Nhân kết quả tốt đẹp của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13, nhà văn Nguyễn Minh Ngọc đã điểm lại những tác phẩm xuất sắc “đi cùng năm tháng” - những bài thơ ca ngợi Đảng, được các thế hệ bạn đọc yêu mến và trân trọng.
“NHÀ THƠ TẶNG ĐẢNG CỦA MÌNH”
NGUYỄN MINH NGỌC
Bài thơ nguyên bản tiếng Pháp có tựa là “DU POÈTE À SON PARTI” nổi tiếng của Louis Aragon (1897-1982), một trong những tên tuổi vĩ đại của nền văn học Pháp và văn học thế giới trong thế kỷ XX. Những năm đầu của thập niên 40, khi nước Pháp bị phát xít Đức chiếm đóng, nước Pháp có hẳn một dòng thơ kháng chiến với những tác gia nổi bật như Paul Eluard, Fierre Emmanuel, René Char, Pierre Jean Jouve, Pierre Gamarra, Madeleine Riffaud… tầm ảnh hưởng lớn và có sức lan tỏa không chỉ ở chính quốc mà rộng ra cả châu Âu, châu Á.
Có lẽ, Louis Aragon là thi sĩ đầu tiên trên thế giới viết về chính Đảng tiên phong của giai cấp vô sản, ấy là Đảng Cộng sản Pháp, mà Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh là một trong những người tham gia sáng lập năm 1920. Đứng trong hàng ngũ những người cộng sản Pháp từ năm 1927, một bước ngoặt lớn, đưa Louis Aragon đến với lý tưởng cách mạng. Bước vào nửa sau của thế kỷ, với tài năng chín muồi, văn hào có nhiều sáng tạo mới mẻ, mạnh dạn, độc đáo trong thi ca và tiểu thuyết. Là một cây bút kỳ tài với nhiều tiểu thuyết liên hoàn, đặc biệt là bộ tiểu thuyết “Thế giới thực tại” (Le Monde réel) nhiều tập, trong đó có cuốn “Những người cộng sản” (Les Communistes). Một trí thức lớn yêu Đảng nhiệt thành, hiếm có; tầm tư tưởng lớn, thế giới quan và nhân sinh quan sắc sảo của Louis Aragon có ảnh hưởng tích cực đến nhiều nhà thơ của Việt Nam, nếu không nói là cả một thế hệ cầm bút đồng hành cùng dân tộc.
Với sự đồng cảm sâu sắc, nhà thơ Tố Hữu đã chuyển ngữ thật tuyệt vời bài thơ của Louis Aragon ra tiếng Việt “Nhà thơ tặng Đảng của mình”. Những câu thơ khiến cho bạn đọc rưng rưng xúc động. Đảng đã cho tôi sáng mắt sáng lòng/ Trước như trẻ thơ tôi nào biết được/ Máu tôi đỏ và tim tôi yêu nước/ Tôi chỉ biết là đêm tối mênh mông…”. Chỉ vỏn vẹn có ba khổ thơ, mỗi khổ năm câu, và câu cuối lặp lại câu đầu như một chủ ý nhấn mạnh. Đảng cho tôi huyết khí anh hùng xưa/… Đã nghe trong từng chữ tiếng gươm khua. Từng cấp độ được tác giả nâng lên thành cao trào. Đảng cho tôi màu sắc nước non nhà/ Đảng ta ơi, cảm ơn Người dạy dỗ/ Từ đấy lòng tôi sướng vui đau khổ/ Và tình yêu căm giận hóa lời ca. Thi phẩm của Louis Aragon đã trở thành một mẫu mực tiêu biểu cho nhiều thế hệ cầm bút khai thác và triển khai cảm xúc sáng tạo nghệ thuật. Từ bản dịch của Tố Hữu, nhạc sĩ Phạm Tuyên đã phổ nhạc, ca khúc có tựa đề “Đảng đã cho tôi sáng mắt sáng lòng” và bài thơ được âm nhạc chắp thêm đôi cánh diệu kỳ, khiến hàng triệu người yêu thích, mến mộ.
