Nguyễn Vũ Tiềm mạnh dạn gạt bỏ hầu như tất cả thơ xuôi chiều một thời để bước vào một thế giới thơ khác, hiện đại hơn. Tiêu biểu là tập thơ “Hoài nghi và tin cậy” với lời đề từ: “Mong bạn hoài nghi tôi/ Cho tôi tin cậy bạn/ Những lời đang vỗ cánh/ Chưa chắc là đã bay”.
NGƯỜI TÀI HOA VÀ NHỮNG MẬT MÃ THƠ
NGUYỄN TRƯỜNG
Có một người khó phân biệt là nhà thơ, nhà lý luận phê bình, hay là nhà văn xuôi, bởi ở cả ba lĩnh vực trên ông đều tỏ ra là người tài hoa. Đó là tác giả Nguyễn Vũ Tiềm. Thích chữ tài hoa, nên khi ra phụ trương của báo Giáo dục & Thời đại, ông liền lấy tên Tài hoa trẻ. Một ấn phẩm hấp dẫn, nhiều tri thức. Vừa làm quản lý, vừa sáng tác, ông còn bỏ ra 10 năm trời sưu tầm, tuyển chọn những câu thơ hay của các tác giả in thành tập có tên là “Nghìn câu thơ tài hoa Việt Nam”. Bởi thế chữ tài hoa vận vào ông, trở thành “thương hiệu” Nguyễn Vũ Tiềm…
Cái duyên đổi mới công nghệ thơ đến với Nguyễn Vũ Tiềm bắt đầu từ việc làm cuốn sách “Nghìn câu thơ tài hoa Việt Nam”. Ông nhận thấy thơ ngắn Việt Nam thỉnh thoảng có một hai câu thơ hay, nhưng hiếm có bài hay. Ông nảy ra ý tưởng chọn những câu thơ hay in làm một quyển, là tinh túy của thơ Việt. Phải có trình độ thẩm thơ cao, tinh tế mới lẩy ra được những câu thơ hay trong một rừng thơ nhiều thế kỷ. Cuốn sách bán rất chạy, sau 4 lần in lại, mỗi lần ông đều bổ sung những câu thơ hay, những tác giả mới, nâng số lượng lên trên 6.000 đơn vị câu thơ với hơn 1.300 tác giả.
Khi về hưu, dừng lại công việc sáng tác, ông tìm đọc sách lý luận văn học trong nước, ngoài nước. Ông tâm đắc với nhà lý luận văn học Mỹ: “Thơ là mình tâm sự với chính mình những lúc cô đơn”. Nhiều sách lý luận mới mẻ, nhất là sách triết học, làm ông thay đổi tư duy thơ. Ông đặc biệt chú ý yếu tố phi lý và hợp lý trong tương quan với hình thức và nội dung thơ. Xem trong văn học nước nhà, điều này các bậc tiền nhân cũng có những thành tựu đặc sắc.
Nguyễn Vũ Tiềm nhớ lại, hồi nhỏ cậu được cha cho đi hội Phù Đổng. Trong đền Phù Đổng có câu đối của Cao Bá Quát (1809-1855) làm cậu đặc biệt ấn tượng: “Phá tặc đãn hiềm tam tuế vãn/ Đằng vân do hận cửu thiên đê” (Ba tuổi dẹp giặc vẫn tiếc là muộn/ Cưỡi chín tầng mây còn chê trời vẫn thấp). Ba tuổi phá giặc là sớm chứ, sao nói là muộn? Dân ta có câu “Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”, chị Út Tịch ở Trà Vinh, bụng mang dạ chửa vẫn ra trận chống giặc càn quét. Đứa con của chị chẳng phải đã ra chiến trường từ trong bụng mẹ đó sao? Câu đối có vẻ phi lý, nhưng đó là sự phi lý hình thức, trong hợp lý nội dung. Câu thơ của người xưa từ trong tiềm thức, hòa nhập với lý thuyết thơ hiện đại, ông rút ra kết luận: “Thơ hay thường phải đạt tới sự phi lý; phi lý hình thức trong hợp lý nội dung”.
