Mặc dù là người đã có “thương hiệu” cho việc đặt tên sách, tên bài rất độc đáo, tuy nhiên tên chung của tập sách mới này nhà thơ chỉ lấy tiêu đề đơn giản là Thơ Bằng Việt 1986-2016. Qua đây cũng đủ hiểu, tác giả chỉ nhấn mạnh vào dấu mốc 30 năm đóng góp cho thời kỳ đổi mới của đất nước.

 

Sự tươi mới, đặc sắc và nhân văn

 

HOÀNG KIM DUNG

 

Tháng 6 năm 2020, nhà thơ Bằng Việt vừa mới xuất bản tập Thơ Bằng Việt 1986-2016. Sách được Nhà xuất bản Văn học ấn hành. Đây cũng là một cách làm tuyển mới của tác giả, chỉ chọn những bài thơ trong giai đoạn sáng tác 30 năm của thời kỳ Đổi mới. Mặc dù là người đã có “thương hiệu” cho việc đặt tên sách, tên bài rất độc đáo, tuy nhiên tên chung của tập sách mới này nhà thơ chỉ lấy tiêu đề đơn giản là Thơ Bằng Việt 1986-2016. Qua đây cũng đủ hiểu, tác giả chỉ nhấn mạnh vào dấu mốc 30 năm đóng góp cho thời kỳ đổi mới của đất nước.  Với tập sách mới này, nhà thơ Bằng Việt đã dám “bứt phá” một cách ngoạn mục ra khỏi những bài thơ, những tập thơ từng đã làm nên danh tiếng một thời của một nhà thơ từ thế hệ chống Mỹ, đồng thời là một dịch giả, nhà biên khảo và người bình thơ. Thơ Bằng Việt 1986-2016, bằng một cách làm khác biệt, đã đem đến sự hấp dẫn thực sự tươi mới, đặc sắc cho độc giả và những ai quan tâm đến thơ.

Trong một lần có dịp gặp nhà thơ, người viết bài này có hỏi nhà thơ Bằng Việt vì sao lại làm cuốn thơ chọn này, nhà thơ cho biết: Trong những ngày giãn cách xã hội vì dịch Covid-19, nhà thơ đã tận dụng thời gian đọc kỹ một loạt tác phẩm về văn học nghệ thuật, hồi ký… của các văn nghệ sĩ trong nước và thế giới, để có thêm nhiều suy ngẫm về nhân loại và cuộc sống, về số phận đặc thù mỗi đời người. Và những gì mọi người đã làm được trong 30 năm Đổi mới gần đây, quả thực đã làm ông rất cảm kích. Ông muốn cùng được làm người “truyền lửa” bằng thơ cho xã hội những năm này, chứ không chỉ mong được nhắc mãi đến những thành tựu từ thời chống Mỹ, như Bếp lửa (đã được tuyển in trong sách giáo khoa nhiều thập kỷ qua), Tình yêu và báo động, Trở lại trái tim mình, Về hỏa tuyến thăm con… và dừng lại ở đó. Nhà thơ cũng cho biết: Thời kỳ chống Mỹ, ông đã làm tuyển rồi, nên không bao giờ cứ “ngủ quên” trong “vinh quang” của thời thanh xuân đó. Ông nghĩ, tập sách mới này rất cần thiết để làm đối trọng với tập thơ tuyển trước, nếu tập trước là tuyển 25 năm đầu đời sáng tác (1961-1986), thì tập mới này là tuyển của 30 năm Đổi mới (1986-2016), khi tác giả thực sự bước vào tuổi chín của đời mình...

