Đến thăm anh, chỉ những lúc nào không có khách, tôi mới ngồi lại uống rượu cùng anh. Những lúc ấy, mấy bạn trẻ ở gần anh có nhiệm vụ chạy ra chợ mua đồ nhắm. Trong số các bạn trẻ hồi đó có Lê Thiết Cương, sau này thành hoạ sĩ khá nổi tiếng

 

Một vài kỷ niệm với anh Đặng Đình Hưng

(Tưởng niệm 30 năm ngày đi xa của Đặng Đình Hưng)

 

PHAN ĐAN


Trong số những bậc đàn anh văn nghệ thời đó, thập niên 70 của thế kỷ trước, mà tôi có hân hạnh quen biết, tôi thân với Đặng Đình Hưng hơn cả. Có thể do hợp nhau trong chuyện văn chương, nhưng phần lớn là do tính cách giản dị, thẳng thắn mà tình nghĩa của anh khiến chúng tôi gần nhau, đến mức coi như bạn vong niên. Anh hơn tôi 23 tuổi. Lần đầu gặp anh, anh khoảng 45-46.

Đó là dạo cuối năm 1970, tôi tới chơi nhà anh Văn Cao. Lên khỏi cầu thang, vào phòng khách, tôi thấy anh Văn Cao (anh em văn nghệ đặt cho anh biệt danh là "Quốc Ca" vì anh là tác giả bài quốc ca) ngồi với một người có khuôn mặt vuông vức, tóc để dài bù xù như bờm sư tử, là thi sĩ Đặng Đình Hưng. Anh Văn giới thiệu tôi với anh Hưng (dân văn nghệ Hà Nội đặt cho anh biệt danh là "Kỳ Đồng", vì nhà anh ở phố Kỳ Đồng). Mở màn chào hỏi, Đặng Đình Hưng hất hàm, giọng kẻ cả:

- Chú làm ở báo nào?

Thuở ấy, hễ nói ai có làm thơ phú này nọ thì người ta lập tức nghĩ ngay đến một tờ báo, tất nhiên là môt cơ quan nhà nước. Tôi thưa với anh rằng tôi là dân lao động tự do, thậm chí thất nghiệp. Anh có vẻ hài lòng và bảo tôi đọc thơ. Tôi lễ độ từ chối, vì vốn không bao giờ thuộc thơ mình, nên nếu anh muốn thì tôi có thể chép đưa anh sau.

- Vậy trưa mai, 10h, chú ra quán bia Trần Hưng Đạo gặp anh.

Quán bia hơi Trần Hưng Đạo ở ngã tư Hàng Bài - Trần Hưng Đạo là một trong hai quán bia hơi nổi tiếng một thời tụ tập dân văn nghệ Hà Nội (quán kia là Cổ Tân ở cạnh Nhà Hát Lớn). Trưa hôm sau, tôi đúng hẹn ra quán gặp anh, mang theo mấy tờ giấy chép vài đoạn của bài thơ dài "Nghìn cây số bóng tối" tôi mới viết. Anh ngồi một mình, mặt bàn trống trơn, lặng lẽ nhét mấy tờ giấy chép thơ của tôi vào túi áo. Tôi nhìn những hàng người rồng rắn xếp hàng lấy bia mà băn khoăn vì trong túi tôi chẳng có đồng nào. Hà Nội năm 1970 nghèo thê thảm. Nhưng rồi có người mang tới chỗ chúng tôi hai cốc bia sủi bọt. Anh đẩy một cốc đến trước mặt tôi, cũng không nói một lời. Chúng tôi trò chuyện dăm câu rồi tôi xin phép cáo từ, anh chỉ gật đầu và hẹn: "Trưa mai ra đây!"

Trưa hôm sau, tôi lại ra quán bia. Lần này thấy tôi, anh đứng dậy kéo tôi đi cùng anh xuống phố Nguyễn Công Trứ. Anh đi chiếc xe đạp thiếu nhi Liên Xô, dân Hà Nội gọi là "Peugeot con vịt", còn tôi đi chiếc xe đạp Vĩnh Cửu Trung Quốc theo sau. Phố Nguyễn Công Trứ đoạn gần ngã tư phố Huế có một khoảng đất trống khá lớn bên cạnh khu nghĩa trang cũ, người ta dựng lên mấy căn lều làm quán nhậu. Anh rẽ vào một quán, gọi nửa lít rượu "quốc lủi" và nửa con gà luộc:

- Gà của chú, rượu của anh. Chú muốn uống bao nhiêu thì tự rót.