Năm 2015-2016, báo Văn nghệ phát động cuộc thi viết về “Văn học nghệ thuật 30 năm đổi mới” (1986- 2016) ông viết chuyên đề “Thi pháp thơ Việt Nam: Truyền thống – Đổi mới – Cách tân”. Chuyển tải hệ thống lý luận thi pháp học hiện đại sau bao năm trời đọc, chiêm nghiệm ông mới “ngộ” ra. Đầu thế kỷ XX, ở Việt Nam có sự chuyển đổi thi pháp một cách “tưng bừng và ngoạn mục”. Nghiên cứu về sự chuyển mình này ông tóm tắt như sau: “Hệ thi pháp cũ: Niêm luật gò bó, khuôn sáo, ảnh hưởng từ thơ cổ đại Trung Hoa, cái tôi phải giấu kín. Hệ thi pháp mới: Tự do, bay bổng, ảnh hưởng thơ hiện đại châu Âu, cái tôi được mặc sức phô bày”. Đến cuối thế kỷ XX, những năm đổi mới của đất nước, hệ thi pháp cũng đã đổi mới mạnh mẽ. Nguyễn Vũ Tiềm tóm lược ngắn gọn như một định đề toán học: “Hệ thi pháp cũ: Kể - Tả - Suy luận - Kết thúc đóng. (Nghiêng về cổ vũ động viên). Hệ thi pháp mới: Nghĩ - Cảm - Suy tưởng - Kết thúc mở. (Nghiêng về chia sẻ nỗi niềm).
Trước đây, phần kết bài thơ thường là chốt lại: “Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước/ Chỉ cần trong xe có một trái tim” (Phạm Tiến Duật). Thi pháp mới lại khác: sau dấu chấm hết của câu thơ lại mở ra một chân trời mới, khiến ta phải suy nghẫm. “Hệ thi pháp mới mở rộng chiều kích nội hàm thơ; Không những phản ánh mà còn phản biện, không những cổ vũ động viên mà còn dự báo; không những nhận thức mà còn thức tỉnh lương tri”. Bài của ông được đăng trên báo Văn nghệ số 11 năm 2016, gây được tiếng vang trong giới học thuật. Viện Văn học đề nghị ông gửi lại file bài, để đăng vào tạp chí Văn học tháng 5 năm 2016. Sau đó bài còn in ở tạp chí Thơ tháng 11-12 năm 2018.
Cuốn “Đi tìm mật mã thơ” do Nhà Xuất bản Hội Nhà văn cấp giấy phép xuất bản năm 2006 của ông, là cuốn sách lý luận về thơ gây ngạc nhiên, thích thú trong giới văn học. Trong đó có các bài “Thơ tài hoa, thơ không gian đa chiều”; “Sự tinh tế trong thơ”; “Nghịch lý để tiếp cận chân lý, hay là sự phi lý mỹ học trong hợp lý triết học” cùng với 13 bài khác hợp thành một tập dày dặn gần 300 trang.
Năm 2019 ông lại xuất bản tập thứ hai về bình luận văn chương với tựa đề “Tiếp cận mật mã thơ”, cũng do Nhà Xuất bản Hội Nhà văn cấp giấy phép. Cuốn sách như làn gió mới mát lành khuấy động bầu không khí vốn tĩnh lặngcủa giới học thuật. Nhà thơ, hơn ai hết phải hiểu sâu về nghề: “Muốn có thơ không thể cứ viết giản đơn, dễ dãi mà phải lập tứ, tìm hình ảnh, tìm từ, viết sao cho sâu sắc, mới mẻ. Vần chỉ là yếu tố phụ, điều chủ yếu của thơ: Một là xúc cảm, hai là suy nghĩ, ba là cách thể hiện, (gọi tắt là X-S-C). Xúc cảm cần chân thành và mãnh liệt; suy nghĩ cần sâu sắc; cách thể hiện phải mới lạ”.
