20 năm qua, Trần Tiến đã 8 lần "thập tử nhất sinh" ở Vũng Tàu nhưng lần nào anh cũng "nhất sinh" tươi tắn trở lại… Lần gần nhất tin anh chết mới xuất hiện trong ngày 19/1/2021, thì 22/1/2021 anh đã có mặt với nụ cười sau bộ ria quen thuộc trong cuộc họp báo ở Hà Nội

 

 

TRẦN TIẾN VÀ NHỮNG LẦN CHẾT ĐI SỐNG LẠI

NGUYỄN THẾ KHOA

 

Chỉ trong thời gian mấy tháng từ nửa cuối năm 2020 đến 1/2021, nhạc sĩ Trần Tiến những hai lần chết đi sống lại trên báo chí và mạng xã hội. Kể ra nhìn lại cuộc đời của vị nhạc sĩ được yêu mến bậc nhất của âm nhạc Việt Nam, thì chuyện này cũng thường. Người ta từng nhiều lần định giết anh trong cuộc đời thật cũng như tin đồn, nhưng lần nào Trần Tiến cũng thoát hiểm ngoạn mục và xuất hiện trở lại sưng mãn, mới mẻ, rực rỡ hơn trước nhiều.

Thời trẻ, bản lý lịch "đen" tưởng đã mãi giam chân chàng trai Trần Việt Tiến ở lại trên cánh đồng Phủ Quốc bên chùa Thầy, xứ Đoài, không hy vọng được học hành hay ca hát xa hơn ở bất kỳ đâu. Nhưng anh đã thoát được nghịch cảnh bằng cách xin làm chân hậu đài bốc vác cho Đoàn ca múa Hà Nội, một vị trí chẳng ai thèm "soi" lý lịch rồi bất ngờ ngoi lên thành một ca sĩ kiêm nhạc sĩ rất được yêu mến nơi tuyến lửa khu 4 và Trường Sơn với hai bài hát nổi tiếng thời ấy do anh vừa sáng tác vừa đàn hát là “Thanh niên ra tiền tuyến” và “Cô gái Sầm Nưa”.

Hai bài hát được giải nhất trong cuộc thi “Tiếng hát át tiếng bom”. Thế là từ "cõi chết" Trần Tiến đã "trở về chói lọi", và được chính thức về học Trường Âm nhạc VN. Năm 1978, sau khi tốt nghiệp, Trần Tiến tưởng đã cất cánh bay xa với hàng loạt ca khúc rất "hot" như “Giai điệu tổ quốc”, “Vết chân tròn trên cát”, “Điệp khúc tình yêu”, “Chiếc vòng cầu hôn”, “Mặt trời bé con”… Nhưng không hiểu vì sao những người có trách nhiệm lại cho đó là các bài hát có vấn đề và cấm phổ biến.

Trần Tiến lần đầu tiên suýt bị dìm chết vì những bài hát của mình. Nhưng chàng nhạc sĩ kiêm ca sĩ bom đạn Mỹ đánh không chết này, dễ gì gục ngã như thế. Cấm các bài ấy, anh lại có ngay hàng loạt bài khác hay không kém và còn hay hơn: “Tạm biệt chim én”, “Sao em nỡ vội lấy chồng”, “Ngọn lửa cao nguyên”, “Tóc gió thôi bay”, “Thành phố trẻ”, “Mùa xuân gọi”… Thế là Trần Tiến từ một nhạc sĩ nhiều nghi vấn lại tỏa sáng rực rỡ tại TPHCM với danh hiệu 1 trong những nhạc sĩ được yêu thích nhất sau 10 năm giải phóng.

Tiếng tăm đang nổi như cồn đúng lúc đất nước bước vào đổi mới, Trần Tiến thành lập ban nhạc rock Đen Trắng chơi nhạc rock chính trị với hàng loạt ca khúc tràn đầy tinh thần glanost và perestroika như “Trần trụi 87”, “Ý nghĩ trong phòng hải quan”, “Đồng hồ”...

Vì sự "cầm đèn chạy trước ô tô", Trần Tiến bị coi là kêu gọi bạo loạn, suýt bị công an TPHCM bắt giam nếu anh không nhanh chân chạy ra Hà Nội kêu cứu Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh và được ông Linh giải oan bằng một kết luận: “Trần Tiến không kích động bạo loạn. Trần Tiến kích động lòng yêu nước”.

