Nghệ sĩ Nhân dân Trần Thị Tuyết - nhân vật ngâm thơ nổi tiếng bậc nhất Việt Nam, đã qua đời lúc 15h ngày 28/11 tại TPHCM, hưởng thọ 90 tuổi. Linh cữu của Nghệ sĩ Nhân dân Trần Thị Tuyết được quàn tại nhà riêng 003 Chung cư Hồ Văn Huê, quận Phú Nhuận.
Nghệ sĩ Nhân dân Trần Thị Tuyết là người duy nhất trong lĩnh vực ngâm thơ nước ta được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân từ trước đến nay. Nghệ sĩ Nhân dân Trần Thị Tuyết sinh năm 1931 tại Hà Nội. Thừa hưởng tố chất nghệ thuật từ người mẹ là nghệ nhân ca trù Nguyễn Thị Phúc, Nghệ sĩ Nhân dân Trần Thị Tuyết đến với nghề ngâm thơ từ năm 1957.
Nghệ sĩ Nhân dân Trần Thị Tuyết là giọng ngâm thơ lừng lẫy trên Đài Tiếng nói Việt Nam. Sự xuất hiện của Nghệ sĩ Nhân dân Trần Thị Tuyết đã giúp chương trình “Tiếng thơ” mang lại xúc cảm thẩm mỹ đặc biệt cho công chúng.
Nghệ sĩ Nhân dân Trần Thị Tuyết là người có vinh dự được diễn ngâm những bài thơ chúc Tết của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào thời khắc giao thừa thiêng liêng mỗi độ xuân về. Rất nhiều lần, Nghệ sĩ Nhân dân Trần Thị Tuyết còn được ngâm thơ trực tiếp trước vị lãnh tụ dân tộc và rất được Bác Hồ tán thưởng.
Có những kỷ niệm khó quên khi được gặp Bác Hồ, mà Nghệ sĩ Nhân dân Trần Thị Tuyết từng kể lại như sau: “Biết đứa con trai đầu của tôi bị bại liệt, Bác vẫn luôn hỏi thăm, động viên rồi khuyên: “Dù thế nào cháu cũng phải cho bé đi học để sau này còn làm người có ích, tàn nhưng không phế!”. Nghe lời Bác, tôi đã cho cháu học đến hết lớp 10. Mấy năm tôi đi học bổ túc văn hóa ở Hưng Yên, biết tôi học xa nhà, ăn uống thiếu thốn nên mỗi lần vào ngâm thơ cho Bác nghe, Bác bảo tôi ở lại ăn cơm. Một lần, bữa cơm có cá rất ngon. Thấy tôi không dám ăn vì đó là tiêu chuẩn dành riêng cho Bác, Bác nói: “Cháu ăn đi, hôm nay Bác tiếp khách, phải nhịn miệng đãi khách chứ!”. Lúc ấy tôi thấy Bác Hồ giống như một người cha, người ông của mình”.
Là người bạn đời của Nghệ sĩ Nhân dân Trần Thị Tuyết, đại tá Nguyễn Như Thiện rất tự hào khi nhắc về vợ mình những năm tháng vượt qua khó khăn để miệt mài cống hiến: “Có lần bác Xuân Diệu, bác Cù Huy Cận, là hai nhà thơ nổi tiếng ở Việt Nam, đến tận nhà, rất thương, rất mến. Nhà tôi lúc đó khổ lắm, ở trong một cái gara ô tô cũ, mưa thì ướt. Thế mà các vị ấy vẫn đến động viên, chúng tôi cảm động lắm. Bản thân cô Tuyết cũng hăng hái lắm, đi tuyến lửa cũng không sợ, dám hy sinh. Tôi nghĩ rằng cô ấy có sự đóng góp nhất định, cùng với mọi người hào hứng góp cho cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đóng góp nhất định vào công việc chung của Đài Tiếng nói Việt Nam”
Từ ngày nghỉ hưu, Nghệ sĩ Nhân dân Trần Thị Tuyết chuyển vào TPHCM sinh sống và vẫn tiếp tục hoạt động nghệ thuật sôi nổi ở đô thị phương Nam.
Lúc 15h ngày 28/11, Nghệ sĩ Nhân dân Trần Thị Tuyết đã trút hơi thở cuối cùng ở tuổi 90, để lại một huyền thoại cho giới ngâm thơ Việt Nam.
Linh cữu của Nghệ sĩ Nhân dân Trần Thị Tuyết được quàn tại nhà riêng 003 Chung cư Hồ Văn Huê, quận Phú Nhuận, TPHCM, và được hỏa táng tại Bình Hưng Hòa vào sáng 30/11.