Ở tập sách “Tiếp cận mật mã thơ”, ông lại viết: “Túi nhà thơ có ba ngăn/ Tứ, từ, tư, đủ quanh năm tiêu xài”. Tứ là tứ thơ, từ là từ ngữ, và tư là tư tưởng.
Lượng biến thành chất, ông trở thành nhà phê bình văn học được nhiều người biết tiếng. Hội Nhà văn Việt Nam đã mời ông vào Hội đồng Lý luận Phê bình nhiệm kỳ IX.
Ở lĩnh vực văn xuôi, Nguyễn Vũ Tiềm cũng là cây bút đặc sắc. Ông đã xuất bản 3 tác phẩm, nổi trội nhất là tiểu thuyết “Bắc cung hoàng hậu”, tác phẩm vào đến chung khảo cuộc thi tiểu thuyết Hội Nhà văn năm 2014. Quê tác giả ở làng Ninh Hiệp, bên kia sông Hồng, là quê ngoại Công chúa Ngọc Hân. Trước khi viết cuốn tiểu thuyết lịch sử này, ông bỏ công nghiên cứu về thể loại này, nhận ra một số tiểu thuyết lịch sử như Bà chúa Chè của Nguyễn Triệu Luật, thế kỷ thứ 17, có nhiều từ ngữ mà ngày nay ta không còn sử dụng, nhưng rất ấn tượng.
Nhờ khả năng thông thạo chữ Hán, ông đi sâu vào nghiên cứu các văn bản cổ, lại là người tinh tế trong bình thơ, câu đối cổ, bởi vậy trong “Bắc cung hoàng hậu”, ta gặp nhiều đoạn văn sinh động, rất phù hợp với bối cảnh, không khí thời Quang Trung tiến quân ra Bắc diệt quân Thanh mùa xuân năm Kỷ Dậu 1789. Công chúa Ngọc Hân được sinh ra, lớn lên, học hành trong cái nôi văn hóa kinh Bắc, lại được các nhà sư, các thầy đồ trình độ học vấn uyên thâm dạy bảo. Sau này là vợ Nguyễn Huệ, Công chúa tư vấn cho chồng nhiều sáng kiến đánh giặc và xây dựng triều đại Tây Sơn nhân văn hơn. Đặc biệt ấn tượng trong “Bắc cung hoàng hậu” là tác giả dựng lại không gian văn hóa vùng Ninh Hiệp vào dịp cận Tết Nguyên đán. Nhân dân ta đã góp phần chiến thắng quân Thanh bằng vũ khí mà các nhà quân sự, các nhà sử học chưa nói đến, đó là Văn hóa.
Nguyễn Vũ Tiềm còn có tiểu thuyết “Người trong cõi tâm linh” cũng bàng bạc sương khói của thế giới liêu trai. Viết về thế giới này văn học Việt Nam đã có từ Nguyễn Dữ đầu thế kỷ thứ 17, nhưng Nguyễn Vũ Tiềm lại khác, hiện đại hơn đã đành mà còn khái quát, ẩn dụ về thời ta đang sống. Ông còn có tiểu thuyết “Thời hoa đỏ dại khờ” viết về một nhà thơ tài hoa nước nhà; tiểu thuyết “Một thiên tài tự hủy” với nhân vật chính là nhà thơ Bùi Giáng. Bằng thi pháp liên văn bản của văn học hậu hiện đại, hy vọng hai cuốn tiểu thuyết trên xuất bản sẽ làm giới văn xuôi ngạc nhiên một lần nữa.
