Vở kịch “Mổ nhà văn” chả có giá trị nghệ thuật gì, chỉ đủ để cười chua chát về sự kiện “hoa thủy tiên”. Thực sự, Nguyễn Huy Thiệp rất uất ức vụ “hoa thủy tiên”. Sau này, trong truyện ngắn “Quan Âm chỉ lộ”, Nguyễn Huy Thiệp cũng nhắc đến “hoa thủy tiên” với không ít ngậm ngùi.
Tiểu luận “Trò chuyện với hoa thủy tiên và sự nhầm lẫn của nhà văn” được Nguyễn Huy Thiệp công bố vào dịp xuân Giáp Thân 2004, và gây ra cuộc tranh luận sôi nổi. (Sau khi đưa lại bài này vào tập “Giăng lưới bắt chim”, Nguyễn Huy Thiệp đã cắt đi vài đoạn gay gắt nhất). Nhiều ý kiến phản ứng với Nguyễn Huy Thiệp, trong đó có bài “Ngẫu hứng qua mây gió” in trên tạp chí Văn Nghệ Quân Đội tháng 4/2004, với hình thức đối thoại giữa Trần Đăng Khoa và Nguyễn Văn Thọ.
“Ngẫu hứng qua mây gió” giống như giọt nước tràn ly của một nỗi ấm ức từ phía Nguyễn Huy Thiệp. Vở kịch “Mổ nhà văn” xuất hiện với bút danh Thích Thiện Ngân. Dĩ nhiên, ai cũng biết do Nguyễn Huy Thiệp viết, nhằm đối thoại bằng cách khác với những người công kích mình.
Đọc “Mổ nhà văn”, giới cầm bút không khó nhận ra những nhân vật phiếm chỉ có nguyên mẫu đời thường của nhà thơ Trần Mạnh Hảo, nhà thơ Nguyễn Hoàng Sơn, nhà thơ Trần Đăng Khoa, nhà văn Nguyễn Văn Thọ, nhà phê bình Vương Trí Nhàn…
Vở kịch “Mổ nhà văn” cho thấy một thời văn đàn cũng sóng gió dữ dội. Và đó cũng là không khí sôi động mà bây giờ không còn nữa.
Vở kịch “Mổ nhà văn” chả có giá trị nghệ thuật gì, chỉ đủ để cười chua chát về sự kiện “hoa thủy tiên”. Thực sự, Nguyễn Huy Thiệp rất cay đắng vụ “hoa thủy tiên”. Sau này, trong truyện ngắn “Quan Âm chỉ lộ”, Nguyễn Huy Thiệp cũng nhắc đến “hoa thủy tiên” với không ít ngậm ngùi.
Xin giới thiệu lại “Mổ nhà văn”, để nhớ rằng Nguyễn Huy Thiệp đã rời xa văn đàn, rời xa những đua chen thế tục, rời xa trường văn trận bút gió tanh mưa máu.
Hồi thứ tư
Vẫn như cảnh cũ. Ðám đông chắc đã mỗi người một nơi. Vẫn là “Bệnh viện tình thương". Hai trương tuần đội nón dấu, mặc áo nẹp dẫn một người bị trói và bị trùm bao tải vào.
Trương tuần 1: Nào, ngồi xuống đây, thằng điên này!
Người kia: Thưa các ông, tôi bị oan!
Trương tuần 2 (cởi trói, cởi bao tải): Oan ức cái gì? Thế bọn chúng ta mù à? Liệu lời mà nói. Hiểu chưa?
Người kia: Vâng! Vâng!
Trương tuần 1 (Ngồi vào bàn, lấy giấy bút): Thôi! Oan ức tính sau! Nào! Bây giờ khai báo để làm thủ tục nhập vào bệnh viện.
Người kia: Vâng! Vâng! Thôi đành vậy.
Trương tuần 1: Tốt! Thế tên là gì?
Người kia: Thưa, tôi vô danh.
Trương tuần 2: Ðừng đùa, 15 năm nay ngang dọc ở trên văn đàn mà vô danh à?
Người kia: Quả thực vô danh.
Trương tuần 1: Về lý thì đúng tay này vô danh... Thế mới khó. Chẳng được giải thưởng gì cả!
Trương tuần 2: Thôi thì cứ ghi vô danh. Gọi là vô danh, như thế sau này có xoá tên hắn ở trong văn học sử thì cũng dễ dàng.
Trương tuần 1 (ghi chép, hỏi tiếp): Thế nghề nghiệp?
Vô danh: Dạ vô nghề nghiệp.
Trương tuần 1: Này đừng đùa dai. Thế có suy nghĩ gì không? Có trăn trở? Có thao thức không?
Vô danh: Dạ có! Thỉnh thoảng cũng có nghĩ ngợi lung tung.
Trương tuần 2: Thế là “trí thức" chứ còn gì nữa. Mọi người đều ngủ, mình lại thao thức, chong mắt ra nhìn. Có điên không đấy?
Vô danh: Dạ, lắm lúc cũng thấy điên điên. Ðã đọc “Nhật ký người điên".
Trương tuần 1: Lỗ Tấn chứ gì? Có phải của Lỗ Tấn không?
Vô danh: Vâng. Rất sợ những ánh mắt chó nó lườm mình.
Trương tuần 2: Thôi được rồi. Ca này rất đặc biệt. Phải mổ thôi! Phải mổ là cái chắc.
Vô danh: Thưa, nào tôi có bệnh tật, tội tình gì đâu mà mổ?
Trương tuần 1: Không mổ thì biết đâu được bệnh tật. Các cụ đều bảo chú mày đánh mất mình, đấy là tội to chứ còn gì nữa. Cụ Tú Vũ nói thế...
