Mục đích của văn chương không phải để phản ánh hiện thực, cũng không phải là để chiêm nghiệm hiện thực, mà nó phải là tấm gương phản chiếu thời đại, mà là phản chiếu theo đặc tính của văn chương. Đó là độ sâu của những tấm gương nghệ thuật. Đừng bắt nó phải như thật
SỨC MẠNH CỦA NGHỆ THUẬT
ĐINH QUANG TỐN
Chất lượng nghệ thuật
Từ xưa, trong cuộc sống, ông cha ta đã coi trọng chất lượng, thể hiện qua các câu tục ngữ: "Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh", "Một nghề chín, hơn chín mười nghề"... Nghệ thuật là cái đẹp, là tinh túy của cuộc sống, nên nó càng đòi hỏi chất lượng cao. Giở lại một cuốn "Sổ tay văn học" thời mình còn là sinh viên, tôi ghi ở trang đầu câu nói của một danh nhân nước ngoài: "Văn học xuất phát từ những định luật của vô cùng. Chỉ một mình nó không công nhận cái chết". Ôi, đúng là một thời bồng bột khi đứng ở ngưỡng cửa của văn chương nên thích những lời to tát. Chẳng có gì xuất phát từ định luật của vô cùng cả, mà chỉ có những lĩnh vực đi từ sự vật sự việc cụ thể để đến với vô cùng mà thôi! Và chẳng có một lĩnh vực nào tự nó đã bất tử, mà sự bất tử có ở tất cả các lĩnh vực, khi nó đạt đến đỉnh cao của vô cùng. Văn chương nghệ thuật là một lĩnh vực thuộc kiến trúc thượng tầng của cuộc sống, nó cũng mang đầy đủ những đặc điểm như mọi lĩnh vực khác.
Kho tàng văn chương dân gian và văn chương bác học của dân tộc, mà chúng ta biết được còn lại không quá đồ sộ thì chắc chắn thời gian đã xóa đi một số lượng ít nhất phải gấp hàng mấy chục lần như thế. Hơn trăm bài thơ của phong trào Thơ Mới còn lại trong Thi nhân Việt Nam, sau khi Hoài Thanh và Hoài Chân đã loại đi một vạn bài mà các ông được đọc. Tức là lịch sử văn chương chỉ giữ lại khoảng 1% số sáng tác mà thôi. Biết được điều này, các nhà văn nhà thơ sẽ cẩn trọng và nghiêm túc hơn trong quá trình sáng tác của mình, làm sao phải có được những sáng tác hay, những tác phẩm có chất lượng. Còn làm thế nào để có được tác phẩm hay, thì nhiều nhà thơ, nhà văn nói rằng câu hỏi ấy không thể trả lời được. Riêng nhà văn Đình Kính tác giả của tiểu thuyết Sóng chìm thì trả lời rằng, đó là: Tài năng, tài năng và tài năng. Thực ra, hai cách trả lời đó cũng chỉ là một, và đều còn là một sự bí ẩn. Nhưng danh nhân Trương Triều (đời Thanh - Trung Quốc) là tác giả của tập cách ngôn U mộng ảnh nổi tiếng, viết một câu mà tôi cho là chân lý: "Văn chương tuyệt đỉnh cổ kim đều được viết bằng máu và nước mắt". Truyện Kiều, Chinh phụ ngâm, Nhật ký trong tù... có thể là minh chứng.
Lịch sử văn chương nhân loại từ cổ chí kim rất ít tác giả để lại cho đời được một khối lượng đồ sộ tác phẩm có giá trị cao. Họa chăng chỉ là những thiên tài! Mà thiên tài thì phải hàng trăm năm mới có. Tầm cỡ như Đỗ Phủ, Lý Bạch, Bạch Cư Dị, thì đất nước hơn một tỉ dân như Trung Quốc, mấy chục năm nay nào có được ai? Ở Việt Nam, thì tầm cỡ Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Du... mười thế kỷ văn chương bác học, cố tính cũng chỉ được mươi người. Còn phần lớn là các tác giả có số lượng sáng tác đồ sộ, nhưng chất lượng thì cũng chỉ có được một hai tác phẩm, cũng là quý lắm rồi. Tâm trạng hoảng hốt của thi sĩ Xuân Diệu khi tuổi đã cao nhìn lại những sáng tác của mình, không biết có gì còn lại với đời là một tâm trạng thực, cũng đáng trân trọng. Đó là một người tinh tường và biết sợ. Khi còn ở thời kỳ sáng tác sung sức, thi sĩ cũng đã phải thốt lên: "Thơ ơi, quặng thải bao lần/ Biết bao giờ mới ra vần kim cương!". Một tài năng lớn như Xuân Diệu, một tài năng mà khi ông ra đi, báo Văn nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam đã viết: "Một cây lớn nằm xuống, cả khoảng rừng trống vắng" mà vẫn còn trăn trở đến như thế về chất lượng nghệ thuật, thật đáng là bài học cho mỗi người cầm bút.