Có điều, không phải thi nhân nào cũng có thể đạt được thành công khi viết về Đảng, bởi đây là một đề tài lớn, nếu không có tài năng vượt trội cộng với tầm nhìn cao rộng và đặc biệt là nhiệt huyết, thì bút pháp rất dễ sa vào sự tụng ca, kể lể. Ở ta, nếu viết về Đảng thì hẳn chưa ai sánh được với Tố Hữu và Chế Lan Viên. Trước hết, Tố Hữu là một cán bộ cách mạng, một trí thức tầm cỡ, ông được Đảng phân công giữ nhiều trọng trách. Với tài năng xuất hiện từ rất sớm, khi đã “say mùi hương chân lý”, Tố Hữu coi thi ca là một vũ khí đấu tranh trên bước đường hoạt động cách mạng. Năm 1960, ông có bài thơ dài “Ba mươi năm đời ta có Đảng”, đúc kết lịch sử Đảng ở tầm cao nghệ thuật, hào sảng và đắm say. Trước ông, chưa ai viết được như vậy. Tình cảm sáng trong, ý thơ nhuần nhị, câu chữ giản dị mà sâu sắc, gan ruột. Bài thơ ra đời, nhanh chóng được đông đảo công chúng đón nhận và lắng sâu trong lòng người. Thay lời cho hàng triệu con tim yêu nước, Tố Hữu nồng nhiệt ngợi ca: Đảng ta đó trăm tay nghìn mắt/ Đảng ta đây xương sắt da đồng/ Đảng ta muôn vạn công nông/ Đảng ta muôn vạn tấm lòng niềm tin/ Đảng ta Mác - Lênin vĩ đại/ Lại hồi sinh trả lại cho ta/ Trời cao, đất rộng bao la/ Bát cơm, tấm áo, hương hoa, hồn người.
Tri ân Đảng về chặng đường gian khổ, hy sinh vì đất nước, vì dân tộc, nhà thơ viết: Tay Đảng rèn lực lượng muôn dân/ Chín năm kháng chiến thánh thần/ Gậy tầm vông đánh tan quân bạo tàn. Chèo lái sự nghiệp cách mạng, Đảng lãnh đạo muôn dân vượt qua xiết bao chông gai, ghềnh thác, Tố Hữu thấm thía: Đường hạnh phúc gian nan lắm khúc/ Đời đấu tranh không lúc dừng chân. Nói về phẩm chất cống hiến, về đức hy sinh của những người cộng sản, nhà thơ tự răn mình, nhưng suy rộng ra như một lời cảnh tỉnh. Đã rằng vì Nước vì Dân/ Nước Dân còn khổ thì thân sướng gì?
Và cũng chỉ có Tố Hữu mới viết được những câu thơ sâu nặng ân tình và đạt đến tầm khái quát sâu rộng như thế. Nhà thơ đã nói hộ tấm lòng của hàng triệu đảng viên kiên trung. Sống cùng Đảng, chết không rời Đảng/ Tấm lòng son chói sáng ngàn thu. Đất nước giành được độc lập tự do, là nhờ có lớp lớp những người con ưu tú đã dũng cảm hiến dâng cả cuộc đời. Hỡi những trái tim không thể chết/ Chúng tôi đi theo vết các anh/ Những hồn Trần Phú, vô danh/ Sóng xanh biển cả, cây xanh ngút ngàn. Trong thơ Tố Hữu luôn tràn đầy tinh thần lạc quan và niềm tin vững chãi vào sự nghiệp cách mạng do Đảng lãnh đạo, vì vậy tương lai của dân tộc hết sức tươi sáng. Hình tượng Đảng quang vinh và Bác Hồ kính yêu luôn quyện hòa làm một, trở thành lẽ sống, lý tưởng và ước mơ cho những gì cao đẹp nhất trên đời. Ba mươi năm bước đường qua/ Đời ta có Bác xông pha dẫn đường/ Người đi trước, nghìn muôn sương tuyết/ Dắt dìu dân, nước Việt Nam ta/ Bạc phơ mái tóc người Cha/ Ba mươi năm Đảng nở hoa tặng Người.
