Cách dạy học lễ như ông hiệu trưởng, bà hiệu phó, cô chủ nhiệm lớp 10 của em Y là… phi lễ nghĩa, phản lễ nghĩa, phản khoa học. Bắt N.T.N.Y đi sớm từ 6h30 trong vòng 2 tuần, để giáo viên giáo dục, rèn luyện về quy tắc ứng xử. Bêu tên học sinh trước toàn trường. Chẳng khác gì giáo dục thời phong kiến độc tài, độc trị.

 

KỶ LUẬT HAY TRỪNG TRỊ HỌC SINH?

SƯƠNG NGUYỆT MINH

 

Y như giọt nước tràn li, giống hệt nước sôi tung nắp nồi,… cũng là giới hạn chịu đựng quá ngưỡng thì bùng nổ. Nữ sinh lớp 10 Trường Trung học phổ thông Vĩnh Xương (An Giang) tìm đến cái chết bằng thuốc chữa hen xuyễn để chứng minh mình không sai khi bị nhà trường xử lý vi phạm. Cũng còn may là cuộc tự tử không thành, nhưng chấn thương tinh thần học sinh và lối hành xử của nhà trường thì hậu quả kéo dài chẳng biết đến bao giờ hết.

***

Nguyên nhân nữ sinh N.T.N.Y tìm đến cái chết bắt đầu bằng việc nhà trường tổ chức học thêm 6 môn và thu học phí 1,2 triệu đồng, nhưng Y chỉ học thêm môn Tiếng Anh. Chưa hết, giáo viên chủ nhiệm còn nói em mặc áo dài mỏng, lộ "nội y" khiến các bạn ì sèo, rồi Y ngại ngùng, mặc cảm tội lỗi. Sau đó, nhà trường mời gia đình đến làm việc, yêu cầu Y viết kiểm điểm, bêu tên trước toàn trường trong buổi chào cờ. Ông Nguyễn Việt Hùm - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Vĩnh Xương ký thông báo nữ sinh N.T.N.Y lớp 10A4 đã vi phạm điều lệ trường năm học 2020 - 2021:

"Phản ánh với gia đình sự việc xảy ra ở trường không đúng sự thật gây hiểu lầm trong quan hệ nhà trường và gia đình. Gây ảnh hưởng không tốt đến danh dự và uy tín nhà giáo. Sử dụng điện thoại di động để ghi âm giáo viên trong giờ học". Chưa hết, "em Y. còn bị viết kiểm điểm và thực hiện cấm túc hằng ngày trong vòng 2 tuần, từ 1-12/12". Vẫn chưa hết, hàng ngày nữ sinh Y. còn phải đến trường sớm để 2 cô giáo, trong đó có cô Huệ, dạy dỗ, rèn luyện về Quy tắc xứng xử đạo đức và tham gia lao động tại trường. Oan ức. Xấu hổ. Em viết hai bức thư tuyệt mệnh, và tìm cách đi đến cái chết để chứng minh mình không sai. Vậy là, lẽ ra phải biến cái phức tạp thành cái đơn giản, biến cái to tát, dữ dội thành cái nhỏ bé, giản dị với tấm lòng bao dung, nhân ái học đường thì các vị lãnh đạo nhà trường lại áp dụng cách thức kỉ luật như trừng trị. Bão tố đổ lên đầu, thì cô bé 14 tuổi như cây non không có khả nawg phòng vệ, chịu sao nổi?

***

Cái sai trái bắt đầu từ đâu?

Trước hết, Ban Giám hiệu Trường THPT Vĩnh Xương đã tổ chức dạy thêm, học thêm mới sinh ra hàng loạt cái sai chồng chất cái sai. Y vốn là học sinh giỏi 9 năm liền, em và gia đình không muốn chịu áp lực học hành nặng nề, nên xin chỉ học lớp trung bình, thay vì lẽ ra học lớp chọn. Tự tin với học lực, em chỉ đăng ký học môn Tiếng Anh. Vậy là, “Khi đóng tiền học thì cô thủ quỹ khó chịu và nói sẽ báo lên ban giám hiệu để xử lý. Cô giáo chủ nhiệm có gặp và nói dù học một môn cũng phải đóng tiền tất cả các môn học và mời phụ huynh lên làm việc”. Có lẽ nào tiền bạc ngoài chợ búa lại len lỏi vào tận ngăn kéo học đường?

