Nghề báo là nghề không có khái niệm nghỉ hưu. Khái niệm này có thể hiểu theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Nghĩa là sau khi nghỉ hưu về mặt hành chính, theo luật lao động, thì họ vẫn có thể cầm bút. Hay theo nghĩa khác là họ vẫn có thể hoạt động với những đam mê, sở thích và nhất là vẫn tiếp tục muốn cống hiến cho xã hội.

 

KHI CÁC NHÀ BÁO NGHỈ HƯU

HUỲNH DŨNG NHÂN

Nhà báo Phạm Quốc Toàn, nguyên phó chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam, sau khi nghỉ hưu đã về sinh sống tại thành phố biển Vũng Tàu, và mới đây ông lại bổ sung vào danh sách 14 tác phẩm đã in của mình thêm một cuốn sách mới: Đó là cuốn “Thêm một ngày đàng” với 500 trang viết, ôn lại kỷ niệm tác nghiệp của quãng đời làm báo hơn nửa thế kỷ của mình. Ngoài ra, ông vẫn như một con ong cần mẫn đơm hoa hút mật kết nối cho mối quan hệ thân thiết giữa hai hội nhà báo Thái Lan và Việt Nam mà ông đã từng gắn bó suốt hàng chục năm nay.

Nhà báo Trần Đăng Tuấn, nguyên phó giám đốc Đài truyền hình Việt Nam là một trong những nhà báo đầu tiên phát động chương trình Bữa cơm có thịt và Áo ấm cho trẻ em vùng cao để vận động mọi người đóng góp, nâng cao chất lượng bữa ăn cho trẻ em vùng cao nhiều khi còn phải ăn cơm với muối. Chương trình này đã nhanh chóng thu hút được hàng chục nhà báo các đơn vị khác nhau cùng các nhà hảo tâm ủng hộ.

Một chương trình khác cũng khá nổi bật, đó là chương trình Mô tô học bổng, do một nhóm nhà báo nhà văn phát động, người khởi xướng đầu tiên là hai “ông già gân” Đoàn Thạch Biền nhà văn nhà báo chủ biên tờ Áo Trắng, và nhà văn nhà báo Nguyễn Đông Thức ( Báo Tuổi Trẻ ). Đầu tiên hai ông già U70 này chở nhau đi trên một chiếc mô tô phân khối lớn, đi trao quà và vận động sự đóng góp trên FB, rồi đích thân lái mô tô tổ chức các đoàn đi trao tiền, quà cho trẻ em nghèo khắp các vùng sâu vùng xa.

Một nhà báo nữ ở Hà Nội cũng cùng đồng nghiệp dùng FB của mình kết nối yêu thương, đó là nhà báo Phạm Thanh Hà, sau khi nghỉ hưu từ báo Nhân Dân, chị đã đảm nhận chức Tổng biên tập tạp chí Phụ Nữ mới. Chị dùng FB của mình để thông tin, để kết nối để vận động, rồi đích thân cùng đồng nghiệp lo xe, lo hàng, đi trao tiền quà cho trẻ em nghèo miền núi, cho những người bệnh đang cần tiền chạy thận… Nhiều khi chị và các đồng nghiệp còn tự sản xuất sản phẩm, tổ chức mua bán hàng hóa như rau quả, trứng gà… để có tiền ủng hộ cho trẻ em nghèo vùng cao.

Một số nhà báo khác như chị Kim Loan ( nguyên Trưởng văn phòng Hội Nhà báo Việt Nam tại phía Nam ) cũng dùng FB của mình kết nối, vận động, điều hành nhóm từ thiện gồm nhiều nhà báo nghỉ hưu thuộc SJ Group và các nhà từ thiện đi nấu ăn, giúp đỡ các Khu Dưỡng lão.

Nhà báo Hà Thu Thủy Báo Bình Thuận, cũng là một dân “ghiền FB” nhưng qua FB, chị tham gia các hoạt động từ thiện, vận động các nhà hảo tâm, kết nối với Hội Nữ Doanh nhân tỉnh tổ chức đi tặng quà, xây nhà tình nghĩa, giúp đỡ bà con nghèo…

Còn nhà báo Thanh Minh nguyên TBT báo Doanh nhân Sài Gòn, nguyên chủ nhiệm CLB Doanh nhân Sài Gòn thì sau khi nghỉ hưu lại đột ngột chuyển hướng sang làm nghệ thuật tranh sỏi đá. Công trình mới nhất của anh là 67 bức tranh được triển lãm mang tên “Ký tự đá” đúng vào ngày 15/10/2020 , đây cũng chính là kỷ niệm ngày sinh nhật lần thứ 67 của nhà báo Nguyễn Thanh Minh. Tiền bán được tranh đá nhà báo Thanh Minh đều đem làm từ thiện.

