Tôi đến thăm Nguyễn Huy Thiệp khi gia đình ông vừa lo xong tang lễ cho vợ ông, bà Nguyễn Thị Trang. Căn nhà trở nên lạnh vắng. Nguyễn Huy Thiệp nằm đó, trên chiếc giường mỏng, cơ thể ông tựa hồ cũng mỏng như một chiếc lá rơi lút xuống chăn đệm. Mắt ông nhắm nghiền... hơi thở nặng nhọc... và may mắn vô cùng khi ông vẫn nhận ra tôi.
Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp: Lặng im trong cõi
NHƯ BÌNH
1.
Tôi ngồi bên ông trong một buổi sáng Hà Nội lạnh giá. Sau chút bừng giấc ngắn ngủi đủ để nhận ra bạn bè, Nguyễn Huy Thiệp lại rơi vào cõi u mộng…
Đã lâu lắm tôi mới lại đến nhà Nguyễn Huy Thiệp. Ngôi nhà gợi nhớ cho tôi biết bao kỷ niệm hồi tôi mới chuyển ra Hà Nội công tác. Không thể nhớ nổi, 19 năm trước, từ duyên cớ nào để tôi trở thành người bạn nhỏ được vợ chồng ông (anh Thiệp và chị Trang) trìu mến yêu thương.
Thời gian, và những đổi thay, những va đập của đời sống đã lấy đi không chỉ của Nguyễn Huy Thiệp, của mỗi người trong cõi nhân gian này trong đó có tôi nữa biết bao nhiêu ký ức. Mất trí nhớ là mất đi ký ức. Nhưng may mắn là những ngày tháng đẹp đẽ trong căn nhà của anh chị, tôi không thể nào quên.
Tôi thường hay đi xe máy qua nhà anh chị. Phố Bùi Xương Trạch và ngôi nhà số 77 của anh nằm ngoằn ngoèo sâu tít tắp trong trí nhớ tồi tệ của tôi. Hồi đó ngõ nhà anh rất sâu, cổng gỗ cũ kỹ. Từ ngõ đi vào nhà là một lối nhỏ sâu, hai bên là khu vườn rộng trải ra cơ man rau xà lách, su hào, cải thìa xanh mướt mát. Nhà anh nằm phía sâu khu vườn, cây cối nhiều và đất rộng rãi. Ở trong vườn có đặt một bức tượng Quan Thế Âm màu trắng rất to.
Mỗi lần đến, tôi thường đứng ngoài ngõ thò cổ gọi với vào: “Anh Thiệp ơi! Anh Thiệp ơi”. Một lúc đã thấy anh rù rì xách chùm chìa khóa ra ngõ với ánh mắt lấp lánh niềm thân thiện.
Anh Thiệp lúc đó rất nổi tiếng, nhưng cách anh sống và đối xử với mọi người xung quanh lại vô cùng giản dị chân tình. Anh trân quý bạn bè, dù là người bạn nhỏ vô danh mới từ tỉnh lẻ ra như tôi với tất cả sự ấm áp trìu mến. Ngày đó tôi đến nhà anh, hai anh em cứ thế rủ rỉ nói chuyện, rủ rỉ kể việc nọ việc kia hàng giờ.
Tôi kể cho anh nghe công việc làm báo ở tờ An ninh thế giới áp lực ra sao... Anh vừa nghe, vừa động viên tôi, vừa chăm chú làm việc của anh. Hồi đó tôi nhớ anh mua rất nhiều đĩa Bát Tràng về để vẽ. Ngay cái bàn thấp giữa nhà, anh xếp nhiều đĩa gốm lắm, chồng lên thành từng kệ ở căn phòng giữa (nay là chỗ đặt bàn thờ chị Trang, vợ anh).
Tôi ngồi bên anh quan sát hàng giờ anh vẽ gốm và nghe anh kể chuyện về cuốn tiểu thuyết “Tuổi hai mươi yêu dấu”. Tôi cũng chính là một trong những người đầu tiên may mắn có duyên gặp và được anh đưa tập bản thảo cho đọc. Khi đó chưa có nhà xuất bản nào đứng ra in tập tiểu thuyết này. Tôi đọc và thấu hiểu phía sau đó những nỗi đau thầm kín của anh, hiểu tình yêu thương vô bờ bến anh dành cho các con.