Sau nữa là "… cô giáo hay đập bàn và lớn tiếng khi nói chuyện với em nhưng khi gặp gia đình lại thay đổi thái độ. Chính vì vậy, gia đình đã yêu cầu Y. xin lỗi và nhận sai. Sợ không ai tin mình, Y. đã dùng điện thoại ghi âm để làm bằng chứng".

***

Thế rồi, sự việc cứ trượt đi. Một bên là học sinh, một đằng là nhà trường. Hàng loạt các biện pháp được cô giáo đưa ra áp dụng: "…ở trong lớp Y. bị tách khỏi các bạn hay trò chuyện cùng mình", "cô giáo chủ nhiệm thỉnh thoảng lên lớp nói dạng ám chỉ có một bạn trong lớp gây ảnh hưởng mất đoàn kết", "cô giáo phát tờ thông báo kỷ luật vì ghi âm giáo viên và gây hiểu nhầm trong quan hệ nhà trường và gia đình vì phản ánh không đúng sự thật", "cô giáo còn yêu cầu em viết bản tự kiểm điểm để đọc trước toàn trường trong giờ chào cờ vào thứ 2"…vv. Áp lực chồng chất. Bủa vây. Và kết quả là một cái chết đang được báo trước, nhưng cả lãnh đạo, giáo viên nhà trường không nhận ra, không có biện pháp ngăn chặn và hóa giải.

***

Dạy thêm, học thêm được ngụy trang bằng mỹ từ… phụ đạo, dĩ nhiên phải thu học phí là vi phạm Luật Giáo dục và Thông tư số 17 năm 2012 của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Việc học thêm, dạy thêm đã đẻ ra không biết bao nhiêu hậu quả tai hại, đến mức nhà nước phải cấm. Bản chất học thêm dạy thêm nhuốm mùi tiền bạc ngày nay, khác hẳn với thời trước chúng tôi đi học được "phụ đạo". Học sinh giỏi thì bồi dưỡng nâng cao kiến thức, kĩ năng làm bài. Học sinh kém thì được ôn tập để lấp lỗ hổng kiến thức, và nắm bài thêm vững. Những tiết phụ đạo của thầy cô luôn là những những tiết học đầy hứng thú, hiệu quả. Đặc biệt là không thấy nhà trường thu tiền. Một thời nghèo khó mà ấm áp tương thân tương ái đã qua. Bây giờ, thời kinh tế thị trường rồi, mỗi thời một khác, không hoài cổ, nệ cũ đến mức phải lấy chuyện phụ đạo ngày xưa làm chuẩn mực, nhưng học thêm phải theo nhu cầu, yêu cầu, chứ không phải là bắt buộc. Học sinh nào tự nguyện, phụ huynh nào có nhu cầu bổ xung kiến thức, nâng cao trình cho con mình thì thuê thầy đến nhà hoặc đưa con đến trung tâm mà học. Chứ cái cách tổ chức học thêm 6 môn, thu 1,2 triệu đồng/1 học sinh, em nào không học hoặc học không đủ các môn thì mặt nặng mày nhẹ, rồi trù úm, là hai lần phản giáo dục. Bắt cả nữ sinh N.T.N. Y học giỏi 9 năm với điểm tổng kết 8,9 đi học "phụ đạo" khi em ấy không có nhu cầu thì nhằm mục đích gì?