Quả thực, trong cuốn tuyển mới, nhà thơ Bằng Việt đã thể hiện được nhiều sắc mầu đa dạng qua các cung bậc tình cảm về cuộc sống, tình yêu, nỗi buồn, ước mơ, khát vọng, cho đến những suy ngẫm, trăn trở nặng lòng về con người và xã hội trong thời Đổi mới và hội nhập. Tập thơ tạo được sức hút với người đọc bởi sự chân thành trong thơ, bởi tài năng của nhà thơ. Có nhiều bài thơ hay, đơn cử như: Đọc lại thơ thời Trần, Lịch sử và uy tín, Vườn Nhật Bản, Ngày đã đứng trưa, Khơi trong gạn đục, Ngẫu nhiên và tất nhiên, Em và tôi, Ném câu thơ vào gió, Sen Hồ Tây, Nghìn trùng quay lại, Alma –Ata, Giao hưởng số Chín, Đệ nhất Tổ phái Trúc Lâm giảng thiền, Mê Kông, nỗi buồn báo trước, Tự sự, Thời đã khác rồi…v.v.  Nhiều câu thơ hay làm người đọc nhớ ngay: “Cỏ hữu hạn xanh veo thành bất tử/ Lòng hoàn nguyên, rửa sạch với thinh không”; “Nhanh quá thế mà cũng buồn quá thế/ Chớp mắt xong, là đã một đời người”; “Tôi còn mãi buổi chiều xanh khắc khoải/ Đi không sao hết lòng mình”; “Em nhỏ và trong như nước mắt/ Chia tay còn mặn mãi môi cười”; “Yên tĩnh thế, khiến lòng run rẩy mãi/ Trưa lan xa, bóng nắng đẫm vui buồn/ Trưa đang đứng, còn đời mình đang chín/ Giọt nắng vàng như mật sáng rưng rưng”; “Lặng lẽ ngồi yên nghe cây biết nói/ Lặng lẽ thu về nỗi nhớ nhau”, v.v…



Với thơ lục bát, để có một bài thơ lục bát hay, phù hợp với tinh thần thời đại của dòng chảy thơ hôm nay, là điều không dễ với người viết cả về nội dung và hình thức. Nhưng thơ lục bát của nhà thơ Bằng Việt không những hay mà còn đặc sắc. Bài Đọc lại Nguyễn Du như chuyển tải nỗi lòng đau đáu không chỉ của nhà thơ mà còn của thân phận con người, đặc biệt là những người đã dành cả cuộc đời gắn kết với nghiệp văn chương:

“Quá khuya, chợt thấy mình già,

Nhìn ra cửa sổ, mưa sa kín trời,

Một đời gọi mãi: “Người ơi…”

Một đời khát vọng, một đời bồng bềnh!

Mê say là chuyện đã đành

Biết đâu tỉnh lại, nhân tình trắng phau!” …

Bằng Việt luôn tâm huyết và có trách nhiệm với thơ. Bằng tài năng, kinh nghiệm và sự chân thành, tinh tế trong thơ, nhiều vấn đề cần thiết cho thơ trong thời đổi mới đã được tác giả đề cập. Đặc biệt trong tập sách, đã có nhiều bài thơ nói về thơ rất “đắt”: Lại nghĩ về thơ; Có thể; Thơ có còn tri kỷ nữa hay chăng?; Khơi trong gạn đục; Thơ hay có cần phải chết?; Đồ vật cũ; Thơ còn gì hôm nay? v.v… Bằng Việt đã biểu hiện ra một quan niệm rõ ràng, thơ là sự ký thác, là tâm sự chia sẻ, không thể có thứ thơ “dung dăng dung dẻ” mà không chuyển tải gì đến bạn đọc. Và ông cũng bảo vệ thứ thơ phát xuất từ tâm trạng, có thể không định trước và không nên “lập trình” theo dàn bài có sẵn. Và thơ luôn cần có “nhân vật trữ tình” ẩn hiện trong thơ, chân thành, trung hậu, thậm chí hồn nhiên, mà đa số trường hợp, thì nhân vật trữ tình ấy chính là bản thân tác giả đã “hóa thân” vào.

Xã hội đổi mới, thơ cũng phải đổi mới. Đổi mới về nội dung, về tư tưởng và nghệ thuật cho phù hợp với thời đại. Thơ không thể chối từ chức năng đóng góp cho cuộc sống, cho sự phát triển của xã hội. Về phía chủ thể sáng tạo, thơ phải được cất lên từ tấm lòng chân thành, từ trái tim nồng nhiệt, và bằng sự nhìn nhận cảm thông sâu sắc của nhà thơ với xã hội và nhân loại. Nhà thơ Bằng Việt đã bộc bạch: “Thơ càng sắc, càng kiêu, càng chớ màng bất tử/ Miễn đừng để loài người hèn hạ, tối tăm đi…”

Từ những suy nghĩ chân thành về thơ là những trải nghiệm tìm tòi cho thơ đổi mới về nội dung, nghệ thuật. Nhà thơ cho rằng, cả những bài thơ ngắn vẫn cần hoàn thành chỉnh thể của thơ về cấu trúc nội tại, về tính nhạc trong thơ, như trong Thơ 5 câu thể nghiệm. Sự tìm tòi trong sáng tạo của nhà thơ cốt yếu vẫn là con đường làm sao cho thơ trọn vẹn đến được với độc giả. Phải là người thông tuệ, từng trải lắng sâu và cũng viết từ trong tâm, nhà thơ mới biết chắt lọc được: “Luận lý - đôi khi chờn vờn thức ngủ/ Minh triết - lắm phen khúc mắc giãi bày/ Vận số thăng trầm – hư nhiều hơn thực/ Danh vọng phù vân - bất cập rủi may/ Chỉ tâm thức hướng Thiền là an nhiên không đổi” (Bài: Tâm). 

