Sáng 24/3, Hội Nhà văn Việt Nam đã tổ chức tang lễ cho nhà văn Nguyễn Huy Thiệp tại Nhà tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông - Hà Nội. Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp khép lại giấc mơ dang dở về một giải thưởng Nobel văn học cho người Việt Nam.

 

Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp ra đi ở tuổi 72, để lại nhiều sự tiếc nuối cho công chúng, bởi ông luôn được xem như hiện thân của một giai đoạn đổi mới văn học nước nhà đầy hào hứng và si mê. Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp không còn nữa, nhưng tác phẩm của ông đã để lại chân dung một người cầm bút nhiều góc cạnh và nhiều băn khoăn.

Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp không có dáng vẻ gì của tao nhân mặc khách. Bề ngoài của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp như một gã nông dân không còn ruộng. Ông cũng không phải loại người hoạt náo của đám đông. Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp lúc nào cũng có vẻ lạc lõng giữa nhân gian bận bịu, và càng lạc lõng giữa tên tuổi chính mình.

Ai từng tiếp xúc với nhà văn Nguyễn Huy Thiệp cũng đều nhận ra bóng tối trên khuôn mặt ông. Cứ thoáng nét ảm đạm, cứ thoáng nét ngậm ngùi, cứ thoáng nét âu lo. Thậm chí, khi ông cười cũng thoáng nét buồn não như sắp khóc. Trong một truyện ngắn, Nguyễn Huy Thiệp từng hình dung thi hào Nguyễn Du có “khuôn mặt nhàu nát vì đau khổ”. Tuy nhiên, câu ấy có lẽ Nguyễn Huy Thiệp tự họa bản thân.

Nào ngờ, người đàn ông có khuôn mặt khắc khổ sau khi rời bỏ nghề dạy học ở Sơn La để về Hà Nội cư ngụ trên miếng đất thừa kế của tổ tiên tại Thanh Xuân - Hà Nội, đã mang đến một cơn dậy sóng văn đàn Việt Nam. Truyện ngắn đầu tiên “Tướng về hưu” của Nguyễn Huy Thiệp ngay khi được in trên báo Văn Nghệ, đã khiến đồng nghiệp và công chúng giật thót. Truyện ngắn “Tướng về hưu” hơn 6000 chữ, được chia làm 15 đoạn. Cấu trúc và lớp lang trình tự như tác phẩm chương hồi của văn học Trung Quốc, nhưng văn phong lạnh lùng và gãy gọn. Một lối viết khác, một tư duy khác, một thẩm mỹ khác đã xuất hiện. Đến hôm nay, sau 35 năm, truyện ngắn “Tướng về hưu” đã trở thành thương hiệu của Nguyễn Huy Thiệp.

Nói cho công bằng, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đã có mặt đúng lúc. Đó là lúc văn học phải cựa quậy để thay đổi theo nhu cầu thay đổi của đất nước. Bạn đọc không cần thứ chữ nghĩa diêm dúa và bay bổng nữa, mà bạn đọc cần sự tương tác thực sự giữa văn học và đời sống. Trong không gian chập chờn u tịch của xã hội bấy giờ, truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp vang lên như một tiếng kẻng đánh thức sự ngái ngủ cho đám đông. Tất cả vừa ngơ ngác vừa bàng hoàng. Trong suốt 10 năm, từ 1986 đến 1996, truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp thống trị văn đàn Việt Nam. Người ta say đắm với truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp, người ta không chỉ yêu thích “Con gái thủy thần”, “Chảy đi sông ơi”, “Thương nhớ đồng quê” mà người ta tiếp tục tìm đọc “Những người thợ xẻ”, “Những bài học nông thôn”, “Những người muôn năm cũ”, “Những tiếng lòng líu la líu lo”.

Sự đời oái oăm, cái gì chói sáng cũng thu hút sự tò mò và cũng khơi động sự soi mói. Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp phải gồng gánh danh vọng và gánh gồng dư luận. Từ tích lũy của giáo viên dạy Sử, ông dự định viết chùm truyện ngắn liên hoàn, nhưng sau khi công bố “Kiếm sắc”, “Vàng lửa” và “Phẩm tiết” thì vấp phải sự quy chụp ác ý. Truyện ngắn tiếp theo nằm trong mạch ấy, viết về đứa con của Đặng Phú Lân và Ngô Thị Vinh Hoa, đã bị Nguyễn Huy Thiệp tự tay đốt đi vào năm 1991.

Mảng truyện ngắn đề tài lịch sử của Nguyễn Huy Thiệp sau này ngưng đọng trong “Chút thoáng Xuân Hương”, “Giọt máu” hoặc “Nguyễn Thị Lộ” nhưng cũng không thể dư âm bằng bộ ba “Kiếm sắc”, “Vàng lửa” và “Phẩm tiết”. Trong mảng truyện ngắn về đề tài lịch sử, Nguyễn Huy Thiệp đã mượn lời nhân vật để phân định “văn chương có nhiều thứ lắm. Có thứ văn chương hành nghề kiếm sống. Có thứ văn chương sửa mình. Có thứ văn chương trốn đời, trốn việc. Lại có thứ văn chương làm loạn” và quan trọng hơn nữa là thứ văn chương “chỉ vừa phải, nhiều người theo, đấy là thứ văn chương học để làm quan”.

