Mình là người Việt, được nuôi dưỡng bởi văn hóa Việt, thì tư duy của mình, muốn hiện đại, đổi mới đến đâu, vẫn có nguồn gốc từ truyền thống. Điều gì nuôi dưỡng tâm hồn mình từ ấu thơ, nó mặc nhiên sẽ hiện lên trong câu chữ, không cần phải cố gắng.
Nhà thơ Nguyễn Bảo Chân: Tôi muốn hướng tới sự chuyên nghiệp trong lao động chữ nghĩa
Nhà thơ Nguyễn Bảo Chân sinh năm 1969, là một trong những gương mặt thơ hiện đại, có tiếng nói riêng trên thi đàn Việt Nam. Thơ chị còn được bạn bè nước ngoài biết tới và yêu thích qua nhiều Liên hoan Thơ quốc tế bởi lối tư duy, cách viết mới mà vẫn phảng phất bóng dáng truyền thống, ngôn ngữ đẹp, độc đáo, trầm tích những tầng ý nghĩa. Nhiều năm qua, Nguyễn Bảo Chân vẫn lặng lẽ, miệt mài sáng tạo, cầu toàn, kỹ lưỡng trong lao động chữ. Chị có cuộc trò chuyện chia sẻ về nghề với phóng viên Báo Nhân Dân.
Nhà báo Phan Thanh Phong (PTP): Chị đến với thi ca như thế nào?
Nhà thơ Nguyễn Bảo Chân (NBC): Tôi làm bài thơ đầu tiên năm sáu tuổi, về cái cặp sách tôi mang theo tới trường. Bài thơ trong trẻo, ngô nghê, nhưng đầy tình cảm, mà tôi cũng không nhớ cụ thể nữa. Tôi viết, đại ý là cặp sách làm ấm lưng tôi. Nó đựng sách vở, bút, bảng đen, đựng cả mơ ước của tôi. Tôi đọc cho bố tôi nghe. Bố tôi bảo: “Tốt đấy, con cứ viết tiếp đi và hãy viết về những điều gần gũi, thân thuộc nhất với con”. Đó là cách tôi đến với thơ ca. Thơ như người bạn, như tri kỷ, chia sẻ với tôi trong mỗi ngày sống, đặc biệt những lúc buồn.
PTP: Đấy cũng là quan niệm về thơ của chị?
NBC: Nếu cần phải nói về quan niệm thơ, thì tôi nói thế này: Thơ là tư duy được thể hiện qua tinh chất của ngôn ngữ. Tôi đang có bản thảo một tập thơ mới, Bóng của ý nghĩ. Những ý nghĩ, những tư duy của nhà thơ, đó là triết lý nhân sinh, là tình yêu, là những vấn đề xã hội, hay bất kỳ cái gì phải được chuyển tải qua ngôn ngữ đẹp và chắt lọc. Tôi thích thơ có ngôn ngữ đẹp. Nó đi vào lòng người theo kiểu lặng ngấm, với những tầng trầm tích. Như nước hoa có nhiều tầng hương. Lớp hương ban đầu có thể sốc trực diện vào cảm giác, nhưng dần dần, nó ngấu vào ta, và sau mỗi một tầng ấy, mùi hương càng tinh tế hơn, sâu hơn. Mỗi người sẽ thẩm thấu các tầng hương thơm theo một “cơ chế” riêng của thân thể họ. Cũng như vậy, mỗi bạn đọc sẽ hiểu những tầng ý nghĩa của ngôn ngữ trong bài thơ họ đọc theo trải nghiệm riêng, bằng tư duy của họ.
Tôi quan niệm về thơ như thế, và hướng tới điều đó trong lao động chữ nghĩa của mình.
PTP: Thơ chị có sự tìm tòi, sáng tạo về ngôn ngữ cũng như cách viết, cách thể hiện mới, với những triết lý hàm súc, sâu lắng được ẩn trong cái trữ tình của một tâm hồn đa cảm. Chị nghĩ gì về yếu tố truyền thống và hiện đại trong thơ?