Hiểu cách một người cha đã ở tuổi tri thiên mệnh (thời điểm đó) muốn hiểu và hòa nhập với giới trẻ hiện đại, cố gắng để làm bạn cùng con trai mình, dù ở hai thế hệ quá cách biệt nhau. Hiểu cách mà Nguyễn Huy Thiệp muốn thấu hiểu và chia sẻ với thế hệ trẻ, để yêu thương và thứ tha cho những sai lầm của tuổi trẻ nhiều hơn là trách giận. Nguyễn Huy Thiệp không ngại ngần chia sẻ về nguyên mẫu của cuốn tiểu thuyết anh dành nhiều tình cảm này. Cứ thế hai anh em rỉ rả trò chuyện.
Đến trưa tôi cùng chị Trang nấu cơm. Có nhiều hôm tôi ở lại ăn cơm cùng anh chị khi có thêm vài người bạn. Thỉnh thoảng anh Thiệp lại bảo tôi đi ra vườn nơi anh đặt tượng Quan Thế Âm Bồ Tát để lễ. Nguyễn Huy Thiệp quý bức tượng Quan Thế Âm Bồ Tát lắm. Tôi biết anh dày công với bức tượng. Nguyễn Huy Thiệp chia sẻ nhiều về những linh nghiệm mà anh ngẫm lại kể từ khi anh đặt tượng Phật và thờ Phật trong ngôi nhà của mình. Anh nói với tôi về sự linh diệu của Phật pháp, về cõi nhân sinh và sự chuyển hóa trong tâm hồn của mỗi con người khi ngộ đạo.
2.
Có một người quan trọng sau Nguyễn Huy Thiệp mà tôi không thể không nói đến trong ngôi nhà của anh chị. Chị Trang, người vợ hiền thảo tảo tần, một mực đội chồng đội con lên đầu. Là vợ của người nổi tiếng, chị Trang tự nguyện thu mình làm một cái bóng phía sau chồng. Chị yêu thương và chở che chồng theo cách của những người đàn bà Việt mang trong mình một trái tim mênh mông bể cả.
Khách khứa và bạn văn của Nguyễn Huy Thiệp rất nhiều, và tất nhiên trong số đó không ít những người phụ nữ đọc văn anh Thiệp mà mê anh, mà tìm đến thần tượng của mình để được tiếp xúc. Những lần như vậy, chị Trang lui phía sau vườn, không một lần xuất hiện. Chị coi như việc tiếp khách là của riêng chồng mình, và nên chỉ để chồng mình với bạn chồng để họ có không gian riêng tuyệt đối được tôn trọng. Chị lặng lẽ lui phía sau, lặng lẽ với công việc của người đàn bà bếp núc thường nhật.
Mỗi lần đến nhà anh chị, có ra vườn hay xuống bếp chào chị, chị lại giục tôi lên nhà uống trà với anh. Tôi không bao giờ quên được hình ảnh chị Trang với chiếc nón, bộ quần áo làm vườn đơn sơ, bắp chân trắng ngần khi chị lội ra vườn chăm sóc vườn rau.
Chị Trang là người phụ nữ đẹp đoan trang với nước da trắng bóc. Tôi vẫn thường trêu anh Thiệp, so với chị anh kém sắc hơn chị nhiều lắm đấy. Một lần, sau những đận đến nhà chơi và tiếp xúc với anh chị, tôi quyết tâm viết về chị, người đàn bà quý nhân “không tên” của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp.
Lần ấy đến để phỏng vấn chị nhưng chị nhất quyết từ chối. Hôm ấy chị Trang ngồi ở căn bếp ngoài vườn. Chị đội chiếc nón quen thuộc đã cũ, lúi húi quạt than để nướng những cái đầu rắn hổ mang đất (một loại rắn quý và khó tìm nhưng chị vẫn lùng tìm đặt mua bằng được để làm thuốc cho chồng).
Trong câu chuyện tâm sự gan ruột, chị Trang đã kể cho tôi nghe bao nỗi nhọc nhằn khi làm vợ và làm mẹ của nghệ sĩ. Thời điểm ấy nhà văn Nguyễn Huy Thiệp mắc nhiều trọng bệnh.
