Cuộc trưng cầu người dân diễn ra sau khi hai nước Đức hợp nhất vào năm 1990 đã chứng minh rằng, tại nước CHDC Đức - Xã hội chủ nghĩa người đàn bà đạt tới sự mãn nguyện tình dục lớn hơn 2 lần so với chị em ở Cộng hòa Liên bang Đức - Tư bản chủ nghĩa. Trong cuốn sách mới của mình, nhà nhân chủng học Kristen Ghodsee của Trường Đại học Pensyvania đã khẳng định rằng trong chế độ XHCN, người phụ nữ được hạnh phúc hơn trong chuyện giường chiếu. Dưới đây là bài phỏng vấn của phóng viên Sean Illing với bà Kristen Ghodsee, nhà nhân chủng học. Bài đăng trên báo VOX- Mỹ

 

Theo ý kiến của bà Ghodsee mọi vấn đề là ở sự trợ giúp từ phía nhà nước. Nếu xã hội ủng hộ người phụ nữ về mặt vật chất, không phạt tiền chị em khi sinh nở và không hạ thấp công sức lao động của họ thì người đàn bà cảm thấy hạnh phúc hơn, phấn hứng hơn, hài lòng hơn trong chuyện chăn gối.

Mối quan hệ giữa tình dục có chất lượng và hệ thống hỗ trợ của nhà nước trong thực tế không phải là đường quá thẳng như khi phán xét theo tiêu đề của cuốn sách. Nhưng sách đã đặt ra cả một loạt vấn đề . Với tác giả Ghodsee, mối quan hệ ấy không hề liên quan tới sự lựa chọn một cách ấu trĩ giữa chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội, cũng không kêu gọi phục hưng chủ nghĩa cộng sản theo mô hình Xô Viết. Chuyện đó đã trôi vào dĩ vãng và cả hai kiến giải trên là không thể xẩy ra. Đúng hơn sách của bà nói về những nguyên tắc xã hội chủ nghĩa có thể làm cân bằng lại sự bất bình đẳng về giới tính trong xã hội tư bản như thế nào.

Chúng ta sẽ trò chuyện với bà Ghodsee về chủ nghĩa xã hội, về những lợi lộc nào từ những biện pháp của thể chế này có thể hấp dụ các nước, kiểu như Mỹ.

Sean Illing:

- Sách của bà có tựa đề khá gây ấn tượng. Nhưng thực ra bà đề cập tới việc thị trường tự do đã đối xử với người đàn bà ra sao khi họ ở vào tình thế bị phụ thuộc. Bà có thể định nghĩa một cách vắn gọn những luận điểm chủ yếu được không?

Kristen Ghodsee:

-Tiền đề chính rất đơn giản, nói thêm là không có gì mới:  Thị trường tự do, nếu ta không kiểm soát được nó sẽ mang tới những tác hại không gì đo đếm nổi cho những người có giáo dục và được dậy dỗ, chăm nom chu đáo. Chiếm số đông những người này là chị em phụ nữ.

Tôi không chỉ muốn nói tới riêng việc sinh nở và giáo dục con cái mà còn muốn nói cả tới sự chăm nom, săn sóc những người bệnh hoạn và những người già. Bản chất vấn đề là ở chỗ thị trường tự do khai thác triệt để lao động tại nhà, không được trả lương. Bởi vì đồng tiền trả cho người làm thuê là rất đắt.

Thành thử mức thu nhập hiện tại của mỗi gia đình về nhiều phương diện phụ thuộc vào lao động ở nhà không được trả công của chị em. Và chính vì thứ lao động không được trả công này chị em rơi vào tình cảnh bị lệ thuộc, mà trước hết là lệ thuôc vào người đàn ông. Tính đến cùng người đàn bà bị rơi vào tình thế không lối thoát: chị em thực hiện tất cả mọi nghĩa vụ chăm nom của mình nhưng lại không nhận được tiền trả công, dù chỉ là một xu. Chị em không chỉ sống qua ngày đoạn tháng giữa mấy bức tường mà còn luôn luôn rơi vào hoàn cảnh phụ thuộc kinh tế của người tình hay người chồng. Và hiện tượng này, thật đáng buồn, thường đẻ ra kiểu hành xử thô bạo, những lời quở mắng, những cú đấm cú đá, dễ dàng đưa tới những cuộc hôn nhân bất hạnh.   

