“Ở lại để chờ nhau”, tập truyện ngắn mà như hồi ký, mà như tiểu thuyết – những lát cắt ký ức về Ấn Độ, về thời gian ở Ấn Độ, nhất là thời sinh viên. Hồ Anh Thái tự do phóng bút trong miền ký ức với những câu chuyện có thật, những mảnh đời.
Gọi về những miền ký ức
(Nhân đọc “Ở lại để chờ nhau”, tập truyện của Hồ Anh Thái, NXB Thế giới, 2020)
VĂN THỊ THU HÀ
Ai từng là sinh viên, đọc các câu chuyện này có thể thấy mình ở đó. Ai từng là sinh viên ở Ấn Độ càng thấy mình ở đó, quen thuộc, gần gũi và đồng điệu. Với ai chưa từng tới Ấn Độ, cuốn sách là một lời mời gọi, một hứa hẹn sẽ được đến với nền văn hóa vĩ đại của hàng nghìn năm trước, kỳ lạ, cuốn hút, vô cùng đẹp đẽ.
Hai mươi truyện ngắn. Mở đầu với một anh chàng sinh viên nổi tiếng cả trường về chuyện vay tiền không trả, nhưng nhiều năm sau đã đi tìm bạn bè ở các nước để trả món nợ học trò. Kết thúc bằng vốc nước trong lòng bàn tay vớt lên từ sông Hằng linh thiêng của Ấn Độ đến dòng Potomac tận bên Mỹ. Từ Ấn Độ tỏa ra thế giới. Vốc nước sông Potomac có thể nhuốm màu linh thiêng của vốc nước sông Hằng.
Tình yêu đối với Ấn Độ
Văn hóa Ấn Độ, đặc biệt là con người Ấn Độ trong mắt của một người yêu – “yêu nhau yêu cả đường đi lối về” (ca dao), “một thứ ma lực hút ta vào và đời ta mãi mãi không thể nào bình yên được nữa” (tr. 97). Một thứ ma lực có thể khiến cho cậu sinh viên người Đức biến mình thành một người Ấn, lấy tên Ấn, mặc quần áo Ấn, lấy vợ Ấn và hơn thế, thành một người Bà La Môn sùng đạo.
Nếu như ma lực đó được biểu tượng hóa một cách hài hước trong truyện “Cuộc đổi chác” thì nó lại hiện ra với chất liêu trai trong truyện “Họ ở lại để chờ nhau”. Cậu sinh viên người Ý đi Ấn Độ, trở về và dường như lại đi nữa. Đến với tình yêu của mình, tình yêu Ấn Độ và người con gái đang ở đó. Một cô gái Pháp lấy chồng Ấn theo chồng về Ấn Độ rồi ly dị mà vẫn không rời Ấn. Và dường như là chờ đợi chàng người Ý quay lại. Không rõ đối với chàng người Y,Á tình yêu nào mạnh hơn: Ấn Độ hay là cô gái? Và cô gái Pháp ở lại Ấn Độ vì tình yêu Ấn Độ hay để chờ chàng người Ý của mình? Có thể sức hút lạ lùng ấy là do đặc trưng văn hóa Ấn Độ.
Tập truyện phác họa nhiều bức chân dung người Ấn, có cái chấm phá có cái đậm nét, có cả biếm họa và những bức chân dung tuyệt đẹp về phụ nữ Ấn mạnh mẽ và đàn ông Ấn dịu dàng. Một cô giáo trẻ từ bỏ tấm áo sari truyền thống như là một tuyên ngôn thầm lặng về tự do và một thầy giáo chưa già từ bỏ lợi lộc nghề nghiệp để chăm sóc người vợ mắc bệnh hiểm nghèo (truyện “Chia lìa”).
Đẹp nhất, có lẽ là chân dung một gia đình người Ấn giúp đỡ cô gái Việt Nam trong truyện “Không ra nước mắt” và đặc tả người con trai trong gia đình ấy ở truyện “Đàn chó hoang ăn chay”. Hai câu chuyện đẹp như huyền thoại về lòng nhân hậu được Hồ Anh Thái kể một cách bình dị.
Đó là người Ấn đẹp. Hồ Anh Thái cũng có vài bức biếm họa về tính cách Ấn, trong đó một nét tính cách nổi tiếng được nhà văn lột tả có phần trìu mến, là chuyện người Ấn chỉ đường sai và hứa hẹn ngày mai ở truyện “Shame”.
Khỏi phải nói, người nước ngoài tức tối, giận dỗi thế nào với cái kiểu chỉ đường bừa phứa và hứa hẹn ngày mai không bao giờ đến ấy. Nhưng câu xác nhận của chính người Ấn sẽ làm bạn dịu lại: “Người Ấn là thế đấy, chỉ muốn làm người khác vui khi đối diện, còn sau đấy người ta có tức điên lên vì bị lừa thì cũng mặc. Họ không coi đấy là lừa. Đấy chỉ là làm cho người khác vui lòng” (tr. 158).
Hoài niệm về tuổi trẻ
Có cảm tưởng là Hồ Anh Thái đã kịp viết lại câu chuyện về các bạn sinh viên của mình trong những khoảnh khắc hồi tưởng như thế, sống động và cuốn hút. Những người bạn đến từ nhiều nước, dù rất khác biệt về văn hóa và tính nết nhưng đọng lại trong ký ức là sắc màu trong sáng của tuổi trẻ và tình yêu con người. Chất sinh viên đậm đặc, nghèo về tiền bạc nhưng giàu về cảm xúc, thẳng thắn và quyết liệt trong lựa chọn, trong thể hiện thái độ và nhận biết bản thân mình.
