Trong cuốn “Nhà văn Việt Nam hiện đại” do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành vào dịp kỷ niệm 40 năm thành lập Hội Nhà văn Việt Nam (1957-1997), phần đầu sách có mục “Các nhà văn mất trước khi thành lập Hội” khá trang trọng. Nhà thơ Thôi Hữu xếp thứ tư trong tổng số 11 văn nhân đã khuất.


“VÓC NHÀ THƠ ĐỨNG NGANG TẦM CHIẾN LŨY”

NGUYỄN MINH NGỌC

Chào đời năm 1919 tại Hoằng Hóa- Thanh Hóa, nhà thơ Thôi Hữu có tên khai sinh là Nguyễn Đắc Giới. Thưở nhỏ, học ở quê nhà, sau vào Trường kỹ nghệ thực hành Huế. Chàng trai trẻ viết báo và làm thơ từ khá sớm. Dẫu rất giàu tâm huyết và sôi nổi khát vọng của một thanh niên yêu nước, song thơ anh vẫn chưa vượt lên khỏi mặt bằng chung lúc bấy giờ. Được giác ngộ lý tưởng cách mạng, năm 1940, Nguyễn Đắc Giới bỏ học, để hoạt động. Trước đó, anh tham gia trong tổ chức Đoàn thanh niên Dân chủ Huế với danh xưng Trần Văn Tấn, nên làm thơ lấy bút hiệu là Tân Sắc.

Cách nay gần chục năm về trước, nhân vài lần được hầu chuyện ông Mười Hương (Trần Quốc Hương, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Trưởng ban Nội chính Trung ương…), người chỉ huy tình báo tài ba của Việt Nam, tôi biết thêm nhiều điều liên quan đến nhà thơ Thôi Hữu. Hóa ra, từ năm 1942, trong thời gian tham gia hoạt động cách mạng, ông Mười Hương đã kết thân với các ông Nguyễn Đắc Giới (biệt danh Giới xồm), Phạm Triều… Mặc dầu kém Thôi Hữu đến 5 tuổi, song ông Mười Hương lại chơi thân và rất quý trọng người bạn vong niên này. Tuy sống ở Hà Nội, nhưng Nguyễn Đắc Giới vẫn thường xuyên cộng tác với Tạp chí “Bạn đường” do phong trào Hướng đạo Thanh Hóa khởi xướng và tổ chức. Được biết, nhà thơ Trần Mai Ninh (Nguyễn Thường Khanh) cũng từng viết nhiều bài cộng tác với tạp chí này. Nhờ việc Tỉnh ủy Thanh Hóa nhanh nhậy tìm cách bố trí đưa người vào chỉ đạo, nên “Bạn đường” là tờ báo sớm có ảnh hưởng trong tầng lớp trí thức và công chức ở vùng Bắc Trung Bộ, lan rộng ra tận Hà Nội.

Cũng theo ông Mười Hương, lúc ở ATK, ông được Thôi Hữu cho biết, từ tháng 3-1942, nhà thơ Tố Hữu (Nguyễn Kim Thành) vượt ngục Đăk Glei (Kon Tum), tìm về gây dựng cơ sở và chắp nối liên lạc với tổ chức Đảng ở Thanh Hóa. Vốn cùng hoạt động trong phong trào thanh niên dân chủ ở Huế nên Tố Hữu tìm gặp Nguyễn Đắc Giới. Hai người nhận thấy rằng xứ Thanh và miền Trung đang bị gián đoạn liên lạc với Trung ương, tình hình rất khó khăn. Biết bạn mình có tay nghề thợ điện vững vàng, Nguyễn Kim Thành gợi ý anh Giới nên sử dụng nghề đó ra Hà Nội làm ăn, vừa dễ bề che mắt chính quyền thực dân, vừa để tìm cách bắt liên lạc với Trung ương Đảng. Bởi lúc này, có nhiều tù chính trị vượt ngục về, Trung ương được tăng cường và đang hoạt động mạnh ở vùng chung quanh Hà Nội.

