Tạp chí TIME - Mỹ vừa công bố tên tuổi của người chiến thắng trong cuộc bình chọn “Trẻ em của năm”. Tham gia vào cuộc bình chọn lần này có 5000 trẻ em Mỹ, ở độ tuổi từ 8 đến 16. Người chiến thắng là bé gái GITANJIALI RAO, 15 tuổi.


GITANJIALI RAO đang theo học tại trường dành cho trẻ em có năng khiếu tại thành phố Cororado và chuẩn bị thi vào Trường đại học công nghệ Massachusetts. Gitanjiali Rao có nhiều phát minh trong môi trường IT, dịch tễ học và di truyền học. Dưới đây là cuộc trò chuyện giữa GITANJIALI RAO và ANGELINA JOLIE- nữ diễn viên, đạo diễn nổi tiếng của Hollywood, Đại sứ thiện chí của Cao ủy Liên Hợp quốc về người tị nạn

Jolie:

-Khi nào thì cháu biết rằng khoa học là niềm say mê của cháu?

Rao:

- Cháu không nghĩ có khoảnh khắc cụ thể nào cháu tự nhận ra mình thích khoa học cả. Cháu chỉ muốn luôn luôn nhìn thấy nụ cười trên gương mặt mọi người và mục đích hàng ngày của cháu là làm cho ai đó được hạnh phúc. Chẳng bao lâu ước mong này trở thành câu hỏi: Làm sao chúng ta có thể đem lại những điều tích cực và tính cộng đồng cho nơi mà ta đang sống?

Sau đó khi cháu học lớp hai hoặc lớp ba, cháu bắt đầu nghĩ tới việc ứng dụng khoa học và công nghệ để đổi thay xã hội. Khi khoảng 10 tuổi, cháu nói với cha mẹ, cháu muốn nghiên cứu về Công nghệ cảm biến sợi carbon siêu nhỏ tại phòng thí nghiệm Chất lượng nước tại Denver. Mẹ cháu há hốc mồm: “ Cái sợi gì cơ? “. Cháu nghĩ chỉ cần một vài thay đổi nào đó, công nghệ này sẽ đến tay người dung trong thời gian ngắn. Nếu không ai làm việc đó thì cháu sẽ làm.

Jolie:

-Thường thì những người ở thế hệ như cô chỉ dám làm gì không gây hậu quả quá lớn thôi. Nhưng thế hệ các cháu đã biết tự phải tìm tòi, nghĩ ngợi, phải thế không?

Cô biết rằng một trong những phát kiến gần đây của cháu nhắm tới việc ngăn chặn nạn bắt nạt trên Internet. Cháu có thể kể cho cô nghe việc này?

Rao:

- Dịch vụ đó tên là Kindly (gồm 1 app trên điện thoại và tiện ích mở rộng trên trình duyệt Chrome) áp dụng trí tuệ nhân tạo để phát hiện sớm nạn bắt nạt. Cháu nhập liệu một số ngôn từ thể hiện sự bắt nạt, sau đó hệ thống sẽ tự tìm những từ tương tự như vậy. Khi cô gõ một từ hay một đoạn câu lên điện thoại, chương trình sẽ nhận diện xem có sự bắt nạt trong đó không và nếu có, nó sẽ cho cô lựa chọn - hoặc là chỉnh lại hoặc là cứ tiếp tục gửi. Mục đích không phải để trừng phạt vì cháu biết thanh thiếu niên hiện giờ đôi khi thích nói chuyện đả kích. Chương trình này chỉ nhằm giúp các bạn ấy có thể suy nghĩ lại những gì đang nói và làm khác đi trong lần kế tiếp.

Jolie:

- Có nghĩa là cô chỉ cần cài nó lên điện thoại của con cô à?

Rao:

-Vâng. Cháu lấy ý kiến của các bậc làm cha làm mẹ, các thày cô giáo và các bạn học sinh nhưng thật lòng, cháu không nghĩ học sinh thích bị quản lí vi mô như vậy.

Jolie:

-Đúng thế. Các con của cô nói: “Đừng động tới điện thoại của con. Tự con làm lấy”.

Rao:

- Chắc chắn rồi, cháu cũng sẽ nói như vậy. Nhưng có nhiều bạn cùng trang lứa nói với cháu họ không cảm thấy bị quản lý vi mô bởi chương trình này mà họ được trao cơ hội để tự nhận ra sai lầm của mình trong việc phát ngôn trên mạng. Cháu thấy vui vì điều đó vì đây chính là mục đích của nó.

Jolie:

-Cách cháu nhìn nhận công nghệ như một công cụ để nhắc nhở mọi người và giúp họ phát triển là một hướng nhìn mới. Thật vui vì thấy có một phụ nữ, một nhà phát minh trẻ có cái nhìn cấp tiến như vậy.

Việc này ảnh hưởng đến cháu thế nào? Cô cho rằng phụ nữ rất có năng lực, nhưng trong khoa học và công nghệ họ còn quá ít...

Rao:

- Cháu không giống với nhà bác học hay xuất hiện trên truyền hình. Đó thường là một người đàn ông lớn tuổi, da trắng. Cháu cảm thấy lạ vì sao con người ta hầu như khi xác định vai trò cứ phải phụ thuộc vào giới tính, tuổi tác và màu da. Mục đích của cháu là tự mình chế tạo ra được những thiết bị, trước tiên là để giải quyết những vấn đề của thế giới, và sau là tạo cảm hứng cho những người khác làm theo. Bởi vì cháu đã tự nhận ra rằng nếu nhà khoa học nhìn khác người thì những người khác sẽ cảm thấy chỉ người đặc biệt mới làm được việc như vậy. Thông điệp mà cháu muốn mọi người cảm nhận là: à nếu cô bé này làm được thì tôi cũng làm được, ai cũng làm được.

