Thi thoảng tôi nhầm lẫn giữa Huỳnh Phan Anh và Huỳnh Phan - một người chuyên viết về giáo dục, nổi tiếng nhất là quyển Câu chuyện thầy trò. Sau nầy, khi khề khà bên ly bia, anh Huỳnh Phan Anh cũng xác nhận là cũng có nhiều người nhầm lẫn như thế không riêng gì tôi. Ai cũng là nhà giáo mà!


HUỲNH PHAN ANH TRONG NHỮNG KÝ ỨC ĐỨT ĐOẠN

LÊ VĂN NGHĨA

Trước năm 1975, khi đang là học sinh lớp 12 trường Petrus Ký, tôi có được đọc tạp chí Văn mà ‘sư phụ’ dạy môn triết –GS Nguyển Xuân Hoàng là Thư ký tòa soạn thay cho Trần Phong Giao. Đôi lúc đọc được bài tiểu luận văn học vô cùng khó đọc của nhà văn Huỳnh Phan Anh. Tôi được biết, GS Nguyễn Xuân Hoàng gọi ông Huỳnh Phan Anh là ‘khô khốc thiền sư’ và cả hai người cùng Nguyễn Đình Toàn và một vài văn sĩ khác nữa nằm trong nhóm Đêm trắng. Nhóm nầy thường hay ngồi ở Brodard.

Thi thoảng tôi nhầm lẫn giữa Huỳnh Phan Anh và Huỳnh Phan - một người chuyên viết về giáo dục, nổi tiếng nhất là quyển Câu chuyện thầy trò. Sau nầy, khi khề khà bên ly bia, anh Huỳnh Phan Anh cũng xác nhận là cũng có nhiều người nhầm lẫn như thế không riêng gì tôi. Ai cũng là nhà giáo mà!

Nhà văn Huỳnh Phan Anh trước là giáo sư trường Nguyễn Trãi như nhà văn Tạ Quang Khôi. Chỉ khác nhau là sau 1975, Huỳnh Phan Anh vẫn còn dạy ở trường Nguyễn Trãi mà học sinh biết đến và gọi là ‘thầy Tâm’, dạy môn văn.

                                                                 *****

 Cuối năm 1999, sau khi dự lễ kỷ niệm 20 năm báo trào phúng Eulenspigel, tôi qua Paris Lúc ở nhà, tôi được biết trong thời gian nầy anh cũng ở Paris theo lời mời của một nhà thơ Pháp nên đã liên lạc với anh bằng điện thoại.

Một buổi sáng cuối đông, vào năm cuối cùng của thế kỷ 20, tôi hẹn gặp anh tại cửa nhà ga Porte Dauphine. Hai anh em uống cà phê phía bên ngoài một quán cà phê ở gần tiệm sách lớn Librairie du Marais ở đường Saint-Antoine. Bên ly cà phê bốc khói, chúng tôi nhìn ông tây bà đầm đi qua đi lại để nói về những ly bia trong quán Trống đồng do nhà thơ Vũ Trọng Quang làm chủ cũng như khổ chủ, nói về Bill Gates và chuyện tận thế Y2K. Anh nói về một nhà văn trong nhóm Đêm trắng hiện giờ ở mỹ là ‘anh hùng bán than vì nó than quá trời qua đất’. Nhà văn đó bây giờ cũng đã mất. Hai anh chắc đang gặp nhau trên thiên đường !

Đến trưa, tôi rũ anh lang thang qua một vài khu bán sách cũ. Hình như sau khi lục lọi mấy thùng sách cũ bày trên lề đường, anh củng mua được một vài cuốn gì đó. Rồi cả hai cùng bước đi trong cơn lạnh, ghé một cửa hàng thịt tôi mua một miếng thịt bò ngon, một chai vang đỏ.

Tôi đưa H.P.A về căn hộ chung cư tôi đang ở nhờ một người  bạn cực kỳ tốt bụng, mỗi khi có dịp qua Paris tôi đều ở với anh. Tôi trổ tài chiên beefsteak sao cho giống quán Tín Hưng nhưng rốt cuộc dở ẹt như thịt bò xào ở quán Trống đồng. Tất nhiên là khi thịt bò chín rồi thì mở chai vang ‘khai ly’ mừng ngày gặp gỡ tại Paris - thủ đô văn hóa mà cả hai tôi may mắn được đến cùng thời gian. Đúng là tha hương ngộ ‘nhậu hữu’, vui vô cùng anh Tâm hả?