Ông Mười Hương kể, Nguyễn Đắc Giới lập gia đình. Người vợ là cháu của đồng chí Tô Hiệu (1912-1944), một chiến sĩ cộng sản hoạt động ở Hải Phòng, Thường vụ Xứ ủy Bắc Kỳ, hy sinh tại ngục Sơn La. Thôi Hữu hoạt động trong phong trào truyền bá quốc ngữ và phong trào dân chủ do Đảng lãnh đạo, ông giao thiệp rộng, quen biết nhiều. Các ông Lê Tất Đắc, người Thanh Hóa và ông Nguyễn Tạo, người Hà Tĩnh, một nhà cách mạng vừa trốn khỏi nhà tù thực dân về, thường hay ghé lại đàm đạo với Thôi Hữu.  

Là đảng viên của Đảng Cộng sản Đông Dương, giỏi tiếng Pháp, Thôi Hữu được phân công làm công tác binh vận dưới sự chỉ đạo của đồng chí Hoàng Văn Thụ, Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ. Sau khi Hoàng Văn Thụ bị thực dân Pháp bắt và xử tử, bộ phận binh vận do Tổng Bí thư Trường Chinh trực tiếp điều hành. Bấy giờ, cơ quan binh vận của ta đóng ở vùng Bạch Mai, nhưng Thôi Hữu thường phải đi công tác xa. Họa hoằn lắm, ông Mười Hương mới gặp được bạn chỉ trong chốc lát. Địa bàn hoạt động của Thôi Hữu khá rộng, lúc thì ở ngoại thành Hà Nội, khi lên cả Việt Trì, hay dạt cả sang mạn Tâng (Sơn Tây), những nơi có nhiều đơn vị quân đội Pháp đồn trú, để bắt liên lạc với những người có cảm tình với cách mạng Việt Nam trong đội quân Lê dương.

Không lâu sau đó, Thôi Hữu cũng bị sa vào tay địch. Hay tin, ông Mười Hương rất lo lắng, muốn biết bạn mình bị giam giữ ở đâu, hiện tình thế nào. Lần tìm đến một người quen ngày trước từng ở cùng pô-pôt (popote, một kiểu nhà trọ) ở số 6 phố Công sứ Miribel (Rue Résident Miribel, nay là phố Trần Nhân Tông, Hà Nội) hỏi thăm, được bắc cầu qua một nữ y tá làm ở Nhà thương Bạch Mai thì lần ra manh mối. Biết mật thám vừa đưa một người còn trẻ, đẹp trai, nói tiếng Tây rất thạo, nhốt vào nhà thương điên. Ai hỏi, anh ta chỉ nói tên là Giới xồm. Vì quá thương bạn, ông Mười Hương cậy nhờ nữ y tá lợi dụng nửa đêm khi lính gác sơ hở, ông mặc blu trắng trùm đầu và được dẫn vào thăm Thôi Hữu. Biết là cực kỳ nguy hiểm, nên chỉ gặp nhau vài phút, Thôi Hữu vội nhắc ông Mười Hương phải đi ngay.

Cuối năm 1944, Thôi Hữu vượt ngục, tiếp tục tham gia công tác cách mạng. Ông làm báo “Hồn nước” của Đoàn thanh niên Cứu quốc Hà Nội. Sau ngày Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, báo “Cờ Giải phóng”, cơ quan tuyên truyền cổ động của Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương, được Bộ Nội vụ cấp phép xuất bản công khai. Tổng Bí thư Trường Chinh là người trực tiếp chăm lo xây dựng tờ báo, tăng cường cho báo các ông Thôi Hữu, Sơn Tùng (Lê Hữu Kiều, Nam Mộc), Nguyễn Huy Tưởng, Thép Mới…

Sau khi Đảng ta tuyên bố tự giải tán (5-11-1945), thực chất là rút vào hoạt đông bí mật, thì báo “Cờ Giải phóng” cũng tự đình bản. Thôi Hữu chuyển sang công tác ở báo “Sự thật”, cơ quan tuyên truyền của Hội nghiên cứu chủ nghĩa Mác ở Đông Dương. Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, Thôi Hữu vào quân đội, tham gia phụ trách tờ báo “Thủ đô” của Liên khu I. Ngày 10-3-1947, báo “Vệ quốc quân” (tiền thân của báo Quân đội nhân dân) được thành lập trên cơ sở hợp nhất hai tờ “Sao vàng” và “Chiến thắng”. Thôi Hữu lăn lộn bám sát các chiến trường, ông xông xáo và gắn bó với bộ đội. Các phóng sự như “Đi vào sau địch”, “Tù binh đường số 4” của ông đã tái hiện khá sinh động hiện thực kháng chiến, ngợi ca khí phách anh hùng, cũng như lòng nhân đạo cao cả của quân và dân ta.

