Lao động của người viết không sinh ra thặng dư. Nhà văn, nhà thơ không thể nuôi nổi vợ con. Niềm vui của mỗi dòng thơ áng văn bỗng trở thành niềm.. tự sướng.                                                                          

NGHĨ VỀ NỖI GIAN NAN, VẤT VẢ CỦA NGƯỜI VIẾT HÔM NAY

(Tham luận dự định đọc tại Đại hội Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh 1/2021)

TÔ HOÀNG 

Người thực sự đã già là tôi xin được kể hầu các bạn một chuyện đã trở thành xưa cũ..

Vào giao điểm của 2 năm 1957-1958, Bác Hồ đã đưa Tổng Bí thư Lê Duẩn qua Moskva để dự Hội nghị các đảng Cộng sản và công nhân trên toàn thế giới. Đấy là lúc xẩy ra những va chạm đầu tiên giữa Liên Xô và Trung quốc; những rạn nứt đầu tiên của hệ thống XHCN tưởng như muôn đời vững như bàn thạch. Vào chính thời điểm ấy, nhà thơ Chế Lan Viên đã viết mấy câu thơ như sau:

Chúng ta sinh ra trong những năm không dễ hé môi cười

Gió lạnh thổi nhiều cơn suy nghĩ

Bóng tối đêm trời định giết chết sao Mai

Có những kẻ cầm hoa tặng quỷ.

Như vậy là gần 70 năm trôi qua, đến tận những ngày tháng này anh chị em chúng ta ngồi đây vẫn có thể ngâm nga với tất cả sự ngậm ngùi, chia sẻ và đồng cảm với những câu thơ trên.

 Nên xem là hạnh phúc hay bất hạnh đây khi tôi và các anh chị em phải chiềng mặt với những biến động trong nước, ngoài nước dồn dập, phũ phàng, ghê gớm như những gì chúng ta đang chứng kiến.

Thế hệ các nhà văn đàn anh của chúng ta (như các anh, các chú Đoàn Giỏi, Trang Thế Hy, Nguyễn Văn Bổng, Nguyễn Quang Sáng, Anh Đức ..)   chưa kịp có tác phẩm gì xứng đáng với cuộc kháng chiến 9 năm chống Pháp, đã phải chiềng mặt với những đúng sai trong Cải cách ruộng đất,  trong phong trào hợp tác hóa và chế độ giá lương tiền trên miền Bắc. Đến thế hệ chúng tôi chưa kịp viết gì cho xứng tầm với phong trào Đồng Khởi - Bến Tre, với địa đạo Củ Chi, với đường mòn Hồ Chí Minh, với Sài Gòn mùa xuân Mậu Thân, đã phải khoác ba lô lên vai sang chiến trường Campuchia, lên với Vị Xuyên trên phía Bắc chống bọn bành trướng Bắc Kinh. Máu vẫn còn rỉ ra ở những vết thương, giọt mồ hôi chưa lau ráo, chúng tôi và thế hệ những người lính đàn em đã phải ngơ ngác, trợn trừng mắt chứng kiến sự phân hóa giàu nghèo, xã hội lại có cậu chủ, cô ở; nạn cường hào, ác bá ở nông thôn, nạn chạy chức chạy quyền, nạn ô dù và nhiều thói hư tật xấu khác khi đất nước chuyển qua cơ chế thị trường...

Có xứ sở nào như ở mảnh đất hình chữ S này không, những cuộc chia ly vợ phải xa chồng, con cái phải xa cha mẹ, anh chị em phải xa nhau liên tục diễn ra không ngơi nghỉ, như một vết thương không bao giờ mọc da non. Hết chia ly đợi ngày thống nhất đất nước, tiếp tới những cuộc chia ly ngay sau tháng Tư năm 1975… còn những năm tháng này là những cuộc ra đi của những thân phận tha hương, của các em các cháu sinh viên du học đành phải ở lại nước ngoài, vì lo về nước không kiếm nổi việc làm; của lớp lớp con cháu đành chấp nhận một tấm chồng Đài Loan, Hàn Quốc hoặc bán sức lao động ở nước ngoài để cứu giúp cha mẹ, anh chị em ở quê nhà..

Nhà văn chúng ta được dạy bảo rằng, phải đẫm mình trong sự kiện mới mong có được trang viết gây xúc động và độ tin cậy nơi người đọc. Nhưng ít hoặc chưa ai nói với chúng ta rằng đẫm mình rồi còn phải cần có độ lùi-trong không gian và thời gian- để chiêm nghiệm, ngẫm ngợi; để bình giá, so sánh; để nâng lên tầm khái, khi mọi sự đã hòm hòm an bài, người viết mới đối mặt với trang viết.