Vì thế, những sáng tác văn chương nghệ thuật hay là rất hiếm và rất quý. Một bài thơ hay có thể đánh đổ hàng vạn bài, vì nếu tác phẩm không hay thì chẳng là gì cả. Đây phải là điều tâm niệm của mỗi người cầm bút. Làm sao để cả đời có thể viết được một tác phẩm hay. Mỗi tác phẩm hay là một hạt kim cương, mỗi nhà văn có một tác phẩm hay thì nền văn chương nước nhà sẽ có một kho kim cương đồ sộ. Nhưng những viên kim cương có hình dáng và màu sắc rất khác nhau. Có khi là một khối trong suốt như Truyện Kiều, có khi lại là những hạt vụn lẻ tưởng gần với hoang dã như những bài thơ của Hồ Xuân Hương, có khi chỉ vài ba hạt thăm thẳm như "Thu vịnh", "Thu ẩm", "Thu điếu" của Nguyễn Khuyến, hoặc những chùm hạt có màu sắc khác nhau được gom lại trong Thi nhân Việt Nam... Có điều, không ai có thể cố tình sản xuất mà thành kim cương cả. Kim cương đó là những hạt tự nhiên, do sự kết tinh của những chất đặc biệt trong một hoàn cảnh và điều kiện đặc biệt. Nhưng khi biết được hoàn cảnh và điều kiện có thể nảy sinh kim cương, thì ta có thể tạo dựng điều kiện, hoàn cảnh và chờ đón. Điều kiện và hoàn cảnh thuận tiện càng dồi dào thì khả năng nảy sinh kim cương sẽ càng cao.
Tác phẩm đỉnh cao ư? Nó chỉ có thể ra đời theo đúng quy luật đó. Vì vậy, muốn có được những tác phẩm đỉnh cao thì phải tạo dựng môi trường cho nó xuất hiện, chứ đừng dông dài những chuyện không đâu.
Quyền năng của nghệ thuật
Kỷ niệm 100 năm sinh nhà phê bình văn học Hoài Thanh, nhiều người một lần nữa khẳng định Hoài Thanh là "người đi tìm cái đẹp". Chính Hoài Thanh cũng đã tâm sự điều này, khi ông bỏ qua việc phê phán những câu thơ, những bài thơ dở. Thực ra thì không phải chỉ trong việc phê bình, mà ngay cả trong sáng tác, xu hướng chính vẫn là ca ngợi cái hay, khẳng định cái đẹp. Dẫu có là hiện thực phê phán thì mục đích của nó vẫn là để ca ngợi con người và cuộc sống.
Miêu tả nàng Kiều đẹp về cả hình thức và tâm hồn, với một tài năng đặc biệt, Nguyễn Du đã tạo cho nàng sức sống đến ngày nay. Thì không có nghĩa là trong cuộc đời ông không gặp người phụ nữ nào xấu cả. Chính Nguyễn Du đã phải sống cuộc đời, mười năm gió bụi, bao nhiêu nhiễu nhương trong buổi loạn ly, biết bao sự nhốn nháo của buổi đầu thị trường tư bản, nàng Kiều phải hai lần vào lầu xanh, thì còn điều gì mà Nguyễn Du không thấy? Nhưng để thể hiện cái đẹp thì phải làm mờ những cái xấu đi. Nói cách khác, trong khi tập trung mọi ánh sáng, màu sắc để làm rực rỡ nàng Kiều, trong tâm trí thi hào vẫn thoáng thấy sự đối lập, sự tương phản với hình bóng những người phụ nữ xấu. Không có những hình bóng tương phản thì Nguyễn Du không thể miêu tả được nàng Kiều đẹp đến thế.