Nhà báo Vĩnh Quyền , trước khi nghỉ hưu là Trưởng văn phòng đại diện Báo Lao Động tại Đà Nẵng. Nghỉ hưu là anh đầu tư cho mình một bộ đồ nghề của một nhà nhiếp ảnh chuyên nghiệp, tìm đến một thú vui tao nhã và đẳng cấp, đó là hàng tuần lên bán đảo Sơn Trà chụp chim và voọc. Nhìn bộ ảnh nghệ thuật mang thông điệp bảo vệ môi trường của anh, ít ai nghĩ đó là tác phẩm của một nhà văn nhà báo trong đầu toàn chữ nghĩa.

Nhà báo Hồng Ánh nguyên trưởng ban Bạn đọc báo Công an Thành phố Hồ Chí Minh thì sau khi nghỉ hưu tiếp tục các hoạt động từ thiện và công tác xã hội. Nơi chị hướng đến nhiều nhất là mảnh đất Hà Tĩnh quê hương nơi 10 cô gái Ngã ba Đồng Lộc đã ngã xuống. Tại đây chị đã sáng tác bài thơ “ Tình yêu của mẹ “và được nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu phổ nhạc: “Toả ngát hương thơm sắc xuân thì. Vẫn còn đó những tâm hồn trinh trắng. Trong lòng người nghĩa tận tri ân.”

Nữ nhà báo Quỳnh Lệ, Nguyên Tổng biên tập Báo Cao su Việt Nam, đã dành thời gian sau khi nghỉ hưu cho những chuyến đi. Nhưng lần này chị rẽ hẳn sang con đường âm nhạc mà chị đã là một nhạc sĩ từ khi còn khá trẻ. Chị mải miết đi và sáng tác nhạc, ôm đàn hát ở vùng sâu vùng xa, vùng biên giới hải đảo của đất nước.

Cũng dành trọn vẹn thời gian sau khi nghỉ hưu, nhà báo Minh Ngọc báo SGGP dành rất nhiều tâm tư tình cảm cho những chuyến đi về nguồn, những hành trình đến với người lính nơi biên giới hải đảo. Năm nào chị cũng tham gia kết nối cho các đoàn thể cùng đến thăm các chiến sĩ như một nhiệm vụ của mình.

Nhà báo Huy Quân, công tác tại Đài tiếng nói nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh hàng chục năm nay. Anh nghỉ hưu cũng như chưa nghỉ hưu, vì anh vẫn tiếp tục tham gia ban tổ chức cuộc đua xe đạp Cúp Phát thanh VOH và tham gia nhiều giải đua xe khác của Liên đoàn xe đạp. Hầu như không cuộc đua xe đạp nào lại vắng mặt nhà báo Huy Quân dù anh đã nghỉ hưu 5 năm nay.

Còn một nhóm nhà báo khác của TTXVN như Nguyễn Tiến Lễ, Kim Sơn, hay nhà báo Huỳnh Dũng Nhân... thì không hẹn mà gặp, đã tụ tập với các họa sĩ khác thành một “hội râu kẽm”. Ngoài công việc riêng trong nghề nghiệp của mình, các nhà báo này đã gặp nhau ở niềm đam mê hội hoạ, thỉnh thoảng lại tổ chức triển lãm mini.

Nhà báo Trần Mai Hưởng, nguyên TGĐ TTX VN thì sau khi nghỉ hưu đã cùng các nhà báo cựu lãnh đạo TTX VN dành nhiều thời gian đi thăm lại các vùng chiến trường xưa, thăm các đồng nghiệp ở các cơ quan thường trú mà trước đây anh chưa có dịp đi thăm hết.

Nhà báo Đoàn Xuân Hải báo Thanh Niên sau khi nghỉ hưu đã được mời làm cố vấn cho một công ty du lịch. Anh cho biết nhờ có công việc này mà lúc nào anh cũng cảm thấy trẻ trung và luôn hoạt động hết công suất. Nhưng đáng tiếc vì ảnh hưởng dịch Covid-19 nên anh lại vừa phải nghỉ hưu lần hai.

Trong khi các nhà báo nghỉ hưu có thêm nhiều hoạt động ngoài nghề báo, thì hai nhà báo Lưu Đình Triều (Báo Tuổi Trẻ) và nhà báo Huỳnh Dũng Nhân (Hội Nhà báo TPHCM) vẫn còn tơ duyên với nghề nghiệp. Hai nhà báo này được Trung tâm báo chí (Sở Thông tin Truyền thông) mời làm cố vấn, tham gia các hoạt động biên tập, tham mưu nội dung hoạt động, giảng dạy.

Những nhà văn nhà báo “không biết nghỉ hưu” và dùng FB để làm công tác xã hội trên đất nước ta còn rất nhiều mà trong bài báo nhỏ này chúng tôi không thể kể ra hết được. Nhưng có thể nói một điều rằng, trong những trường hợp khi còn làm việc hay khi nghỉ hưu như thế, các nhà báo luôn là những người luôn muốn sống hữu ích, họ không bao giờ muốn bị tụt hậu và cũng không muốn bị lãng quên.