NBC: Khi viết, tôi không phân biệt truyền thống hay hiện đại. Mình là người Việt, được nuôi dưỡng bởi văn hóa Việt, thì tư duy của mình, muốn hiện đại, đổi mới đến đâu, vẫn có nguồn gốc từ truyền thống. Điều gì nuôi dưỡng tâm hồn mình từ ấu thơ, nó mặc nhiên sẽ hiện lên trong câu chữ, không cần phải cố gắng. Còn cái mà mọi người hay gọi là đổi mới, là hiện đại, thì mỗi nhà thơ phải tìm cách riêng. Để định danh trong một nền thi ca, phụ thuộc vào tài năng thiên phú của nhà thơ đã đành, nhưng nhà thơ ấy còn phải nỗ lực rất lớn. Nỗ lực lao động chữ nghĩa để không mòn cũ, để đổi mới mình. Nhà thơ phải đọc nhiều, phải học hỏi, xem người ta như thế nào, và mình sẽ thế nào, để không lặp lại ai và không lặp lại chính mình.
PTP: Thường, viết một bài thơ với chị có dễ dàng không hay là một cuộc vật lộn, trăn trở về chữ nghĩa?
NBC: Thơ cứ nhẹ nhàng, lặng lẽ đến với tôi, có chăng ở mỗi giai đoạn cách bắt đầu khác nhau một chút. Hồi mười tám đôi mươi, cảm xúc đến trước, nó ùa lên trang giấy, cứ thế viết ra rất nhanh. Bây giờ chậm lại, và ý tưởng thường đến trước. Có ý rồi, mình mới xây dựng thành bài thơ. Nhiều khi viết ra, đọc thấy chưa ổn, lại sửa, có khi cả chục lần. Thí dụ như từ này cần phải đổi bằng từ khác thì nó nặng hơn, hay nó nhẹ hơn; nó thấm hơn, nó sâu hơn, hay nó thoảng qua như một cơn gió thôi, nếu câu thơ cần phải thế.
PTP: Nếu phải tóm lại về nghệ thuật thơ của Nguyễn Bảo Chân thì đấy là gì?
NBC: Tôi muốn hướng tới sự chuyên nghiệp. Ở đây là sự chuyên nghiệp về lao động chữ nghĩa, nó không thể dễ dãi. Tôi muốn tư duy của mình, điều mình ngẫm ngợi phải được chuyển tải bằng những ngôn từ đẹp và có những tầng ý nghĩa, những tầng trầm tích. Theo năm tháng, tôi trưởng thành hơn, trải nghiệm hơn thì những tầng ý nghĩa ấy, những tầng trầm tích của ngôn ngữ ấy phải nhiều hơn. Những “vỉa quặng” nằm sâu trong cảm giác, trong tư duy. Bạn đọc sẽ khai phá những tầng ngôn ngữ ấy, ý tứ ấy, tư duy ấy bằng chính kinh nghiệm cuộc đời họ và bằng chính cảm giác của họ.
PTP: Chị đã in bao nhiêu cuốn thơ?
NBC: Cho đến bây giờ tôi mới có ba cuốn sách đã in, và một cuốn chuẩn bị in, mỗi cuốn khoảng 40 bài. Cuốn sách thứ 3 của tôi, “Những chiếc gai trong mơ”, ra mắt năm 2010. Tôi viết nhiều, vài trăm bài trong mười năm trở lại đây, nhưng rất cân nhắc, thận trọng khi chọn lựa để xuất bản.
PTP: Vì sao?
NBC: Vì người đọc thơ thực sự quá ít. Sách ra xong, có khi chẳng ai đọc. Tôi không muốn ào ào xuất bản. Mỗi giai đoạn viết, tôi cần phải giới thiệu với bạn đọc một cái gì đấy khác trước đôi chút.
PTP: Vì sao chị hiếm khi có mặt tại các sự kiện, không gian thơ trong nước nhưng lại là một trong số ít các nhà thơ Việt Nam xuất hiện nhiều tại các sự kiện thơ nước ngoài?