Jolie:

- Cô biết cháu có những “khóa học dạy sáng tạo“. Hãy kể cho cô nghe về chúng nào.

Rao:

- Đó chỉ là những kinh nghiệm mà cháu muốn chia sẻ cho mọi người. Cháu nghiệm ra một quá trình hiệu quả mà hiện giờ cháu áp dụng vào mọi việc: quan sát, động não, nghiên cứu, xây dựng mô hình và trao đổi. Bắt đầu từ những thuyết trình và lên kế hoạch đơn giản, sau đó dần thêm vào những thí nghiệm, rồi các cuộc thi nho nhỏ mà sinh viên nào cũng có thể làm được. Trong khi đó, nhiều bạn sinh viên mà cháu tiếp xúc lại không biết khởi sự từ đâu. Nhưng nếu cung cấp cho các bạn ấy một tia sáng, một điểm tựa để khai mở, mọi sự sẽ thay đổi. Điều này có nghĩa là sẽ có thêm một người trên thế giới này đưa ra ý tưởng để giải quyết vấn đề.

Ở cuối mỗi buổi thảo luận mỗi con người đều nẩy sinh ý tưởng làm việc gì đó. Nếu ai cũng tập trung suy nghĩ về nó trong 45 phút hoặc một tiếng, hình dung thành quả sẽ thế nào nếu ta làm liên tục trong nhiều tháng liền. Cháu rất vui khi nhận được những bức thư điện tử, đại loại: “Xin chào, mình có mặt tại buổi thảo luận của bạn bốn tháng trước và giờ mình đã ra được sản phẩm rồi, mình vui quá: đó là đôi giày biết tự gọi 911 cho cảnh sát khi nguy hiểm“.

Jolie:

-Hiện nay cháu đang làm gì? Có những vấn đề mình không thể làm được, nhưng cũng có những vấn đề mình cần phải giải quyết.

Rao:

-Hiện nay cháu đang nghiên cứu phương pháp đơn giản để phát hiện ô nhiễm vi sinh trong nước, ví dụ như nhiễm ký sinh trùng. Cháu hy vọng rằng công việc này sẽ không cần tới những thiết bị chính xác và đắt tiền để người dân ở các nước thuộc thế giới thứ ba có thể nhận biết những gì đang có trong nước.

Jolie:

-Thế hệ các cháu quả là có một không hai. Các cháu không chỉ đơn giản chỉ tiếp nhận những kiến thức sẵn có mà còn biết đặt câu hỏi ngược lại và điều ấy rất quan trọng. Cô biết thế giới hiện giờ có rất nhiều vấn đề nhưng với những nghiên cứu về ô nhiễm nước, hình như vấn đề môi trường là thứ cháu quan tâm hơn cả?

Rao:

-Vâng. Thế hệ chúng cháu đang đối mặt với một số lượng rất lớn những vấn đề mà trước đây mọi người chưa bao giờ trải qua. Nhưng đồng thời tất cả những vấn đề cũ vẫn còn cả đó. Ví dụ như, cháu và cô đang sống trong cao điểm của một nạn dịch mang tính toàn cầu, nhưng ở đây lại có vấn đề về việc tôn trọng quyền của con người. Có những vấn đề mình không tạo ra nhưng mình cần phải giải quyết . Ví như vấn đề thay đổi khí hậu cũng như nạn bắt nạt trên internet.

Nói giản đơn ra là hãy tìm ra điều gì làm mình mê say và tìm cách giải quyết nó. Thậm chí đó là một việc nhỏ thôi, ví dụ như việc thâu gom rác. Mọi việc đều có ý nghĩa.  Đừng phải gắng gỏi nghĩ tới những gì to tát, lớn lao.

Phần lớn công việc của cháu là vấn đề vi sinh bẩn dưới nước được xác lập trên lĩnh vực di truyền học mà cháu vẫn đang cố tìm hiểu. Cháu cũng nghiên cứu sản phẩm giúp chẩn đoán sớm hội chứng nghiện thuốc điều trị (prescription-oipoid addiction) nhờ liệu pháp liên quan đến gene.  Cháu rất quan tâm tới lĩnh vực di truyền học. Vì cháu thích lĩnh vực này nên theo đuổi thôi.

Jolie:

-Cô thích khi cháu nói hãy tìm cách giải quyết vấn đề bạn quan tâm yêu thích nhất chứ đừng nên cố giải quyết tất cả mọi vấn đề. ( Còn khi cháu không làm tất cả những gì đặc biệt ấy - cô bỗng cảm thấy như mình đang trò chuyện với một nhà bác học 60 tuổi từ Geneva chứ không phải là một thiếu nữ 15 tuổi đang làm)  

Rao:

-Ồ không thật ra cháu đang làm nhiều việc của tuổi 15 trong thời kỳ cách ly này đấy chứ. Cháu nướng rất nhiều bánh. Một đôi khi trong nhà không còn trứng hay bột, chính vì vậy cháu buôc phải vào mạng để tìm kiếm ra công thức làm bánh quế mà không cần trứng, bột và đường. Và sau đó cháu gắng làm như chỉ dẫn.  Mới đây cháu làm bánh mì, bánh rất ngon và cháu rất tự hào với bản thân cháu.    

Jolie: Cô rất vui được hiểu hơn một chút về cháu. Cô chắc rằng trong tương lai gần cô sẽ được sử dụng một trong những phát minh của cháu, được dõi theo những đóng góp kế tiếp của cháu cho cuộc sống và tự hào “Tôi đã từng được gặp cô bé này”.

TÔ HOÀNG

( Chuyển ngữ )