Truyện Nguyễn Trí nhiều bi thương, chết chóc. Tiếng trẻ nhỏ khóc mẹ như ri bên chiếc quan tài bện bằng rơm giữa trời mưa gió. Tiếng hàng chục oan hồn đêm đêm ngồi khóc trên miệng hầm của bãi vàng vừa mới sập,…Vì sao như vậy?

 

Nguyễn Trí, trên hành trình văn chương

 

BÙI QUANG HUY

 

Bây giờ, số bài viết về Nguyễn Trí đã lên hàng trăm, như đua ganh với số lượng tác phẩm của nhà văn. Người ta chăm chú khai thác Nguyễn Trí dường như không sót một chi tiết nào về đời tư có thể, nào là bản lí lịch gây sốt; giấc mơ đổi đời của phu đào vàng; gã giang hồ cầm bút,… thậm chí là người cha xin giảm án cho kẻ giết con!

Thời nay, việc ấy đôi khi cũng có ích, bởi biết đâu, sách của anh bán chạy hơn. May mà, Nguyễn Trí là nhà văn, tuy dáng vẻ bên ngoài xù xì, bụi bặm, nhưng hơi rụt rè trước đám đông. Nếu không, sẽ chạy theo tiếng đồn như giới showbiz, quên đi sự cày ải trên cánh đồng chữ nghĩa của mình!

Viết văn vì đâu?

Ai cũng biết, Nguyễn Trí quê gốc Quảng Bình, sinh ra tại Bình Định. Trước năm 1975, cùng gia đình lưu lạc nhiều nơi, khi Kom Tum, lúc Fleiku, rồi đáo lại Bình Định. Sau năm 1975, nhiều hơn nữa, hầu khắp các tỉnh miền Trung, lăn lộn ở vùng Mã Đà sơn cước của Đồng Nai, lặn ngụp chốn Sài thành, rồi bám trụ vùng rừng cao su Long Thành mà nay đang ầm ào đô thị hóa,…

Nguyễn Trí học hành trường lớp vừa phải, như anh tự nhận, chỉ mới lớp đệ tam (lớp 10 bây giờ), rồi rẽ ngang, trải nhiều nghề, nhiều việc, từ đào vàng, tìm trầm, đá quý, đến nấu đường, đạp xe ba bánh, mót củi cao su, bán vé số, nhảy tàu,… Có lúc, ban ngày đi dạy tiếng Anh cho trẻ nhỏ vùng sâu, ban đêm làm đồ tể! Chung quy, chủ yếu làm những nghề lao động chân tay, phải tốn nhiều sức lực.

Năm 2009, Nguyễn Trí gặp một biến cố trong gia đình. Buồn quá, anh lấy giấy ra để viết. Buồn dễ khiến người ta viết văn, làm thơ. Hẳn nhiên rồi! Nhưng Nguyễn Trí lại không viết về nỗi buồn hay nỗi đau vừa mới xảy ra trong nhà mình. Anh viết về những chuyện đã qua, lâu rồi, mười, hai mươi, ba mươi năm về trước. Bãi vàng, Đá quý, Trầm hương,… là chuyện của những năm cuối thập niên 70 của thế kỉ trước; Trấn Yên Bình ngày ấy, Tuổi thơ không có cánh diều, xa hơn nữa, cách đây đã trên dưới năm mươi năm.

Xưa nay, nhà văn, chỉ viết chuyện của mình, quanh đi quẩn lại, độ vài ba tập sách là hết, nếu không muốn lặp lại. Đến thời điểm này (đầu năm 2021), Nguyễn Trí đã xuất bản 18 tập truyện ngắn và tiểu thuyết, vài cuốn nữa đang in. Nguyễn Trí viết văn vì một lí do khác, chắc chắn không phải vì tiền, bởi ban đầu anh từng viết đến 40 tập vở 100 trang, cứ để nguyên đấy, vì nghĩ chẳng ai in cho. Anh viết vì những điều thôi thúc tự bên trong, vì nỗi nhớ, niềm thương với những con người mình đã cùng sống, chết với nhau.

Tháng 8 năm 2014, sau tiếng vang của Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam với Bãi vàng, Đá quý, Trầm hương, Nguyễn Trí có bản tham luận Cám ơn nhân vật của tôi tại Hà Nội. Anh nói: Tôi viết như một thôi thúc của tâm hồn, không hề mơ ước mình sẽ được như nầy như nọ. Tôi không hề mong mình sẽ chen vai thích cánh với các nhà văn nhà thơ khác… Những ngày tháng ròng rã nằm trong cao sâu khai thác mây tre lá… và những người bạn cũ trong những tháng ngày gian khó hiển hiện về trong tâm não tôi. Họ, kẻ còn sống, người đã chết cứ quắt quay trong tôi buộc tôi viết về họ.