Sean Illing:

-Bà đang nói tới sự phân chia lao động trong chế độ tư bản. Như vậy do thiên chức của mình hoặc do xã hội dồn ép vào những việc phải làm, nhưng dẫu sao vẫn nhận ra thái độ quá yếu ớt của chị em đối với thị trường nên họ đã bị xô đẩy vào tình trạng lệ thuộc kinh tế, có đúng vậy không, thưa bà?

Kristen Ghodsee:

-Đúng là như thế ! Đó là cái vòng luẩn quẩn. Với các nhà kinh tế có thuật ngữ này: “ phân biệt đối xử có tính thống kê “. Về thực chất người đàn bà chịu trách nhiệm chăm lo hoàn toàn không chỉ công việc nhà như xã hội mong đợi, mà còn phải chất lên đôi vai mình việc chăm sóc trẻ con và người già.v..v..Chính vì thế họ kiếm tiền ít hơn đàn ông. Và ai kiếm tiền ít hơn thì dĩ nhiên phải ở nhà.

Như vậy, nẩy sinh tình huống trớ trêu: thị trường tư bản không kiểm soát nổi đã đẩy người đàn bà thuộc loại “ phân biệt đối xử có tính thống kê". Nhưng nếu tính toán cho công bằng về công xuất lao động, về lương trả cho mọi phần công việc, họ đâu chịu kém đàn ông?

Thiếu sự can thiệp của nhà nước, mối rối này sẽ không được tháo gỡ.

Sean Illing:

-Bà đã nhìn ra cách tháo gỡ chưa? Quay trở về thế kỷ 19? Hay làm sống lại chủ nghĩa xã hội theo mô hình Xô viết? Hay có thể bà ủng hộ thứ dân chủ xã hội chủ nghĩa của các nước Bắc Âu ?

Kristen Ghodsee:

-Một câu hỏi hay ! Xin cám ơn ! Tôi không kêu gọi phục hưng lại chủ nghĩa xã hội ở mức độ nhà nước. Tôi muốn nói tới những biện pháp được thể nghiệm và áp dụng trong suốt thế kỷ 20 không chỉ ở Đông Âu mà còn ở các nước Bắc Âu, toàn bộ Tây Âu và các nước phát triển khác , ví như ở Canađa hay Oxtraylia. Các nước ấy đã làm được nhiều việc, đã nâng cao đáng kể cuộc sống của người phụ nữ. Ở các nước ấy có rất nhiều điều nước Mỹ phải học hỏi.

Sean Illing:

-Trở lại với trang sách của bà. Đâu là những chứng cớ minh chứng rằng cuộc sống tình dục của chị em trong chế độ xã hội chủ nghĩa tốt hơn ở các nước tư bản chủ nghĩa ? Xin nói thật lòng, điều này rất ít sức thuyết phục..

Kristen Ghodsee:

-Có thể dẫn ra thí dụ ở Cộng hòa dân chủ  Đức và Tây Đức. Qua những cuộc trưng cầu ý kiến ở Đông Đức cũ cho biết chị em rất hài lòng với đời sống tình dục của họ. Dĩ nhiên đấy là những đánh giá mang tính chủ quan thôi, nhưng không kém sức thuyết phục.

Ngoài ra còn những dẫn chứng khác từ Ba Lan và Tiệp Khắc- những nước trong thời kỳ chiến tranh lạnh thuộc phe xã hội chủ nghĩa.. Cách đây không lâu có một cuốn sách mang tựa đề “ Giải phóng tình dục theo kiểu chủ nghĩa xã hội “. Sách viết các quốc gia xã hội chủ nghĩa đã có cách xử sự riêng của mình đối với việc tình dục không theo kiểu văn minh phương Tây.

