Nhà văn Vĩnh Quyền nhận định: “Lê Thanh Phong có khả năng gây ngạc nhiên với cái tôi chuyển dịch: cái tôi nhà báo sắc cạnh cũng là cái tôi kẻ hành hương tự vấn và cả cái tôi nhà văn bút ký trữ tình. Từ phát hiện nhạy cảm đến bình luận gay gắt, từ cảm hứng bất chợt đến cảm xúc nguồn cội, từ tri thức đến ý thức và đến trách nhiệm trí thức - giao hội trong trang viết đa tình đa thanh.

 

NGƯỜI ĐEM TRỘN VÕ VÀO VĂN

 

ĐÀO ĐỨC TUẤN

 

Khoảng 30 năm trước, bọn lớp văn khóa tôi bỗng để ý một gã già già, lạ lạ học sau một khóa. Khi đó, tụi tôi vào đại học phần lớn cỡ mười tám đôi mươi, nên cỡ 25 trở đi đều xếp vào lứa già làng. Gã gầy gầy này nói giọng Huế.

Gã là nhà báo, nhà văn Lê Thanh Phong (còn ký Lê Chân Nhân, Chân Tâm, Chân Ngôn), sinh năm 1965 tại Huế, hiện ngụ TP Hồ Chí Minh, với các đầu sách đã xuất bản: Sự kiện và bình luận (NXB Hội Nhà văn 2014); Dân chúng đâu phải trẻ con (NXB Hội Nhà văn 2015); Bản cáo trạng của trời (NXB Hội Nhà văn 2016); Người Việt tử tế (viết chung với Nguyễn Một, NXB Phụ nữ 2017); Cho câu kinh bước tới (NXB Hội Nhà văn 2018). 

Người để lại nhiều giai thoại

Mới chân ướt chân ráo vào trường, gã đứng ngay ra chiêu sinh dạy võ. Thế là giảng đường trung tâm A24 (Trường đại học Đà Lạt) ban đêm trở thành võ đường ì xèo tiếng thét “kiai”, thầy trò trong trường lũ lượt kéo nhau đến gọi gã bằng... thầy. Thì ra, gã là võ sư đai đen karate tại Huế, từng về Sài Gòn dạy võ, rồi mới đi thi vào khoa văn đại học xứ cao nguyên.

Hồi ấy, vì nhiều lý do, hầu hết sinh viên Đà Lạt tụi tôi chỉ lo học một ngành đã mỏi. Vậy mà gã học cùng lúc mấy ngành. Ai xì xào chi, lão cũng kệ, chỉ thấy vừa dạy võ vừa đi học mà tốt nghiệp toàn loại ưu. Sau này gã thổ lộ: “Hồi đó đúng là tôi học nhiều ngành, nhưng chỉ tốt nghiệp cử nhân ngữ văn và luật thôi, còn tiếng Anh, tôi đang học dở năm 3 thì đi làm báo. Tại lúc đó học khoa ngữ văn, thấy đơn giản quá, thừa năng lượng nên tôi học thêm vài chuyên ngành nữa như tiếng Anh, châu Á học...”. Thực sự, gã là người để lại nhiều giai thoại ở cái trường đại học xứ sương mờ.

Bặt nhiều năm gặp lại, thấy đầu gã... nhẵn thín tóc. “Nó không mọc nữa thì thôi, đỡ thời gian gội đầu”, gã cười nhẹ nhàng. Hình như đời gã không có gì phải quá nặng nề. Chơi thì chơi say sưa như làm, làm thì làm say sưa như chơi. “Chắc do Sài Gòn nhiều chuyện chơi”, tôi đùa, còn gã cười hiền. 

Thực sự, khi hạ sơn làm báo ở Sài Gòn, chỉ trong khoảng mươi năm, gã trở thành một cây bút đắt sô, ký hàng loạt bút danh xuất hiện liên tù tì trên nhiều tờ báo lớn. Trong nghề mới hiểu, chuyện cày bừa báo chí nhọc bỏ xừ, viết để “chạy” được đã bở hơi, huống hồ gì “chạy sô”. Mảng gã thâm canh lại là thể loại bình luận bám theo dòng thế sự, với khẩu bút trực diện, nảy lửa trước các vấn đề bất cập xã hội.