Nguyễn Vũ Tiềm làm thơ đã lâu, kể đã hơn nửa thế kỷ, một nhà thơ nổi tiếng, đoạt giải thưởng thơ Thành phố Hồ Chí Minh với tập thơ “Minh triết đất đai”, đoạt Quán quân cuộc thi thơ về đề tài “Thầy giáo và nhà trường” (1973-1978) do Bộ Giáo dục và Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức. Đã có nhiều bài bình về thơ Nguyễn Vũ Tiềm trên các tờ báo, tạp chí văn chương cả nước. Nhưng tác giả luôn không bằng lòng với chính mình, luôn gắng công tìm tòi, đổi mới tư duy. Bởi thế ông mạnh dạn gạt bỏ hầu như tất cả thơ xuôi chiều một thời để bước vào một thế giới thơ khác, hiện đại hơn. Tiêu biểu là tập thơ “Hoài nghi và tin cậy” với lời đề từ: “Mong bạn hoài nghi tôi/ Cho tôi tin cậy bạn/ Những lời đang vỗ cánh/ Chưa chắc là đã bay”.
Mở đầu cho quá trình đổi mới thơ, Nguyễn Vũ Tiềm khai thác yếu tố nghịch lý trong đời sống như lý thuyết “Thơ hay là phải đạt đến sự phi lý; phi lý hình thức trong hợp lý nội dung”. Trước kia đã vỗ cánh là bay vút tận trời xanh; nay: Vỗ cánh chưa chắc đã bay. “Mẹ lo cho tôi vào đời ít khôn mà nhiều dại/ Cao lêu nghêu vẫn bị bắt nạt, gạt lừa/ Giờ bạc đầu tôi lo nhiều hơn thế/ Lo không còn biết dại, chỉ toàn khôn”. Toàn khôn, ấy là khôn lỏi, khôn vặt, vậy thì ai chơi với người như thế! Bởi vậy sống trên đời còn phải “biết dại” nữa mới nên khôn.
Trong tập thơ hơn 300 bài, có bài chỉ một câu, hoặc hai câu, như là danh ngôn, tục ngữ: “Có sấm sét làm ta tĩnh lặng/ Và dịu êm làm lòng ta bão giông”; “Sức mạnh cây hồng là ở sắc hương/ Chỗ yếu nhất là những đầu gai nhọn”…, nhưng cũng có không ít bài bốn câu, dạt dào cảm xúc xen lẫn suy tư về kiếp người: “Các em hái chè cao nguyên giá lạnh/ Trót hứa hôn với mây trắng xa nhà/ Bấm ngón chân xuống đường trơn số phận/ Mưa lại từ trong mắt mưa ra”.
Sự đóng góp trong phát triển hệ thi pháp hiện đại của Nguyễn Vũ Tiềm cả về lý thuyết lẫn thực hành sáng tác đã trở thành điểm sáng cho nền văn chương Việt Nam. Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam khi đó là Hữu Thỉnh, đọc tập thơ “Hoài nghi và tin cậy”, tỏ ra tâm đắc, liền tổ chức cuộc hội thảo về tập thơ này ở tòa soạn báo Văn nghệ vào ngày 18/2/2004, có nhiều nhà thơ, nhà văn, nhà lý luận phê bình văn học đến dự và phát biểu, trở thành buổi sinh hoạt văn học lý thú.
Sau tập thơ này, Nguyễn Vũ Tiềm vẫn đi theo mạch phản biện, nghịch lý, nhưng sâu sắc hơn: “Cái đẹp chối từ tôi/ Tôi không xứng với cái đẹp”. Thời gian mang đến sự thích thú cho độc giả chính là tư duy của nhà thơ: “Mất tiền không coi là mất/ Là cái được, là được quý hơn tiền/ Được vàng nếu coi là được/ Là ta mất cái quý hơn vàng”. Thơ ông càng về sau này càng nặng về trí tuệ và suy tưởng.
Nguyễn Vũ Tiềm đã vượt qua giới hạn tuổi tác, bởi vào độ U80 tư duy đã định hình, ai viết hay, viết dở rõ cả rồi, những ở ông lại khác, tự làm cuộc “cách mạng” chính mình để bước vào thế giới mới trẻ trung đầy sức sáng tạo, càng minh chứng cho nghị lực của người luôn trăn trở tìm tòi mật mã thơ.