Tác giả nhí - Cao Khải An 12 tuổi, con trai của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, vừa ra mắt cuốn sách “Chuyện của Bắp ăn mơ và xóm Đồi Rơm” do Nhà xuất bản Kim Đồng ấn hành.

 

Tác giả nhí Cao Khải An là con trai thứ hai của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư. Khác với người mẹ bắt đầu cầm bút trong hoàn cảnh chật vật của thập niên cuối thế kỷ 20, tác giả nhí có điều kiện thuận lợi hơn để sáng tạo. Trên nền tảng gia đình với người cha thành đạt trong nghề kim hoàn và người mẹ nổi danh văn đàn, Cao Khải An tìm đến trang viết khá ngẫu nhiên.

Cao Khải An vốn là một cậu bé chỉ thích trồng cây, chơi đàn piano và tán gẫu với người già. Cao Khải An không hề có hứng thú đọc sách, và cũng chẳng mấy để tâm đến những tác phẩm xôn xao dư luận của mẹ mình. Thế nhưng, khi đại dịch Covid-19 bùng phát vào tháng 3/2020, Cao Khải An suốt ngày ở nhà cảm thấy buồn nên thử đọc vài cuốn truyện thiếu nhi và thử viết giống như họ.

Chắp nối những tình huống xung quanh mình, cộng thêm trí tưởng tượng, Cao Khải An hoàn thành tác phẩm Chuyện của Bắp ăn mơ và xóm Đồi Rơm” trong vòng 6 tháng. Cao Khải An đưa bản thảo nhờ mẹ đọc. Lướt qua trang viết của con trai, cũng thấy thú vị, nhưng vẫn sợ sự chủ quan cảm tính “con hát, mẹ khen hay” nên nhà văn Nguyễn Ngọc Tư đã chuyển cho đồng nghiệp thân thiết cùng xứ Cà Mau thẩm định.

Sau khi đọc “Chuyện của Bắp ăn mơ và xóm Đồi Rơm”, nhà văn Lê Minh Nhựt bình phẩm: “Xóm Đồi Rơm ở đâu ta? Hỏi vậy là bởi chỉ vừa mới dạo một vòng trong xóm thì đã nhận ra cảnh trí này quen thuộc lắm, từ Bắp chuyên nghề ăn mơ - cái đứa mà tôi có lần dẫn vào khu vườn hoang trong xóm để nhặt nhạnh những gì còn sót lại của khu vườn, đứa mà đến bầy muỗi đói cũng không thèm chích trong khi tôi bị chúng bu như vãi trấu; cho đến tụi bạn của nó… tất cả đều quen, cứ như tôi từng là một trong những đứa trẻ của xóm Đồi Rơm ấy, cùng chung một giấc mơ, chỉ có điều bây giờ tôi trót tỉnh. Rồi bao ngờ ngợ lập tức tan biến khi tôi tóm được già Đặt Đi - ông già mà tôi có không ít lần trêu ghẹo và bù khú cùng, chính lúc ấy, thói quen xác tín lập tức trỗi dậy và trước mắt tôi hiện ra gương mặt một cậu bé trắng trẻo với đôi má phúng phính ngồi trước chiếc đàn dương cầm và dạo cho tôi biết giai điệu của Hành khúc Thổ Nhĩ Kỳ”.

Sẵn dịp đang có cuộc vận động sáng tác cho thiếu nhi mang tên Giải thưởng Dế Mèn do báo Thể Thao & Văn Hóa đăng cai, Cao Khải An liền gửi “Chuyện của Bắp ăn mơ và xóm Đồi Rơm” đi ứng thí. Kết quả, tác phẩm của Cao Khải An được trao giải “Khát vọng Dế Mèn”. Lấy cớ “Truyền thuyết của bà ngoại”, Cao Khải An đã tự giới thiệu về mình theo kiểu trào lộng để mở đầu tác phẩm: “Sanh ở trong Thùng Rác, có kèm theo một tờ giấy, ghi là sanh vào ngày 25 tháng 1 năm 2009. Và con được ba má nhặt về, tắm một ký xà bông còn chưa hết hôi thúi”

Với tư cách Trưởng ban giám khảo Giải thưởng Dế Mèn, nhà thơ Trần Đăng Khoa đã đánh giá “Chuyện của Bắp ăn mơ và xóm Đồi Rơm” bằng tất cả sự hào hứng: “Cao Khải An đã viết những mẩu chuyện nhỏ khôi hài, đôi khi rất… lơ tơ mơ về những chuyện xảy ra quanh mình. Điểm rất mạnh và gây bất ngờ ở cậu bé 12 tuổi này là vốn sống dồi dào, chữ nghĩa phong phú, chất Nam Bộ đậm đà. Việc một chú bé sáng tác theo kiểu hiện thực, tức là bắt rễ vào trong đời sống của chính mình để viết là một xu hướng đáng khuyến khích trong bối cảnh mà nhiều tác giả thiếu nhi viết văn theo xu hướng giả tưởng.

 


Với dung lượng 100 trang sách, Chuyện của Bắp ăn mơ và xóm Đồi Rơm là một liên truyện với 9 truyện ngắn. Xuyên suốt các câu chuyện là nhân vật Bắp cùng những người thân thương được thể hiện qua góc nhìn hóm hỉnh, tự nhiên, nhưng cũng thật sâu sắc và thông minh của cậu bé.

Mạch truyện nhanh, dồn dập với nhiều tình huống bất ngờ. Khi thì Bắp nhốt ông ngoại trong buồng rồi mang bộ trống quẳng xuống mương, do trưa nào ông ngoại Bắp cũng đánh trống làm ồn cả xóm. Khi thì Bắp bị rết cắn chân sưng chù vù mà tưởng bị ung thư sắp chết đến nơi. Cậu liền làm di chúc chia sẵn gia tài của mình: Ngày giỗ và ngày Quốc tế thiếu nhi, mọi người hãy nhớ cúng cho Bắp một kí bò Kobe. Hay để khác biệt với đám đông, Bắp tự lột sạch quần áo, đi ra ngoài đường đứng 

Làm đầy mạch truyện, không khí truyện, là giọng văn tỉnh queo, lí lắc, tưng tửng, nhưng cũng đầy ắp tình cảm mộc mạc của nhân vật. Mới đọc, có người sẽ khó tin đây là văn phong của tác giả 12 tuổi. Tuy nhiên, phải là tác giả nhí thì mới có thể viết như vậy. Trí tưởng tượng và cách kể tự nhiên, không có sự toan tính, e dè hay sắp đặt vẫn thường thấy trong văn của người lớn. Các câu chuyện hiện lên như chính nghĩ suy trong trẻo, như sự vận động ngây thơ của thế giới trẻ nhỏ.

Với “Chuyện của Bắp ăn mơ và xóm Đồi Rơm” do Nhà xuất bản Kim Đồng vừa ấn hành, tác giả nhí Cao Khải An đang bộc lộ năng khiếu thiên bẩm để nối nghiệp mẹ. Thế nhưng, nhà văn Nguyễn Ngọc Tư lại thổ lộ: Tôi không ngăn cản con viết, nhưng việc con trở thành nhà văn nổi tiếng hay không phụ thuộc vào con, chứ không liên quan tới những hi vọng của tôi./.

                         NNVN