Đạo diễn Xuân Phượng với cuốn hồi ký “Gánh gánh gồng gồng” ấn hành vào tháng 9/2020, sau khi nhận giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam lại được nhận giải thưởng Hội Nhà văn TPHCM.

 

Đạo diễn Xuân Phượng là một gương mặt nữ hiếm hoi làm phim tư liệu chiến tranh tại nước ta. Thế nhưng, nghề làm phim chưa hẳn đã giúp đạo diễn Xuân Phượng có được những trang văn thấm thía, mà chính cuộc đời nhiều trải nghiệm của bà mới thăng hoa giá trị văn chương.

Đạo diễn Xuân Phượng sinh năm 1929 tại Huế. Sau khi chứng kiến chế độ phong kiến kết thúc ở cửa Ngọ Môn vào năm 1945, cô gái 16 tuổi Nguyễn Thị Xuân Phượng bắt đầu tham gia cách mạng. Những thăng trầm gần một thế kỷ, khiến bà trở thành một pho lịch sử thú vị của Việt Nam hiện đại

Đạo diễn Xuân Phượng từng làm nhiều công việc khác nhau, từ nhân viên chế tạo thuốc nổ đến ở chiến khu Việt Bắc đến trưởng phòng khám nhi Ba Đình- Hà Nội, từ cán bộ phiên dịch đến nhà sưu tập tranh. Tương tự, trong lĩnh vực truyền thông, đạo diễn Xuân Phượng cũng kinh qua từ báo Công Tác Thóc Gạo đến Đài Truyền hình TPHCM.

Hồi ký “Gánh gánh gồng gồng” của đạo diễn Xuân Phượng, được viết vào tháng 3/2020, thời điểm dịch Covid-19 khiến xã hội phải thay đổi cách sinh hoạt. Hồi ký “Gánh gánh gồng gồng” dày hơn 300 trang, kể lại hành trình dấn thân kỳ diệu của một phụ nữ gốc gác cố đô trong khói lửa, trong đói nghèo, trong chia ly, trong đoàn viên, trong mất mát… với những sự chịu đựng và sự vươn lên đáng khâm phục.

Cái hay của hồi ký “Gánh gánh gồng gồng” không phải nằm ở văn chương, mà nằm ở cuộc đời tác giả. Nói cách khác, cuộc đời đã hắt ánh sáng lên trang sách, và đem lại cho độc giả ấn tượng được sẻ chia, được thấu hiểu, được cảm thông.

Hồi ký “Gánh gánh gồng gồng” được Nhà xuất bản Văn Hóa - Văn Nghệ cấp phép vào tháng 9/2020. Cuối tháng 10/2020, Hội Nhà văn Việt Nam đã trao giải thưởng văn xuôi thường niên cho “Gánh gánh gồng gồng”, khiến tác phẩm được tái bản vào tháng 11/2020.

Bây giờ, “Gánh gánh gồng gồng” lại được Hội Nhà văn TPHCM trao giải thưởng, tiếp tục đánh động dư luận. Tuy nhiên, hiện tại “Gánh gánh gồng gồng” muốn tái bản để phục vụ bạn đọc, có lẽ phải xin giấy phép ở đơn vị có thẩm quyền khác, vì Nhà xuất bản Văn Hóa - Văn Nghệ đã tạm đình chỉ hoạt động để chờ sáp nhập vào Nhà xuất bản Tổng hợp TPHCM. 


Nguồn: Nông Nghiệp VN