Thoát tù tội trong gang tấc, Trần Tiến không dại chơi rock chính trị đầy bất trắc nữa, anh trở về với nhạc pop mang âm hưởng dân nhạc các dân tộc VN mà mình đã bắt đầu từ “Sao em nỡ vội lấy chồng” với hàng loạt bài hát tuyệt hay “Tiếng trống Paranưng”, “Ngựa ô thương nhớ”, “Ngẫu hứng sông Hồng”, “Giấc mơ Chapi”, “Chuyện tình thảo nguyên”, “Tùy hứng lý qua cầu”… Thời gian này ông đã tranh thủ ghé qua Nha Trang dựng cho đoàn Hải Đăng ba ca khúc “Tiếng trống paranưng”, “Ngựa ô thương nhớ” và “Ngẫu hứng sông Hồng” làm ba tiết mục "đinh" để chúng tôi đem sang biểu diễn rất thành công ở Liên xô.

Những năm 1990, Trần Tiến lập ra ban Du ca đồng nội với hai thành viên chính là anh và ca sĩ Hồng Ngọc, cùng chiếc đàn ghita và chiếc xe Jeep mui trần đi hát rong xuyên Việt các bài hát của riêng Trần Tiến. Nhạc sĩ Dương Thụ từng nhận xét Trần Tiến là một nhạc sĩ được trời sinh để làm kẻ du ca. Tuy vậy, Du ca đồng nội đang hoạt động ngon trớn thì vướng thị phi về tiền bạc và tình ái.

Thế là toang giấc mộng du ca. May mà Trần Tiến đã trở về nguyên vẹn với gia đình từ những năm 2000, lặng lẽ sống ở Vũng Tàu và viết hàng trăm bài hát mới, viết sách rất hay về Hà Nội, làm các show diễn chấn động cùng ông anh Trần Hiếu và cô cháu Trần Thu Hà.

20 năm qua, Trần Tiến đã 8 lần "thập tử nhất sinh" ở Vũng Tàu nhưng lần nào anh cũng "nhất sinh" tươi tắn trở lại. Chỉ vì một cơn bạo bệnh từ giữa năm 2020 mà Trần Tiến đã kiên cường chiến đấu vượt qua ngoạn mục, thì để câu view và bán báo mà mạng xã hội và vài tờ báo lại đã hai lần "giết" Trần Tiến trong vòng vài tháng.

Lần gần nhất tin anh chết mới xuất hiện trong ngày 19/1/2021, thì hôm 22/1/2021 anh đã có mặt với nụ cười sau bộ ria quen thuộc trong cuộc họp báo ở Hà Nội về chương trình ca nhạc mang tên “Chuyện tình” gồm các nhạc phẩm của Trần Tiến - Thanh Tùng.

Trần Tiến là vậy, sau mỗi lần chết hụt vì tai nạn thật hay tin đồn giả thì bao giờ anh cũng "sống lại" một cách tươi vui, hóm hỉnh, mới mẻ.

Có một thời ở TPHCM, người ta từng đồn Thanh Tùng và Trần Tiến là hai nhạc sĩ quyết không đội chung trời như rừng không thể có hai cọp. Thanh Tùng đã đi xa mấy năm, bây giờ các đồng nghiệp trẻ mời Trần Tiến lại ra Hà Nội vào đầu tháng Ba tới, trong một câu chuyện tình chung của hai nhạc sĩ tài năng này. Họ có chung một chuyện tình, có chung một sân khấu, một đêm diễn thì làm gì có chuyện không đội chung trời phải không các bạn?

Những người thực tài không bao giờ là những kẻ đố kỵ và thực ra Trần Tiến và Thanh Tùng là hai người rất đồng điệu về âm nhạc. Tôi là người từng hợp tác với cả Trần Tiến và Thanh Tùng khi làm đoàn Hải Đăng nên hai đêm 7 và 8 tháng ba sắp đến nhất định tôi sẽ mua vé vào xem "Chuyện tình" bằng âm nhạc của hai nhạc sĩ tôi hết sức yêu mến.

Chúc Trần Tiến ngày nào cũng chạy 3 vòng 600 m để chuẩn bị sức tham gia show diễn chung với một nhạc sĩ từng bị coi là đối thủ của anh. Chắc chắn là anh sẽ có những bài hát mới thật hay bên cạnh bài rock “Không gục ngã” anh vừa hát sáng nay tại cuộc họp báo, trong đó có lẽ sẽ có một bài hát dành tặng riêng Thanh Tủng...