“Mối chúa” là đại bác thì “Đất mồ côi” là bom nguyên tử… Tiểu thuyết “Đất mồ côi” được viết ra, được duyệt in và phát hành chứng tỏ một thời đại mới của Văn học Việt Nam đã bắt đầu. Một thời đại mới của xuất bản cũng đã mở toang ra rồi.

 

Về “Đất mồ côi” của Tạ Duy Anh

SƯƠNG NGUYỆT MINH

 

Không còn nghi ngờ gì nữa, Tạ Duy Anh (Cổ Viên, Đãng Khấu) là người viết văn xuôi số 1 của thế hệ chúng tôi.

Một thế hệ tha hương ngay cả khi đang ở làng mạc của mình. Quay về thì không còn chỗ, mọi thứ khác đến không còn nhận ra. Nơi đến, sinh sống giữa phố thị ồn ào thì cũng vĩnh viễn không tìm thấy một chỗ cho riêng mình. Tha hương. Không còn quê hương. Mồ côi quê hương rồi còn gì nữa. Có lẽ cái sự giày vò, hoang hoải này trong văn xuôi Tạ Duy Anh không thể hiện ở các trang viết buồn nhớ quê, nhớ những vẻ đẹp thôn dã đã biến mất và còn chút gì đó thì đang có nguy cơ biến mất. Cũng không thấy nỗi cô đơn ngay trong chính ngôi nhà của mình, cô đơn chính nơi phố xá mình đang sống. Ông chìm vào nỗi cô đơn không hiện hữu đương đại mà bị nhấn sâu vào sự vô cảm căn tính của ngàn xưa khi khởi thủy đã bị tuyên cáo chia rẽ, mồ côi. Đất mồ côi, người mồ côi trong sự vô cảm để cái ác lên ngôi.

Sau những: "Bước qua lời nguyền", "Đi tìm nhân vật", "Thiên thần sám hối",… "Mối chúa", và bây giờ là… tiểu thuyết "Đất mồ côi".

“Đất mồ côi” là hòn đá tảng ném xuống cái ao tù văn học Việt Nam tù túng, tẻ nhạt, làm cho bèo tấm, cỏ rả, bùn đất, rều rác tung lên.

“Đất mồ côi” làm sang cho người viết văn cảm thấy bớt tủi thẹn, và tự tin cầm bút ngồi vào bàn viết tiếp những cái đang dở dang, do dự, ngập ngừng.

Lần nào, Tạ Duy Anh ra sách cũng đình đám, dư luận cũng nóng bỏng xôn xao. “Bước qua lời nguyền” như một tác phẩm có "tính vạch thời đại" sục sôi đến mức Nhà phê bình Hoàng Ngọc Hiến phải thốt lên “Có một dòng văn học bước qua lời nguyền". Còn "Đi tìm nhân vật" thì vượt qua "Lão khổ" làm một cuộc cách mạng cấu trúc tiểu thuyết, phá vỡ hệ thống cốt truyện, không cốt truyện, không nhân vật, bỏ nhân vật, làm bạn đọc khó hiểu và người trong nghề cũng ngỡ ngàng. Chờ vợ đẻ khó 3 ngày, về sau cũng ra được tiểu thuyết "Thiên thần sám hối". Nhân vật còn trong bụng mẹ chứng kiến hết mọi thứ ở xung quanh, đã tính không ra chịu ra ngoài ánh sáng bởi sự tăm tối của người đời, nhưng cũng lại tọt ra, bởi cuộc sống vẫn cứ phải sống. "Mối chúa" cho đến lúc này rất khó có thể được cấp giấy phép tái bản, nhưng in lậu bán trán lan, thì biết ông Tạ "hót" đến mức nào.