Viết xong Thiên đường ảo vọng (TĐẢV), nhà văn, lần nữa, giãi bày: Vẫn còn những người bạn nằm trong đầu, tôi phải lôi họ ra viết hết thì lòng mới yên. Có người đã về làm lại cuộc đời, nhưng cũng có người đã vùi thây ở bãi vàng, mỗi người một số phận. Nếu không viết tôi thấy mình nợ họ. Viết xong tiểu thuyết TĐẢV coi như tôi đã dứt nợ với bãi vàng. Cuốn sách này sẽ cận cảnh vào cuộc sống của hơn 3.000 con người mưu sinh giữa chốn rừng thiêng nước độc. Những ngày tháng ấy cứ ám ảnh tôi.

Còn trước đó, ở Giã từ vàng, nỗi nhớ và sự ám ảnh của nhà văn đối với những con người xưa cũ tràn lên trên trang viết: Thoát chết tôi lê chân khắp Sài Gòn tay cầm xấp vé số… Tai họa đến. Buồn quá. Tôi viết đôi câu, cứ cầm bút là Kì hiện về trong trí. Không biết bây giờ Kì ở đâu trên đất nước này. Tao nhớ mầy Kì Ngọc Lan ơi!

Nguyễn Trí trải qua nhiều nghề, lăn lội khắp nơi, khắp chốn, nỗi ám ảnh ngày một dày thêm. Anh không viết về mình. Cũng không ghi chép về quá khứ, bởi trí nhớ và sức lực của con người có hạn. Anh viết về những kiếp người trong thế gian này với nỗi dằng vặc, day dứt không yên!

Trong tác phẩm Nguyễn Trí, tiểu thuyết lẫn truyện ngắn, tần suất xuất hiện của một số nhân vật khá nhiều. Bạn đọc gặp những Thành, những Dũng, những Hoàng,… và nhất là Minh, không chỉ ở một tác phẩm. Nhưng, rất may, chúng không hề lặp lại. Mỗi lần, dường như nhà văn chỉ chuyên chú khai thác một vỉa quặng trong cuộc đời mênh mông của họ. Vậy mà, nếu không có anh, họ mãi mãi chỉ là vô danh, vô tích, chìm đắm dưới những lớp đất dày của thời gian…

Vực thẳm…

Nói những con người trong văn chương Nguyễn Trí là vô danh, vô tích quả không sai. Bởi phần lớn, họ là những người dưới đáy xã hội. Trong khá nhiều thang bậc, họ có lẽ nằm ở bậc cuối cùng, đôi khi làm những nghề, những việc không tên, mà nếu có, là do cuộc đời đặt cho hay vì hoạt động của họ mà có: canh mánh vượt biên, ba bánh đạp, ăn bay,… Lẽ dĩ nhiên, trong mắt người đời, họ chẳng mấy khi được thiện cảm, nếu không nói là khinh rẻ, dè chừng, cảnh giác, vì là phu đào vàng, tìm trầm, đá quý, đốt than, mót mủ cao su, là đĩ điếm, chạy xe ôm, đồ tể, bán vé số,…

Bao trùm lên cuộc đời nhân vật Nguyễn Trí là bóng tối.

Bóng tối trong rừng rậm của những chuyến tìm trầm. Bóng tối trong hầm sâu ở bãi vàng, nơi mà ánh sáng của sự sống không vươn tới, khi huỳnh quang vụt tắt thì mù hẳn (Trí Khùng tự truyện - TKTT).

Bóng tối của những kẻ chuyên lấy bóng tối làm sự sống (Ngoi lên từ đáy - NLTĐ) hay những cô gái đêm đêm đứng trên cầu vượt hứng gió sông chờ khách (Kẻ cắp gặp bà già); bóng đêm càng dày, càng sâu mới đích thực là lúc hành nghề (Ăn bay - ĂB).

Bóng tối nơi tù ngục. Bóng tối của những đêm dài trốn chạy đầy nỗi sợ hãi hay canh mánh vượt biên thắc thỏm âu lo.