NBC: Tôi công tác tại Đài Truyền hình Việt Nam, chuyên làm mảng phim tài liệu chân dung văn nghệ sĩ và một số phim về văn hóa, công việc khá bận. Đôi khi lời mời đọc thơ lại đến đúng lúc tôi đang phải quay phim hay dựng phim, nên tôi không thể tham dự. Thật ra, tôi cũng từng có mặt ở những cuộc đọc thơ như Ngày Thơ Việt Nam tại Văn Miếu. Tôi nhận thấy một điều, người ta đến đó không phải để nghe thơ. Những nơi như thế, thường thì người đọc thơ cứ đọc, người tới dự cứ nói chuyện riêng, hoặc đi đi lại lại, rất ồn ào. Bài thơ dẫu hay đến đâu, giọng đọc hùng hồn, du dương đến cỡ nào, nhưng mấy ai lắng nghe và cảm nhận được giữa một chốn hội náo nhiệt như vậy?
Tôi có may mắn là thành thạo tiếng Anh, nói được một chút tiếng Pháp, nên từ năm 2002 đến nay, tôi được mời dự khá nhiều liên hoan thơ quốc tế. Điều khiến tôi hạnh phúc là ở những liên hoan thơ đó, thơ thực sự có công chúng. Tôi có ấn tượng sâu sắc nhất với Liên hoan Thơ Quốc tế Medellín (Colombia) năm 2008. Ở đó, tôi không chỉ đọc thơ mình, mà còn mang theo thơ của 10 nhà thơ Việt Nam mà tôi thích, trong đó bảy người có sẵn bản dịch tiếng Anh, ba người chưa có thì chính tôi dịch thơ họ. Tôi muốn giới thiệu với bạn bè quốc tế một phần nhỏ của thi ca hiện đại Việt Nam, qua góc nhìn khiêm tốn của tôi. Sau liên hoan Thơ năm ấy, Ban Tổ chức nhờ tôi giới thiệu một nhà thơ Việt Nam khác cho năm kế tiếp. Người đầu tiên tôi nghĩ đến là nhà thơ Nguyễn Quang Thiều. Và nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đã rất thành công ở Medellín. Sau nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai và nhà thơ Hàn Thủy Giang cũng lần lượt tham dự sự kiện thơ lớn này. Tôi nghĩ, chúng tôi, những ai từng đọc thơ ở Medellín đều có chung nhận định rằng, công chúng thơ ở đó thật tuyệt vời. Trong không gian đọc thơ lớn như một nhà hát ngoài trời, mấy nghìn người ngồi nghe thơ, im phăng phắc. Sau mỗi bài thơ là tiếng vỗ tay, tiếng reo hò vang dội. Có đêm, họ nghe thơ dưới mưa; Họ che áo mưa, che dù để ngồi lại với thơ đến phút cuối cùng. Tôi đã đọc thơ mình trên sâu khấu ấy, đọc bằng tiếng Việt, rồi tiếng Anh, sau đó có người đọc bản dịch tiếng Tây Ban Nha. Họ nghe thơ một cách nồng nhiệt như đang xem live show ca nhạc vậy. Các nhà thơ được cổ vũ như cách người hâm mộ cổ vũ những ca sĩ ngôi sao. Rất hào hứng! Tôi ao ước ở Việt Nam có những không gian thơ như thế!
PTP: Điều gì ở thơ chị khiến bạn bè quốc tế đón nhận? Theo kinh nghiệm của chị, để thơ ca được quảng bá với thế giới thì nhà thơ Việt Nam phải hướng tới điều gì?
NBC: Tôi nghĩ, có lẽ bạn bè các nước hiểu tôi vì tư duy của tôi được chính tôi chuyển tải sang tiếng Anh, gần với tư duy của họ. Theo tôi, muốn quảng bá thơ Việt ra thế giới, các nhà thơ phải có ý tưởng. Viết có ý tưởng là tiêu chí tôi luôn hướng tới. Mỗi ngôn ngữ sẽ biểu đạt ý tưởng bằng một cách riêng. Tôi may mắn quen thuộc với tiếng Anh, một ngôn ngữ khác ngoài ngôn ngữ mẹ đẻ, và tôi đã tìm cách chuyển tải ý tưởng tôi muốn sang ngôn ngữ ấy, nên nó phần nào đến được với bạn đọc cũng như người nghe ở các liên hoan thơ quốc tế. Rồi qua cách đọc bản tiếng Việt, tôi muốn họ hiểu cái hay, cái đặc sắc của giai điệu thơ Việt Nam. Tiếng Việt mình nhiều thanh điệu, chỉ cần nói lên, đọc lên là như hát rồi. Tôi đã thể hiện thơ tôi bằng một vài cách truyền thống như hát ru, hay ngâm kể cả những bài theo lối tự do, điều ấy vô cùng quyến rũ người nghe nước ngoài. Qua giọng ngâm của chính nhà thơ, bài thơ như cất cánh. Cộng với bản tiếng Anh, người nghe hiểu ý tưởng của tôi, nên họ dễ dàng đồng cảm.