Trương tuần 2: Chính tai tôi nghe thấy các cụ bảo tay này không lành mạnh. Hắn đưa cứt tươi vào trong văn học, lại còn hạ bệ thần tượng.
Vô danh: Oan tôi quá!
Trương tuần 1: Oan cái gì... 15 năm rồi chứ có ít đâu.
Vô danh: Ðánh mất mình. Dạ thưa, thế nào là đánh mất mình? Tôi vẫn đủ cả chân tay, lục phủ ngũ tạng cơ mà?
Trương tuần 2: Cái ấy thì đi mà hỏi bác sĩ. Phải hỏi chuyên gia thì mới biết được.
Trương tuần 1: Ðánh mất mình là không được viết những gì kém hơn những cái kém mà mình từng đã viết ra. Tức là xưa nay viết toàn thứ kém. Hôm nọ tôi đọc báo thấy có một ông nói như thế. Hình như đấy là ông Vương trưởng giả, một người có học, đứng đắn hẳn hoi cơ đấy.
Trương tuần 2: Thế đã hiểu chưa?
Vô danh: Cái này thì có vẻ hơi hàm hồ, dù có là ông Vương trưởng giả nói đi nữa. Nhưng không sao, nghề văn chương... với cả chính trị, với cả tôn giáo – bản chất đích thực của nó là hàm hồ. Lời lẽ hàm hồ. Nghệ thuật ở chỗ làm sao buộc cho đám đông thừa nhận sự hàm hồ. Người nào làm được thế là người ấy thắng.
Trương tuần 1: Này! Nói năng linh tinh bừa bãi gì thế?
Trương tuần 2: Thôi nhé! Ghi số nhé. Ðánh số từ 1 đến 798. Tôi ghi đây này: số 277, hạng mục: nhà văn hiện đại. Bị bắt vào mổ trong lúc đi lang thang mua hoa thủy tiên ngoài chợ. Chuyển vào phòng gây mê cho bác sĩ mổ...
Trương tuần 1: Ghi cho rõ ràng vào: khi nào hết mê thì mổ.
Trương tuần 2: Ðược rồi... Khi nào hết mê thì mổ...
Có một vài đôi thanh niên nam nữ ôm nhau nhảy lướt qua sân khấu như vô tình. Màn hạ.
Hồi thứ năm
Vẫn bối cảnh cũ. Không khí có vẻ bất thường. Sân khấu trống. Giám đốc bệnh viện đi ra, vẻ bực tức. Có vài người đi theo: ông Trần Mạnh Khảo, Lê Văn Ngọng... Lại còn cả ông Vương trưởng giả nữa.
Giám đốc: Trình độ kém quá! Mổ xẻ bậy quá... Tất cả những người theo dõi ca mổ đều bảo chúng ta tiểu khí, tháu cáy, vu khống, thậm chí còn phản dân chủ, vô học. Ông Trần lại còn đi mổ cả vào chân tay mình. Thật là nhục. Không ra cái thể thống gì.
Lê Văn Ngọng: Chúng tôi đã cố hết sức. Mệt đứt hơi!
Giám đốc: Thôi ông im đi! Ðã ngọng lại còn hay nói. Ông Trần Mạnh Khảo làm gì thì ông làm thế, ông chỉ là một bản photocopy...
Trần Mạnh Khảo: Chúng tôi cũng không ngờ tay nhà văn này mình đồng da sắt. Khi tôi mổ hắn lại cười sằng sặc...
Vương trưởng giả: Vì ông đã mổ không trúng. Ông gãi ghẻ, ông lại bảo người ta gãi ghẻ. Ông lại mang chuyện chửi bới ra, ông nửa kín nửa hở làm ra vẻ như một mật vụ, một thằng chỉ điểm, thế là ông đê tiện. Ông tháu cáy, ông vu khống. Có tay Nguyễn Hoàng tiên sinh gì đó bình luận về ông là xác đáng đấy: đúng ra, ông không có tư cách để cầm dao mổ.
Trần Mạnh Khảo: Nhưng chúng tôi yêu nước, yêu văn học. Làm gì chúng tôi cũng tra từ điển.
Vương trưởng giả: Nhưng không thể nhân danh yêu nước, yêu văn học mà lưu manh với vô học được, ông giời con ạ! Dù cho ông liên tục tra từ điển đi nữa.
Giám đốc: Ông Vương, thế ông có mổ ca này được không?
Vương trưởng giả: Chịu, ca này thì tôi xin chịu. Tay nhà văn này hơi khác thường. Tôi với ông Lại tiên sinh cùng ê-kíp với tôi, chúng tôi chỉ quen mổ xác chết. Hơn nữa, chúng tôi phải xác định tiêu chí khi mổ xẻ: mổ để làm gì, nó có ích gì cho văn học không, cho không khí và môi trường văn học không? Nếu như mổ xẻ nghĩa là để “thịt” một tác giả, một nhà văn thì thật ra chúng ta chỉ cần mời một chú binh nhì trong đội thi hành án với giá 50 đô-la với một suất bánh mỳ kẹp thịt là xong, một tay bắn tỉa...
Trần Mạnh Khảo: Thì mổ là “thịt” chứ còn gì nữa! Xưa nay vẫn thế.
Lê Văn Ngọng: Bùm! Ông Võ Khắc Ðiên bảo là dìm chết. Có tay nhà thơ ở Hải Phòng khuyên nên đốt nhà... Tay nhà thơ này nói là bạn tri kỷ với nhà văn.