Bóng tối của cái đêm mà bọn cướp thi nhau hãm hiếp đàn bà, con gái trên khoang tàu, còn đàn ông, thanh niên thì bị chúng trói chặt, giam dưới hầm. Họ đã nghe tiếng kêu la thảm thiết của người thân, tiếng cười man rợ của lũ giết người và cũng chính họ, đã tận mắt chứng kiến xác người thân xấu số phải ném xuống biển. Rồi ngước nhìn trời cao biển rộng và đêm đen đầy sao. Cao, rộng và tăm tối đến vô cùng. Bóng tối đó đeo đẳng suốt người đời, khiến họ đêm nào ác mộng và tiếng hét của bạn tình cũng giày vò; tiếng đòm khô khốc vang lên trong trí từng đêm dài… Và, điều này mới thật kinh khủng, theo thời gian, nỗi đau không dịu vợi mà hận thù lại nung nấu sôi sục (NLTĐ).

Đó là bóng tối của đớn đau, tủi hổ, của đọa đày, không lối thoát. Họ bị buộc đi vào tăm tối bởi kẻ dẫn đường bị cuộc đời chọc mù hai con mắt (Gạo trắng nước trong). Là bóng tối của những kiếp người vô nghĩa và vô danh, mênh mông và thẳm thẳm.

Chừng ấy những kiếp người, hoặc bị bỏ rơi; hoặc bị đẩy đến đường cùng, không biết đi đâu, về đâu; hoặc bị đặt ra ngoài lề của xã hội, ở vào một thế giới khác, thậm chí lưu vong, mất cả quê hương, xứ sở khi đang ở ngay trên đất nước mình. Người đời gọi họ và họ gọi nhau là dân (dân kinh tế; dân tha phương; dân trầm hương; dân đào vàng; dân địu; dân giang hồ; dân kỳ bẻo; dân hai ngón; dân buôn lậu,…); là bọn (bọn khố rách áo ôm; bọn xà bần,…); là bầu địu; là kẻ (kẻ khốn nạn; kẻ dẫn đường bị cuộc đời chọc mù hai con mắt; kẻ không có quê hương); là thằng (thằng lơ; thằng lao cải; thằng tái ngắt; thằng đầu trâu mặt ngựa; thằng đánh vợ; thằng đàn ông; thằng Bảy, thằng Tỵ,…); là gã, tay (gã say; tay băng rừng; tay sĩ quan nát rượu;… ); là toán (toán tóc dài môi thâm); là lũ (lũ lục lâm; lũ điên); là gái, (gái bán hoa, gái già hết duyên); là ma nữ đa tình; là quỷ cái; là những tàn tạ của vỉa hè lên nước độc để bán cái tự có cho tứ chiếng giang hồ…);…

Chẳng trách vì thế, ngay tên tác phẩm Nguyễn Trí cũng đã có thể khái quát về những kiếp người này. Ở đó, có đủ loại bóng tối: Bóng tối; Màu của bóng tối; Đen hơn bóng tối; Những người tối suốt;… Không hiếm nỗi buồn: Buồn như cuối năm; Buồn ơi là buồn; Nỗi buồn của Huỳnh Yên; Nỗi buồn của Tư Tấn; Nỗi buồn của Linh; Nỗi buồn trong mắt sâu; Đám táng tất nhiên buồn; Người say không biết buồn; Kể chuyện giải sầu;… Biết bao là nước mắt: Nín lặng khóc; Nhờ nước mắt; Khóc không thành tiếng; Nước mắt khô; Biển nước mắt;… Còn nỗi đau, nỗi khổ, niềm uất hận, tấn thảm kịch lại muôn hình vạn trạng: Nỗi đau không của riêng ai; Tình sầu; Tuyệt vọng; Những hành trình đơn độc; Bể khổ; Bi kịch giữa đời thường; Bi kịch vàng; Lưu vong; Người điên không biết nhớ; Ở đó mà điên; Khùng; Hú hồn hú vía; Đại họa; Thảm họa của trúng số; Phải chi say được thì hay quá; Cạn chén đời;…