- Sao vậy anh?

- Anh không ăn khi uống. Còn gà là cho bài thơ của chú.

Chúng tôi thân nhau từ đấy. Mặc dù gặp anh không thường xuyên và cả hai cùng ít lời nhưng chỉ vài câu, vài cử chỉ là đủ để "thay lời muốn nói". Mà cũng chỉ quanh quẩn chuyện văn chương nghệ thuật. Bây giờ tôi vẫn còn giữ một tập thơ nhỏ anh viết tay tặng tôi với lời đề tặng nguệch ngoạc ở trang đầu: "F. đọc đi. F. làm việc đi. Hình bóng - hình dáng - chẳng nói jì thay được chính thân chữ. Anh H. Comik". Sở dĩ có bút danh "Comik" vì anh có viết mấy bài thơ "Comik 1", "Comik 2"...

Chẳng bao lâu sau, tôi gặp nạn. Dĩ nhiên sự việc chẳng liên quan tới anh mà chỉ dính dáng đến anh Văn Cao, nhưng tôi sẽ không kể lại ở đây. Một buổi chiều, tôi đi bộ lững thững bên bờ hồ Hoàn Kiếm, đoạn gần hiệu kem Bốn Mùa, sau khi ra khỏi một cuộc thẩm vấn kéo dài mấy ngày tại trụ sở Công an Hà Nội. Đặng Đình Hưng đạp xe từ phía phố Bà Triệu lên. Thấy tôi, anh nhảy xuống, dựng xe vào gốc cây, ôm lấy tôi, nghẹn ngào:

- Khổ quá! Em mới tí tuổi đầu làm gì nên tội mà chúng nó hành hạ em như thế?

Tôi đã 23 tuổi, cũng không còn "tí tuổi đầu" như anh nói nữa, nhưng họ đã kết luận là tôi có tội vì làm thơ và nhất là vì thơ tôi khó hiểu khiến họ có thể gán cho nó vô số ambigous symbols mà họ tưởng tượng ra. Có lẽ thơ tôi hợp tạng anh nên anh thấy nó dễ hiểu và vì thế anh thương tôi chứ quả là tôi không thể giải thích thơ tôi cho họ được. Cho đến bây giờ, tôi vẫn thấy dường như thơ mình chẳng ăn nhập gì với người đọc, giả sử là tôi có người đọc. Mà chẳng riêng tôi, thơ Đặng Đình Hưng cũng khó hiểu, tuy nó hợp tạng tôi và tôi thấy dễ hiểu, nhưng đọc nhiều bài viết về thơ anh sau khi thơ anh in ra, tôi chỉ thấy ngạc nhiên. Thơ anh một đàng nhưng người viết bài nói một nẻo, chắc ở nơi xa xôi ấy, anh cũng không khỏi phiền muộn.

Rồi anh kéo tôi vào nhà hàng Phú Gia gần đó, đãi tôi một bữa ra trò để giải sầu. Ăn ở Phú Gia hồi 1970 là cả một sự kiện, dẫu sau này có những lúc ngồi uống bia một mình trong khu vườn Tuileries ở Paris, hay ăn tối tại một khách sạn 4 sao bên bờ Grand Canal ở Venice, tôi cũng vẫn nhớ khôn nguôi những ly bia hơi đáng ngắt của Hà Nội thập kỷ 1970 và món phở xào trứ danh của nhà hàng Phú Gia thuở nghèo khổ xa xưa.

Bẵng đi một thời gian, tôi ít gặp anh em văn nghệ vì quá nhiều trở ngại. Vất vả kiếm sống cũng có mà bị giám sát rình rập cũng có. Rồi tôi lập gia đình. Một buổi tối sau hôm cưới ít ngày, trời mưa tầm tã, tôi nghe tiếng gọi ngoài cửa. Chạy ra thì thấy Đặng Đình Hưng ướt lướt thướt dù mặc áo mưa. Anh nói nhanh:

- Đám cưới chú, anh ở quê không tới được. Hôm nay, anh mang từ quê ra mừng cô chú một... con vịt.

Tôi mời anh vào nhà nhưng anh nói phải đi ngay vì đã rất muộn, rồi giúi vào tay tôi một con vịt thật, còn sống nguyên trong cái bị cói. Có lẽ ứng xử ấy cũng độc đáo như thơ anh vậy!