Vương trưởng giả: Kể ra đời cũng đểu thật. Chính tôi cũng bị bất ngờ. Lòng người phản phúc, chuyện ấy vẫn thường. Nhưng ở trường hợp tay nhà thơ ở Hải Phòng này thì tệ quá, “tri kỷ, tri bỉ”. Tôi không làm sao hiểu nổi, họ vẫn thơ phú thù tạc với nhau cơ mà?
Giám đốc: Ông Vương trưởng giả, ông cất cái cao đạo của ông đi, ông đã vào “trường văn trận bút”, ông phải chịu trận. “Thà mình phụ người chứ không để cho người phụ mình”. Hãy cất cái thói khiêm tốn vờ vịt của ông đi. Tay nhà thơ ở Hải Phòng cư xử theo đúng với bản chất chỉ quen phụ người của hắn từ xưa tới nay. Nếu ông cao đạo thì xin mời ông đi lên núi ở ẩn. Ông ở Thủ đô này theo đòi công danh làm gì. Ðấy là tôi nói toạc móng heo ra thế để cho ông hiểu. Còn đối với tay nhà văn, tôi sẽ cho mổ lại. Nếu cần thì cho nó chết trong đám loạn quân.
Trần Mạnh Khảo: Hay lắm! Chết trong đám loạn quân. Tôi cũng đã mổ với tinh thần như thế, tức là với tinh thần sát nhân. Tôi đã nói rằng tay nhà văn này không ra gì, nó chỉ là một vết lở loét của thời hậu chiến, gãi ngứa. Nó không có tư tưởng, khoái nhất là nó không có tư tưởng.
Vương trưởng giả: Cái này thì tôi sợ ông nhầm. Hắn có một cái gì đấy như sự siêu việt.
Lê Văn Ngọng: Không có tư tưởng, không có đầu gì hết.
Giám đốc: Bệnh không có đầu là bệnh chung. Thực ra, không có đầu không phải là bệnh. Các ông có thấy tôi có đầu đâu nào? Ðúng không? Ấy thế mà tôi vẫn là sếp của các ông.
Lê Văn Ngọng: Tất cả chúng ta đều không có đầu. Cần quái gì có đầu, chỉ cần có mồm... vì phải có mồm để ăn...
Trần Mạnh Khảo: Nhưng hình như tay nhà văn ấy có đầu... Nó khác với chúng tôi.
Vương trưởng giả: Ông nói ai là “chúng tôi”? Tôi rất khó chịu nếu ông coi tôi cũng là “chúng tôi” với ông. Ông không có “bản ngã” gì mà lúc nào cũng xưng “chúng tôi”?
Trần Mạnh Khảo: Tôi vẫn hình dung “chúng tôi” là một cái làng, ông ạ! ở đấy có những ông tiên chỉ, ông chánh tổng, ông lý trưởng, đám trương tuần, thằng mõ, mẹ Ðốp, thằng phải gió...
Vương trưởng giả: Như thế tức là một xã hội thu nhỏ mất rồi còn gì.
Giám đốc: Tôi không thích lối ví von như thế, dù thực sự tôi chỉ là một thằng lý trưởng mà thôi. Lối ví von ấy kéo lùi chúng ta về những năm đầu thế kỷ XX, thậm chí còn lùi xa hơn nữa. Chúng ta hãy trở về với thực tế, trở về với chủ nghĩa hiện thực. Như thế tức là các ông Trần Mạnh Khảo, ông Lê Văn Ngọng... đã thực hiện một ca mổ nhìn chung là chẳng ra gì, tay nhà văn vẫn sống nhăn răng, chúng ta còn bị dư luận bôi bác.
Nguyễn Hàng Lươn ra, vẫn đẩy xe cút kít rơm.
Nguyễn Hàng Lươn: Sống là thế nào... Dở sống dở chết. Ca mổ, theo tôi vẫn là thành công.
Trần Mạnh Khảo bắt tay Nguyễn Hàng Lươn.
Trần Mạnh Khảo: Cám ơn ông... Ông gần như là người duy nhất khen ngợi tôi. Trí tuệ của chúng ta đều rất đáng nể...
Vương trưởng giả (giễu cợt): Theo tôi, các ông nên thay chữ trí tuệ bằng chữ nhân cách nhưng mà hình như cả hai ông đều không có những thứ ấy.
Trần Mạnh Khảo: Thì cả trí tuệ, nhân cách cũng được chứ gì. Chúng tôi có tất cả mọi phẩm chất.
Nguyễn Hàng Lươn: Mổ được như ông Trần cũng đã là giỏi. Không có văn học nghệ thuật gì ráo trọi, cứ chụp cho vài cái mũ phản động với không lành mạnh là xong, chuyển nó sang hình sự, chính trị, rồi khủng bố... thế là một ca mổ đẹp.
Lê Văn Ngọng: Ðúng thế! Bây giờ nó đang ngắc ngoải.
Nguyễn Hàng Lươn: Ðể tôi sẽ đốt thêm vài đống rơm. Ta sẽ mổ vài nhát vào tác phẩm nó, bảo là nó sùng ngoại với bắt chước bên ngoài. Ta mổ vào gia đình nó, vào vợ con, vào Ôsin nhà nó, biến gia đình nó thành một địa ngục. Aha! Như thế gọi là thui chó.
Vương trưởng giả: Có vẻ như là một trò ám sát tổng lực.
Nguyễn Hàng Lươn: Sao lại trò ám sát? Ðây là một trận đánh, ông bạn ạ, một trận đánh văn học nghệ thuật. Thực sự, cũng chỉ vì do tôi yêu văn học mà thôi nên tôi mới có ý kiến như thế chứ thực tình tôi là người chất phác, cao thượng và tốt bụng.