Sự đổi mới trong mỗi người luôn là một quá trình. Nếu muốn thay đổi bao giờ cũng phải có sự khởi đầu của nhận thức, rồi đến tâm thức. Từ sự thông tuệ, hiểu đời sâu sắc, nhà thơ chia sẻ chân thành “Cái lý thực của Đời – bao dung mà khe khắt/ Anh không đổi khác ư? Thời đã khác rồi!” (Bài Thời đã khác rồi). Nhà thơ như chia sẻ, như trò chuyện trực tiếp cùng độc giả, không cố ý làm thơ, nên thơ tự nhiên như hơi thở, như gió thổi, như nước chảy, vừa giản dị mà cao sang, có chất gì như thiền như đạo.

Cuộc sống như một dòng chảy không ngừng với biết bao nhiêu biến động của xã hội. Con người cần phải bình tâm trước những giá trị hiện hữu, trước những gì còn, mất, cái gì không dễ mất thì vẫn còn; bởi cuộc sống luôn có quy luật và lịch sử cũng vậy. Trong Thôi hãy khoan, nhà thơ không chỉ nói về những vấn đề của ngày hôm qua với một thể chế xã hội (thời Liên Xô và Đông Âu sụp đổ) mà còn bao hàm tâm trạng đầy phức điệu của lòng người. Phải có cái nhìn bao dung, xa rộng, để từ tấm lòng chân thành của thi sĩ đích thực, mới bảo rằng: “Thôi hãy khoan ngậm ngùi/ Những gì chưa dễ có! /… Thôi hãy khoan vùi dập/ Những gì chưa dễ quên!...”

Trên những chặng đường gian lao để đi tới nhận thức của đời mình, nhà thơ cũng thành thật tự thú: “Tôi mất nửa đời người trả giá cho truyền thuyết” trong bài Bánh chưng bánh giầy như một cuộc đối thoại sòng phẳng giữa hai thế hệ: Thế hệ của bậc cha anh và thế hệ của nhà thơ. Hình tượng đôn hậu và tròn trịa về người bà yêu dấu, vể tuổi thơ “thuở tám tuổi trái đào…”, khi đứa cháu mới chỉ được dạy giản đơn rằng “Trời, đất vuông tròn như bánh giầy, bánh chưng/ Thế giới hòa đồng, đậm đà như nhân đỗ!”… thì đó là chuyện xa rồi, trời đất vuông tròn ấy chỉ là trong cổ tích. Con người cần biết đặt niềm tin xác thực và có căn cứ, sau khi đã vất vả khám phá ra bản chất của chính cuộc sống hiện tại; phải nhìn thẳng vào hiện thực với con mắt biện chứng để tồn tại và phát triển, đó mới là chân lý của đời sống hiện hữu này.

Trong tập sách, có một số bài thơ mà nhà thơ Bằng Việt viết về chủ đề ở nước ngoài, những câu chuyện ở tận nước Nga, Ukraina, Trung Quốc, Thái Lan, Nhật Bản, Pháp…v.v. Tác giả đã đem đến cho người đọc những cảm quan về văn hóa, lịch sử những đất nước, những địa danh nổi tiếng trên thế giới, nơi mà nhà thơ đã có dịp ghé qua. Nhưng có một điều đáng lưu ý ở đây, là người đọc đã cảm nhận được sự gắn kết thân quen, y như nhà thơ đang viết về những con người trên quê hương đất nước thân yêu của mình. Không bị sa đà vào mô tả cảnh đẹp, cũng không “khoe” là đã đi đến nhiều địa danh, mà điểm nhấn chính là nhà thơ gắng nêu bật lên sự nhìn thẩm thấu tận “bên trong” nơi đó, soi rọi ra hồn cốt nơi đó, trên nền phổ quát của cuộc sống nhân loại, mà nghĩ cho cùng, thì nhân loại ở đâu chẳng có những nét rất chung, những điều giống nhau đến kỳ lạ, nên không bất ngờ khi nhà thơ đã đặt tiêu đề cho phần thơ này là Những ấn tượng không ranh giới. “… Chẳng thấy thành lũy nào sừng sững chắn ngang đây/ Chỉ lắm tượng nhà thơ và các nhà hiền triết/ Vô tận những đường cây, có thể đi tới chết/ Đi suốt đời - toàn hưởng bóng râm thôi!..”; “Nhưng đến lượt con người lại ẩn dưới cây xanh/ Ẩn trong những khát khao muôn thuở yên bình…” (Bài: Alma- Ata).

