Nhà thơ Đoàn Vị Thượng, tác giả bài thơ ‘Bụi phấn’, vừa qua đời trưa mùng 5 Tết Tân Sửu sau một thời gian chống chọi bạo bệnh ung thư phổi, hưởng thọ 63 tuổi.

 

Nhà thơ Đoàn Vị Thượng là một gương mặt thi ca quen thuộc với công chúng. Nhà thơ Đoàn Vị Thượng sinh năm 1959 tại Quảng Ngãi, bắt đầu nổi tiếng từ thập niên 80 của thế kỷ trước, với bài thơ “Bụi phấn”.

Có hơn 10 năm làm giáo viên tiểu học ở quận 11 - TPHCM trước khi chuyển sang làm báo, nhà thơ Đoàn Vị Thượng đã gửi vào bài thơ “Bụi phấn” nhiều tâm tư: “Như khi lăn ngón tay tròn trên chứng minh thư. Tự hào với xứ sở, đất đai mình là người công dân trung thực. Làm sao nhớ rõ viên phấn nào đã hằn dấu tay tôi lần thứ nhất. Trước các em, cho đến sáng thu này? Viên phấn ơi, sao chỉ nhỏ và gầy. Như một ngón tay trong bàn tay tôi đấy. Nào ai nỡ đánh rơi giữa chừng hay tính toan bẻ gãy. Sợ năm ngón tay kia thôi sẽ hết hồng”.

Bài thơ “Bụi phấn” vừa xuất hiện, đã nhận được sự đồng cảm sâu sắc của nhiều thế hệ gắn bó với mái trường. Bộ trưởng Bộ Giáo dục Đào tạo lúc ấy là bà Nguyễn Thị Bình đã trao tặng bằng khen cho nhà thơ Đoàn Vị Thượng vì giá trị bài thơ “Bụi phấn” cổ vũ tinh thần cho giáo viên và học sinh Việt Nam trong bối cảnh đất nước gặp nhiều khó khăn sau ngày thống nhất.

Thế nhưng, nhà thơ Đoàn Vị Thượng không chỉ có bài thơ “Bụi phấn”. Ông vẫn lặng lẽ viết những vần điệu tha thiết giữa nhọc nhằn áo cơm: “Xin lỗi em, vì một lý do nào. Em sẽ chẳng dừng chân nơi tôi đang đứng đợi. Thì lúc ấy - Vẫn xôn xao lá mới. Hàng cây kia đang hồi hộp ngóng chờ. Cây thẳng thắn chưa tin điều phản bội. Tôi có gì em đến nỗi làm ngơ”.

Nhà thơ Đoàn Vị Thượng có lối sống hiền hậu và khiêm nhường. Vì vậy, ông ngại bon chen chốn danh lợi. Ông chỉ cao hứng ngồi nhâm nhi và ca hát với bạn bè, và một trong những giây phút ấy được ông ghi lại thành thơ: “Bolero của chúng ta/ Đẫm bao máu lệ quê nhà long đong/ Có người nón sắt chết sông/ Có người mũ cối mất trong rừng già/ Bolero đệm đời ta/ Đêm tình yêu với quê nhà mênh mông/ Ô kìa, bạn hát vừa xong/ Mà bao nốt lặng trong lòng còn ngân/ Ta thèm mặc áo bình dân/ Bolero hát chia phần khổ vui”.

Nghỉ hưu chưa được bao lâu, nhà thơ Đoàn Vị Thượng phát hiện bị ung thư phổi. Anh ruột của ông là nhà thơ Từ Nguyên Thạch đã gom góp bản thảo em trai để xuất bản tập “Thơ Đoàn Vị Thượng” gồm 63 bài.

Trong tập “Thơ Đoàn Vị Thượng”, công chúng được nhận diện đầy đủ thành quả cặm cụi sáng tạo cả đời của nhà thơ Đoàn Vị Thượng. Những dòng thơ nhỏ nhè và trầm lắng của Đoàn Vị Thượng vừa như tiếng thở dài vừa như lời động viên: “Và tôi nghĩ đến ngày mai. Hàng cây kéo miết đường dài sẽ qua. Bụi mù bám cháy bông hoa. Tiếng chim gợi nỗi nhớ nhà mênh mông. Vâng, rằng khi đã lọt lòng. Đứng lên và bước. Mắt không ngó về. Vâng, từ khi phải rời quê. Nón bay ngược gió. Vẫn lê đôi giày. Tôi còn hẹn với trời mây. Tôi còn hẹn với sông đầy, biển xa. Tôi còn hẹn với người ta. Gặp nhau lạ mặt vẫn là anh em…”.

Lúc 11h5’ ngày 16/2 (mùng 5 Tết Tân Sửu) nhà thơ Đoàn Vị Thượng đã vẫy tay từ giã nhân gian để về miền xa thẳm, như câu thơ ông tiên liệu: “Khi vùi mình xuống đất đen. Mộ phần tôi sẽ đắp thêm đường dài”.

                                TUY HÒA