Nói đến tuổi trẻ không thể không nói đến lựa chọn – lựa chọn cách sống, lựa chọn lý tưởng, lựa chọn tình yêu. Có lựa chọn thật khó khăn và phải vận dụng hết công lực của lý trí để nói ra sự thật hay không nói, như lựa chọn của người bạn Trung Hoa tốt bụng, dễ mến trong truyện “Chưa gặp lại”.
Sự kiện Thiên An Môn là một bối cảnh để sinh viên bộc lộ thẳng thắn quan điểm và đánh giá của mình trong lựa chọn trên cơ sở thông tin bị che giấu và thông tin được công bố. Vấn đề là tin hay không tin, nói hay không nói, “qua sông chặt gãy cầu” hay trở về. Câu chuyện được kể kìm nén như thể nếu để kịch tính bung ra như thực tế thì cảm xúc sẽ bị cơn giận làm cho mờ tối sự tỉnh thức.
Có lựa chọn có vẻ nhẹ nhàng, đương nhiên, không cần suy nghĩ như lựa chọn của đôi thanh niên Tây Tạng, yêu nhau và cùng nhau đấu tranh cho Tây Tạng trong truyện “Trên cao” – một câu chuyện đầy chất thơ về mảnh đất được gọi là nóc nhà thế giới, về những người lưu vong không nguôi nhớ và không quên văn hóa của mình.
Có lựa chọn thật chóng vánh nhờ trái tim dẫn lối như lựa chọn của anh bạn người Đức trong truyện “Cuộc đổi chác”. Bên cạnh bức tranh hài hước về cuộc tranh đấu của hai sinh viên cùng phòng khác nhau về thói quen sinh hoạt, nổi bật lên sự phẫn nộ đẹp đẽ của tuổi trẻ.
Câu chuyện đấu giá các vũ nữ devadasi – những thiếu nữ được bán khoán cho nữ thần Yellamma Renuka – làm cho người đọc nghẹt thở. Cái đẹp bị giày vò đã làm cho hai chàng sinh viên nổi máu hiệp sĩ – giữa đường dễ thấy bất bằng mà tha.
Cuốn sách có nhiều câu chuyện có nút thắt cao trào kịch tính có thể dựng thành phim như thế.
Một cái tôi trữ tình
Thấp thoáng một tình yêu, một người thích được chiêm ngưỡng các nền văn hóa, một người mê điện ảnh, một người thích đọc, một người ham viết, một tấm lòng bao dung. Có lẽ đây là cuốn sách Hồ Anh Thái mở lòng nhất về mình - một Hồ Anh Thái rất đỗi dịu nhẹ bước qua những mảng màu sáng tối, bao dung và suy tư, giữa bay bổng lãng mạn và thực tế trần trụi.
Phải rất nâng niu vẻ đẹp tâm hồn mới vẽ được bức tranh tương phản về hai mẫu đàn ông Ấn như trong truyện “Chia lìa”. Một được thừa hưởng văn hóa của hồi môn, vợ phải phục vụ chồng và luôn ồn ào hào nhoáng. Một cũng trong nền văn hóa ấy nhưng đặt người đàn bà mình yêu lên trên sự nghiệp một cách lặng lẽ, bình dị.
Phải rất nâng niu vẻ đẹp tâm hồn mới có thể kể thật nhẹ nhàng về “một đàn chó hoang ăn chay”, chó hoang nhưng được làm bạn, được cho ăn, được đặt tên, được vào nhà thăm bạn ốm và được chào khách quý. Kể về chó, về công, về khỉ, về bò và tuyệt nhiên không có một chữ yêu thương, nhưng câu chuyện là biểu tượng về một tình yêu thương vô bờ bến.
Ngôn ngữ kiệm lời, tối giản. Người ta không đọc giữa hai dòng chữ mà chữ tự đóng dấu ấn vào cảm xúc để cảm xúc tuôn trào. Tiết giảm tối đa câu chữ. Tiết chế cảm xúc như sợ nó buột ra làm ngập lụt ý tưởng. Cứ thỉnh thoảng, như giật mình, tác giả lại nói theo kiểu “tôi sẽ không sa vào công thức cải lương, sẽ không kể những đắm say dập dìu. Cũng không kể những nhớ nhung khắc khoải” (tr. 226). Có lẽ, cái kiểu tiết chế cảm xúc ấy lại thành ra một nét duyên trong cái tôi trữ tình của Hồ Anh Thái – không có mà có đấy, không yêu mà yêu đấy, không nhớ mà nhớ đấy – một tấm màn sương liêu trai.
Đến một lúc nào đó, trong cái hăm hở trở về quá khứ, bỗng tác giả dừng lại. Một chút lo ngại khi phải nhìn thấy “mắt búp sen mũi dọc dừa tiếng Anh trong vắt” theo thời gian đã trở thành “mắt sâu mũi nhọn đúng kiểu phù thủy”. Sợ bị nhìn thấy tóc xoăn dày bồng bềnh thành lưa thưa phải cạo trọc. Truyện “Cho thêm” là một nốt nhạc trầm suy tư về thời gian. “Mỗi người trong chúng ta đều phải được thời gian cho thêm một cái gì đó. Ngoài ý muốn” (tr. 168) – một cái mũi phù thủy hay con quạ hói đầu, hay một tính khí nóng nảy hơn. Âu cũng là tự nhiên vì hoài niệm hay đi cùng tiếc nuối một thời.
Có lẽ đọc xong cuốn sách, người ta sẽ muốn làm một chuyến đi, trở về Ấn Độ, tìm lại những miền ký ức bị bỏ quên ở đó, hay tới Ấn Độ để trải nghiệm về một niềm đam mê, một nỗi nhớ quay quắt, một thứ ám ảnh có thể làm bạn héo hon khi rời xa.
Nguồn: Văn Nghệ Công An