*

Quá khứ và hiện tại, ngày hôm qua và ngày hôm nay đan xen như những thước phim tư liệu sống động, với những câu chuyện ấn tượng không phai mờ trong dòng đời chảy trôi, đã được nhà thơ Bằng Việt chuyển tải vào thơ. Đó là nỗi niềm sâu lắng của lòng mình, khi nhà thơ bộc bạch: “Dẫu đi suốt nửa đời trên trái đất/ Chẳng mất được Trung du, đắng đót vị quê nhà” (Bài Trung du). Đó cũng là nỗi nhớ về miền ký ức của tuổi thơ vùng quê cũ Sơn Tây, mà mãi tới giờ, nhà thơ phải ngậm ngùi thốt lên: “Khi quê cũ không ngừng xóa đi dựng lại/ Yêu bằng ký ức thôi - đủ khiến hóa thành già” (Bài Một ý nghĩ về quê cũ). Có những khi, ký ức của nhà thơ lại day dứt về một lời hứa hẹn từ xa xưa, tưởng bâng quơ khi mình còn rất trẻ. Đó là thời đất nước vẫn còn chiến tranh, với bao nhiêu biến cố bất ngờ, khi tất nhiên và ngẫu nhiên vẫn thường trùng hợp… Và một lời hứa mong manh, chợt bay, chợt tắt như một cơn “mưa cao nguyên” thuở ấy, đã chắc gì mà trở thành hiện thực? Nhưng vẫn còn đó những day dứt khôn nguôi, vì thời ấy con người dù lăn lóc giữa đạn bom lại sống rất tử tế và lại càng hay nhớ lâu, ngậm ngùi lâu: “Thời ấy thật trẻ trung. Sống trọn vẹn làm sao!.../ Một lời hứa không thành, khiến suốt đời dai dẳng/ Mãi day dứt gì ư?... Chỉ là mưa cao nguyên!” (Bài Mưa cao nguyên).   

Đặc biệt cần ghi nhận tấm lòng tác giả với những bài thơ về các văn nghệ sĩ, các nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ mà tác giả rất trân quý tài năng, nhân cách sống của họ (như: nhà thơ Trần Huyền Trân, nhà văn Vũ Bằng, nhà thơ Lê Đạt, nhạc sĩ Trịnh Quý , nhà thơ Yên Đức…) Đọc thơ mà có cảm giác hồi hộp, như được đọc, được nghe những câu chuyện hay, ly kỳ đến bây giờ mới kể; như được thưởng thức những phác họa có thần, nhà thơ đã ghi khắc được một miền ký ức qua những bức tranh đẹp và quý bằng cảm nhận của thơ: “Nước mắt tôi chảy ra/ Ân hận mình thời trẻ/ Chưa hiểu thấu việc đời, dễ bàng quan mọi sự!.../ Bốn mươi tư năm rồi, còn xót xa việc ấy/ Dù Nguyễn Tuân mất đã lâu rồi!” (Bài Ân hận với Nguyễn Tuân). 

Nhưng chân thành mà không có bản lĩnh và đắm say da diết sang trọng trong thơ thì cũng không thể viết được, như: “Ném một câu thơ vào gió thổi/ Lời bay đi, tôi nhớ lại đời mình/ Có lắm buồn vui, có nhiều lầm lỗi/ Nhưng không có gì xảo trá, gian manh!...” Và nhà thơ cũng tự khẳng định khi chốt lại: “Tin - không tin!... Vẫn còn lại riêng mình/ Còn lại tấm lòng mong manh, dễ vỡ/ Cát đã ra lò, nay hóa thủy tinh!” (Bài: Ném câu thơ vào gió).