Còn có những công trình nghiên cứu khác vẫn chưa được tranh cãi nhưng khá thú vị. Ví như người ta khẳng định rằng những cặp vợ chồng ở những nơi nào biết phân chia đúng đắn, rạch ròi giữa công việc gia đình và trách nhiệm nuôi dạy con cái, những cặp vợ chồng như thế hoạt động tình dục đều đặn hơn. Sự mãn nguyện có đạt được hay không còn là điều chưa khẳng định, nhưng thường xuyên hơn là điều chắc chắn.

Sean Illing:

-Có nghĩa là bà cũng vừa động chạm tới việc sa sút chung trong chuyện chăn gối ở thời đại chủ nghĩa tư bản, liệu tôi hiểu như vậy có đúng không?

Kristen Ghodsee:

-Đúng là như vậy! Tôi nói cả về quan hệ xác thịt, cả về quan hệ giữa cha mẹ và con cái, cả về quan hệ bè bạn. Chúng ta đang sống trong một thời đại khi không chỉ lao động của chúng ta, mà cả cảm xúc , trách nhiệm, sụ yêu thương, dịu dàng của chúng ta đều đã trở thành hàng hóa.

Và như vậy thị trường đã đột nhập vào ngay trong những quan hệ thiêng liêng nhất. Điều này lẽ tất nhiên trở thành vấn đề hết sức nghiêm trọng, một trong những nguyên nhân làm bùng phát bệnh dịch rất phổ biến của nỗi cô đơn. Và nguyên nhân này ngày càng sâu sắc.

Sean Illing:

-Ở chế độ xã hội chủ nghĩa người đàn bà phải chịu gánh nặng gấp đôi: Họ không chỉ lo lắng việc nhà, việc chi tiêu trong gia đình mà còn phải thực thi nghĩa vụ lao động xã hội. Cứ cho là bà đã đúng khi đề cập tới chuyện tình dục. Nhưng liệu có là quan trọng không đây khi tình dục được đặt trên nền những áp chế chung?

Kristen Ghodsee:

-Anh không phải là người đầu tiên nêu ra nhận xét này và anh đã hoàn toàn đúng. Chính vì thế tôi không mơ hồ khi kêu gào trở lại với hệ thống Xô Viết. Đơn giản ra tôi chỉ nghĩ rằng đã có những thực nghiệm bổ ích về quan hệ giữa con người và con người ở một nền kinh tế không bị thị trường hóa.

Sean Illing:

- Cần phải nhận xét rằng ở bất cứ hệ thống chính trị nào cũng có những sự thỏa hiệp, luôn luôn phải hy sinh điều gì đó.Tôi hoàn toàn đồng ý với bà chúng ta đã lún khá sâu vào tình trạng phi đạo đức. Nhưng mọi sự nằm ở chỗ, việc sinh con đẻ cái là thiên chức của chị em và sự không hợp lý trong việc phân chia công việc là không tránh được. Bởi vậy tôi không tin rằng tình trạng đó sẽ bị xóa bỏ, tuy tôi tán đồng việc đấu tranh với những hệ quả của sự không công bằng kia với tất cả những gì có thể làm được.

Kriten Ghosee:

-Vấn đề là sự không công bằng kia quá lớn. Mọi người đều biết, ở các nước như Thụy Điển hay thậm chí như Pháp người đàn bà ít chịu thiệt thòi về phương diện kinh tế do chức phận tiếp nối giống nòi như ở Mỹ. Để làm một người mẹ ở nước ta quả là rất phức tạp.

Trên thế giới này có rất nhiều nước tư bản chủ nghĩa tiếp thu một phần những nguyên tắc của chủ nghĩa xã hội trong việc bảo đảm sự bình đẳng giới. Nước Mỹ có những điều để học đấy chứ!

Tôi vẫn vững tin rằng đàn ông là những bạn đồng minh của chị em chúng tôi. Họ cần phải đứng về phía chúng tôi, bởi lẽ trong kinh tế có những vấn đề cơ bản làm tổn hại cả đàn ông lẫn đàn bà; tuy theo những cách khác nhau.Nếu chúng ta mong một sự tiến bộ thực sự và những thay đổi chân chính, chúng ta cần làm thế nào để đàn ông và đàn bà vai kề vai trong cuộc đấu tranh với những cội nguồn tai họa chung.

TÔ HOÀNG

( chuyển ngữ qua tiếng Nga )