PTP: Chị dịch thơ mình như thế nào? Thơ chị, bản tiếng Việt và bản tiếng Anh có trung thành với nhau không, hay là một sự sáng tạo khác?
NBC: Đầu những năm 2000, tôi bắt đầu viết bằng tiếng Anh. Khi tôi nghĩ đến một điều gì, thì ý nghĩ ấy xuất hiện trong cả hai ngôn ngữ. Bản tiếng Anh và bản tiếng Việt của tôi trung thành về ý tưởng, đương nhiên, nhưng về ngôn ngữ không hoàn toàn giống nhau từng từ (word by word), bởi như tôi đã nói, mỗi ngôn ngữ có một lối biểu đạt khác. Vấn đề là mình phải thân thuộc với cả hai ngôn ngữ thì sẽ chuyển tải được đúng ý mình muốn. Viết bằng tiếng Anh, là một lần sáng tạo mới. Đây là điều may mắn của tôi. Tôi không dám chắc tiếng Anh của tôi tốt đến đâu. Nhưng ngôn ngữ ấy thực sự gần gũi thân thuộc với tôi hơn 20 năm nay. Nó ở trong buồn vui của tôi, trong mỗi ngày tôi sống, nên đã tự bật ra theo cách của nó. Tôi chỉ có thể gọi là bản tiếng Việt và bản tiếng Anh. Tôi không muốn gọi là bản dịch, bởi vì thật ra tôi không dịch.
PTP: Chị có đọc nhiều thơ Việt Nam hiện nay không? Chị thấy các tác giả trẻ thế nào?
NBC: Bây giờ, dẫu bận rộn đến đâu, tôi vẫn dành thời gian đọc sách mỗi ngày, như một thói quen. Tôi là người làm thơ hướng tới chuyên nghiệp, nên tôi phải đọc cả thơ, để xem người khác viết gì. Tôi không thể bao quát rộng và tìm hiểu sâu như các nhà nghiên cứu, nhưng qua những gì tôi đã đọc, thì phải nói thật, ấn tượng đọng lại trong tôi vẫn là thơ của một số nhà thơ đã định danh, còn những người mới, hầu như chưa ai làm tôi phải nhớ. Tôi thấy cách viết của họ cứ na ná nhau. Nhiều người vẫn du dương gieo vần, với các từ, các thi ảnh đã cũ. Hoặc có không ít người cố tìm đến những cái rối mù để chứng tỏ đang mới, đang hiện đại. Nhưng thật sự, hiện đại không phải thế. Muốn hiện đại gì thì hiện đại, phải có cơ bản đã. Một nhà thơ định nói gì với độc giả qua bài thơ của mình? Đó là điều quan trọng nhất. Nếu ôm đồm, muốn nói rất nhiều trong rừng câu chữ rậm rạp, thì một độc giả như tôi không thể nắm bắt được. Giống như một họa sĩ vẽ trừu tượng, tung trăm thứ mầu lên toan, kệ ai muốn hiểu sao thì hiểu. Tôi cho rằng, với tài năng đích thực, dù tả thực hay trừu tượng, tối giản hay phá cách thế nào, nó vẫn chạm được vào cảm xúc và suy nghĩ của người xem . Còn nếu cố tỏ ra trừu tượng, hiện đại, mà chẳng ai hiểu cả, thì sao có thể đọng lại điều gì. Văn học, nghệ thuật còn có ý nghĩa gì, nếu không phải là để chia sẻ, làm cầu nối cảm xúc và tư duy của tác giả với công chúng?
