Nhà thơ Phùng Ngọc Hùng, tác giả lời ca quen thuộc ‘trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai’ đã qua đời tại nhà riêng ở Hà Nội, hưởng thọ 73 tuổi.

 

Nhà thơ Phùng Ngọc Hùng là tác giả lời ca “trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai” quen thuộc với công chúng suốt 3 thập niên qua. Năm 1990, bài thơ “Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai” của nhà thơ Phùng Ngọc Hùng được nhạc sĩ Lê Mây phổ nhạc, đã lập tức trở thành ca khúc in đậm trong tâm trí những người yêu thương và trân trọng thế hệ tương lai.

Ca khúc “Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai” được bình chọn là 1 trong 50 bài hát thiếu nhi hay nhất thế kỷ 20. Ca khúc “Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai” được viết hoàn toàn trên bài thơ tâm đắc của nhà thơ Phùng Ngọc Hùng: “Trẻ em hôm nay/ Thế giới ngày mai/ Đó là vần thơ/ Cũng là câu hát/ Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai/ Xin được nhắc ngàn lần hơn thế/ Trái đất chưa im hẳn tiếng bom rơi/ Xin điệp khúc triệu lần hơn thế/ Bao trẻ em còn đói rách trên đời/ Bạn có nghe trẻ em khóc, trẻ em cười/ Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai”.   

Nhà thơ Phùng Ngọc Hùng sinh ra và lớn lên ở Cửa Lò - Nghệ An. Sau khi tốt nghiệp khoa ngữ văn Trường Đại học Sư phạm Vinh, nhà thơ Phùng Ngọc Hùng dạy học một thời gian ngắn rồi chuyển sang công tác Đoàn, và lần lượt đảm nhận các cương vị Bí thư Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng đội Trung ương, Phó chủ nhiệm Ủy ban Dân số Gia đình và Trẻ em, Chủ tịch Quỹ bảo trợ trẻ em Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội.

Nhà thơ Phùng Ngọc Hùng cuối năm 2009 đã xin nghỉ hưu trước tuổi vì căn bệnh Parkinson. Suốt một thập niên qua, nhà thơ Phùng Ngọc Hùng sống lặng lẽ bên gia đình và vẫn lặng lẽ làm thơ.

Nhà thơ Phùng Ngọc Hùng khởi nghiệp thi ca với những bài thơ viết tặng con gái mình, tiêu biểu nhất là “Bé Hương và mèo con” được chọn làm tên tập thơ đầu tay. “Bé Hương” ngày nào đã thành nhà báo Phùng Lan Hương công tác tại Đài Phát thanh- Truyền hình Hà Nội, chia sẻ về người cha: “Từ nhỏ tôi đã luôn ngưỡng mộ tình yêu của cha mẹ và chỉ mong khi lập gia đình sẽ có được một tình yêu như vậy. Tôi vẫn nhớ khi cha còn khỏe, cứ mỗi lần đi làm vào buối sáng thì cha lại hôn mẹ và thơm lên trán tôi. Tôi quen với cuộc sống đầy ắp yêu thương nên mong muốn sau này mình cũng như thế!

Cha chưa bao giờ có một câu nặng lời với mẹ. Khi nào bực quá thì được trút hết vào thơ nhưng mà thơ thì lại toàn thơ tình, thơ yêu dành cho mẹ thôi. Cha viết hàng trăm bài cho mẹ rồi và mỗi một bài thơ đều chan chứa tình yêu trong đó. Yêu, giận , ghen đều ở trong thơ cả.

Một trong những bài thơ mà nhà thơ Phùng Ngọc Hùng viết tặng vợ là “Giận mà thương” cũng được nhạc sĩ Trần Hoàn phổ nhạc thành ca khúc nổi tiếng: “Anh xa em nghe câu dân ca/ Giận mà thương sao da diết thế/ Ơi câu ca nặng tình nặng nghĩa/ Có lúc nào em giận anh không?/ Có lúc nào em giận anh không?/ Để anh thương suốt cả ngày em giận/ Khi xa nhau đến hàng nghìn dặm/ Giận chẳng còn mà thương rộng dài thêm.

Nhắc đến nhà thơ Phùng Ngọc Hùng là nhắc đến một người say mê làm thơ cho thiếu nhi. Nhà thơ Phùng Ngọc Hùng mồ côi cha từ năm lên 7 tuổi, và trải qua tuổi thơ lầm lũi theo mẹ mưu sinh, nên ông dành nhiều tình cảm để viết về những đứa trẻ bất hạnh.

Nhà thơ Phùng Ngọc Hùng ngoài bài thơ “Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai”, còn có các tập thơ thiếu nhi “May áo cho mèo”, “Chùa tiên, giếng tiên”, “Trẻ em và biển”, “Gọi bạn”, “Ngày xửa ngày xưa”…

Vì luôn tha thiết hy vọng “trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai”, nên không ít lần nhà thơ Phùng Ngọc Hùng thảng thốt vì tuổi thơ bị ảnh hưởng bởi những toan tính của người lớn: “Sân làng chia bán mất rồi/ Trẻ em ngơ ngác đứng ngồi mà thương”.

Nhà thơ Phùng Ngọc Hùng qua đời lúc 6h30 ngày 20/12, hưởng thọ 73 tuổi. Tác giả lời ca “trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai” được an táng tại quê nhà, phường Nghi Hương, thị xã Cửa Lò, Nghệ An.

                                                        TUY HÒA