Giáo sư Trần Đình Sử nhận xét về “Gió bụi đầy trời” của Thiên Sơn: “Cái khó nhất của nhà tiểu thuyết là tái hiện lại được không gian lịch sử của các sự kiện, gồm đường phố, số nhà, biển hiệu quảng cáo, hình thái, đồ dùng, màu sắc. Giá biết tưởng tượng cụ thể cái biệt thự mà Bảo Đại từng ở phố Trần Hưng Đạo - Hà Nội mà tả ra thì hay quá”.

 

GIÓ BỤI ĐẦY TRỜI nhìn từ góc độ tiểu thuyết lịch sử


TRẦN ĐÌNH SỬ


Viết tiểu thuyết lịch sử có cái khó là sự kiện lịch sử, kết cục của nhân vật lịch sử người ta đã biết rồi, cũ rồi, viết sao cho hay, cho mới lạ, hấp dẫn? Nhà tiểu thuyết phải khai mở những vùng khuất, vùng tối, ít người biết rõ để mở rộng tầm mắt cho người đọc. Tiểu thuyết (novel) vốn có nghĩa là “tin mới”, nó phải đem lại cái gì mới lạ cho người đọc.

Thiên Sơn đem đến một cái nhìn rất gần, khá cụ thể, chi tiết cho những sự kiện lịch sử đã quen, đi sâu vào hành trạng và suy nghĩ của nhiều nhân vật lịch sử. Ví như chuyện Phạm Quỳnh có liên lạc với Pháp rồi bị bắt và tử hình, Ngô Đình Diệm bị bắt sau đưa ra gặp Hồ Chí Minh, Trần Văn Giàu sau ra miền bắc và rồi sang Thái Lan lo về kinh tế cho đảng. Các hoạt động chia rẽ, bè phái, phá hoại trắng trợn của các lãnh tụ Quốc dân đảng, bộ mặt kiêu ngạo và nhếch nhác của các tướng Lư Hán, Tiêu Văn, Tưởng Giới Thạch. Bộ mặt đầy hiếu chiến của các tướng Pháp Jean Sainteny, d'Argenlieu, Leclerc. Thái độ của Bảo Đại trước và sau khi thoái vị và làm cố vấn cho chính phủ. 

Nổi bật hơn cả là hoạt động liên tục, căng thẳng của lãnh tụ Hồ Chí Minh trên tất cả mọi mặt để chèo lái con thuyền Việt Nam vượt qua cơn sóng gió lịch sử, hình ảnh của Trần Văn Giàu, của Lê Duẩn, Võ Nguyên Giáp làm thành nội dung chủ yếu của cuốn tiểu thuyết. Toàn bộ các chi tiết đó làm nên nội dung lịch sử mới mẻ, hấp dẫn, thành công đáng đọc của cuốn tiểu thuyết của Thiên Sơn. Tác giả có thể có căn cứ riêng của mình dể tái hiện các sự thật lịch sử, Nhưng có thật Phạm Quỳnh đã bắt tay với Pháp không? Hay đây là một giả thuyết?

Tiểu thuyết lịch sử ở đây giống như một cuốn dã sử, một truyền thuyết được sáng tác, bổ sung cho chính sử. Nhưng tiểu thuyết cần nhiều chi tiết loại giai thoại như chi tiết về Lý Lệ Hà của Bảo Đại thì thêm hấp dẫn. Hồi bé tôi đã nghe người Việt gọi quân Tàu Tưởng là “quân Tàu ô”, đói khát, ghẻ lở, nhiều tên chống gậy sang Việt Nam kiếm ăn. Nếu có thêm một vài chi tiết về đội quân đói khát, bẩn thỉu này thì tiểu thuyết càng hay.

Tác phẩm đã tái hiện hàng loạt cuộc thoại, trong đó các nhân vật lịch sử nổi tiếng đã nói những lời bất hủ, nhưng dù sao đó cũng chỉ là tưởng tượng, mô phỏng, tuy chưa phải là lời của sự thật, nhưng đã tái hiện được giọng điệu, nhiệt tình và tính cách của nhân vật lịch sử. Nhưng những lời ấy phần nhiều giống nhau, ít cá tính. Miêu tả ít quá, nhiều nhân vật hầu không hề có chân dung, dù chỉ là chấm phá. Phải có chân dung mới thực sự phân biệt nhân vật tiểu thuyết với nhân vật của sách lịch sử. Ảnh nhân vật lịch sử đã có nhiều, nhưng chúng bất động, nhà tiểu thuyết có thể làm cho chúng sinh động lên.