Anh H.P.Anh hút thuốc liên tục. Cả căn hộ thanh khiết bây giờ khói mù mịt, tôi phải mở cửa để khói bay bớt. Trong câu chuyện, tôi nhớ anh có nói đến việc viết truyện cho thiếu nhi khi tôi hỏi về quyển sách anh viết về nhà văn Duyên Anh. Anh nói ‘Viết cho thiếu nhi rất khó. Viết cho thiếu nhi nghĩa là ta viết cho chính ta, cho chính tuổi thơ đã đi mất của chúng ta. Chúng ta phải đối diện với tuổi thơ của chính mình…’.

Tôi nhớ, có lần đọc được ở tạp chí Ý thức (năm 1971) anh đã viết về vấn đề nầy:

“Có lẽ người viết văn nào cũng hơn một lần ao ước viết nên một tác phẩm về tuổi nhỏ. Có thể hắn bắt đầu viết ngay sau đó, viết một mạch trong cơn hứng khởi tuyệt vời, viết trong một niềm hoan lạc chưa từng có. Tưởng tượng rằng đó là tác phẩm đầu tiên của hắn không bằng. Nhưng cũng có thể niềm ao ước kia sẽ tiếp tục là niềm ao ước, đầy hứa hẹn mà không thực hiện được bao giờ, như một món nợ đời đời không trả xong…Và để phát biểu một ý kiến chủ quan của mình, tôi không ngần ngại nói một cách đơn giản rằng viết về tuổi thơ là một công việc rất khó.”

“Người ta không thể viết về tuổi thơ như viết bất luận về một đề tài nào. (Nhưng tuổi thơ đâu chỉ là một đề tài hay một đối tượng suông để nhìn ngắm, do lường hay thâu tóm bằng trí thông minh!). Người ta không thể viết về tuổi thơ như một kẻ đứng ngoài tuổi thơ ngó vào. Tôi viết về tuổi thơ tức là tôi viết về ai? Cái gì? Xin đáp ngay, tức là tôi viết về tôi, cho tôi và đồng thời cho tất cả mọi người. Tức là tôi viết như thể là chính tôi đang ở trong tuổi thơ và chính tuổi thơ đang ở trong tôi, đang lên tiếng trong tôi, đang bay nhảy dưới ngòi bút tôi. Cho nên trên nguyên tắc, hầu như không thể viết về tuổi thơ: tuổi thơ không là cái gì ở ngoài, tuổi thơ không là cái khác, cõi khác, giới khác…Tuổi thơ chính là cái gì ở bên trong mỗi người chúng ta. Người ta vẫn gọi nó là thiên đường đã mất. Vâng, nó phải mất đi để những rung động về nó ngày một trở nên có thật hơn bao giờ và tồn tại mãi mãi…” (Viết về tuổi thơ)

Say câu chuyện, anh để rơi một tàn thuốc xuống tấm thảm bọc sàn nhà. Khi phát hiện, tôi tá hỏa vì tấm thảm đã lủng một lổ lớn bằng đầu ngón tay. Thấy anh bối rối, tôi cố trấn an ‘không sao đâu anh, không sao đâu anh…’Tôi càng không sao, anh càng xin lỗi liên tục. Hình như cả hai đều vượt qua cơn say nhỏ. Một ký ức ‘lủng lổ’ không thể nào quên được của hai nhà văn Sài Gòn ở thủ đô hoa lệ Paris vào cuối thế kỷ 20!

Viết cho anh những ký ức đứt đoạn để nhớ những buổi trưa số 5 Lê Quý Đôn, những buổi tối ở con hẻm nhỏ đường Võ Văn Tần, tôi đứng dưới đường, cạnh quày bán cháo trắng hột vịt muối mà ‘anh Tâm , anh Tâm ơi…’. Một thân hình gầy guộc trong cái áo thun ba lổ, cái quần pyjamas. ‘Tao đang viết bài…’.Buổi tối anh thường hay viết bài, dịch sách chứ không đi nhậu. Nhậu chỉ vào buổi trưa thôi. Một kỷ luật tự thân.

Bây giờ thi thoảng tôi đi ngang đó. Không ăn cháo và cũng chẳng biết gọi ai!