Khác với mảng truyện ngắn đề tài lịch sử của Nguyễn Huy Thiệp bị đồn thổi “bôi đen quá khứ” và “nhạo báng vĩ nhân”, mảng truyện ngắn phản ánh hiện thực của Nguyễn Huy Thiệp mới là món ăn khoái khẩu độc giả. Với những tác phẩm “Muối của rừng”, Huyền thoại phố phường” hoặc “Không có vua”, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp bảo rằng: “Xin đừng nghĩ tôi viết bịa như thật, bởi vì tôi viết rất thật”. Thật hiếm có trường hợp nhà văn nào định vị nhanh như Nguyễn Huy Thiệp. Năm 1990, tức là chỉ mấy năm Nguyễn Huy Thiệp dự phần vào văn chương, giáo sư Trương Chính đã khẳng định có “bút pháp Nguyễn Huy Thiệp”.

Thời điểm ấy, giáo sư Trương Chính đề cao ưu điểm của Nguyễn Huy Thiệp rằng “chúng ta đến với anh không sợ bị lừa”, nhưng giáo sư Trương Chính đã hơi thiếu chính xác khi tiên đoán “anh đủ khả năng soạn một cuốn tiểu thuyết dài bề thế”. Bởi lẽ, dù Nguyễn Huy Thiệp háo hức nói về “thời của tiểu thuyết”, song Nguyễn Huy Thiệp không thành công khi nhúng bút vào tiểu thuyết. Các tiểu thuyết “Tiểu Long Nữ”, “Gạ tình lấy điểm” hoặc “Tuổi 20 yêu dấu” của Nguyễn Huy Thiệp đều xa lạ với khả năng của ông. Điều này cũng khiến Nguyễn Huy Thiệp bực bội, và ông đã phản ứng bỉ bai nhà phê bình chê tiểu thuyết của mình: “Anh lấy số đo của mình mà đặt tiêu chí để đo thiên hạ. Sự độc tài công chức và cách cả nghĩ khiến anh bất bình với cuốn tiểu thuyết của tôi. Bi hài kịch là số đo của anh có phần ngắn hơn cái bệ thẩm mỹ bạn đọc đương thời”.

Thế mạnh của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp vẫn nằm ở truyện ngắn. Bên cạnh cốt truyện nhiều chi tiết, sức hấp dẫn của truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp được lan tỏa từ những câu văn ngắn, ít tính từ nhưng lắt léo và mạnh mẽ. Kết quả đó là nhờ nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đã chiêm nghiệm không ít lần về kỹ thuật câu văn: “Việc tìm ra một câu văn cho phù hợp đòi hỏi một cường độ suy nghĩ, cân nhắc hơn người. Đấy chính là thứ lao động nhà văn chết người, nhọc nhằn và gian khó, không phải ai cũng làm được”. Tương tự, Nguyễn Huy Thiệp ý thức rõ ràng về giá trị nào tác động đến tác phẩm và bạn đọc: “Văn học hiện đại rất coi trọng cảm giác. Không có cảm giác thật thì chẳng làm gì được cả. Cảm giác là thứ không thể truyền lại được. Kinh nghiệm của cảm giác là thứ rất khó ấn chứng giữa người này với người kia. Kinh nghiệm viết văn thực ra chỉ là kinh nghiệm của cảm giác”

Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp không hề là kẻ nhàn rỗi nhảy bổ vào viết lách. Dù ông có giai đoạn khó khăn phải theo họa sĩ Nguyễn Hồng Hưng đi vẽ bảng hiệu để kiếm sống. Ngày 23/11/1989, tại buổi họp mặt ngành giáo dục ở khách sạn Sông Nhuệ - Hà Đông, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đã trình bày quan niệm khá rõ ràng về sứ mệnh cầm bút: “Xét đến tận cùng, đa số các nhà văn thuộc loại người thất bại chủ nghĩa. Tinh thần bi quan phản ánh tâm trạng bất lực của anh ta khi nguyện vọng và những hoài bão lớn lao không thực hiện được. Chẳng sao cả. Vẻ buồn man mác trong các tác phẩm văn học lừng danh sống lâu hơn năm tháng đời người”. 

Về sau, trong tiểu luận “Khoảng trống ai lấp được trong tư tưởng nhà văn”, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp tiếp tục bộc bạch: “Công việc của nhà văn bắt đầu tư đâu? Tôi nghĩ rằng phải bắt đầu từ việc nghiên cứu bạn đọc, đúng hơn là phải nghiên cứu tâm lý dân tộc trong cả một khoảng thời gian dài. Trên cơ sở đó, nhà văn dọn ra món ăn tinh thần cho cả thời đại mình. Lúc ấy, tác phẩm của anh ta mới là một tác phẩm xứng đáng. Tính chất hợp thời của một nhà văn đáng kể là ở chỗ này”.

Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp nhận diện đầy đủ về tên tuổi của mình trên văn đàn Việt Nam, và ông có khát vọng vươn ra thế giới. Bằng thái độ nhà văn chuyên nghiệp “phải tự tổ chức viết lách và bán hàng”, Nguyễn Huy Thiệp rất tích cực tìm kiếm và hợp tác với đồng nghiệp quốc tế để chuyển ngữ tác phẩm của mình, nhằm hướng tới giải Nobel. Bây giờ, Nguyễn Huy Thiệp đã mang khuôn mặt khắc khổ bay về miền thương nhớ, và giấc mơ kỳ kia đành dang dở./.