Hiếm có tác phẩm văn học nào ở Việt Nam nhiều cái chết như trong văn Nguyễn Trí. Một truyện ngắn hay truyện dài, có khi đến năm, bảy, thậm chí mười cái chết. Có những cái chết là kết cục tất nhiên của đói nghèo, bệnh tật chốn rừng sâu, nước độc như chuyện gia đình Lan vốn dân Sài Gòn, đi kinh tế mới dân lập Tà Lài sau 75. Lúc đó, Lan mới mười ba tuổi, nhưng trong ba tháng, phải chứng kiến và lo liệu ma chay cho 5 người trong nhà: cha mẹ chết vì sốt rét, ba anh chết bởi cây đè, rắn độc cắn (Vịt quay). Nhưng không hiếm cái chết bất ngờ, bỗng dưng đến; có cái chết lạ lùng, không ai hiểu nỗi, không ai hình dung tới. Chuyện ở quán bánh canh, lời qua tiếng lại chưa được mấy câu, một anh bị cắm sừng rút dao mang sẵn trong người đâm liền cả chục nhát một thằng bóng, rồi lại tu rượu. Khi công an tới, anh ta đã say, ngã chồng lên cái xác chết mà ngủ. Một cô gái bán hoa đang chèo kéo khách chơi lề đường bị gã say tông chết (Kẻ cắp gặp bà già). Một pêđê phát rẫy thuê, đêm ngủ giữa rừng, sờ soạng bạn, bị cú đạp trúng ngay mặt làm ngã ra. Người bạn lại lăn ra ngủ tiếp, sáng ra mới phát hiện anh ta đã chết (ĂB). Có những cái chết đến dồn dập như hồi 1975 gia đình Sơn rời thị trấn X., không quá năm phút mà anh đã chứng kiến đến hai cái chết thảm: Một tay thủy quân lục chiến chỉa súng vào cô gái ngồi trên chiếc Honda-Dame để cướp. Vừa rời khỏi hiện trường, hắn lại bị một người lính khác bắn chết (ĂB),…

Năm 2013, trước khi đưa vào tập Đồ tể, (Nxb Trẻ, 2014) truyện ngắn mang tên Chả có gì là bất thường của Nguyễn Trí được đăng báo. Truyện bắt đầu với câu: Hai mươi tuổi mà hai đứa con thì chả có gì là bất thường. Rồi ngược dòng thời gian, kể về sự tích ấy. Rằng, Linh (nhân vật chính), cô bé đẹp, mồ côi năm 15 tuổi, tự mình làm chủ căn nhà lá sáu mươi mét vuông, phải bươn chãi kiếm sống. Gặp trai đẹp từ thành phố đến. Có tiền, đẹp, si mê mình nên cô yêu chả có gì là lạ. Từ yêu đến có con năm mười sáu, cũng thường thôi. Chồng chết bất đắc kỳ tử. Cô không chồng, con không cha là tất nhiên chứ, có gì lạ đâu! Cha mẹ người chết nhận cháu, giúp cho cháu kể cũng bình thường thôi! Liên tiếp nhiều biến cố và cái chết nữa, kể cả cái chết của Linh và kết thúc như vầy: Cả xóm Chùa ái ngại nhìn. / Có gì đâu mà ái ngại, chuyện thường tình thôi.

Có người phê phán nhà văn qua truyện ngắn này là Tất cả những bất công, những mặt tiêu cực, những số phận bi kịch đều được tác giả cho là: Chả có gì bất thường? Thậm chí, khái quát hơn: Truyện Nguyễn Trí giàu chất liệu hiện thực, nhưng chủ đề mờ nhạt. Truyện không có tư tưởng, v.v.. Nhà văn không thanh minh, âm thầm viết. Dường như anh có cái lý của mình. Thử hỏi những trái ngoáy, bi thương ấy có cái nào là áp đặt, chỉ có trong trí tưởng tượng của người đời? Xưa nay, bao nhiêu chuyện bi thương, trái ngoáy vẫn thường diễn ra đó thôi và con người vẫn luôn cứ phải gánh chịu, nhọc nhằn và đau đớn. Chả Có gì bất thường không đồng nghĩa với chả có gì đáng quan tâm. Nếu thế, hẳn đã không có truyện ngắn này và khi gấp trang sách lại, đôi mắt của cả xóm Chùa ái ngại dường như vẫn còn đó!

Truyện Nguyễn Trí nhiều bi thương, chết chóc. Tiếng trẻ nhỏ khóc mẹ như ri bên chiếc quan tài bện bằng rơm giữa trời mưa gió. Tiếng hàng chục oan hồn đêm đêm ngồi khóc trên miệng hầm của bãi vàng vừa mới sập,…Vì sao như vậy? Vì con người một khi bị đẩy đến đường cùng, trước lằn ranh sống chết, họ chỉ có một lựa chọn, như một lần sau chót. Dừng lại là chết! Dĩ nhiên, không phải ai bước tới là thoát khỏi đọa đày. Nhưng chết là được giải thoát… Đã bế tắc mà không có con đường nào để gỡ. Chết là để bỏ đi cái phần đời tăm tối của đời mình (Nguyễn Trí). Hoặc, khi thần chết vây tám hướng, không chết cũng cho ta cả xác lẫn hồn tàn tạ (Đồ tể). Họ buộc phải lựa chọn, ngay tức thì và đôi khi, lại làm được những điều người bình thường không thể: Hầm sập giang hồ ca cuốn gói… Kẻ nào dám đứng ra đương đầu với cái chết - tức là sửa lại cái hầm sập - kẻ đó là vua. Tôi là một thứ vua của sự chết (Giã từ vàng - GTV).