Yêu cuộc sống và có trách nhiệm với cuộc sống, với xã hội, nhà thơ Bằng Việt có nhiều bài thơ chuyển tải nỗi lòng suy ngẫm về con người về xã hội, về thời đại. Có những bài thơ như những trải nghiệm riêng trong cuộc đời nhà thơ, từ không gian rất gần của đời sống hiện hữu, với những vui buồn, tưởng hỗn độn, lại có những trải nghiệm rất xa xôi mà day dứt… Nhưng sâu xa hơn nữa chính là nỗi buồn, nỗi lo về sự chuyển hóa của chính con người hôm nay. Khi cái Ác của con người không còn nhân tính hoành hành, khi sự tàn bạo man rợ xuất hiện với tần suất cao… Nếu con người sụp đổ nhân tính, con người sẽ làm sụp đổ xã hội: “Tận thế - là khi nhân tính không còn!/ Đừng mất công làm phim về mọi điều viễn tưởng… ” (Bài: Biến tấu về ngày tận thế)

*

Sẽ thật là thiếu, nếu chưa đề cập tới những bài thơ tình của nhà thơ Bằng Việt. Trong thời kỳ này, nhà thơ đã đi qua những giông bão cuộc đời, bước vào “Tuổi giữa chừng” mà ở đó sự mạnh mẽ, sự trải lòng như được chắp cánh nhân lên: “Trái tim chừng đập mau hơn/ Nửa như thấm mệt, nửa còn thanh xuân…”. Thơ tình của Bằng Việt không chỉ được biểu hiện qua những tình cảm đằm thắm, chân thực, mà ở đó còn là sự sâu lắng tinh tế, trẻ trung trong tâm hồn lãng mạn của nhà thơ. Những kỷ niệm, những ký ức, những khoảnh khắc đẹp và buồn về tình yêu trong cuộc đời đã được gửi vào thơ, không ồn ào, không sướt mướt, càng không ảo ảnh, điệu đàng, phô diễn. Thơ tình của Bằng Việt lặng lẽ mà thẳm sâu, giản dị mà sang trọng, say đắm mà sâu sắc, xúc động mà không bi lụy… Điều đặc biệt trong những bài thơ tình của Bằng Việt, là hình tượng về nhân vật “Em” rất đẹp. Nhà thơ không cần mô tả về hình thức của nhân vật mà bằng sự khái quát, giàu hình ảnh liên tưởng, cái đẹp được hình thành từ nội tại, từ bản thể, được gửi vào thơ, cái đẹp được bắt nguồn từ hiện thực cuộc sống có hơi thở, có sắc màu, được khái quát hóa, được gạn lọc trong sự tinh túy của thơ. Cái đẹp của tâm hồn, của hình thức bỗng tỏa sáng, được nâng niu trân trọng: “Em như lửa, em không rời được lửa”, “Em nhỏ và trong như nước mắt” đến: “Em có nét buồn - sâu như ngọn gió/ Thổi lang thang qua năm tháng hao gầy”; rồi “Em là chân lý của đời thường mạnh mẽ”; “Em là vẻ đẹp của đời thường vĩnh cửu/ Là những gì quên mất ở trong tôi!...”

Là người từng trải, là người thấu hiểu lẽ đời và lịch lãm, nhưng hơn cả là tấm lòng biết yêu thương say đắm, nâng niu trân trọng từng phút giây của tình yêu, hạnh phúc và yêu cuộc sống; Bằng Việt có lúc lại lặng lẽ, như cùng chia sẻ với bạn đọc những tâm tình từ cõi sâu thẳm của lòng mình: “Rồi sẽ tới thời ta cô độc lắm/ Bè bạn thì xa, tri kỷ khó tìm…/ Tôi xin được giữ trong lòng lẳng lặng/ Khuôn mặt hài hòa duy nhất – là em!”... Thiết nghĩ, mấy ai dám thật lòng đến vậy, cả trong đời lẫn trong thơ…  

*

Tiếp tục với những thành công của vệt thơ thời chống Mỹ, Thơ Bằng Việt 1986-2016 là một tác phẩm mang hơi thở của thời đại, âm vang thơ đã đi vào cuộc sống với một tinh thần nhân văn, một tầm nhìn mới. Với tri thức văn hóa sâu rộng, với tài năng và lòng đam mê, chân thành cảm xúc, dám sống hết mình cho thời đại, thơ Bằng Việt đã nói lên tiếng nói của thời đại. Những bài thơ, những câu thơ luôn ám ảnh trái tim người đọc, có sức hút, mang đến vẻ đẹp của cấu trúc, của nhạc điệu; những hình ảnh và ngôn ngữ được xác lập tràn đầy năng lượng sáng tạo.

 

Nguồn: Văn Nghệ