 Liệu có là quá đáng không, khi ví người viết chúng ta như những con thò lò, những chiếc chong chóng quay tít, không có quyền được ngưng nghỉ trước bẩy ngọn gió.  

“Nhà văn là thư ký của thời đại ” – câu nói đó hình như xưa cũ rồi chăng; hoặc giả chúng ta sẽ chóng mặt chóng mày như đang lên  cơn tiền đình giữa những biến động tối mắt tối mũi diễn ra từng ngày từng giờ để buộc phải quay lưng tránh gió trước cơn lốc bão?

Những điều không may ấy của chúng ta, thật tồi tệ, thật bất hạnh hơn lại trùng lặp với những thập kỷ đảo điên, lộn tùng phèo mọi giá trị của thế giới này, trong ngày hôm nay.   

Chỉ trong 5,7 năm trở lại thôi, người ta vừa dọa nhau bởi hình thái một cuộc chiến tranh mới sẽ dùng các khí cụ bay không người lái (tiếng Anh viết tắt là  UAV ) để loại trừ khả năng tác chiến của bộ binh, xe tăng, pháo binh mà vẫn đạt được khả năng hủy diệt lớn như người ta đang thực thi trong cuộc xung đột tại Nagornưi-Karabak. Với dịch Covid-19, trong vòng chưa đầy một năm trở lại đã có gần 100 triệu người mắc bệnh, hơn 1 triệu người tử vong, thì một cuộc chiến hủy diệt bằng sinh học đã là điều hiện hữu.  

Thế giới bước vào toàn cầu hóa với các hiệp ước, các khối giao kết thương mại tưởng như hứa hẹn những cuộc làm ăn tầm cỡ; những lợi ích xuyên quốc gia. Ấy vậy mà như một sự phản lại, thế giới mau chóng tôn vinh chủ nghĩa dân tộc lên hàng đầu với cách ứng xử vị kỷ “ khôn sống mống chết, mạnh được yếu thua”, “cơm nhà ai người ấy ăn, đèn nhà ai nhà ấy rạng”. Khái niệm “xâm lược như bị xóa nhoà; những tiêu chí bạn, thù lẫn lộn; những quan niệm về “đồng minh”, “chiến hữu” mong manh, hữu hạn trong những giả định rất tạm thời...

Tôi đọc ở đâu đó thấy một nhà kinh điển đã viết: Hiện thực như một cái giếng nước đang thau. Khi cây gậy sự kiện còn đang đảo vòng, đang ngoáy lộn nước sạch, nước bẩn, bùn rác rong rêu, cành rớt lá mục đảo từ đáy giếng đảo lên… xin hãy khoan đừng vục giây gàu xuống. Phải kiên nhẫn chờ đến khi cây gậy thau giếng rút lên, mặt nước giếng yên ả trở lại, lớp nước trong lắng xuống tận đáy sâu, vào lúc đó gầu nước mát được kéo lên ấy mới gột thành văn chương nghệ thuật.

Anh chị em chúng ta ngồi đây, từ trẻ đến già còn chịu một nỗi khổ khác. Chúng ta viết văn, làm thơ vào đúng thời buổi phương tiện nghe nhìn đã thống lĩnh cảm thụ, thời gian, vui buồn của đối tượng thưởng thức. Người đọc, người nghe bây giờ ráo ráo biến thành người xem. Và hậu quả: Lao động của người viết không sinh ra thặng dư. Nhà văn, nhà thơ không thể nuôi nổi vợ con. Niềm vui của mỗi dòng thơ áng văn bỗng trở thành niềm.. “ tự sướng ”. Viết được cuốn sách mới, muốn tặng nhau, phải vẫy nhau ra một góc kín, trao vào tay nhau cuốn sách mà thì thầm, lấm lét như trao gói thuốc lắc hay mấy viên bạch phiến.

Cơn nhập đồng của tôi sắp chấm dứt..

Trong hoàn cảnh sáng tác nhiều thử thách gian nan, ngặt nghèo như thế, tôi xin ngả mũ kính chào các anh chị em trong 5 năm vừa qua vẫn đủ dũng khí, đủ nghị lực, đủ lòng yêu nghề và sự lao động bền bỉ, lì lợm ngồi vào bàn, cặm cụi với từng dòng chữ, đẽo gọt từng câu, vun gột nên từng hình tượng để có được 1,2, 3, 4 tác phẩm trình làng trong 5 năm của nhiệm kỳ vừa qua.