Giám đốc: Công việc của chúng ta là một công việc bẩn thỉu nhưng cao thượng.
Trần Mạnh Khảo: Hay quá! Tuyên ngôn hay quá! Ðúng là một công việc bẩn thỉu và cao thượng.
Vương trưởng giả: Tôi đã bắt đầu thấy sợ nếu tính chất công việc của chúng ta đúng là như thế.
Giám đốc: Nếu ông sợ thì mời ông lui ra. Tôi sẽ bảo hai ông K-Oa với ông Nghé ọ vào mổ tiếp. Về đẳng cấp họ có vẻ hơn hẳn ông Trần...
Trần Mạnh Khảo: Hơn thế nào được tôi? Tôi là một cái gì đấy? Các ông hiểu chưa? Tôi là một giá trị thế nào đấy.
Vương trưởng giả: Theo ông, ông là cái gì và giá trị của ông là gì? Chẳng lẽ ông là thằng phải gió thật chăng? Ông điên hay là ông tỉnh?
Lại mấy cô gái mặc áo tắm hai mảnh đi qua sân khấu. Màn hạ.
Hồi thứ sáu
Vẫn cảnh bệnh viện.
Nghé ọ và K-Oa đi ra, cả hai đều có vẻ phấn chấn.
Nghé ọ: Thực sự, ca mổ của hai ông Trần Mạnh Khảo và Lê Văn Ngọng với sự phụ hoạ của bọn Nguyễn Hàng Lươn và dăm tờ báo lá cải chỉ là món khai vị. Tôi với ông mới là những người mổ chính, phải không nào? Ngay từ đầu, tôi đã biết chắc thế mà.
K-Oa: “Những gì đã thối thì thành phân rồi”. Thôi được! Trước khi mổ, tôi với ông có lẽ cũng phải thống nhất một số đường dao, nhát kéo thế nào đấy cho nhịp nhàng.
Nghé ọ: Thứ nhất, tay nhà văn này phùng thời. Vì sao nó phùng thời? Thứ hai, tay nhà văn này có phải là một tác giả văn học, thậm chí ta có thể gọi là tác giả số 1 trong văn giới bây giờ được không? Vân vân...
K-Oa: Ông trọng lý lẽ quá và như thế nghĩa là ông vẫn còn có sự tử tế thế nào đấy. Chúng ta xác định phải đóng ván thiên cho sự nghiệp của tay nhà văn này. Như vậy, sẽ không có lý lẽ gì hết. Nó đồng nghĩa với việc không còn sự tử tế nào nữa. Ông đặt vấn đề phùng thời thật là vớ vẩn, thiên hạ sẽ cười vào mũi ông: tất cả những tài năng, tất cả những thành công trên đời này tất yếu sẽ phải phùng thời. Ông không phùng thời nghĩa là ông đã kém tài năng - đơn giản chỉ là như thế mà thôi. Lý lẽ không ổn. Thứ hai, để xoá tên tay nhà văn này trong văn học sử thì không thể gọi nó là tác giả văn học được, ta chỉ nên gọi nó cùng lắm là “nhân vật văn học” mà thôi. Ta sẽ chứng minh là tay này không biết tả cảnh, chẳng biết tả người, truyện không có nhân vật, không có cốt truyện, không có tư tưởng, đọc xong cả truyện mà chẳng hiểu gì. Tất cả những thứ mà hắn viết ra đều là ma viết. Nó là thứ ma trơi trên đồng, đêm đến – nó lẻn vào thành phố và chạy vun vút trên các nóc nhà, vừa chạy vừa thở hổn hển, nó làm run sợ những kẻ yếu căn cốt. Hắn không có tài năng, hắn chỉ là một sản phẩm nhôm kính, hắn không thể sống lâu với thời gian được.
Nghé ọ: Tôi đồng ý với cách mổ xẻ của ông. Ở đấy giấu một sự nham hiểm hiền lành, nó lớn hơn lòng đố kỵ trắng trợn của tôi. Ông thực sự là một thần đồng. Cả hai chúng ta đều rất yêu văn học, có phải không nào?
K-Oa: Ta phải chứng minh rằng toàn bộ giá trị của hắn là phép nói ngược. Thế hắn mới chết. Cả xã hội đi xuôi, cả một nền văn học đi xuôi... Chỉ có mỗi hắn là làm ngược lại, đi ngược lại... và thế là hắn sẽ rơi vào tầm ngắm của những tay đi săn tư tưởng thực thụ. Hắn có ba đầu sáu tay thì cũng không thể nào phân bua được với những nòng súng săn có độ nhạy rất cao, lạnh lùng và rất chính xác. Thời gian trôi đi như nước chảy dưới cầu và thế là (làm một cử chỉ tượng trưng) ông có hiểu không? “Những gì đã cháy thì thành tro rồi”...
Nghé ọ: Tôi hiểu... Nhưng tôi vẫn không hiểu tại sao lại phải cầu kỳ như thế, trong khi đáng lẽ ra khi đưa hắn lên bàn mổ, chúng ta chỉ cần một mũi kim tiêm mà thôi? Chúng ta loạn óc rồi chăng?
K-Oa: Công việc của chúng ta khác với công việc của kẻ phàm phu (nhưng về thực chất thì nó giống nhau) bởi thế nên mới gọi là “nghệ thuật”. Ðây cũng là điều kỳ diệu và đê tiện của việc lập ngôn nếu so với cái đám mà ta gọi là lập đức hay lập công (đây là đám người mà các giá trị của họ hay bị người ta hiểu nhầm nhất). Lập gì thì lập nhưng có lẽ cũng không ngoài hai chữ danh lợi. Ðối với tay nhà văn mà ta sẽ mổ thì chỉ riêng việc ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa của hắn đã là một công án đáng đi đứt rồi.