Bi thương, sầu hận, đọa đày chưa phải là tất cả thế giới của những kiếp người trong văn Nguyễn Trí. Bãi vàng còn lại những gương mặt đầy sân hận của thất bại… Bãi vàng, sống sượng và sống thật (GTV); Sống trong xóm Ghẻ cùng một lũ điên suốt ba năm ròng thì khùng cũng có chi là lạ; Thiên hạ cấu xé, lợi dụng nhau, cả giết nhau để tồn tại (TKTT); cái ác luôn hiện hữu. Bãi vàng là nơi bộc phát mạnh nhất; Trong cái xóm kinh tế lắm quỷ ít người, từ con nít cho chí người lớn, chỉ biết tiền, tiền và tiền (NLTĐ);…

Thế giới đó thường được định danh bằng không gian sinh tồn hơn là địa danh hành chính: Điểm Hẹn, cà phê Quỳnh Trang, sòng bạc, Ngã tư Chuồng heo, Ngã ba hầm Dầu, hầm rác Mỹ Lợi, khu ổ chuột, khu Bình Khang, kinh tế mới, vùng dân lập, rừng, bãi vàng, suối Rua Tà, suối Bến Tỷ, Bảy Chặng, Một Chặng, đồi Cây Cầy, xóm Ghẻ, ấp Bót Gát, quán Bánh Canh, xứ rẫy, xứ võ, xứ X., xứ người,…

Rộng hơn, cả thế giới nhân gian này cũng được Nguyễn Trí định danh theo cách của mình. Từ ngữ Phật giáo có từ ta bà (saba) để chỉ thế giới, cõi đời, với hàm ý thế giới mà con người sống đầy đau khổ và phiền não phải chịu đựng.

Nguyễn Trí dùng ta bà để chỉ thế gian, với muôn hình vạn trạng, sinh động và gần gũi. Có khi, ta bà là thế giới mênh mông, đồng nghĩa với cõi người: cõi ta bà (Nhí Đen và chuyện không thể tin, GTV), trên ta bà (Đìa tôm, Đồ tể, Trong trường gà, Hạnh quyết định),… Có khi, đó là xã hội, là thiên hạ: Anh ta yêu đương với Viễn không biết có ngô khoai gì không nhưng đi khoe với ta bà đã lên giường với Viễn (Ảo và sợ),… Có lúc, đó là tất cả những người sống ở một vùng: ta bà bãi vàng (TĐAV), ta bà xứ X (Người say không biết buồn), ta bà xứ rẫy (Tre rừng về phố),…

Trong văn Nguyễn Trí, ta bà không còn là một khái niệm Phật giáo trừu tượng, mà là thế giới sinh động, cựa quậy, nhào nháo, hỉ nộ, ái ố, lắm điều, lắm chuyện: Ta bà cũng vào ra rằng; Ta bà đồn thổi; Ta bà lê mách (KCGBG); Ta bà đứng xem (Về đâu người hỡi); Ta bà hiếu kỳ xúm xít (Gió mùa thu anh ru em ngủ); Ta bà bãi vàng liền tụ lại coi chơi; Ta bà tham sân si; Ta bà vội vàng đâm đầu bỏ chạy làm dậy dậy cả một vùng (TĐẢV); Ta bà đàm tiếu; Ta bà đoán già đoán non; Ta bà bàn tới bàn lui (Nào ai biết được);…

Điều thú vị là ta bà không phải lúc nào cũng số đông, đôi khi chỉ vài người, thậm chí một người: ta bà nghèo chăn nuôi (Nhãn tiền); Một ta bà hóng chuyện lên tiếng (Ngày về), và nhất là lắm lúc vô cùng lễ độ (Con Luốc); thẳng thắn, giàu tình thương (Ta bà thương anh em Út Mót bao nhiêu thì bực bội cho cái nhẹ dạ của bà má tên Bảy bấy nhiêu – Xưa lắm rồi Mót ơi). Hóa ra, ta bà ấy là thế giới riêng có của nhà văn, một cách nhìn ngắm cuộc đời bụi bặm, đớn đau mà Nguyễn Trí đã từng ngụp lặn để rồi từ đó cất lên tiếng nói của mình.