Cuối năm 2017, tôi tham gia một workshop văn chương kéo dài một tháng tại Trường đại học Baptist Hong Kong. Trong workshop, họ mời tôi và một nhà thơ người Myanmar sống và làm việc tại Anh, làm giám khảo cuộc thi thơ giữa những sinh viên khoa sáng tác của trường (Creative Writing Department). Tôi thấy các bạn ấy làm thơ rất mới, có nhiều ý tưởng lạ, độc đáo. Cũng có một số bạn viết được sonnet, một lối thơ cổ, có nguồn gốc từ Ý, mười bốn dòng, niêm luật và cách gieo vần cực kỳ nghiêm ngặt, chặt chẽ. Vậy mà các bạn ấy viết rất chuẩn, với những ý tưởng hiện đại. Họ đã thổi vào thơ tinh thần mới mẻ của một thế hệ công dân toàn cầu, với biên độ quan tâm rộng, từ nền tảng kiến thức và văn hóa vững vàng. Điều này tôi thấy hơi ít ở thơ của những bạn trẻ Việt Nam hiện nay.
PTP: Lớp trẻ bây giờ được đào tạo bài bản hơn, có nhiều lợi thế, cơ hội hơn thế hệ đi trước, vì sao ít ai trong họ định danh, định vị được mình, chị có kiến giải nào về điều này?
NBC: Có thể vì thơ ca đối với họ chỉ là phụ, chẳng quan trọng gì; Như nhiều người vẫn nói: chỉ là cuộc chơi thôi. Còn với tôi, thơ ca cũng chẳng nuôi sống tôi, nhưng tôi chưa bao giờ coi nó là một cuộc chơi. Nó là một phần cuộc sống, là sự lao động nghiêm túc của tôi!
PTP: Chị có đọc các tập thơ được giải thưởng không, có vẻ như chị ít mặn mà với việc gửi thơ dự giải?
NBC: Tôi cũng đọc một số các tập thơ được giải thưởng. Gần đây nhất là sách của anh Trần Quang Quý và chị Trần Kim Hoa. Tôi thấy họ là những nhà thơ rất vững vàng, có cách biểu đạt riêng. Anh Trần Quang Quý là người rất hiện đại, mới mẻ, một tác giả có dấu ấn khá đặc biệt. Chị Trần Kim Hoa thu hút người đọc bởi nữ tính tràn trề trong thơ. Chị ấy nhìn cuộc đời, kể cả nỗi đau một cách thật nhân hậu, dịu dàng.
Tôi xuất bản sách không nhiều và có lẽ tôi chưa có duyên với các giải thưởng. Với bất cứ ai ở lĩnh vực nào, được giải thưởng là vinh dự, kể cả giải thưởng của một hội làng, hay là một tổ chức chuyên nghiệp.
PTP: Công việc sáng tạo thi ca có phụ thuộc tâm trạng sống, tâm trạng yêu của chị không?
NBC: Thời trẻ, làm thơ bằng cảm xúc, nên thơ phụ thuộc vào tâm trạng. Còn bây giờ, tôi không bị tâm trạng chi phối nhiều lắm. Xưa vui buồn là ngay lập tức viết ra, nhưng giờ tôi phải lùi lại đã. Lùi lại sau mọi cảm xúc của mình, rút ra điều gì đó, và viết nó bằng trải nghiệm, với ngôn ngữ chắt lọc nhất. Tất cả những bài thơ của tôi, nhiều năm qua đều được viết theo cách ấy. Có những câu thơ, tôi viết cả năm trước, rồi để đấy. Một năm sau đọc lại, tôi mới bắt đầu phát triển nó thành bài. Tôi lùi lại để nhìn thấy chính mình.
PTP: Một nhà thơ chuyên nghiệp là như thế nào?
NBC: Một nhà thơ chuyên nghiệp là làm chủ được ngôn ngữ của mình, làm chủ được tư duy của mình.
PTP: Sống đẹp và viết đẹp là điều chị luôn trăn trở, đúng không?
NBC: Tôi là người duy cảm, duy mỹ. Tôi thích cái gì cũng phải đầy cảm xúc, và đẹp, lại phải được sắp xếp bằng một tư duy minh triết. Càng sống, càng đi, càng trải nghiệm, tôi càng phải nỗi lực học hỏi để hướng tới điều đó.
PTP: Trân trọng cảm ơn chị với cuộc trò chuyện cởi mở!