Hiếm có người cầm bút nào viết về Đảng tự nhiên, thuần thục như Tố Hữu. Thi sĩ giãi bày chân thực trong “Chuyện thơ”: Làm bí thư hoài, có bí thơ?/ Rằng: Thơ với Đảng nặng duyên tơ/ Thuyền bơi có lái, qua mưa gió/ Không lái thuyền trôi, lạc bến bờ. Bởi thế, bạn đọc dễ dàng đồng cảm khi ông khẳng định: Đảng cho ta trái tim giàu/ Thẳng lưng mà bước, ngẩng đầu mà bay (Bài ca xuân 1961). Và tiếp nối nguồn mạch ấy, trong bài “Với Đảng, mùa xuân” viết ngay sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV, Tố Hữu nâng cảm xúc lên tầm cao mới. Đảng dạy tôi biết ngẩng đầu đứng dậy/ Vững hai chân, đứng thẳng làm người. Nhà thơ truyền cho bạn đọc nguồn cảm hứng bất tận và tình yêu không bến bờ khi nói về Bác Hồ kính yêu: Không, Bác vẫn đời đời hiển hiện/ Người vẫn hằng dìu dắt chúng con đây! Và ông dấn tiếp. Vĩnh viễn cùng ta, những gì còn mất/ Những yêu thương, căm giận, buồn lo/ Những tiếng hát và những dòng nước mắt/ Cho núi sông này độc lập, tự do. Bởi lẽ, ông tin tưởng: Cuộc sống ấm ân tình, với Đảng/ Lớn khôn chung, một sẽ hóa thành trăm/ Đời rạng rỡ, mỗi con người tự sáng.
Đồng trang lứa với Tố Hữu, một tài năng nổi bật hàng đầu trên thi đàn Việt, ấy là nhà thơ Chế Lan Viên (1920-1989). Xuất hiện chói sáng trong phong trào “Thơ mới”, ông để lại một dung lượng tác phẩm khá đồ sộ, bao gồm thơ, văn xuôi và lý luận phê bình, đặc biệt là nhiều tập thơ nức tiếng độc đáo. Trong gia tài thơ của Chế Lan Viên có bài “Kết nạp Đảng trên quê mẹ”. Từ kỷ niệm riêng của một trí thức đi theo cách mạng trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đầy cam go, thử thách, năm 1949, trong chiến dịch Tà Cơn, ngay tại quê hương Quảng Trị, nhà thơ vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Và ông đã trải lòng mình lên trang viết. Câu chữ giản dị tự nhiên như lời ăn tiếng nói thường ngày, mà lạ sao vẫn da diết lắng sâu và có sức truyền cảm lớn. Giã mẹ ra đi kháng chiến bốn phương trời/ Kết nạp Đảng, bỗng quay về quê mẹ/ Có phải quê hương gọi ta về đấy nhỉ?/ Dặn dò ta, khuyên nhủ ta thêm/ Trong buổi đầu, ta theo Đảng đi lên. Tình cảm chân thành, nỗi niềm xúc động sâu xa bật lên thành lời. Ngày vào Đảng đất trời như đổi khác/ Những vật vô tri cũng làm rưng nước mắt/ Đá sỏi cây cằn, sao bỗng thấy thiêng liêng?
Công ơn trời biển của Đảng được Chế Lan Viên khái quát vừa cụ thể, lại vừa sinh động. Bà con quê ta đói nghèo lam lũ/ Cuộc sống xưa như nước chảy mất dòng/ Không ai thương như cỏ nội giữa đồng. Đọc hai câu tiếp theo, bạn đọc không khỏi ngậm ngùi trước hiện thực của quê hương đất nước từ khi chưa có Đảng. Con chim bỏ trời quê ta đi xứ khác/ Đất chẳng nuôi người, người không nuôi nổi đất. Và thật tài tình, khi thi sĩ viết: Thiếu cả gia đình ngay giữa đất quê hương. Thì đúng là còn hơn cả một nỗi đau. Bút pháp điêu luyện, tinh tế và đậm chất trí tuệ. Những ruộng đói mùa những đồng đói cỏ/ Những đồi sim không đủ quả nuôi người.
Chế Lan Viên nghĩ về người mẹ kính yêu của mình, từ đó ông mở rộng biên độ ngòi bút: Con đi đi… Từ nay con có Đảng/ Tôi nhìn ra thấy máu thịt quê hương/ Như đang dâng thành núi đọng thành cồn. Quê hương, đất nước và mẹ, kết tinh ở hình tượng Đảng lung linh.
Tác giả trần thuật: Tôi đứng trước Đảng kỳ, rưng rưng mắt lệ/ Phút mơ ước, sao thiếu hình bóng mẹ?/ Giặc bao vây ngăn lối chặn đường/… Mẹ ơi mẹ không là đồng chí/ Nhưng Đảng kỳ đây chính là của mẹ/… Đảng mến yêu có phải mẹ giới thiệu con vào? Thì dường như đó không còn là niềm riêng của một người mà là “tài sản” chung của tất cả những người đồng chí, anh em.
