài, những thực thể sống khác nhau.         

Không nên, không thể đi tới kết luận Kiều - Phim giống bao nhiêu phần trăm Kiều –Truyện? Hoặc làm sai lạc, làm méo mó nhân vật này, nhân vật kia ở chỗ nào? Hoặc nắn chỉnh sai, bịa đặt tình tiết này, mâu thuẫn khác so với chỗ nào trong Kiều- Truyện? Khi phỏng tác, người làm phim dành cho mình nhiều sự chủ động, nhiều điều chủ quan. Cái barie không thể vượt qua- theo thiển nghĩ, chỉ là không được phản lại những gì đã trở thành kinh điển!  

Xét dưới góc độ này thì cũng không nên khe khắt, đòi hỏi bên cạnh Thúy Kiều còn phải có Thúy Vân; đi qua đời Kiều còn phải có Kim Trọng, Từ Hải… Hoặc vì sự thiếu vắng ấy, mà suy ra bóng hình các nhân vật chính như Thúy Kiều, Thúc Sinh, Hoạn Thư bị hời hợt, bị mỏngđi.

Đến hôm nay, nhiều nguồn thông tin cho biết, nhà sản xuất Mai Thu Huyền đã bỏ ra số vốn tới 30 tỷ đồng dành cho phim “Kiều của mình. Một số tiền không nhỏ, nếu chúng ta được biết tổng số tiền trong năm 2021, Nhà nước đầu tư cho ngành điện ảnh của cả nước là bao nhiêu? Cũng không cần nhắc lại vai trò của xã hội hóa, của các nhà sản xuất phim tư nhân đã hà hơi tiếp sức cho nền điện ảnh dân tộc trong mươi, mười lăm năm trở lại đây ra sao? Nhưng cũng không thể quên, vì coi mục đích kiếm đồng lời là đích đến chủ yếu và duy nhất, dòng phim thương mại ào ạt đổ ra màn ảnh lớn, màn ảnh nhỏ trong những năm vừa qua đã làm tha hóa nền điện ảnh dân tộc; đã tạo nên méo lệch thị hiếu thẩm phim của mấy thế hệ khán giả ra sao?

Vì thế, với phim “ Kiều “ của nữ đạo diễn Mai Thu Huyền việc trả lời câu hỏi hay-dở, gần - xa nguyên tác –thiết tưởng là việc sẽ còn bàn tiếp, bàn dài dài. Nhưng trước mắt hãy xác định bộ phim này là một tác phẩm tâm huyết, được làm ra bởi những người có tay nghề, có lương tâm hay cũng xếp cùng một sọt với nhan nhản những bộ phim dành cho màn ảnh lớn, màn ảnh nhỏ thiên thẹo về thẩm mỹ, ẽo ợt về cấu trúc, non kém về tay nghề, lại can thêm tội kích thích những khát vọng làm giàu bằng bất cứ giá nào, những thú vui nhơ nhớp, những tội ác đâm chém, hiếp đáp..

 Hội Điện ảnh Việt Nam có tiểu ban phê bình phim. Cục Điện ảnh có Phòng Nghệ thuật. Trùm lên phạm vi quốc gia còn có Hội Đồng Thẩm định phim. Lại còn thêm đông đảo cả vài chục vị Giáo sư, Phó Giáo sư, Tiến sỹ điện ảnh học và phê bình giới thiệu phim. Trước việc phim “ Kiều “ của nữ đạo diện Mai Thu Huyền bị “ném đá hơi mau, hơi dày như hiện nay, mong các cơ quan và các cá nhân kể trên hãy lên tiếng, chứ đừng im lặng nữa!

Thiết nghĩ, sự khẳng định của các vị cũng sẽ góp phần tạo nên một trong những cây gậy định hướng cho nền điện ảnh èo uột, hết hơi, đang chập choạng chưa biết bước tiếp theo hướng nào ở nước ta hôm nay...