Cái khó nhất của nhà tiểu thuyết là tái hiện lại được không gian lịch sử của các sự kiện, gồm đường phố, số nhà, biển hiệu quảng cáo, hình thái, đồ dùng, màu sắc. Giá biết tưởng tượng cụ thể cái biệt thự mà Bảo Đại từng ở phố Trần Hưng Đạo - Hà Nội mà tả ra thì hay quá. Cái ôtô mà các nhân vật lịch sử đã đi là loại gì. Thời ấy có thể thịnh hành loại Citroën đen. Giống ngư sau năm 1954 chỉ có xe Pobeda và xe Moskovich. Tuy có những cố gắng, song người ta vẫn thấy cái không gian trừu tượng bao bọc lấy nhân vật. Người đọc chưa thể tưởng tượng cùng nhà văn để hồi tưởng lại những sự kiện lịch sử tại thủ đô rất gần gủi thân thương này. Không gian có tính lịch sử khônglặp lại. Có thể việc sưu tầm các bức ảnh cũ sẽ giúp tác giả tái hiện các không gian tiểu thuyết được săc nét hơn. Thời gian lịch sử đánh dấu bằng gì? Nó đánh dấu trước hết bằng những con người, danh hiệu, ăn mặc, việc làm, khẩu hiệu, tiếng hát, bài hát thịnh hành. 

Chẳng hạn viết về sự kiện những ngày tháng Tám ở Huế không thể bỏ qua hoạt động của đội thanh niên tiền tuyến, chính họ tham gia treo cờ trên Ngọ môn ở Huế ngày Bảo Đại thoái vị 30 tháng 8 năm 1945. Tôi có ông anh họ trong đội thanh niên này, sau này là đại tá quân đội nhân Việt Nam, từng là Viện trưởng Viện hóa học quân đội, lúc ấy là thanh niên tiền tuyến, đã vào thành nội lấy con ngựa trắng to cao cưỡi về nhà tôi ở Cửa Nhà Đồ. Bản thân tôi đã cùng thân phụ đứng dưới ngọ môn chứng kiến buổi lễ đó.Bài hát rộn rànglúc ấy ở Huế là bài Thanh niên hành khúc của Lưu Hữu Phước. Tôi nói, đây là loại chi chi tiết tạo không khí của đời sống và thời đại.

Nhịp độ trần thuật của tiểu thuyết quá nhanh, nó có thể phản ánh nhịp độ khẩn trương của lịch sử, nhưng đã thế thì khó có có thể giúp người đọc cùng tư duy với sự kiện lịch sử.

Tiểu thuyết lịch sử đòi hỏi sử dụng ngôn ngữ lịch sử. Mỗi thời có những cách nói, những lớp từ vựng đặc trưng cho thời ấy. Chẳng hạn sau 1954 thịnh hành từ Bách hóa tổng hợp để chỉ của hàng bách hóa, cửa hàng mậu dịch. Nay thì các từ từ đó đã chết, thay vào đó là những từ như Metro, Bic C, Vinmarg. Nhưng nếu muốn tái hiện thời ấy thì phải nói đến của hàng bách hóa chứ không thể gọi môt cách khác.

 Xét theo góc độ này thời tiểu thuyết của Thiên Sơn vẫn còn đưa một số từ đương đại vào miệng người kể chuyện hoặc miệng của nhân vật. Một nhân viên gọi Lê Duẩn thời 1945 bằng từ “thủ trưởng”, tôi cho là không đúng. Từ ấy chỉ mới có sau năm 1950 khi chuyên gia quân sự TQ sang Việt Nam. Hoặc Bảo Đại nói từ “chuyển giao quyền lực”, tôi nghĩ hồi đó chưa có thuật ngữ này. Hoặc vào ngày Bảo Đại thoái vị,Tố Hữu đã nói tới “thời kì bị ngoại bang thống trị” tôi nghĩ từ ngoại bang lúc ấy cũng chưa nói như thế, người ta chỉ nói từ đô hộ. Từ thống trị phải vào thời sau này mới nói. Trích Kiều cũng nên chính xác. Ví như câu “Trời còn để có hôm nay, Tan sương đầu ngõ vén mây giữa trời”, chứ không phải Dang tay đầu ngõ…. Trường Chinh nói với Võ Nguyên Giáp dùng từ “cập nhật” cũng mới quá. Đó là những ví dụ rất it ỏi, nghĩa là nói chung ngôn ngữ của Thiên Sơn khá tốt, các tì vết hi hữu thôi, nhưng nên sửa.

Tiểu thuyết lịch sử của Thiên Sơn chỉ toàn là nhân vật lịch sử có thật, nhân vât phụ được hư cấu hầu như không có. Tôi nghĩ tiểu thuyết lịch sử cũng cần có những nhân vật phụ, hư cấu, có thể là vô danh, để đáp ứng nhu cầu miêu tả nghệ thuật và làm tăng thêm chất tiểu thuyết, chúng góp phần truyền đạt cách cảm nhận của người đương thời, điều mà nhân vật lịch sử không làm được. Nếu chỉ nhân vât lịch sử chay thì ít có không khí của đời sống lọt vào.

Có thể nói, theo ý của tôi, đây là một tiểu thuyết công phu, có giá trị, nhưng chưa phải là tiểu thuyết hoàn hảo. Nều tác giả có thể chỉnh sửa từ ngữ, bổ sung thêm một số chi tiết thì sẽ hấp dẫn hơn.