Chế Lan Viên khép lại bài thơ bằng những câu: Tôi đứng dưới cờ, đưa tay tuyên thệ/ Trên đất quê hương mang hình bóng mẹ/ Ngỡ chừng như vừa sinh lại lần đầu/ Đảng trở thành nơi cắt rốn chôn rau. Hơn cả mọi điều, nhà thơ gói ghém lòng mình, nói được cái điều thiêng liêng nhất. Và đó cũng chính là đích mà tác giả nhắm đến. Nhiều chục năm đã lùi lại phía sau, song bài thơ xuất sắc “Kết nạp Đảng trên quê mẹ” vẫn còn vẹn nguyên giá trị nghệ thuật. Mỗi lần được nghe NSND Châu Loan cất lời “Giã mẹ ra đi kháng chiến bốn phương trời. Kết nạp Đảng, bỗng quay về quê mẹ…” trên Đài Tiếng nói Việt Nam, có biết bao thính giả lặng người, không cầm nổi nước mắt, bởi họ cảm nhận như mình cũng có một phần trong đó. Chất giọng Huế độc đáo của nữ nghệ sĩ vang ngân, xoáy sâu vào lòng người, tạo nên luồng sóng đồng điệu và có sức lay động khôn cùng. “Đảng trở thành nơi cắt rốn chôn rau”! Sự kỳ diệu của thi ca, rất đỗi thiêng liêng và xúc động.
Thêm trường hợp nhà thơ Nguyên Hồ (1929-2014) với “Bài ca dâng Đảng”. Hoạt động trên lĩnh vực văn hóa, người con quê hương Phú Yên tập kết ra miền Bắc, có nhiều đóng góp cho mảng truyện thơ. Đây là tác phẩm được ông dồn tâm huyết thực hiện nhân kỷ niệm 40 năm thành lập Đảng. Ra đời sau khi đã có “Ba mươi năm đời ta có Đảng” của Tố Hữu lừng lững như một “ngọn núi lớn”, quả là một thách thức không hề nhỏ, song với tất cả tấm lòng nhiệt thành của một người cầm bút, trước hết là một đảng viên, Nguyên Hồ vẫn chọn được nẻo đi riêng. Tập diễn ca với 814 câu, được cả hai tờ báo lớn là Nhân Dân và Quân đội nhân dân dành trang 2 và trang 3 để in trọn vẹn. Riêng báo Tiền phong cho đăng tải tác phẩm này trên bốn số liên tiếp. Ngày ấy, ngoài việc được phát trên Đài TNVN, thì Tổng cục Thông tin còn cho triển khai đọc chậm trên làn sóng điện để đồng bào, đồng chí miền Nam có thể tiếp nhận được.
Liền đó, “Bài ca dâng Đảng” được Nhà xuất bản Phổ thông ấn hành 100.000 bản sách. Bấy giờ, đây là một sự kiện trong đời sống văn hóa. Giọng thơ Nguyên Hồ lành hiền, chân chất như chính con người ông vậy. Nhà thơ nồng nhiệt ngợi ca. Đời chúng ta từ khi có Đảng/ Ta theo đường cách mạng tiến lên/ Ánh hào quang Mác - Lênin/ Đảng ta mãi mãi soi trên đất nhà/ Rõ thù, rõ bạn, rõ ta/ Sắc riêng thắm sắc, hương hòa hương chung/ Dân ta theo Đảng đến cùng/ Đèo cao, suối lũ, muôn trùng quản chi/ Từng cung, từng đoạn ta đi/ Ngực cài hoa đỏ, sử ghi chữ vàng/ Cành gian khổ, trái vinh quang/ Vườn ươm thủa trước, đại ngàn hôm nay/ Từ trong thăm thẳm đêm dày/ Bốn mươi năm đã tỏa đầy ánh dương.
Đoạn thơ trên được nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát, vị Chủ tịch đầu tiên của Hội Nhạc sĩ Việt Nam phổ nhạc, với tiêu đề “Từ khi có Đảng”. Và ca khúc ấy đăng trên báo Nhân Dân, đồng thời được tuyển chọn in trong tập bài hát “Chào mừng Đảng Lao động Việt Nam” do Nhà xuất bản Văn hóa ấn hành năm 1970.
Trở lại với nhà thơ Tố Hữu, xin được dẫn đoạn kết trong bài “Với Đảng, mùa xuân” của ông để khép lại bài viết này.
“Lịch sử sang trang.
Đại hội Đảng mở mùa vui. Phơi phới
Từ chiến trường ra, ta xốc tới công trường
Người chiến thắng là người xây dựng mới
Anh em ơi/ Tất cả lên đường”.
TP. Hồ Chí Minh, 2-2-2021