Nghé ọ: Nhưng trong ngôn ngữ thì có trên 80% các danh từ ở ta đều có nguồn gốc từ Tàu...
K-Oa: Mặc kệ! Ta có truyền thống rất ghét bọn hàng xóm láng giềng! Ta cứ nói là dòng máu văn hóa trong người của hắn là gốc dòng máu Trung Hoa, tất cả những độc giả có đầu óc “sô-vanh” sẽ tức điên lên và nhổ nước bọt vào tác phẩm của hắn... Một ca mổ thành công cũng cần rất nhiều nước bọt.
Nghé ọ: Thế là chúng ta cũng chẳng hơn bọn Trần Mạnh Khảo và Lê Văn Ngọng chút nào.
K-Oa: Hơn rất nhiều vì bọn kia chỉ là bọn lưu manh ở chợ, bọn mổ cá với vặt lông gà. Chúng ta lịch sự hơn, văn minh và khoa học. Khẩu hiệu của chúng ta là vì tình yêu đối với văn học. Chúng ta có cả một bệnh viện, thậm chí có vài chục bệnh viện...
Nghé ọ: Thì bọn kia còn giương cao ngọn cờ Tổ quốc lên cơ.
K-Oa: Không ai nghe lời chúng, mặc dầu chúng nguy hiểm. Ở trong chợ văn chương, hạng đầu gấu có đầy. Chúng có thể cầm đủ loại cờ nhưng bi kịch là không ai tập hợp dưới cờ của chúng. Tôi với ông khác chúng, chúng ta đã trở nên sạch sẽ, chúng ta đã qua cái thời lê la ngoài chợ. Từ bé tôi đã được ngồi trên ghế bành.
Nghé ọ: Chỉ có mình ông được như thế mà thôi. Tôi vẫn ở ngoài chợ. Nhiều khi tôi đói rã họng và nhìn chung cho đến bây giờ vẫn không khác gì một thằng ăn mày. Số mệnh của tôi nó thế, tôi vẫn không sao thu xếp cho mình được một chốn nào dung thân.
K-Oa: Ðấy là vì tham vọng của ông to lớn quá, ông đã không tự lượng sức mình. Nhưng thôi, đấy là việc của ông. Cũng có thể ông muốn đóng vai Ðông Ki Sốt? Trông ông cũng hao hao giống Ðông Ki Sốt phải không?
Nghé ọ: Còn ông thì tôi lại nhìn hơi giống Xăng-xô...
K-Oa: Thôi đừng đùa nữa. Nếu cần thì ta sẽ bàn về Xéc-văng-téc. Ông ta là một thiên tài i-nốc... Còn chúng ta thì đang chuẩn bị cho ca mổ một tay nhà văn nhôm kính. Về nguyên tắc, những vấn đề cơ bản thì chúng ta đã thống nhất được. Khi nào mà tôi thọc dao thì ông cắt tiết. Tất cả chúng ta đều vì văn học cả thôi.
Nghé ọ: 15 năm nay, lúc nào tôi cũng thấy ảnh hưởng của tay nhà văn ấy lơ lửng trên đầu, hắn đã không làm cho ai viết như cũ được nữa. Mà không phải chỉ có tôi... Tôi rất khổ sở. Dù thế nào chúng ta cũng phải công nhận tài năng của hắn phần nào.
K-Oa: Giời ạ, hắn không có tài năng. Ông điên rồi à? Chúng ta đã thống nhất như thế còn gì. Nếu có tài thì phải phát lộ từ thời thơ ấu chứ?
Nghé ọ: Cần phải xem lại. Cần phải mổ. Dù sao tôi cũng còn một chút lương tâm trong người. Có lẽ hắn cũng có tài năng thế nào đó thật. Tôi không muốn kể ra bằng chứng ở đây.
K-Oa: Thôi được! Nếu như đã phải công nhận tài năng của hắn thì ta sẽ gọi đó là “tài năng của một tâm thức bất định”. Gọi như thế cũng là bằng không chứ còn gì nữa.
Nghé ọ: Nhưng tại sao có thể “bất định” trong 15 năm được hả giời? Hắn chẳng lưu lạc gì cả, không bán mình, không vào lầu xanh, cũng chẳng tu hành gì cả? Tác phẩm của hắn lúc nào cũng cười sằng sặc. Mà rất đểu nữa là đằng khác...
K-Oa: Thôi, chúng ta không bàn luận nữa. Càng bàn luận thì càng mâu thuẫn. Ông chuẩn bị dao kéo xong chưa?
Nghé ọ: Xong rồi!
K-Oa: Nếu thế thì chúng ta đi làm việc thôi. Chúng ta sẽ hỏi cung nó trước khi mổ. Ông hỏi chính hay tôi hỏi chính?
Nghé ọ: Ông hỏi đi. Ông có tư cách chính thống hơn tôi. Phải hỏi hắn văn học là gì mới được. Hỏi xong câu đó là ta sẽ thọc dao liền.
Lại mấy cô gái mặc áo tắm hai mảnh đi ngang qua sân khấu. Màn hạ.