Cùng với văn xuôi, những bài thơ của Thôi Hữu mang đậm phong cách nghệ sĩ - chiến sĩ như “Đi tuần”, “Tam Đảo phá hoại”; hay một nét chấm phá “Sau lũy tre xanh”, “Xe trâu”, “Lời cô lái đò”… phản ánh cuộc sống chiến đấu đầy gian khổ nhưng hào hùng của quân và dân ta lúc bấy giờ. Tuy nhiên, bạn đọc nhớ hơn cả vẫn là “Lên Cấm Sơn”. Có thể nói đây là bài thơ thành công nhất của ông. Tác phẩm này được chọn vào nhiều tuyển tập, như “Thơ Việt Nam 1945-1975”, “Thơ Việt Nam 1945-1985”, cùng các tập thơ kháng chiến. Lời thơ ngắn gọn, ngôn ngữ trau chuốt, cảm xúc chân thành và trong sáng. Dễ gì quên được những câu như này: “Có khi gạo hết tiền vơi/ Ổi xanh hái xuống đành xơi no lòng/ Có đêm gió bấc lạnh lùng/ Áo quần rách nát, lá dùng che thân…”. Hay là “Tiếng hát lừng vang trong gió núi/ Ngày vàng ngân giọng trẻ ê a/ Ở đây bản vắng rừng u tối/ Bộ đội mang gieo ánh chói lòa”.

“Lên Cấm Sơn” thể hiện một cái nhìn đầy lạc quan trước vẻ đẹp cao cả của Bộ đội Cụ Hồ, những người lính sẵn sàng chịu đựng mọi gian khổ, hy sinh để bảo vệ nhân dân. “Lòng tôi bừng thức tình trai mạnh/ Muốn viết bài thơ rộn tiếng cười/ Tặng những anh tôi trong lửa đạn/ Qua nghìn gian khổ vẫn vui tươi”.

Tiếc thay, khi vừa bước sang tuổi 31, tài năng đương nở rộ, Thôi Hữu ngã xuống trên chiến trường Việt Bắc, trong một vụ máy bay giặc Pháp ném bom (16-12-1950), để lại niềm tiếc thương của bao bạn bè, đồng nghiệp.  Mãi hơn 30 năm sau ngày ông hy sinh, cuốn “Thơ văn Thôi Hữu” mới được ra mắt bạn đọc. Mùa hè năm 2003, nhà thơ Hoàng Quý, một người con của quê hương Phú Thọ, có dịp đến những địa danh mà hơn nửa thế kỷ trước Thôi Hữu từng in dấu chân. Lòng bồi hồi, Hoàng Quý viết: “Một dốc/ Hai dốc/ Rất nhiều dốc/ Cấm Sơn ngày này tôi mới qua/ Câu thơ người hát thời chinh chiến/ Còn tươi trên lá đến bây giờ!”. (Tới Cấm Sơn nhớ thi sĩ Thôi Hữu).

Nhìn lại quãng thời gian hoạt động sôi nổi của nhà thơ - liệt sĩ Thôi Hữu, càng thêm tự hào về một thế hệ cầm bút luôn đồng hành với sự nghiệp cách mạng của Đảng và của nhân dân. Tròn 70 năm Thôi Hữu hy sinh, xin mượn câu thơ của Chế Lan Viên để nói về một lớp nhà thơ - chiến sĩ đã dấn thân và dâng hiến trọn đời cho Tổ quốc: “Vóc nhà thơ đứng ngang tầm chiến lũy”.