Có cảm giác hai nhà văn Lê Văn Thảo, Văn Lê nhịp tim ngưng đập vào đúng thời khắc dòng chữ cuối cùng găm trên trang giấy trắng.

Chúng ta cảm phục nghị lực sống phi thường, lòng yêu nghề để vượt qua nỗi dày vò của bệnh tật và sự đe dọa của Thần Chết để viết lên những cuốn tiểu thuyết dày cả ngàn trang như nhà văn Trúc Phương, hoặc vẫn bám riết các diễn tiến văn học để liên tiếp có những trang sách, những bài báo cổ súy hiện tượng này, phê phán hiện tượng kia như nhà văn Triệu Xuân.

 Hoạt động của Hội Nhà văn TPHCM trong nhiệm kỳ vừa qua phải được ghi lên trang đầu, bằng dòng chữ to, in đậm, kẻ viền tên tuổi các nhà văn bút lực phong phú, dồi dào, mới trong vòng 5 năm đã cho ra mắt 2,3,4 đầu sách như các nhà văn Trầm Hương, Kim Quyên, Trần Văn Tuấn, Nguyễn Thị Thu Trân, Lê Văn Nghĩa, Bích Ngân, Lại Văn Long.. và chắc còn nhiều anh chị khác mà tôi chưa được dịp biết tới.

Chúng ta nghiêm khắc, tự đòi hỏi mình tác phẩm phải đạt tới đỉnh cao, phải được dịch ra nhiều tiếng nước ngoài. Niềm mong ước và sự nỗ lực vươn tới ấy là tất nhiên và cần thiết. Nhưng trước mắt, xin hãy bằng lòng với nấc thang 1, 2, với các nhà thơ có những sáng tác được trao giải thưởng hoặc gây được ấn tượng trong lòng bạn đọc như các tập thơ của các nhà thơ Lê Xuân Đố, Từ Quốc Hoài, Cao Xuân Sơn, Nguyễn Vũ Tiềm, Đặng Thị Nguyệt Anh, Phùng Hiệu… và các nhà văn sách đoạt thưởng giải như Trương Anh Quốc, Cao Chiến...

Tôi không viết báo cáo, không làm thống kê, bởi vậy một lần nữa tôi xin lỗi những tác phẩm, những tên tuổi, những giải thưởng tôi chưa được biết tới.

Nhà văn giống hệt bác nông dân cày bừa trên thửa ruộng của riêng mình, do cha ông để lại. Nắng mưa, hạn hán, lụt lội, chiêm khê mùa thối, sâu rày.. mình bác nông dân cắn răng chịu đựng, không ai san sẻ, gánh vác đỡ đần hộ cả.

Vậy thử hỏi chả lẽ trong muôn vàn gian nan, thử thách vây bủa như hiện nay, người viết, nghề viết nước ta không hề có chút may mắn, an ủi; không được Thần Phật đoái thương gì sao?

Có đấy!

Hóa ra nghề viết tước đoạt mất ở chúng ta khả năng biển thủ hay tiêu xài hoang toàng, vô độ đồng tiền của Nhà nước, thuế khóa của nhân dân.

Hóa ra nghề viết không thể giúp chúng ta  tham ô, vơ vét, cướp ruộng ở thôn quê, cướp đất ở thành thị, trở thành các ông chủ, bà chủ đầy quyền uy, hống hách trong cơ chế thị trường.

Hóa ra nghề viết không thể giúp nhà văn tham gia vào cái gọi là lợi ích nhóm, cùng a tòng với nhau làm ăn phi pháp, bất nhẫn miễn là cho đầy túi tham.

Và may mắn sao, vì không thể nào kiếm ra khoản tiền lớn bằng nhuận bút của một cuốn tiểu thuyết , một tập thơ, nhà văn chúng ta vẫn sống với âu lo, phiền muộn quanh sinh kế hàng ngày như mọi người, cùng mọi người lao động lương thiện trên đất nước này.

Và, vì vậy gắn bó máu thịt với nhân dân mình, “cùng đổ mồ hôi cùng sôi nước mắt” với triệu triệu người – đó là điều tiên quyết sẽ bảo đảm cung cấp sức sống, sức sáng tạo vĩnh viễn cho ngòi bút của chúng ta.

Xin cám ơn tất cả các anh chị đã nghe những dòng chia sẻ của tôi...