Giữa một đám đông đang bị hủy diệt ở xứ người và một đám đông đang tự hủy diệt ở xứ mình, thấy chán ngán, đi tìm cái gì đó giải khuây, lại vớ phải thứ này: “Phim tôi càng thành công càng chứng tỏ người Việt có vấn đề về tâm lý”.

 

 

Tối qua, trên bàn nhậu, cậu em bảo, em thích đi coi phim Việt lắm. Phim ngoại, có phim em đi coi có phim không, chứ phim Việt nào ra rạp em cũng đi. Vì sao chị biết không, vì coi xong, ra khỏi rạp, phim ngoại khiến mình suy nghĩ nhiều, nặng đầu, phim Việt coi xong là xong luôn, không đọng lại một tí gì cả, khỏe. Em với bạn gái mới đi coi Bố già về nè, có vui có buồn, coi ra, khỏe re.

Cậu kể, sinh nhật mẹ, bà già bảo, con khỏi tặng quà cáp gì, chỉ cần lập cho mẹ một kênh Youtube thôi, là đủ. Cậu mở hình khoe phong độ “ông già tía”, cười tít mắt.

Sáng nay 16/3, trên Ngôi Sao (Vnexpress), Trấn Thành tuyên bố: “Bộ phim của tôi càng thành công thì chứng tỏ người Việt có vấn đề về tâm lý càng lớn”. Và đưa ra tuyên ngôn: “Tôi sẽ tạo ra một trường phái phim Trấn Thành…Phim của tôi chỉ xoay quanh cuộc sống, tư duy và con người mà thôi”.

Một trong những “vấn đề về tâm lý” ấy là… tò mò, hiếu kỳ, ham vui, nô nức bầy đàn, Thành ạ! Tam Chúc chen chúc lúc nhúc giữa thời dịch bệnh đấy! Phật tính nào trong cái đám đông bá tánh mê muội ấy?

Còn “bi kịch truyền thông” của từng thành viên trong gia đình, việc không thể ngồi xuống với nhau để nói và lắng nghe nhau một lời thấu cảm, nhẹ nhàng thì “vở kịch điện ảnh” Bố già chỉ mới là sự trình diễn non tơ thôi.

Tôi xem “Bố già”, thương cái bối cảnh xã hội của Sài Gòn trên phim, dân tình cứ lội, cứ bơi, cứ hồn nhiên vui sống trong vũng nước ngập, trong con xóm nhếch nhác. Một “thành phố đầu tàu của cả nước” mà hiện lên trong chừng ấy bối cảnh thì mơ gì mà cứ chăm chăm phát triển nào đô thị thông minh, nào đô thị lấn biển…

Đừng nói với công dân - tôi cái “nghĩa tình” nhiều quá khi “văn minh”, “hiện đại” vẫn còn xa tít tắp!

Vậy thôi!

Làm được một bộ phim hay nhiều bộ phim mà chỉ cần xoay quanh “cuộc sống, tư duy và con người” là đã bao trùm thiên hạ rồi, còn lại gì, đề tài nào không nằm trong chừng ấy nữa hả, Trấn Thành? Mà trên cơ sở ấy, xác lập luôn “trường phái phim Trấn Thành” thì Trương Nghệ Mưu, Trần Khải Ca hay anh đạo diễn Kim Ki Duk - dẫu đã lìa bỏ trần thế vì Covid 19 - cũng phải sang… Chợ Lớn mà bái phục A Xìn!

Vĩ cuồng (mégalomanie) là một chứng bệnh tâm thần mà người ta cứ tưởng chỉ một số nhân vật như Nero hay Hitler mới lâm bệnh. Theo giáo sư Cao Xuân Hạo, trong bài “Chứng vĩ cuồng - hiện tượng và căn nguyên”, thì vĩ cuồng “Thật ra nó phổ biến hơn người ta có thể tưởng, ít nhất là ở ta hiện nay, vì sao? Căn nguyên ở đâu?”. Ông dẫn một ví dụ: “Trong một cuốn phim của xưởng phim truyền hình Việt Nam, hai anh bộ đội phục viên đang thất nghiệp tâm sự với nhau về căn nguyên của sự nghèo đói kinh niên ở nước ta. Một anh nói: “Chẳng qua cũng chỉ vì dốt”. Anh kia nói: “Mà dốt chẳng qua cũng vì nghèo: càng nghèo càng dốt, càng dốt càng nghèo”.

Nhà ngôn ngữ học nhận định: “Hình như đó cũng là một chân lý. Nhưng xem ra cái chuỗi “Dốt - Nghèo - Dốt” này còn thiếu một khâu nữa mới thật trọn vẹn: là khâu kiêu. Càng Nghèo càng Dốt, càng Dốt càng Kiêu, càng Kiêu càng Dốt, càng Dốt càng Nghèo”.

Có một nhà khai sáng “trường phái phim” mégalomanie vừa chào đời!

                LÊ HUYỀN ÁI MỸ

 

Nguồn: Facebook Lê Huyền Ái Mỹ