Ngoài căn bệnh tiểu đường, bệnh virus Ác-tơ rất khổ, Nguyễn Huy Thiệp còn bị căn bệnh tắc nghẽn động mạch vành tim tới 6 chỗ không thể mổ được nữa. Chị Trang đã xuôi ngược chạy thầy chạy thuốc cho chồng không biết bao nhiêu mà kể. Nghe ai mách có thuốc gì hay, chị đều lặn lội tìm mua bằng được.
Riêng việc chị tìm mua mấy chục cái đầu rắn hổ mang đất về và nướng trên than hoa, cạo cái phần da thịt rắn cháy vàng và hòa vào rượu để cho chồng uống đã là một kỳ công mà không phải người vợ nào cũng làm được. Mỗi một cái đầu rắn nướng lên, cạo ra phải mất vài ba tiếng đồng hồ. Mỗi một lần nướng khoảng 5 cái đầu rắn hổ mang đất, chị Trang ngồi bên cạnh lò than từ trưa cho đến tận tối mịt.
Nhiều lúc thương vợ, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp lại ra làm thuốc giùm vợ. Nhưng đàn ông, đang bệnh tật, mấy ai chịu nổi than lửa và ngồi miết cả mấy tiếng đồng hồ như phụ nữ được. Xót xa vợ, Nguyễn Huy Thiệp lại bảo vợ bỏ thuốc đi, đừng cố nữa. Mỗi lần vậy, chị Trang lại thương anh Thiệp nhiều hơn.
Nhớ đến chị Trang lại xót xa thêm bội phần về sự ra đi đột ngột của chị.
Tết năm nay ngôi nhà của gia đình anh Nguyễn Huy Thiệp sẽ buồn thương nhiều hơn khi vắng chị. Đã lâu lắm rồi, cuộc sống cứ cuốn đi, tôi ít có điều kiện và thời gian để qua nhà chơi với anh chị nhưng tôi vẫn hay gặp anh Thiệp ở các sự kiện văn học nghệ thuật, anh em lại ríu rít trò chuyện. Đùng cái nghe tin anh tai biến nặng. Anh xuất viện về nhà, chưa kịp qua thăm anh đã bàng hoàng hay tin chị Trang ra đi.
Giờ đây ngồi bên anh, ngẫm lại kỷ niệm cũ trong không gian xưa cũ này lại thấy ngậm ngùi. Khu vườn rộng của anh chị giờ không còn rộng như xưa nữa, vì cách đây chục năm, anh chị đã bán đi một nửa để lấy tiền xây cất cho hai con trai hai căn nhà riêng đầy đủ tiện nghi.
Hồi anh tổ chức cưới cho con trai thứ, tôi qua nhà dự đám cưới và thăm anh chị, thấy anh quấn quýt cháu nội, rồi lại câu chuyện chia sẻ cứ ăm ắp trào về. Thương anh, thương chị một đời hi sinh vì con, vì cháu. Nhớ những lần qua nhà anh chị, thấy anh Thiệp bế cháu nội và đùa vui với chúng... Rồi nhớ những giọt mồ hôi lặng buồn của chị Trang rơi trên bếp than hồng khi nghĩ về chồng về các con, các cháu... tự dưng mắt tôi cay xè...
Nguyễn Bách, con trai cả của anh Thiệp dẫn tôi tham quan xưởng vẽ. Tôi mừng cho Bách. Dẫu Bách không theo nghiệp bố, nhưng cứ nhìn tranh của anh, xưởng vẽ của anh đã mừng cho Nguyễn Huy Thiệp “hổ phụ sinh hổ tử”.
Viết những dòng này khi cái Tết Tân Sửu cận kề, nghe tin anh Thiệp đang hồi tỉnh lại và khá dần lên, bất giác tôi tin vào những phép nhiệm mầu. Ngoài vườn có Quan Thế Âm Bồ Tát sừng sững. Trên trời cao xa xanh hẳn chị Trang cũng đang từng ngày chăm sóc chồng theo cách riêng của chị. Cầu mong phép mầu để nhà văn Nguyễn Huy Thiệp khoẻ dần lên trong vòng tay chăm sóc của các con. Mong cho mùa xuân đơm những lộc biếc, xua đi những buồn đau của năm cũ trong khu vườn của anh chị.