Một lần khác, tôi không nhớ là năm nào, anh mời tôi lên nhà anh, một căn phòng nhỏ trên gác ngôi biệt thự của gia đình anh. Sau mấy chén trà, anh nói, giọng mệt mỏi:

- Chú lấy căn phòng này của anh đi. Chú có bao nhiêu tiền? Anh muốn đi khỏi đây và muốn chú lấy căn phòng này.

Tôi lắc đầu:

- Em chẳng có xu nào cả, mà có cũng chẳng thể nào mua phòng của anh, anh biết quá mà. Sao anh không nói với chị Liên?

Anh im lặng, buồn bã. Tôi thực sự không hiểu chuyện gì xảy ra với anh và cũng ít muốn biết. Chỉ vài tháng sau, anh dọn đến một căn phòng khác tại phố Nguyễn Thượng Hiền gần hồ Thuyền Quang và kêu tôi tới chơi. Từ nơi đây, vào các buổi chiều muộn, hai anh em hay kéo nhau ra quán rượu bình dân cạnh rạp xiếc Công viên Thống Nhất ngồi nói chuyện trời bể.

Năm 1976, con trai anh - Đặng Thái Sơn - được sang Liên Xô học. Buổi tối Đặng Thái Sơn trình diễn piano tại Hội Âm nhạc phố Trần Hưng Đạo trước khi lên đường, anh rủ tôi và anh Văn Cao tới trụ sở Hội. Hai anh có lên gác đóng vai quan khách hay không và lên lúc nào tôi không biết, nhưng khi tôi tới, chúng tôi ngồi với nhau nơi chiếc ghế đá dưới khu vườn. Trên gác là ánh sáng và âm nhạc cùng sự náo nhiệt. Dưới vườn, trong bóng mờ là ba anh em với một chai rượu nhỏ. Không mang theo ly nên rượu được rót ra nắp chai rồi lần lượt mỗi người một ngụm, chúc mừng Đặng Đình Hưng vì tương lai của con trai anh. Một lát rồi tôi xin phép hai anh ra về vì tôi chỉ là khách của riêng Đặng Đình Hưng tối hôm đó và đến chỉ để chúc mừng anh, thấy chút loé sáng của niềm vui và tự hào trong mắt anh, thế là đủ, chứ tôi không liên quan gì tới sự kiện đang diễn ra trên gác.

Nhiều năm sau, khi con anh đoạt giải nhất Concours Chopin 1980, anh dọn về Giảng Võ, tôi có đến thăm anh tại đây. Hai anh em tiếp tục đối ẩm, tuy nhiên, không khí cũng đã khác. Anh vẫn lặng lẽ với chén rượu suông dù xung quanh anh đã có không ít người ra vào. Anh không còn cô đơn nữa. Hoặc giả anh đã bị lấy mất sự cô đơn cố hữu, nhưng nghe anh nói chuyện, tôi vẫn thấy nỗi quạnh hiu bản thể luận ấy choán đầy tâm trạng anh. Anh cho tôi xem tranh anh vẽ, đọc thơ anh viết trong những năm tôi lưu lạc còn anh vẫn ở Hà Nội, bệnh tật và ngày một mỏi mệt hơn. Có vẻ như những cay đắng hoạn nạn một thời đã mờ dần đi nhưng không bao giờ mất, ngay cả khi thời thế đổi thay. Như câu nói nổi tiếng của Douglas MacArthur: "Những người lính già không bao giờ chết, họ chỉ mờ dần đi." Ngay cả lúc có nhiều người xung quanh, nụ cười của anh có sảng khoái hơn, nhưng cái nhìn vẫn mơ hồ trống rỗng như thể đang theo đuổi một vệt bút hay một con chữ nào đó dần tan loãng. Lại nhớ câu thơ của anh: "Nhưng (vờ) cứ tưởng có một mình." (Comik 1). Câu thơ thật buồn và đắng chát!