Còn "Đất mồ côi" mới hai tuần đã bán gần hết 2000 bản. "Đất mồ côi" nóng sốt với bạn đọc bao nhiêu, thì báo chí chính thống dường như "ghẻ lạnh" với cái sự mồ côi này bấy nhiêu. “Đất mồ côi” viết về cái ác. Hẳn nhiên! Bao nhiêu năm, cả đời văn ông Tạ viết về cái ác, chứ đâu phải đến tiểu thuyết mới nhất này. Nếu như nước Nga vĩ đại có ông Dostoevsky viết về cái ác đến tận cùng, thì ở Việt Nam có ông Tạ viết đến tận cùng cái ác.

Điều này, không khó thấy ở các tác phẩm của ông Tạ, và mới nhất là tiểu thuyết “Đất mồ côi”. Những cái chết: Dị nhân, những người hủi bị chôn sống, cụ cố, ông nội, lão Đỗ, chú Tỉnh…, cái chết nào cũng kinh sợ, ghê rợn, hãi hùng. Cái chết không phải tự nhiên theo quy luật sinh lão bệnh tử, mà đều từ đồng loại thanh toán, trả thù do… tính ác. Cái ác bị ông Tạ bóc trần, lột truồng đến mức dửng dưng lạnh lùng. Dĩ nhiên, với con mắt nhà văn ông không chỉ nhìn cái ác hành xử với cái ác, mà còn chỉ ra nguyên nhân cái ác hoành hành. Đằng sau cái ác là nỗi niềm khao khát tính thiện lương ở con người.

Nếu “Đất mồ côi” chỉ viết về cái ác, thì vẫn là một Tạ Duy Anh của 10 năm trước, 20 năm trước, 30 năm trước. Không! “Đất mồ côi” đã vượt qua cái ác để hoài nghi, truy vấn cái gọi là… "đồng bào", vốn từ lâu đã là một mỹ từ, một lý tưởng. Cái ác trong “Đất mồ côi” là bề mặt, "đồng bào" mồ côi mới là chìm sâu, trầm tích. “Đồng bào” hiền hay ác? Cùng chung một bọc 100 trứng mà sao cứ "huynh đệ tương tàn", "nồi da xáo thịt", thiên di, di tản, tha hương, thất tán? “Đồng bào” là sự thật hay huyền thoại, hay đã tam sao thất bản? Khởi thủy đã chia rẽ, kẻ mồ côi cha, người mồ côi mẹ…? Dường như, qua “Đất mồ côi”, ông nhà văn Tạ Duy Anh viết về cái ác để đi truy tìm cái căn tính dân tộc Việt? Hiền hay ác? Chia rẽ hay đùm bọc? Rồi khát khao thiện lương.

Nếu ví tiểu thuyết “Mối chúa” là dãy Tam Điệp quê tôi thì “Đất mồ côi” là dãy Trường Sơn. “Mối chúa” là núi Ngọc Linh, thì “Đất mồ côi” là đỉnh Phan Xi Phăng. “Mối chúa” là đại bác thì “Đất mồ côi” là bom nguyên tử.

Khen Tạ Duy anh về nghệ thuật kể chuyện bậc thầy cũng chẳng sai. Khen ông là nhà văn có khí phách, bản lĩnh thì bằng thừa. Ngợi ca, nể phục ông Tạ Duy Anh một chục lần, thì tôi cũng khen ngợi và chúc mừng Nhà xuất bản Hội Nhà Văn, và Cục Xuất Bản 10 lần.

Tiểu thuyết “Đất mồ côi” được viết ra, được duyệt in và phát hành chứng tỏ một thời đại mới của Văn học Việt Nam đã bắt đầu. Một thời đại mới của xuất bản cũng đã mở toang ra rồi.

Việc còn lại của Hội Nhà Văn Việt Nam là có tôn vinh “Đất mồ côi” và trao Giải thưởng năm 2021 hay không mà thôi!

Chúng ta có quyền vui mừng và hy vọng nhiều tác phẩm gần như, hoặc như “Đất mồ côi” được ra đời.

 

 

Nguồn: Facebook Sương Nguyệt Minh