***

Các cụ ngày trước khuyên học trò "Tiên học lễ, hậu học văn". Cách dạy học lễ như ông hiệu trưởng, bà hiệu phó, cô chủ nhiệm lớp 10 của em Y là… phi lễ nghĩa, phản lễ nghĩa, phản khoa học. Bắt N.T.N.Y đi sớm từ 6h30 trong vòng 2 tuần, để giáo viên giáo dục, rèn luyện về quy tắc ứng xử. Bêu tên học sinh trước toàn trường. Chẳng khác gì giáo dục thời phong kiến độc tài, độc trị. Tôi không hiểu mấy thầy cô này có thuộc bài khi học "Phương pháp sư phạm" không, có thuộc bài khi hoàn thành học trình "Tâm lý học" không? Tuổi 13 - 14 là cái tuổi vị thành niên, trẻ con chưa qua, người lớn chưa tới, diễn biến tâm lý rất thất thường, phức tạp, dễ tổn thương, nhiều tự ái. Tuổi vị thành niên, cái tôi thì cao - cái ngã thì lớn. Giáo dục văn minh tiên tiến là kỷ luật hành vi chứ không kỷ luật con người. Uốn nắn, "chỉnh sửa và lên tiếng vì hành vi đó chứ không phải lên án vì con người đó". Cái cách dạy lễ bằng thông báo vi phạm trước đông bạn bè, và các biện pháp khác dường như đã cô lập nữ sinh bé bỏng này, còn nặng hơn là kỉ luật ghi học bạ. Nữ sinh Y lo sợ thế này “Em không biết mỗi ngày khi đến trường mọi người sẽ nhìn em như thế nào, nếu đọc bản kiểm điểm trước toàn trường". Nhưng, thầy hiệu trưởng, cô hiệu phó, cô giáo chủ nhiệm ở "ngôi" quan tòa xét xử đâu có biết học trò của mình hãi hùng, khiếp đảm thế nào khi bị "bêu tên".

***

"Tái ông mất mã", vụ việc nữ sinh lớp 10 Trường THPT Vĩnh Xương tìm đến cái chết để chứng tỏ mình không sai dù rất đau lòng, buồn bã, nhưng lại có cái được là để những sai phạm và giáo dục phản sư phạm ở ngôi trường này hiển lộ cho cả nước cùng biết. Nếu không, nó vẫn mãi mãi nằm trong bóng tối mà không bị chỉ mặt đặt tên. Sở Giáo dục - Đào tạo tỉnh An Giang đã nhận thấy công tác tổ chức, quản lý và biện pháp xử lý của "Trường THPT Vĩnh Xương có những sai sót, cần chấn chỉnh:

1. Tổ chức dạy thêm, học thêm trong trường không đúng với quy định của ngành.

2. Có hình thức phê bình, kỷ luật học sinh không đúng với quy định của ngành. Cụ thể, lãnh đạo trường đã nêu họ tên học sinh có vi phạm nội quy trường dưới cờ, làm ảnh hưởng đến tâm lý học sinh và là nguyên nhân dẫn đến sự việc xảy ra.

3. Biện pháp giải quyết, xử lý học sinh vi phạm nội quy nhà trường chưa phù hợp, hiệu quả, gây bức xúc đối với phụ huynh học sinh và bản thân học sinh".

***

Cái sai trái cũng đã được nhận diện và xử lý. Ông hiệu trưởng Nguyễn Việt Hùm bị đình chỉ công tác 15 ngày, và đề xuất kỷ luật cảnh cáo. Cô hiệu phó Nguyễn Ngọc Hạnh cũng bị xử lý, và cô giáo chủ nhiệm còn được cho là viết các lời bóng gió xúc phạm cô học trò nhỏ cũng đang được xem xét. Đơn của gia đình tố cáo các thầy cô này có dấu hiệu bạo hành tinh thần học sinh và vi phạm pháp luật đã được gửi các cơ quan có trách nhiệm. Có thể, mọi chuyện sẽ qua, và Trường THPT Vĩnh Xương cũng sẽ đi vào cuộc sống học đường thường nhật, tổng kết năm học này tốt đẹp hơn năm học trước. Nhưng, tâm hồn trẻ thơ của nữ sinh N.T.N.Y "bị thương tật" đến bao giờ liền sẹo, còn hàng ngàn học sinh của trường bị sang chấn thì đến bao giờ an lành, yên ổn và hình ảnh các thầy cô ấy bao giờ mới trong trẻo, lung linh trở lại trong mắt học trò?