Đến thăm anh, chỉ những lúc nào không có khách, tôi mới ngồi lại uống rượu cùng anh. Những lúc ấy, mấy bạn trẻ ở gần anh có nhiệm vụ chạy ra chợ mua đồ nhắm. Trong số các bạn trẻ hồi đó có Lê Thiết Cương, sau này thành hoạ sĩ khá nổi tiếng (mà Cương cũng chỉ là chân sai vặt ở vòng ngoài vì còn trẻ quá!). Một hôm, chị Thảo - mẹ Cương - tới thăm anh lại gặp tôi. Nhà chị ở gần, ngay toà chúng cư bên cạnh. Thấy chúng tôi sắp tàn cuộc rượu, chị bảo tôi:

- Lát nữa, chú qua nhà xem thằng con tôi nó vẽ vời thế nào nhé!

Tôi nhận lời. Qua nhà chị, tôi gặp Cương, lúc ấy còn là sinh viên trường Sân khấu - Điện ảnh. Cương bày ra sàn một loạt tranh cho tôi xem và hỏi ý kiến tôi. Tôi không nhớ đã nói gì với Cương, chắc cũng chỉ mấy câu khen linh tinh, còn Cương thì sau này lại chắc như đinh đóng cột rằng tôi đã nói gì đó về Kinh Dịch (!). Tôi thì không có khả năng nói những điều mà mình không thực sự rành. "Tri chi vi tri chi, bất tri vi bất tri... ". Có lẽ Cương đã nghe Đặng Đình Hưng lúc uống rượu với tôi có nói gì đó về Kinh Dịch lại nhớ nhầm thành tôi nói chăng? Hoặc cũng có thể tôi có nói với Đặng Đình Hưng trong cơn cao hứng một chuyện trời bể nào đó liên quan tới Kinh Dịch lúc xem tranh anh vẽ chăng? Tôi không còn nhớ nữa, nhưng quả là nhìn những nét vẽ phóng túng của Đặng Đình Hưng cũng dễ liên tưởng tới mấy vạch đứt nối của các quẻ Dịch. Ngẫm lại cuộc đời anh, cuộc đời tôi và cuộc đời trầm luân của bao người, liệu có như lời hào từ ở quẻ Minh Di, quẻ Dịch thứ 36, nội quái là Ly, ngoại quái là Khôn, rằng: "Sơ cửu: Minh di, vu phi thùy kì dực." (Ở thời u ám, ánh sáng bị tổn hại, như con chim muốn bay mà cánh rũ xuống).

Năm anh mất, tôi lại lưu lạc đi xa, không tới tiễn biệt anh được, chỉ vọng về miền đất cũ cùng nỗi bùi ngùi khắc khoải của một tình bạn vong niên. Kẻ hậu sinh này nay cũng đã U80, đã sẵn sàng cho một hành trình vào cõi không biết. Không biết mà cũng không tìm. Hoặc giả nếu có tìm cũng là tìm cái không biết, cái mà trong thơ Đặng Đình Hưng, anh đặt cho nhiều biệt danh. Có lúc anh đặt tên cho một bài thơ là "Lamã II", tức là cái second identity của anh:

"Cố nhiên, tôi phải đi hỏi zò

Đầu tiên, sang láng jiềng

Tôi zò (khéo) là có ai gặp tôi hai ở đâu không?"...

"Nhưng vấn đề không phải thế

Vấn đề là đi tìm lamã II

Nói khác đi, gặp

Thế thôi

Có điều là phải vờ như không gặp

Thì mới gặp."

Kỷ niệm của tôi với anh còn nhiều nữa, nhưng ký ức đã khô dầu và mòn mỏi để lại những khoảng trống nhạt nhoà không còn đảm bảo sự xác thực mà tôi mong muốn. Vả lại, như thói thường, chúng ta chỉ nhớ những gì chúng ta thích nhớ. Chúng ta tạo hình ký ức của mình theo khuôn mẫu của những ước vọng không thành, do đó, thay vì hoài niệm, chúng ta lại phóng chiếu cái gọi là ký ức của chúng ta vào tương lai, một tương lai lúc nào cũng mịt mờ và đầy bất trắc.

Với "những người muôn năm cũ" như Đặng Đình Hưng, tôi không nghĩ là "phải vờ như không gặp thì mới gặp", tôi đã gặp anh và sẽ còn gặp anh ở mọi khoảnh khắc mà ký ức của tôi còn sống động, dẫu nó đuổi theo một bóng chim tăm cá nào đi nữa. Bởi cái khuôn mẫu mà nó kết tinh là thuộc về vô cùng, nơi mọi ước vọng đều tàn lụi, tất cả chỉ còn là "một nắm hột khuya rắc vào bến lạ" như câu thơ anh viết.

Oregon, August, 7, 2020