*
Hồi thứ bảy
Cảnh bệnh viện. Các dụng cụ mổ treo trên vách. Nhà văn Vô danh ngồi ở ghế, mặc quần áo bệnh viện. K-Oa và Nghé ọ ngồi ở chiếc bàn đối diện. Ở một góc sân khấu, có một người đội mũ phớt, đeo kính đen, mặc áo bành-tô khoanh tay ngồi yên lặng.
Nghé ọ: Chúng ta bắt đầu nhé! Có thể coi đây là một cuộc đối thoại cởi mở, chính thức. Ông bạn nhà văn, thôi cứ xin gọi là vô danh đi – vì tôi thấy ở trong phiếu mổ có ghi như thế, ông phải trả lời một cách thành thực những điều mà chúng tôi hỏi ông. Sự hợp tác của ông chỉ có lợi cho ông, thậm chí nó quyết định việc ông có phải mổ hay không hoặc nếu như phải mổ thì mổ kiểu gì. Cũng có thể có khoan hồng...
K-Oa: Ông phải cam đoan những lời ông nói là lời ông nói. Chúng tôi sẽ ghi âm lại.
Nghé ọ: Theo ông, văn học là gì? Nó có ý nghĩa gì đối với cuộc sống của ông?
Nhà văn: Thưa, hồi nhỏ đọc sách, tôi thấy người xưa nói đại ý rằng: trăng sao, mây gió, sấm chớp là văn của trời: quần áo, lễ nghi là văn của người... như vậy nghiệm ra văn học chính là những giá trị bề mặt thiết yếu tạo nên cuộc sống của con người.
Nghé ọ: Rất khó hiểu... Ông nói như thế nghĩa là ông “văn” tôi chăng?
K-Oa: Thôi! Không lịch sự nữa. Vậy một thằng cởi truồng hắn có văn không?
Nhà văn: Thưa, ông không phải hỏi về Chử Ðồng Tử đấy chứ, cái ấy phải xem trong trường hợp nào. Giữa đám người mặc áo quần súng sính thì thằng cởi truồng có văn nhưng giữa đám người cởi truồng thì có khi người mặc quần áo mới lại có văn!
K-Oa: Lại nói ngược! Ta biết ngay mà. Thế văn học có ý nghĩa gì đối với cuộc sống của ông... mà vừa rồi ông nói đến cái bề mặt nào thế?
Nghé ọ: Tôi nghĩ đấy là sĩ diện.
Nhà văn: Gọi là sĩ diện cũng được, nếu như ông muốn thế. Nó là toàn bộ trạng thái tinh thần, tình cảm và vật chất của con người ta. Trong tác phẩm văn học, nhiều khi nó là sĩ diện của cả một thể chế, một thời đại mà nhà văn ấy sống, quan sát và ghi chép lại. Bởi thế mới có kiểm duyệt chính trị chứ! Việc nhích dần đến dân chủ rất cần đến sự can đảm của các nhà văn.
K-Oa: Cũng không khác gì cổ điển, phải không nào?
Nghé ọ: Tức là ông muốn nói đến ý nghĩa xã hội của văn học. Tôi nói như thế có đúng hay không?
Nhà văn: Tuỳ ông thôi. Tôi thì tôi cũng không chú ý đến nó nhiều lắm. Thực tình là thế.
K-Oa (nói như học thuộc lòng): Ý nghĩa xã hội của văn học là cốt tử. Văn học là nhân học. Nhà văn là tấm gương phản ảnh xã hội, là con chim báo bão...
Nghé ọ (loay hoay): Chim báo bão... Sao tôi không thấy mình có cánh nhỉ...
K-Oa: Ðấy là vì ông chưa có đủ tài năng để mọc cánh... (quay sang nhà văn). Này ông nhà văn vô danh, thế ông có nghĩ rằng toàn bộ giá trị của ông chỉ là phép nói ngược với làm lạ có phải hay không?
Nhà văn: Thưa, ngược xuôi, phải trái, đúng sai, xấu tốt, thiện ác, âm dương... đấy là hai mặt nhưng cũng là một. Nếu các ông biết một chút về phép suy luận triết học ở ta (thực ra thì tôi cũng chẳng thích danh từ này chút nào) thì có lẽ các ông cũng chẳng cần phải đặt ra câu hỏi ấy làm gì. Còn làm lạ, thì nghệ thuật sáng tạo tức là làm các phép lạ giống như Ðức Chúa Giêsu đã làm các phép lạ, có phải không nào?
Nghé ọ: Chữa bệnh, chữa người cùi, đi trên mặt nước, làm cho người ta sáng mắt... Toàn là ma thuật! Ngày xưa người ta đã đưa lên giàn thiêu ối tay phù thuỷ. Tay này đúng là một tay phù thuỷ.
K-Oa: Về chuyện phù thuỷ ta sẽ hỏi sau... Này, thế có người nói rằng ông là nhà văn của những mệnh đề đơn giản. Ông có công nhận đúng như thế không?
Nhà văn: Lạy giời, đấy là câu khen ngợi tuyệt vời nhất mà tôi muốn có. Tôi luôn hướng tới sự đơn giản, đúng hơn là sự giản dị. “Sự giản dị là điều kiện thiết yếu của cái đẹp đạo đức”. Lép Tônxtôi nói thế. Thưa các ông, còn lâu tôi mới trở thành nhà văn của các mệnh đề đơn giản. Bây giờ, thực sự tôi mới chỉ là một nhà văn danh tiếng. Một số báo chí phương Tây như Le Monde hay Libération gọi tôi là nhà văn hiện đại lớn nhất Việt Nam. Tôi cũng không thích được gọi như thế vì gọi như thế cũng chẳng khác gì ví tôi như con ễnh ương lớn nhất giữa bầy ễnh ương!