Tương tự, trong tác phẩm hiện thực phê phán tiêu biểu giai đoạn 1930-1945 của văn chương nước nhà, nhà văn Ngô Tất Tố đã miêu tả chị Dậu đặc trưng cho lòng chung thủy, đã ném nắm giấy bạc hơn chục đồng trả tên quan phủ để giữ phẩm tiết, trong khi chị bán cái Tý và ổ chó cho vợ chồng Nghị Quế để lấy tiền nộp sưu cho chồng chỉ được hai đồng bạc. Thì không có nghĩa, nhà văn Ngô Tất Tố không biết gì về những cô gái làm tiền dễ dãi thời ấy. Căm tức cái xấu, phê phán xã hội thối nát là một thái độ rất đáng trân trọng. Nhưng vượt lên trên sự căm giận, tố cáo để khẳng định cái tốt đẹp phải đứng ở mức cao hơn. Ở điểm này, trước đây tôi đã không đồng tình với Trần Đăng Khoa khi anh phê phán chị Dậu bán con trong tác phẩm Chân dung và đối thoại của anh, lúc sách mới xuất bản lần đầu. Ngô Tất Tố còn có cách nào khác là để cho chị Dậu bán con? Mà đây là một thực tế diễn ra ở không ít gia đình trong những năm tháng ấy. Dẫu phải bán con nhưng con vẫn sống, còn hơn là để cả nhà cùng chết. Đấy là tầm tư tưởng cao của Ngô Tất Tố, ông phải vượt lên rất nhiều điều để khẳng định cái đẹp. Và tư tưởng ấy đã vượt qua được thời gian sóng gió đến nay.
Thế thì khi miêu tả thể hiện cái xấu, nhà văn có thấy những điều tốt đẹp không? Có chứ. Phía sau của nhân vật bao giờ cũng có bóng dáng của hàng loạt những con người khác, cả những người xấu và người đẹp. Nếu nhà văn miêu tả những nhân vật và sự việc tốt đẹp, thì bóng dáng những người tốt đẹp ở phía sau sẽ tô đậm thêm cho vẻ đẹp ấy, còn những người xấu sự việc xấu sẽ làm những bóng tối tương phản để nhân vật và sự việc tốt đẹp nổi bật hẳn lên. Trong tâm hồn nhà văn không bao giờ đơn thuần một loại cảm xúc. Tuy nhiên không phải các loại cảm xúc đều dạt dào mức độ đồng đều, nó đậm nhạt, gần xa, ẩn hiện một cách rất phù hợp và nghệ thuật. Khi nhà thơ nhà văn nào có được độ sâu cảm xúc này thì câu thơ, trang văn mới có được sức nặng mà mưa gió thời gian không thể cuốn đi trong tâm trí người đọc.
Phía sau nàng Kiều có hàng trăm hàng nghìn bóng dáng những người phụ nữ đủ các loại. Nàng Kiều trở về cùng chúng ta ngày nay là mang theo cả những bóng dáng ấy, cả xã hội và thời đại của nàng, chứ đâu phải chỉ có một mình nàng. Vì thế thi sĩ Chế Lan Viên mới viết:
Nguyễn Du có nói về cô Kiều e lệ nép vào hoa buổi ấy
Thì cũng để cho ta yêu người con gái đẹp thời nay
.......
Câu thơ ư, là một cách truyền lửa qua muôn đời
Ai hơi đâu truyền đuốc tắt mà chơi.
Càng nghĩ, tôi lại càng thấy sự cao siêu của nghệ thuật mà mình không thể nào chạm tới được. Và thấy quyền năng của nghệ thuật thật vô cùng, nó lớn gấp vạn lần quyền lực. Quyền lực chỉ có thể chinh phục được một bộ phận nào đó trước mắt. Còn quyền năng thì mới chinh phục được tất cả mọi người từ đời này qua đời khác.
Độ nông sâu của nghệ thuật
Độ nông sâu trong cuộc sống tôi cũng thấy cha ông ta nói đến nhiều. Nội dung của nó tất nhiên là để hướng tới độ sâu, mà như bây giờ chúng ta thường gọi là chất lượng cuộc sống. Độ nông sâu của cuộc sống không phải là sự đầy đủ hay thiếu thốn, nhiều hay ít, cao hay thấp, đa dạng hay đơn điệu... mà độ nông sâu có ý nghĩa triết học, sâu sắc và hướng tới chân lý. Còn gì sâu hơn lời dạy của ông cha ta đối với mỗi con người: "Thứ nhất là tu tại gia, thứ nhì tu chợ, thứ ba tu chùa". Vâng, tu tại gia mới là khó nhất, chứ vào chùa thì chỉ việc ăn chay niệm Phật, gõ mõ tụng kinh, sẽ dễ hơn tu tại gia nhiều. Đó là một thái độ sống cao nhất, có trách nhiệm với mọi người, với cuộc đời. Ông cha ta còn dạy cả thái độ ứng xử của người quân tử, vẫn với lời khuyên nhập thế, giống như khuyên tất cả mọi người ở câu trên: "Ẩn giữa núi rừng chỉ là tiểu ẩn, ẩn giữa triều đình mới là đại ẩn". Bởi trốn đời, thì còn làm gì được cho đời, mà phải ở giữa cuộc đời, ở trung tâm cuộc đời mới có thể có thời cơ cứu nhân độ thế. Cũng từ dòng ý nghĩ cao sâu ấy mà đại thi hào Nguyễn Du đã viết: "Tài tri vô tự thị chân kinh" (Kinh không còn chữ mới là chân kinh)...