Rồi gã vác ba lô đi khắp nơi trên thế giới... để viết du ký. Lưu lạc trên biển hồ, Lúa vẫn trĩu hạt trên đất Phù Tang, Miền ký ức Nga; Thăm nhà “Bác sĩ Paust”, Gió mây chở câu kinh bay đi... là những bút ký của gã để lại nhiều miên man cho người đọc. Rồi gã đắm đuối viết về những cuộc đời nghệ thuật, võ thuật, bạn chữ, bạn rượu... với giọng văn tuôn trào hào sảng, lung linh. 

Thi thoảng, gã tự luận: “Gác kiếm cầm bút đã hơn 10 năm, tự thấy sự trầm tĩnh và lòng hào hiệp thầy dạy tôi một thời nay đã mai một, dễ xúc động và hỉ nộ thất thường (…). Đối thủ lớn nhất trong cuộc đời là chính mình. Thắng mình rồi thì còn ai nữa mà thua?” (Tỷ thí). “Hình như ai cũng cố giữ gìn để chi tiêu đời mình một cách hợp lý, dẫu biết rằng điều đó chắc gì đã có lý như ta tưởng. Nhưng rồi ai cũng phải thế, chỉ uống thật khẽ thôi, phải không?” (Uống khẽ thôi). 

Không thỏa hiệp với các ác 

Bạn bè đồng nghiệp lứa trung niên, cứ gặp 10 ông là hết 9 thở than về sức khỏe. Vậy mà gã làm đủ chuyện, đi chơi đủ nơi mà vẫn như... thừa sức. Đặc biệt, nhiều đồng nghiệp tỏ ra ái ngại khi gã liên tục, bền bỉ và dũng mãnh với những bài báo “không kiêng dè” bao thế lực. Điều này chỉ có gã lý giải: “Bởi quá trình học võ với võ sư Nguyễn Văn Dũng, tôi được rèn luyện sức chịu đựng, kiên trì và nhiều đức tính khác; đã làm gì là tới cùng; có chất nghệ sĩ nhưng vẫn đầy chất chiến sĩ. Đặc biệt với cái xấu, cái ác thì không thỏa hiệp mà phải thẳng thắn, quyết liệt, nhưng nhân ái...”.

Mấy năm nay, qua nhiều kênh đó đây, tôi thấy gã bỗng nhiên dồn nhiều tâm sức làm công tác xã hội, tham gia điều hành dự án làm “xanh - sạch” Huế, rồi làm diễn giả các vấn đề truyền thông cộng đồng, bảo vệ môi trường. Việc gì gã cũng hồn nhiên hết mình, làm đến cùng để có hiệu quả. Tôi nhận ra một điều: gã sống có lý tưởng hẳn hòi, một lý tưởng quyện hòa của võ và văn. Và khi tâm tình tửu hậu, gã bộc bạch: “Cũng chẳng có lý tưởng chi ghê gớm. Ban đầu tôi đến với võ vì thích thôi. Chỉ khi lớn lên, được thầy dạy dỗ, thấy sáng ra, mới có mục đích thực sự. Đó là học hành tử tế để có được thành tựu cho bản thân, sau đó có thể làm được việc gì có ích”.

Về duyên viết của gã, nhà báo Tống Văn Công kể: Gã được “vua tôm” Võ Hồng Ngoãn ở Bạc Liêu xem là nhà báo thần tượng của mình. Một lần vua tôm đọc bài bình luận của gã bàn về nghề của mình đã vỗ đùi kêu lên “hay quá!”. Dò la tìm hỏi và biết gã đang làm báo ở Sài Gòn, ông gọi điện mời gã: “Tui muốn gặp anh quá! Nhưng tôi không thể bỏ mấy ruộng tôm để đi xa được. Anh chịu khó chạy xuống chơi với tôi một ngày thì vui quá. Tiền vé, tiền nhậu tôi xin lo hết”.

Trước chân tình của người bạn đọc, gã xếp việc vượt 300 cây số về Bạc Liêu. Vua tôm mở tiệc mừng hội ngộ nhà báo thần tượng, có mời khá nhiều bạn bè. Cả tiệc đặt rất nhiều câu hỏi về tình hình trong nước và quốc tế, tất cả đều được gã đáp lời thỏa mãn. Vua tôm vừa nghe vừa nói vào tai người ngồi cạnh: “Cha này viết hay mà nói cũng hay. Cái gì cha cũng biết, hèn chi viết đọc thật đã!”.

Tôi biết, nhiều người đã bắt được tấm chân tình, đam mê những điều cao đẹp khi gặp, khi đọc gã.