Nghé ọ: Sao là ễnh ương mà không chão chuộc?
Nhà văn: Ừ thì chão chuộc. Chão chuộc cũng được. Nhưng nếu là voi hay sư tử thì khác.
K-Oa: Chỗ này là ý thức dân tộc kém đây! Thôi được! Tại sao khi ông viết văn, người ta “cứ phải cầm lên và phải đọc bằng hết. Mặc dù, có cái đọc xong, thấy cũng chẳng có quái gì cả. Chẳng có gì nhưng vẫn cứ phải đọc cho bằng hết” [1] . Thế là cái gì?
Nhà văn: Thưa các ông, thế là văn học chứ còn gì nữa!
Nghé ọ: Thỉnh thoảng, ông lại còn nói như thánh phán. Ðấy là tội chết. “Tình yêu là một hung thần”. Ai bảo ông nói thế?
Nhà văn: Thì ông cứ yêu thử xem! Nhất là ở tuổi tôi với tuổi các ông...
Nghé ọ: Lại còn câu: “Vợ người thì đẹp. Vợ mình lại tử tế”...
K-Oa: Ông có công nhận ông viết và nói rất nhiều những câu linh tinh nhảm nhí có phải không nào?
Nhà văn: Vâng! Phật tổ nói: “Mở miệng là đã sai rồi”.
Nghé ọ: Vậy sao biết thế mà lại cứ nói?
Nhà văn: Thưa, ngày xưa Phật tổ đắc đạo dưới gốc bồ đề, ngộ ra cái lý của vũ trụ và sự vi diệu của đạo pháp. Người sợ chúng sinh mê đắm quá sâu, có đăng đàn thuyết pháp cũng chẳng thấu, vô ích. Song các chư tiên, các đế thiên đế thích đều khẩn thiết Người hoằng dương đạo pháp để cứu chúng sinh. Viết văn và nói linh tinh có lẽ cũng giống như thế. Bất đắc dĩ phải viết, phải nói mà thôi.
K-Oa: Kiêu ngạo quá lắm! Ông dám ví mình với Phật hay chăng?
Nhà văn: Không! Tôi chỉ là một người ngoan đạo và có Phật tính ở trong thế giới Ta bà.
K-Oa: Ngoan đạo! Văn chương du thủ du thực, trác táng. Rõ ràng ông là một tay lọc lõi, đồi bại. Có phải không nào?
Nghé ọ: Chứ còn gì nữa! Mà cứ thỉnh thoảng lại còn hay cho nhân vật chết nữa. Thế mới ác độc!
K-Oa: Lại còn cứ hay cho thơ vào truyện.
Nghé ọ: Tóm lại, ông là một người rất nhiều tội lỗi.
Nhà văn: Vâng! Tôi luôn có ý thức sám hối những tội lỗi cho tôi, cho mọi người.
K-Oa: Nếu trích từng câu ra, tôi có thể nói rằng ông viết toàn thứ bậy bạ.
Nhà văn: “Y kinh giải nghĩa tam thế Phật oan”. Thưa, kinh mà giải nghĩa từng chữ, từng lời thì oan cho chư Phật ba đời. Xin các vị xem ý tứ ở trong cảnh giới thế nào cái đã. “Ly kinh nhất tự, tất đồng ma thuyết”. Bỏ đi một chữ trong kinh thì tất thành điều ma nói. Có câu rằng: “Phật Phật Ma Ma. Ma Ma Phật Phật”. Vậy xem xét văn chương thì cũng không nên chấp nhặt vào lời và cũng không nên lìa lời để xét đoán chân lý.
Nghé ọ: Hừ! Rất khó chịu! Cứ hay lấy kinh Phật ra để giải thích! Tay này có lẽ sẽ không mổ xẻ gì cả, ta chỉ có thể băm nhỏ hắn ra thành từng mảnh mà thôi.
K-Oa: Thôi! Tôi hỏi ông câu hỏi cuối cùng, sau đó ta sẽ nghỉ ngơi một lát. Ông công nhận rằng ông không có tài năng gì, có phải không nào? Nói thật đi!
Nhà văn: Vâng! “Có tài mà cậy chi tài. Tài tình chi lắm cho trời đất ghen”. Vậy, xin các ông tuỳ tiện làm gì thì làm. Thôi cứ coi tôi là vô tích sự cho xong. Còn tôi, bây giờ tôi không nói nữa.
Một màn múa của các vũ nữ và vũ công. Màn hạ.
*
Hồi thứ tám
Cảnh bệnh viện. Sân khấu trống trải, chỉ có nhà văn vô danh và người đội mũ phớt, đeo kính đen, mặc áo bành tô ngồi đối diện nhau ở nửa sân khấu. Hai viên trương tuần đứng như đứng gác ở nửa sân khấu còn lại.
Nhân vật người đội mũ phớt xuất hiện từ hồi thứ bảy của vở kịch, bí hiểm, ông ta không tham gia vào vở kịch và sự im lặng của ông ta suốt hồi kịch thứ bảy đã gây tò mò kinh khủng cho người xem.
Nhân vật nhà văn và người đội mũ phớt ngồi trên bục cao làm những động tác như đối thoại nhưng không nói năng gì (giống như kịch câm). Bóng của họ hắt lên tấm phông sân khấu đằng sau. Người ta có thể dễ dàng nhận thấy cuộc đối thoại ấy có khi gay gắt, có khi nhẹ nhàng. Ða số những cuộc nói chuyện đều tuỳ tiện và có vẻ như chẳng ai chịu ai. Có lúc họ còn ném những vật trên bàn vào mặt nhau. Về đại lược, cuộc nói chuyện là hoà bình, thân thiện, đối kháng nhưng trong sự kiềm chế.