Ở điểm này, ứng vào thế giới văn chương nghệ thuật, Tố Như tiên sinh đã chạm tới độ sâu sắc nhất. Ở phía Tây bán cầu, đại văn hào nước Anh Sếchxpia, qua lời hoàng tử Hămlét trong vở kịch cùng tên, đã nói: "Chữ, chữ, toàn là chữ...". Vâng, văn chương nghệ thuật phải không còn chữ thì mới là văn chương. Nhưng làm thế nào để cho chữ biến đi thì không phải là chuyện dễ. Muốn làm cho chữ biến đi phải làm cho chữ lung linh, chữ có hồn chứ không phải là làm xiếc chữ nhào lộn, lật ngược. Làm xiếc chữ nhào lộn thì chữ không biến đi mà nó thành những chữ kỳ quái, chữ ma, dị hình dị tướng. Theo tôi, muốn làm cho chữ biến đi thì tất cả phụ thuộc vào tài năng. Danh họa Picátsô (Tây Ban Nha) chỉ ký họa chim hòa bình bằng một nét bút mà có giá trị hơn nhiều những bức phù điêu hoành tráng cùng đề tài. "Chim hòa bình" của Picátsô đã bay từ thế kỷ XX sang thế kỷ XXI, nó không còn là chữ, là màu nữa.
Thực ra thì các vĩ nhân cổ kim Đông Tây cũng đều thống nhất với nhau thôi. Thời hiện đại, thi sĩ Chế Lan Viên cũng viết:
Chỗ này sâu ư? Không, chỉ là nước đục ngầu
Chỗ này cạn ư? Không, chính vì nước trong nên ta nhìn thấy đáy
Chỗ sâu cạn trong thơ là thế đấy!
Một thời các nhà sáng tác và phê bình văn chương đã trao đổi và tranh luận mục đích của văn chương là phản ánh hiện thực hay chiêm nghiệm hiện thực? Thực ra thì mục đích của văn chương không phải để phản ánh hiện thực, cũng không phải là để chiêm nghiệm hiện thực, mà nó phải là tấm gương phản chiếu thời đại, mà là phản chiếu theo đặc tính của văn chương. Đó là độ sâu của những tấm gương nghệ thuật. Đừng bắt nó phải như thật. Còn tất nhiên nó phải đẹp. Đẹp nhưng không phải do tô điểm. Những tác phẩm đạt đến mức là tấm gương phản chiếu thời đại không nhất thiết phải là những tiểu thuyết có dung lượng đồ sộ, mà là những tác phẩm mang tâm hồn điển hình của thời đại ấy, dưới một hình thức nghệ thuật đặc sắc. Như: Tắt đèn (Ngô Tất Tố), Điêu tàn (Chế Lan Viên), Số đỏ (Vũ Trọng Phụng), Nhật ký trong tù (Hồ Chí Minh), Thơ Nguyễn Bính, Hàn Mặc Tử, Tố Hữu...
Còn các nhà phê bình văn chương nghệ thuật cũng vậy. Từ xưa, ở lĩnh vực này, các danh nhân đã chỉ ra: "Đọc bằng mắt thì văn chương chỉ thấm vào da thịt; đọc bằng tâm thì văn chương thấm vào gan ruột; đọc bằng thần thì văn chương thấm vào cốt tủy". Có thể thấy, nhiều bài đọc sách tràn lan trên các báo chỉ là những bài đọc bằng mắt. Nó ở độ nông nhất của phê bình. Những bài phê bình ở các chuyên mục "Tác phẩm và dư luận" của một số tờ báo, tạp chí chuyên ngành văn chương, có nhiều bài đọc bằng tâm. Còn những bài phê bình đọc bằng thần thì tôi thấy rất hiếm. Thi nhân Việt Nam của Hoài Thanh chính là những bài đọc bằng thần vậy.
Thực ra, trong một nền văn chương cũng không có được nhiều tác phẩm là "tấm gương phản chiếu thời đại" và cũng không có được mấy tác phẩm phê bình đạt đến mức "đọc bằng thần". Đó là những tác phẩm đạt độ sâu nhất của nghệ thuật. Nhưng làm sao để sáng tác và phê bình có được những tác phẩm như thế luôn là đích hướng tới. Thế kỷ XX, ở Việt Nam, những tác phẩm văn chương đạt ở mức là "tấm gương phản chiếu thời đại" chỉ có độ vài ba chục tác phẩm. Còn tác phẩm phê bình đạt ở mức "đọc bằng thần" thì ngoài Thi nhân Việt Nam, tôi chưa thấy có tác phẩm thứ hai.