Phía trước sân khấu, các vũ nữ và vũ công trình diễn một màn múa khá đẹp mắt, kể sơ lược lại lịch sử văn học Việt Nam.
• Những người nguyên thuỷ ca hát.
• Những bà mẹ kể chuyện cổ tích cho con.
• Các nhà sư đọc thơ tiếp sứ thần nước ngoài.
• Những cuộc thi tuyển chọn trạng nguyên.
• Những giáo sĩ phương Tây đến truyền đạo và soạn chữ quốc ngữ.
• Những tờ báo đầu tiên.
• Những nhà văn hiện đại Việt Nam đầu tiên, người ta có thể nhận ra vài ba người hao hao giống như Vũ Trọng Phụng, Nhất Linh, nhóm Tự Lực Văn Ðoàn, Nam Cao, Nguyễn Bính, Nguyễn Tuân, thậm chí cả Nguyên Hồng... còn lại thì na ná đều giống nhau cả.
Âm nhạc khá độc đáo và sôi động. ánh sáng trên sân khấu được đặc tả ở nhiều nhân vật rất có cá tính. Rõ ràng đạo diễn vở kịch này cần phải là người rất am hiểu lịch sử văn học Việt Nam và có kiến thức văn hoá sâu rộng. Hồi kịch này diễn ra trong chừng từ 7 đến 10 phút.
Màn hạ.
*
Hồi thứ chín
“Bệnh viện tình thương”. Trên sân khấu chỉ có hai viên trương tuần đứng gác. Trần Mạnh Khảo đi ra, quần áo xộc xệch vẫn ôm chậu hoa và thổi phù phù. Các vũ nữ mặc quần áo tắm hai mảnh và các vũ công đang dọn dẹp trên sân khấu. Họ hạ biển hiệu “Bệnh viện tình thương” xuống và xếp gọn các bàn ghế lại một góc như để chuẩn bị cho việc diễn một chương trình khác hoặc như để kết thúc vở kịch.
Trần Mạnh Khảo: Ô... Sao bảo ở đây vẫn còn đang mổ xẻ gì cơ mà? Thế là thế nào? Ai cho phép thu dọn đồ đạc thế này? (Ông ta hỏi các vũ nữ và vũ công nhưng họ đều tránh ra, không nói gì. Cuối cùng ông ta hỏi đến hai người trương tuần). Các anh đứng đây mà để cho họ làm loạn thế à?
Trương tuần 1: Thế ông bảo chúng tôi làm gì họ được?
Trần Mạnh Khảo: Thế giám đốc bệnh viện đi đâu? Làm gì?
Trương tuần 2: Chịu! (Cười). Có khi ông ta đi hát karaôkê hay đi đua xe cũng chẳng biết chừng?
Trần Mạnh Khảo: Thế không còn mổ xẻ gì à?
Trương tuần 1: Thôi từ lâu rồi!
Trần Mạnh Khảo: Ai cho thôi?
Trương tuần 2: Chậc! (lắc đầu, nhún vai chỉ lên trời).
Trần Mạnh Khảo: Thế các đồng nghiệp của tôi đâu cả? Họ đi đâu rồi?
Trương tuần 1: Biết thế nào được, ông thì về nhà lấy vợ. Ông thì về nhà bỏ vợ... 50 ông xuống biển, 50 ông lên rừng.
Trần Mạnh Khảo: Thế này thì điên hết cả rồi à? Tôi không thể hiểu ra sao nữa cả. Kết thúc không có hậu à? Chèng đéc ơi! Chúa ơi! (tỏ vẻ đau khổ, vò đầu bứt tai). Kết thúc không có hậu à?
Trên sân khấu, các vũ nữ, vũ công đã dọn dẹp xong. Họ đang dàn hàng để chuẩn bị cho một điệu nhảy mới.
Âm nhạc bắt đầu khe khẽ nổi lên. Các vũ nữ, vũ công khởi động chân tay. Một vũ nữ mặc quần áo tắm hai mảnh trông khá “sếch-xy” đến gần Trần Mạnh Khảo, lịch sự đỡ lấy chậu hoa cất đi.
Vũ nữ: Ông anh! Em mời ông anh một điệu nhảy có được hay không?
Trần Mạnh Khảo (cười ngượng ngập rồi cười vui vẻ, thoắt cái đã trở thành một con người khác): Ðược chứ!
Trần Mạnh Khảo quăng áo vét-tông khoác ngoài, bên trong là y phục của một nghệ sĩ. Hai tay vỗ vào nhau, ông ta giậm chân nhảy một điệu “claket” ngắn khá sành điệu rồi chuyển sang các điệu dân vũ như của Nga và của Tây Ban Nha. Ông ta đã trở nên một nghệ sĩ thực thụ. Tất cả các vũ nữ, vũ công nhảy điệu “lăm-ba-đa”. Trên sân khấu, Trần Mạnh Khảo rõ ràng là một vũ công giỏi nhất trong các vũ công. Ðôi lúc ông ta lại còn dùng đầu mình làm trụ, xoay tròn như chiếc “com-pa”, giơ hai chân lên trời hệt như diễn viên ở trong phim chưởng Hồng Kông, khiến ai cũng phải giật mình, bất ngờ, thích thú.
Vở kịch kết thúc trong sự du dương của âm nhạc và của màn múa đặc sắc khiến cho người xem không còn muốn đứng lên rời chỗ nữa. Màn hạ.
Viết từ ngày 24/4/2004 đến ngày 25/5/2004